Hành trình đến giá treo cổ của "Ali hoá học"

Thứ Sáu, 05/02/2010, 08:40

Tuy chỉ là em họ của cố Tổng thống Saddam Hussein, nhưng cái chết của "Ali hóa học" đã và đang tạo ra những vụ khủng bố gây bất ổn mới trên chính trường Iraq. "Ali hóa học" là biệt danh của Ali Hassan al-Majid, người bị cáo buộc đã sử dụng khí độc sát hại hàng nghìn người Kurd năm 1988 vừa bị tử hình với hình thức treo cổ hôm 25/1 vừa qua.

Không thoát khỏi sự truy sát

"Ali hóa học" bị tử hình một tuần sau khi nhận bản án tử hình lần thứ tư (17/1) kể từ khi chính quyền của Tổng thống Saddam Hussein sụp đổ. Phát ngôn viên Chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh không cung cấp thêm bất kỳ chi tiết nào về vụ hành quyết này. Cộng đồng người Kurd ở Iraq đã mong chờ việc thi hành bản án này từ lâu. "Ali hóa học" từng tuyên bố sau khi nghe phán quyết của tòa - tử hình không làm ông sợ hãi bởi "tôi sẽ đối mặt với cái chết với cánh tay rộng mở". Đứng trước các phiên tòa, "Ali hóa học" luôn tỏ ra bình tĩnh và khẳng định mình vô tội cho dù thừa nhận, đã ra lệnh thực thi các vụ tấn công bằng khí độc.

Tuy nhiên, "Ali hóa học" từng phải nhập viện sau khi bị ngất vì tuyệt thực bởi bản án tử hình dành cho mình. Theo luật sư Badi Izzat, "Ali hóa học" đã tuyệt thực để phản đối phòng giam quá chật chội. Trong các phiên xét xử "Ali hóa học", công tố viên đã mở đoạn băng ghi cuộc đối thoại giữa ông với Tổng thống Saddam Hussein, trong đó Ali Hassan al-Majid nói "không để bất kể người Kurd nào, kể cả kẻ nói tiếng Kurd sống sót".

Những bức ảnh ghi lại những cuộc tấn công cho thấy, thi thể của người và động vật nằm rải rác trên đường phố. Nhưng cho tới giờ phút này, số người chết trong chiến dịch thảm sát người Kurd ở phía bắc Iraq vẫn chưa được xác nhận - có người nói hơn 100.000 người, nhưng lại có tin khẳng định, chỉ khoảng 5.000 nạn nhân. Ngoài ra, "Ali hóa học" còn bị cáo buộc có liên quan tới vụ đàn áp người Shiite tại phía nam Iraq vào năm 1991.

Ngày 7/4/2003, Thiếu tá Andrew Jackson thuộc Lữ đoàn 3, Trung đoàn Lính dù Anh từng tuyên bố, đã tìm thấy thi thể được cho là của "Ali hóa học" cùng vệ sĩ và Giám đốc Cơ quan Tình báo Iraq đã thiệt mạng trong đợt đánh bom của liên quân vào tư dinh của ông. Theo giới truyền thông, Tổng thống Saddam Hussein từng giao phó việc bảo vệ khu vực phía nam và đẩy lùi các cuộc tấn công của liên quân cho Ali Hassan al-Majid. Chính vì thế nên ngay sau tuyên bố của Thiếu tá Andrew Jackson, quân đội Anh đã quyết định điều bộ binh tiến vào thành phố Basra. Thiếu tướng Peter Wall, Tham mưu trưởng quân đội Anh tại Iraq cũng cho rằng, phần lớn những sĩ quan tùy tùng của "Ali hóa học", kể cả cận vệ đều đã chết trong vụ không kích của liên quân.

Nhưng Bộ trưởng Thông tin Iraq không đồng tình với nhận định của quân đội Anh và tướng Richard Myers, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cùng Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld cũng có quan điểm tương tự - "Ali hóa học" vẫn còn sống. Điều này được minh chứng khi quân đội Mỹ bắt được "Ali hóa học" vào ngày 21/8/2003. Giới chuyên môn rất quan tâm tới việc quân đội Mỹ không tiết lộ thông tin cụ thể việc bắt giữ "Ali hóa học". Do đó, nhiều người cho rằng, "Ali hóa học" đã bị thuộc hạ bán đứng.

Hệ lụy đáng quan tâm

Tuy sinh ra (năm 1941) trong một gia đình nghèo ở Tikrit, nhưng vì là thành viên của gia tộc Bejat thuộc chi phái al-Bu Nasir nên "Ali hóa học" sớm được trọng dụng sau khi đảng Baath lên nắm quyền năm 1968. Bước ngoặt trong sự nghiệp chính trị của "Ali hóa học" vào năm 1987, khi ông được bổ nhiệm là người đứng đầu khu vực phía bắc Iraq. Vì có “công lớn” trong việc đàn áp và sát hại hàng nghìn người Kurd bằng khí độc nên "Ali hóa học" được cử làm "Thái thú" ở Kuwait (1990), Bộ trưởng Nội vụ (1991), Bộ trưởng Quốc phòng (1991-1995).

Tại phiên tòa ngày 19/6/2005 người ta đã công bố cuốn băng thẩm vấn "Ali hóa học" xung quanh vụ xả khí độc vào thị trấn Halabja của người Kurd năm 1988 khiến khoảng 5.000 người thiệt mạng. Trong phiên tòa ngày 21/8/2006, cả cựu Tổng thống Saddam Hussein và "Ali hóa học" đều bị cáo buộc có liên quan tới vụ giết hại 100.000 người Kurd trong 2 năm 1987 và 1988. Ngày 24/6/2007, Tòa án tối cao Iraq đã tuyên án tử hình đối với "Ali hóa học".

Tháng 9/2007, Tòa phúc thẩm giữ nguyên phán quyết của Tòa sơ thẩm và "Ali hóa học" sẽ bị hành quyết trong vòng 30 ngày kể từ khi tòa tuyên án. Nhưng Chính phủ Iraq đã hoãn vụ hành quyết cho tới sau lễ Ramadan. Đầu năm 2008, lãnh đạo Iraq đều chấp thuận việc hành quyết đối với "Ali hóa học", nhưng chưa ấn định được thời gian cụ thể. Trong khi Thủ tướng Nouri al-Maliki cho rằng, không có lý do gì để hoãn vụ hành quyết thì Tổng thống Jalal Talabani và Phó tổng thống Tariq al-Hashemi lại từ chối ký quyết định hành hình đối với "Ali hóa học". Vì sự chậm trễ kể trên nên ngày 2/12/2008, một tòa án đặc biệt ở Iraq đã được thành lập để ra lời phán quyết đối với "Ali hóa học". Nhưng phải tới trung tuần tháng 1 vừa qua, người ta mới quyết định được số phận của "Ali hóa học".

Điều đáng nói là thông tin về vụ tử hình "Ali hóa học" được đưa ra chỉ ít phút sau khi 3 vụ đánh bom xe liều chết liên tiếp xảy ra tại trung tâm thủ đô Baghdad hôm 25/1 nhằm vào khách sạn Sheraton, khách sạn Babylon và Al-Hamra khiến ít nhất 46 người thiệt mạng và hơn 100 người khác bị thương. Ngày 26/1, một vụ đánh bom liều chết lại xảy ra tại Baghdad làm ít nhất 18 người chết và khoảng 80 người bị thương

Nguyễn Thị Lân (tổng hợp)
.
.