Hành trình đi tìm công lý của người hai lần bị kết án tử hình

Thứ Hai, 14/07/2008, 15:00

Hầu như không ai tin Nguyễn Minh Hùng vô tội, cũng chẳng ai muốn dính líu đến một bản án tử hình.

Gian nan tìm công lý

Rời tòa, ông  Nguyễn Minh Hải tìm ngay đến Luật sư Phạm Công Chất, người duy nhất bênh vực con ông tại tòa để vừa cảm ơn, vừa xin một số văn bản có liên quan đến vụ án - một việc mà lẽ ra ông cần phải làm trước đó cả năm trời. Sau đó, ông đã dò hỏi rất nhiều nơi trong tỉnh Tây Ninh, mong tìm được một luật sư nhận đứng ra bào chữa giúp con ông kháng án. Nhưng ông đã thất vọng. Cả các luật sư lẫn những cơ quan ban, ngành mà ông gõ cửa đều ái ngại lắc đầu.

Ông Hải lo cuống lên, sợ chỉ sau 15 ngày, Nguyễn Minh Hùng sẽ bị thi hành án, không kịp cứu.

Ngay trong đêm 18/6/2004, ông đã gọi điện xuống thị trấn Gò Dầu, cách nhà 50km để thuê một chuyến xe chạy ngược lên đón ông và cô con dâu Nguyễn Thị Hằng về TP HCM, dù ngay tại Tân Biên xe cộ không hề thiếu. Nỗi sợ hãi bấn loạn khiến ông trở nên cực đoan, cứ e “có ai đó sẽ “làm gì mình” ở trên đường nên phòng xa cho chắc!

Không ai giải quyết việc pháp đình từ nửa đêm về sáng. Suốt đêm hôm đó, hai cha con ông cứ lang thang rồi vạ vật hết lề đường này qua vỉa hè khác mà chẳng biết phải ghé vào đâu.

Ngày hôm sau, ông thuê xe ôm, hai cha con đã tìm đến rất nhiều văn phòng luật sư tại TP HCM. Không ở đâu ông dừng lại quá 5 phút. Ông tự cảm thấy sự lôi thôi lếch thếch của cha con ông trở nên lạc lõng trước vẻ hào nhoáng, sang trọng và...  nghiêm trọng của các văn phòng luật. Bước vào thì hùng dũng nhưng chưa kịp gặp luật sư, lưỡi ông đã líu lại, cứng đờ. Thế là ông kéo cô con dâu bước ra, chẳng trình bày gì, mặc kệ các luật sư khả kính đứng trông theo ngơ ngác.

Cuối cùng, nhờ cánh xe ôm mách nước, hai cha con ông mới tìm đến một con hẻm nhỏ trên đường Cống Quỳnh, cạnh chợ Thái Bình, Q.1. Tấm biển nhỏ ghi duy nhất một dòng chữ “Văn phòng Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc” xem chừng khá khiêm tốn sơ sài không hiểu sao chợt khiến ông an tâm. Thay vì vào thẳng câu chuyện, vị “luật sư trong hẻm” lại rót nước mời ông tử tế.

Đoán chừng hai cha con ở xa đến, luật sư Phúc bảo: “Bác với em cứ vô rửa mặt, uống nước, nghỉ ngơi cho khỏe, có gì từ từ trình bày”. Cử chỉ ân cần khiến ông Hải cảm động. Ông lắp bắp: “Luật sư ơi, cứu con tôi với!”.

Suốt ngày và đêm hôm đó, cha con ông được Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc lưu lại nhà, chăm sóc như người thân. Vị luật sư không vội đưa ra bất kỳ nhận xét nào, chỉ chăm chú nghe cha con ông trình bày, ghi chép và nghiên cứu kỹ lưỡng các văn bản liên quan. Rất lâu sau, Luật sư Phúc mới đưa ra nhận xét thận trọng: “Chứng cứ thế này thì có lẽ chưa đủ để kết tội”.

Gần một tháng sau, ngày 15/7/2004, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đã cùng gia đình ông Hải, lần đầu tiên được vào thăm Nguyễn Minh Hùng đang bị biệt giam trong phòng giam tử tội. Phòng thăm nuôi của trại giam lợp tôn, nóng hầm hập, nhưng cứ hễ được đưa ra ngoài bóng cây râm mát là bé Nguyễn Hồng  Ân lại giãy nảy khóc. Mỗi lần như thế, Nguyễn Thị Hằng lại phải đưa con vào cho Nguyễn Minh Hùng. Cha đứng trong song sắt, chìa tay ra ghì riết đứa con mới hơn 5 tháng tuổi. Bé Nguyễn Hồng Ân cũng choàng tay qua cửa sổ, ôm ghì lấy cổ người cha tử tội, dụi đầu vào mặt, vào ngực và nín khóc ngay. Nhìn cảnh đó, Luật sư Phúc bất chợt thốt lên: “Tôi tin Nguyễn Minh Hùng không phạm tội”. Đến lúc đó, ông mới chính thức nhận lời bào chữa cho Nguyễn Minh Hùng.

Anh Nguyễn Minh Hùng và gia đình trong ngày đoàn tụ

Theo lời khuyên và sự chỉ vẽ của Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, cô Nguyễn Thị Hằng bắt đầu tìm chứng cớ ngoại phạm và làm đơn kêu oan cho chồng gửi đi nhiều nơi.

Những tình tiết bị bỏ sót

Vào ngày 24/7/2002, vợ chồng Hùng - Hằng đã đi dự sinh nhật một người bạn tên là Nguyễn Thị Thuyến tại nhà trọ Kim Quyên ở ấp Ninh Thọ, xã Ninh Sơn, thị xã Tây Ninh. Ngày hôm sau, 25/7, vợ chồng cô đi tham quan địa đạo Củ Chi, đến 15 giờ về thuê phòng nghỉ tại nhà trọ 773 ở thị trấn Gò Dầu, Tây Ninh.

Đêm hôm đó, Hằng bị bệnh. Hùng cùng chủ nhà trọ phải đưa Hằng đi cấp cứu tại Trung tâm Y tế huyện Gò Dầu, sáng hôm sau chuyển lên điều trị tại Bệnh viện Đa khoa Tây Ninh, đến hết ngày 31/7/2002 mới xuất viện. Có rất đông nhân chứng, vật chứng, từ bạn bè trong tiệc sinh nhật, chủ nhà trọ đến danh sách khách thuê phòng trọ, hồ sơ bệnh án của Nguyễn Thị Hằng chứng thực tình tiết ngoại phạm này. Như vậy, giao hêrôin cho Phan Nguyễn Anh Thư vào sẩm tối ngày 25/7/2002 phải là một đối tượng khác chứ không thể là Nguyễn Minh Hùng.

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc cho rằng những tình tiết này “còn quý hơn cả trăm kg vàng”. Trong những phiên tòa sau đó, nó là chỗ dựa chắc chắn nhất để vị luật sư tận tâm chỉ ra hàng loạt những sai sót trong luận cứ buộc tội Nguyễn Minh Hùng.

Theo ông, có hai sai phạm nghiêm trọng trong quá trình tố tụng. Thứ nhất, là án truy xét nhưng  cả điều tra viên lẫn tòa án đều không áp dụng nguyên tắc suy luận có lợi cho bị cáo. Tất cả chứng cứ buộc tội bị can đều chỉ dựa trên cơ sở lời khai của Phan Nguyễn Anh Thư. Lời khai này lại chỉ dựa trên sự “giải mã” những ký hiệu trong sổ ghi chép có nhiều trang bị tẩy xóa, sửa chữa... của bị cáo. 

Anh Thư khai khi thì do “đứa con nhỏ của bị cáo tẩy xóa”, lúc lại là “do điều tra viên thêm vào để ghi chú, giải thích nội dung”. Thứ hai, trong quá trình điều tra, do chủ quan, duy ý chí, thay vì buộc tội sau khi đã tìm đủ những chứng cứ hồ sơ vụ án lại được lập theo trình tự ngược lại: buộc tội trước, tìm chứng cứ sau.

Chiếc áo đỏ thật ra là của Nguyễn Minh Phúc, em ruột Hùng, mới học lớp 10. Kết quả thực nghiệm tại tòa cho thấy Phúc mặc áo này rất vừa, trong khi Hùng mặc thì chật và ngắn cũn cỡn. Thư mô tả vanh vách cả kiểu áo, nhãn hiệu, số size trong cổ áo... Nhưng khi đưa áo ra tại tòa, bảo Thư mô tả thì cô ta xác nhận là không thể.

Điểm phi lý lộ rõ: trong khi giao nhận hêrôin, rất gấp gáp và luôn phải đề phòng bị công an phát hiện, làm sao bị cáo có thể đủ thì giờ để nhận dạng từng chi tiết rất nhỏ của chiếc áo một cách chính xác như hồ sơ thể hiện? Phan Nguyễn Anh Thư cúi đầu: “Dạ, điều tra viên đưa áo cho bị cáo xem xét và theo đó mà khai!”.

Quy trình nhận diện đối tượng cũng sai. Điều tra viên chỉ đưa ra duy nhất một tấm ảnh chụp nhiều người trong đám cưới. Mỗi mình Hùng là thanh niên, những người khác trong ảnh đều là người già, phụ nữ. Bấn loạn và đầy cảm tính, Thư đã chỉ vào Hùng - thanh niên duy nhất - để nhận định đó là đối tượng giao hêrôin cho cô ta!

Theo Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc, thái độ không đúng mức của các điều tra viên đã khiến các nhân chứng làm chứng cho tình tiết ngoại phạm của Nguyễn Minh Hùng đã thay đổi lời khai, khi xác nhận là có tổ chức, mời vợ chồng Hùng dự sinh nhật, lúc lại bảo là không. Trước tòa, cả đại diện Viện Kiểm sát TVC lẫn Thẩm phán chủ tọa phiên tòa ĐVM đều tỏ ý “đe nẹt” người làm chứng với tuyên bố: “Nếu tòa xử bị cáo Hùng có tội thì sau đó Viện Kiểm sát sẽ kiến nghị... xử người làm chứng!”.

Với cách tiến hành tố tụng như vậy, kết thúc phiên sơ thẩm (lần 2), chẳng có gì lạ khi Nguyễn Minh Hùng vẫn bị tuyên tử hình. Thậm chí, hồ sơ vụ án còn điều chỉnh ngày giao hêrôin từ 25/7/2002 sang 24/7/2002, với lý do khó có thể chấp nhận là “bị cáo Thư... nhớ nhầm!”.

Những vị cứu tinh

Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đã hàng chục lần chạy lên chạy xuống tuyến TP HCM - Tây Ninh để thu thập chứng cứ chứng minh Hùng vô tội mà không hề nhận một đồng thù lao. Mỗi lần gia đình Hùng xuống TP HCM, ông đều lưu họ lại như người thân trong nhà, lo chu toàn từ cơm nước đến chỗ tắm rửa, nghỉ ngơi qua đêm trong nhà mình.

Áy náy, ông Nguyễn Minh Hải, cha của Hùng nhiều lần muốn mời luật sư đi uống bia để cảm ơn, Luật sư Trịnh Vĩnh Phúc đều từ chối: “Hùng chưa được tự do, cả anh lẫn tôi đều chẳng vui thú gì ly bia, cốc rượu”. Duy nhất một lần, gia đình Hùng mời được luật sư vào quán dùng bữa. Luật sư Phúc không từ chối, tự mình gọi món với thực đơn đơn giản: cá kho, cà pháo, canh chua... và dứt khoát  giành quyền trả tiền.

Trước tính mạng con trai ngàn cân treo sợi tóc, gia đình ông Nguyễn Minh Hải đã đôi lần tỏ ra oán trách những người tham gia quá trình tố tụng. Trong số này có cả các điều tra viên của Lực lượng Công an. Nhưng ông Hải lại không biết rằng, có rất nhiều người trong Cơ quan Công an đã lao tâm khổ tứ để đưa con ông từ cõi chết về với tự do.

Cục Phòng chống tội phạm ma túy (C17) Bộ Công an đã từng có văn bản gửi đi các cấp đề nghị xem xét lại vụ việc và bản án dành cho Hùng. Đáng ghi nhận nhất là tinh thần phục vụ của điều tra viên Phòng PC17 Công an Tây Ninh, Đại úy Lê Văn Thuận.

Nhận hồ sơ vụ án từ tay các đồng nghiệp để điều tra lại, anh đã tận tình, nhẫn nại bỏ công sức tháo gỡ từng nút thắt một trong định kiến luật pháp về vụ việc, bất chấp những “đụng chạm” đã và sẽ nảy sinh. Đại úy Thuận đã hàng chục lần xuống địa bàn các xã biên giới để chứng minh rằng “áo đỏ” là một màu phổ biến, ưa dùng của thanh niên vùng biên giới vốn ưa lòe loẹt. Mặt khác, đó là áo của Phúc, không phải của Hùng.

Những lời khai của bị cáo Thư về chiếc áo là đầy mâu thuẫn, có dấu hiệu được chuẩn bị trước nhằm hợp thức hóa chi tiết giữa hồ sơ và vụ việc. Anh cũng chứng minh được rằng: Nguyễn Minh Hùng chưa bao giờ sử dụng cũng không hề biết sử dụng điện thoại di động.

Dưới tấm nệm trong giường ngủ của Hùng có hàng vốc những mẩu giấy nhỏ xé vội ghi các số điện thoại cần thiết. Khi có việc, Hùng lại lật tấm nệm lên, lấy giấy ghi số điện thoại chạy ra bưu điện gọi. Nếu sử dụng điện thoại di động, Hùng chỉ việc lưu số vào máy, không phải cách rách đến vậy. Việc Hùng đứng tên số điện thoại “phạm tội” nằm trong dự tính, đề phòng và sắp đạt trước của đối tượng Nguyễn Văn Tiến hiện vẫn đang bỏ trốn.

Thực tế, trong 2 ngày 25/7 và 8/8/2002, là ngày được xác định đã diễn ra việc Hùng giao hêrôin cho Anh Thư, hai số điện thoại của Thư và “của Hùng” không hề có cuộc liên lạc nào với nhau. Anh cũng chứng minh được rằng, đích thực chị Nguyễn Thị Thuyến có tổ chức sinh nhật vào chiều 24/7/2002, mời vợ chồng Nguyễn Minh Hùng và nhiều người khác dự. Việc các nhân chứng thay đổi lời khai là do họ hoang mang vì bị o ép.

Giọt nước làm tràn ly là thái độ ân hận của bị cáo đầu vụ Phan Nguyễn Anh Thư. Trong phiên phúc thẩm (lần 2) ngày 5/4/2007, cô thừa nhận mình không hề quen biết hay nhận diện được Hùng, chỉ “khai đại”, sự thật thì Hùng chưa bao giờ là người giao ma túy cho cô cả.

Trước tòa, Thư khóc: “Bị cáo đã khai không đúng, xin tòa hãy minh oan cho Nguyễn Minh Hùng”. Dù muộn, cuối cùng thì ngày 13/6/2008, Nguyễn Minh Hùng cũng đã được trả tự do.

Vẫn cười ngờ nghệch, Nguyễn Minh Hùng hầu như không có ý kiến gì, không muốn nhắc đến, dù là để trách móc, oán thán, đối với bản án oan. Gia đình ông Nguyễn Minh Hải cũng không hề có ý định kiện tụng hay đòi bồi thường. Nhưng, chúng tôi cũng như dư luận, đều cho rằng, việc minh oan, xin lỗi, bồi thường cho gia đình tử tội hụt Nguyễn Minh Hùng và xử lý những cá nhân, bộ phận đã sai lầm là điều mà các cơ quan chức năng có trách nhiệm của tỉnh Tây Ninh không thể không làm và cũng không thể nấn ná kéo dài.

Ít nhất, đó cũng là việc cần làm ngay để thể hiện đúng bản chất công minh của hệ thống luật pháp, lấy lại niềm tin phần nào đã bị sứt mẻ. Đó vừa là công lý, cũng đồng thời là đạo lý!

Nguyễn Hồng Lam
.
.