Hàng loạt vụ làm giấy tờ giả lừa tiền 'khủng'

Thứ Hai, 16/02/2015, 10:25
Một sự trùng hợp ngẫu nhiên khi vào thời điểm đầu năm 2015, Cơ quan điều tra thuộc Công an các địa phương khu vực Đồng bằng sông cửu long (ĐBSCL) lại đang cùng thụ lý điều tra những vụ án với các đối tượng có hành vi làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức để lừa đảo số tiền từ vài tỉ lên tới hàng chục tỉ đồng. Nhìn từ góc độ của các tổ chức, cá nhân trong quan hệ, giao dịch làm ăn, đây là những bài học cảnh giác cần lưu ý từ thực tế sông nước miền Tây.

Những ngày cận Tết Ất Mùi 2015, khi chúng tôi đến Công an quận Ninh Kiều (Cần Thơ) thì cũng là lúc nơi đây đang tập trung làm rõ hành vi của cặp vợ chồng mà cách nay một tháng đã cùng bị bắt tạm giam -  Nguyễn Chế Linh và Phạm Thị Diễm My (cùng 34 tuổi, ngụ tại quận Ô Môn, Cần Thơ).

Theo Cơ quan điều tra, làm việc tại  Công ty TNHH MTV Tài chính PPF Việt Nam (Công ty PPF, trụ sở chính tại TP HCM), Linh được phân công việc của một nhân viên hỗ trợ kinh doanh, cụ thể là phụ trách thu thập thông tin khách hàng để chuẩn bị hợp đồng tín dụng trả góp vay vốn công ty để mua hàng. Mỗi khi khách hàng đến nộp hồ sơ để vay tiền, Linh tiếp nhận giấy CMND,  hộ khẩu hoặc giấy phép lái xe (GPLX) của khách hàng, tiến hành photo, sau đó thông báo cho một số khách hàng biết rằng hồ sơ của họ không đủ điều kiện vay vốn để mua sản phẩm trả góp.

Lâm Bửu Chinh, Trương Văn Kiệt và Đoàn Hoàng Khải.

Việc tiếp theo của Linh là tự làm giả hợp đồng tín dụng bằng cách cạo sửa, thay đổi thông tin khách hàng (mà Linh từng nói rằng không đủ điều kiện) trên các loại giấy tờ mà Linh đã photo, để lập hồ sơ vay tiền trả góp của Công ty PPF rồi mua nhiều hàng hóa tại một số cửa hàng kinh doanh thuộc quận trung tâm  Ninh Kiều.

Kết quả điều tra bước đầu cho thấy trong các hợp đồng do Linh làm giả, Linh và My đã thay nhau ký tên vào. Linh chuẩn bị mỗi hợp đồng 3 sim điện thoại để "xử lý tình huống". Cụ thể, sim thứ nhất Linh dùng khai báo số điện thoại khách hàng vay; sim thứ hai Linh và My đóng giả người thân khách hàng (cha, mẹ, anh chị em trong nhà) để trả lời phỏng vấn với công ty khi có yêu cầu. Và sim cuối cùng Linh kích hoạt, để đổ chuông nhưng không nghe máy. Sau mỗi phi vụ thành công, Linh bỏ các sim đã dùng nhằm "cắt đuôi" với PPF.

Với thủ đoạn khá tinh vi như trên, chỉ trong thời gian 3 tháng năm 2014, Linh đã làm giả gần 40 hợp đồng, trong đó có 30 hợp đồng được duyệt để vay vốn, chiếm đoạt của Công ty PPF trên 230 triệu đồng. Đối với số hàng mà Linh mua qua phương thức trả góp, Linh bán lại cho người quen…

Cũng tại Cần Thơ, Cơ quan CSĐT vừa làm rõ đơn thư tố giác của ông Bùi Xuân Thu (ngụ phường An Thới, quận Bình Thủy). Qua điều tra, đúng như nội dung tố giác - Nguyễn Tấn Lộc (25 tuổi, ngụ xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ) từng có thời gian tham gia cá độ bóng đá, thua tiền dẫn đến thiếu nợ nhiều đối tượng ở ngoài xã hội.

Gia đình Lộc đã đứng ra trả tiền nhiều lần và khuyên Lộc nên tu tâm, dưỡng tính nhưng Lộc bỏ tất cả ngoài tai và còn dùng… giấy chứng minh CAND và thẻ Đảng viên mang tên mình rồi nhờ người quen bảo lãnh để gặp ông Thu xin thế chấp giấy tờ "độc" vừa kể để vay tiền nhiều lần, với gần 170 triệu đồng. Có điều, chỉ được thời gian đầu, Lộc "quên" trách nhiệm đóng lãi cho ông Thu rồi tìm cách lánh mặt, cắt liên lạc điện thoại với ông Thu…

Giám định giấy chứng minh CAND và thẻ Đảng viên của Lộc, Cơ quan điều tra phát hiện cả hai đều được làm giả.

Cũng với hình thức scan, rồi in màu, đối tượng Đoàn Hoàng Khải (ngụ xã Ninh Quới A, huyện Hồng Dân, Bạc Liêu) vừa bị Cơ quan CSĐT Công an huyện Hồng Dân đề nghị Viện Kiểm sát cùng cấp truy tố vì hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đầu tháng 7/2014, cùng lúc có hơn 100 hộ dân xã Ninh Quới phát hiện họ đã mua nhầm Chứng nhận bảo hiểm (CNBH) tai nạn điện giả. Theo lời của người dân, họ được một đối tượng bán mỗi CNBH với giá 100.000 đồng. Nhìn thấy có con dấu của Tổng Công ty Bảo hiểm Dầu khí (PVI) - Chi nhánh Tây Nam, phát hành, lúc đầu chẳng mấy ai nghi ngờ. Mãi cho tới khi PVI cho người xác minh, kết luận đó là những CNBH được làm giả, bà con mới tá hỏa.

Sau khi bị bắt, Đoàn Hoàng Khải khai nhận anh ta từng có thời gian làm việc cho PVI Chi nhánh Tây Nam. Sau khi nghỉ việc tại đây, Khải đã thực hiện ý định trước đó là in CNBH tai nạn điện bán lại cho người dân vùng xa, vùng sâu ở các huyện Hồng Dân, Vĩnh Lợi, Giá Rai, Hòa Bình (đều thuộc tỉnh Bạc Liêu) để kiếm lời. Khải khai nhận từ đầu năm 2013 đến nay, anh ta đã in 50 cuốn tương đương 500 giấy CNBH giả để lừa bán cho người dân.

Khi khám xét nơi ở của Khải, Cơ quan điều tra thu giữ 24 cuốn ấn chỉ bảo hiểm tai nạn điện giả và giấy giới thiệu bán bảo hiểm của địa phương.

Đi về vùng cuối đất Cà Mau, chúng tôi được nghe kể về "chiêu" của một nhân viên Bưu điện Văn hóa xã Thanh Tùng, huyện Đầm Dơi tên là Lâm Bửu Chinh (28 tuổi, ngụ ấp Tân Điền A, xã Thanh Tùng).  Đại tá Huỳnh Đồng Tâm - Trưởng Phòng CSĐT tội phạm kinh tế cho biết: Cơ quan điều tra cũng vừa ký quyết định truy nã đặc biệt trên phạm vi toàn quốc đối với Chinh vì hành vi lập khống lệnh phiếu gửi tiền để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.

Theo Cơ quan CSĐT, trong quá trình làm việc từ ngày 1/6/2013 đến 9/6/2013, Lâm Bửu Chinh đã phát hành… khống 7 phiếu chuyển tiền về Bưu điện TP Cà Mau với số tiền gần 600 triệu đồng. Chinh đã lấy địa chỉ Công ty XNK Minh Phú (phường 8, TP Cà Mau) tự rút số tiền gần 200 triệu đồng và nhờ ông Lâm Nhật Trường (ấp Cái Ngay, xã Thanh Tùng) rút 5 lần (cũng tại Bưu điện TP Cà Mau) với số tiền trên 384 triệu đồng để đưa cho Chinh, tiêu xài cá nhân.

Để thực hiện trót lọt hành vi kể trên, Chinh đã ghi khống tên 3 người chuyển tiền (trên 7 phiếu chuyển tiền); sau đó lợi dụng cơ chế, quy định quản lý dòng tiền gửi của khách hàng khá lỏng lẻo của Bưu điện huyện Đầm Dơi và Bưu điện tỉnh Cà Mau, cụ thể là các đơn vị này không thực hiện việc thu hồi tiền thừa của Bưu điện xã Thanh Tùng vào cuối ngày và lại cho Tùng mở cửa cơ quan làm việc luôn ngày Chủ nhật.

Thực tế, trước khi muốn ra tay lừa đảo ai đó, các đối tượng đều "soi" kỹ những kẽ hở hoặc thái độ mất cảnh giác từ phía "con mồi". Khi thấy hội đủ điều kiện, lập tức đối tượng không bỏ qua cơ hội. Kể lại hành vi làm… chứng thư bảo lãnh dởm để lừa đảo tiền tỉ một chủ cơ sở kinh doanh thức ăn thủy sản - Công ty TNHH T. (Cần Thơ), Thượng tá Nguyễn Văn Thảo - Trưởng phòng An ninh điều tra Công an TP Cần Thơ cho biết: các đối tượng đã đánh trúng vào lòng tham của "con mồi" là chẳng cần phải bỏ ra tài sản thế chấp, vẫn có được chứng thư từ những ngân hàng, lại là những ngân hàng tên tuổi.

Các đối tượng trong vụ án làm giả chứng thư ngân hàng.

Theo trình bày của ông N. - người của Công ty TNHH T., xuất phát từ việc sản xuất kinh doanh, ông được một phụ nữ giới thiệu rằng có nhóm người có thể làm giúp ông được chứng thư bảo lãnh thanh toán của ngân hàng để mua hàng (thức ăn thủy sản). Ban đầu, ông N. đinh ninh rằng là do những người này có mối quan hệ đặc biệt với các ngân hàng nên "chân trong, chân ngoài" làm được những tờ chứng thư mà chẳng cần khách hàng phải thế chấp tài sản. Thậm chí ông N còn nghĩ trước khi nhận lời giúp ông, họ đã có thông tin về ông, nên họ không lo chuyện rủi ro. 

Ông N kể, vào cuối tháng 9/2014, ông liên hệ và bộc lộ ý định làm chứng thư bão lãnh có giá trị 12 tỉ đồng. Khi nghe các "ân nhân"  đòi tiền bồi dưỡng số tiền tỷ lệ 9% trên giá trị chứng thư, nên ông N. chỉ làm chứng thư trị giá 5 tỉ đồng.

"Khi đã có chứng thư bảo lãnh giá trị 5 tỉ đồng, ông N. khá thuận lợi trong việc mua hàng với một đối tác là Công ty X. đặt tại KCN Trà Nóc (Cần Thơ). Đầu tháng 10/2014, ông N. đặt làm tiếp chứng thư bảo lãnh thứ hai với giá trị bảo lãnh 7 tỉ đồng. Thế nhưng khi cầm chứng thư trong tay, thực hiện giao dịch, đến ngày 8/10/2014, Công ty X. báo cho ông đấy là chứng thư dởm…" - một điều tra viên kể.

Quá trình thu thập thêm thông tin, 4 đối tượng lừa đảo đã bị lật mặt, gồm: Nguyễn Xuân Ánh (27 tuổi), Lý Thị Kim Ngân (40 tuổi), Huỳnh Tấn Vũ (30 tuổi, cùng ngụ TP HCM) và Nguyễn Văn Dũ (38 tuổi, ngụ Cần Thơ),

"Chứng thư mà 4 đối tượng vừa kể làm giả là của Ngân hàng TMCP Hàng Hải - Chi nhánh TP HCM" - Thượng tá Thảo cho biết.

Theo lời khai nhận của các đối tượng, sau khi biết ông N. có nhu cầu và tiếp nhận hồ sơ… xin được cấp chứng thư,  các đối tượng kể trên đã rất tích cực làm để sớm có "hàng" giao cho ông N.. Đối với chứng thư đầu, bọn chúng đã nhận đủ 450 triệu đồng từ ông N.. Không may cho cả bọn khi chứng thư bảo lãnh thứ hai, ông N. mới trả 300 triệu đồng, về Cần Thơ làm thủ tục mua hàng thì bị bên bán phát hiện, thông báo.

Theo Thượng tá Nguyễn Mậu Nhân - Phó Chánh Văn phòng Cơ quan CSĐT Công an TP Cần Thơ, qua theo dõi diễn biến tội phạm trên địa bàn các tỉnh miền Tây Nam Bộ, số vụ làm giả giấy tờ để lừa đảo thông qua các hoạt động giao dịch mua bán bất động sản có tăng về số vụ việc. "Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng rất tinh vi. Do vậy, có những vụ rất dễ làm cho cơ quan tiếp nhận đơn yêu cầu nghĩ đó là tranh chấp dân sự" - Thượng tá Nhân cho biết.

Chẳng hạn trong Chuyên án mà Cơ quan điều tra Công an TP Cần Thơ vừa sơ kết, đối tượng Trương Văn Kiệt - Giám đốc Công ty TNHH TM - XD Trương Hữu Tài (đặt tại thị trấn Trà Ôn, huyện Trà Ôn, Vĩnh Long) đã làm "sập bẫy" gần 20 người, chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng. 

Để làm giả Hợp đồng mua bán nhà số 22/2013/HĐMB-LTCT (Hợp đồng 22), lừa bán 2 căn nhà xây thô ký hiệu Block D21, nhà số 7, số 8 đường số 9 tại Khu đô thị mới (Khu Nam Cần Thơ) do Công ty TNHH Long Thịnh Cần Thơ làm chủ đầu tư, công ty của Kiệt từng là đối tác của Công ty Long Thịnh Cần Thơ, và hai bên từng ký với nhau Hợp đồng thi công số 20/2013/HĐTC-LTCT ngày 1/10/2013 (Hợp đồng số 20).

Sau khi bị bắt, Kiệt khai nhận là đã tự soạn ra trang 1, trang 2 của Hợp đồng 22 sau đó lấy trang cuối của Hợp đồng số 20 lắp ghép vào thành một hợp đồng mới (Hợp đồng 22), có dấu đỏ như hợp đồng thật để tạo lòng tin, qua mắt được phòng công chứng và chiếm đoạt tiền tỉ từ "con mồi". Một trong những nạn nhân của Kiệt là bà Vương Kim Đồng (ngụ TP HCM).

Được biết, cho tới khi đến liên hệ để làm thủ tục hợp thức hóa nhà (tháng 6/2014), thì bà Kim Đồng mới tá hỏa khi được Công ty Long Thịnh cho biết 2 căn nhà xây thô kể trên chưa từng thuộc sở hữu của công ty do Kiệt làm giám đốc. Đến lúc đó, bà mới biết mình bị Kiệt lừa.

Trung tá Lưu Hoàng Bình - Đội trưởng, Phòng PC44 cho biết thêm, trong quá trình xác minh đơn tố giác của bà Kim Đồng, Ban chuyên án đã phát hiện Kiệt đã từng dùng thủ đoạn tương tự và thủ đoạn khác để lừa đảo hàng loạt người dân ở các quận Ninh Kiều, Bình Thủy và Cái Răng (cùng thuộc TP Cần Thơ).

Binh Huyền
.
.