Hoạt động của các băng đảng tội phạm người Nam Á tại Anh

Thứ Sáu, 21/03/2008, 16:00
Hoạt động của các băng đảng tội phạm người châu Á, chủ yếu là người Nam Á bao gồm người Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn số lượng từ năm 2000 trở lại đây. Các băng nhóm tội phạm này đều ít nhiều có quan hệ với các tổ chức tội phạm người Nam Á hùng cứ tại Canada và Mỹ, là hai quốc gia có đông đảo người nhập cư Nam Á sinh sống.

Chiều ngày 19/12/2007 đã xảy ra một cuộc chạm súng bên ngoài khách sạn Forest View ở phía Tây thủ đô London của Anh, làm chết 2 người đàn ông gốc Nam Á. Theo điều tra của cảnh sát, hai nạn nhân tên Amarjit Ramachandran và Rajinder Singh, đều là người nhập cư vào lãnh thổ Anh từ năm 1999 và đều là thành viên của một băng đảng tội phạm người Sri Lanka hoạt động ở khu Forest Fields. Theo nhận định của cảnh sát, đây là một vụ thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng tội phạm người Nam Á để tranh giành địa bàn làm ăn.

vụ thanh toán đẫm máu này đã làm tràn ly mọi nỗ lực của Cảnh sát Anh trong việc ổn định tình hình an ninh, trật tự xã hội và đã khiến cho Sở Cảnh sát Hoàng gia (Scotland Yard) phải triển khai chiến dịch Trident từ đầu năm 2008 để triệt phá các băng đảng tội phạm người châu Á, nhất là băng đảng người Nam Á, tại nhiều thành phố lớn như London, Derby, Liverpool, Manchester, Birmingham... có sự tham gia của các đơn vị cảnh sát đặc biệt của Scotland Yard mà nòng cốt là Đơn vị Cảnh sát hình sự quốc gia (NCS) cùng phối hợp với cảnh sát địa phương.

Hai nạn nhân bị giết hại trong vụ thanh toán vào chiều ngày 19/12/2007 ở Thủ đô London.

Scotland Yard còn thiết lập một đường dây điện thoại nóng và kêu gọi người dân Anh hãy cung cấp các thông tin liên quan đến hoạt động của bọn tội phạm để giúp cảnh sát triệt phá.

Khắp nước Anh, nhất là tại các thành phố lớn, từ tháng 1/2008 đều xuất hiện các tranh cổ động kêu gọi mọi người hãy phối hợp với cảnh sát trong cuộc chiến chống các loại hình tội phạm như buôn lậu ma túy, trộm cướp, bảo kê... khắp nơi như đường phố, nhà ga tàu hỏa, ga tàu điện ngầm, bãi đỗ xe...

Theo nhận định của thanh tra cao cấp Tarique Ghaffur, chỉ huy NCS, thì: “Thông tin về hoạt động của các tổ chức tội phạm người châu Á được cung cấp bởi dân chúng và từ nhiều nguồn khác nhau là yếu tố cực kỳ quan trọng giúp cho chiến dịch Trident đạt được kết quả khả quan”.

Scotland Yard cho biết, hoạt động của các băng đảng tội phạm người châu Á, chủ yếu là người Nam Á bao gồm người Bangladesh, Ấn Độ, Sri Lanka, Pakistan, ngày càng gia tăng cả về quy mô lẫn số lượng từ năm 2000 trở lại đây.

Nếu như các băng nhóm tội phạm người Ấn Độ và Bangladesh chi phối và điều hành đường dây kinh doanh người nhập cư lậu, buôn người, buôn bán giấy thông hành giả thì băng nhóm tội phạm người Pakistan và Sri Lanka lại chiếm lĩnh thị trường buôn lậu ma túy, buôn lậu vũ khí, bảo kê, kinh doanh mại dâm.

Các băng nhóm tội phạm này đều ít nhiều có quan hệ với các tổ chức tội phạm người Nam Á hùng cứ tại Canada và Mỹ, là hai quốc gia có đông đảo người nhập cư Nam Á sinh sống.

Tại thủ đô London, hoạt động của các băng nhóm tội phạm người châu Á phát triển mạnh ở những khu phố phía tây, nơi có đông đảo người nhập cư đủ mọi quốc gia sinh sống. Tại một khu phố như Bradford có đông đảo dân nhập cư gốc Nam Á sinh sống, NCS, với việc cài mật báo viên vào nội bộ một số băng nhóm tội phạm, đã phát hiện có đến 8 băng nhóm tội phạm người Nam Á gồm 116 tên tham gia buôn lậu ma túy.

Nguồn ma túy nhập lậu từ Hà Lan, Pháp (qua đường hầm eo biển Manche), từ Tây Ban Nha (bằng đường biển) được trung chuyển đến các thành phố Southampton, Bristol ở miền Nam nước Anh rồi từ đây được chẻ nhỏ để chuyển tiếp đến tay các băng nhóm tội phạm người Nam Á tại Bradford bằng đủ loại phương tiện vận chuyển như xe tải, xe du lịch...

Do lợi nhuận mang lại từ buôn lậu ma túy quá lớn (từ 7.000 đến 15.000 bảng Anh/kg) nên đã xảy ra các trận huyết chiến để tranh giành mối lái, địa bàn giữa các băng nhóm tội phạm gây mất an ninh, trật tự xã hội. Nhưng nghiêm trọng nhất đây chính là cơ hội giúp các tổ chức khủng bố trà trộn để tấn công khủng bố tại London.

Cũng theo NCS, chỉ trong năm 2007, tại thủ đô London và một số vùng lân cận, đã xảy ra hàng chục vụ thanh toán lẫn nhau giữa các băng nhóm tội phạm người châu Á có liên quan đến buôn lậu ma túy.

Kinh doanh người nhập cư lậu và buôn người cũng là lĩnh vực mang lại nhiều lợi nhuận cho các băng nhóm tội phạm người Nam Á. Vào tháng 6/2007, NCS có sự phối hợp hành động với Interpol, Cảnh sát Italia và Pháp, đã phá vỡ được một đường dây buôn người và kinh doanh người nhập cư lậu từ các quốc gia Nam Á đến Anh.

Bản doanh của đường dây này đặt tại thành phố Birmingham của Anh và điều hành trơn tru hoạt động của các chân rết ở Ấn Độ, Bangladesh từ năm 1995. Cho đến khi bị phá vỡ, đường dây tội phạm này đã đưa trót lọt vào lãnh thổ Anh trên 20.000 người và thu được số tiền khổng lồ lên đến hàng trăm triệu bảng Anh.

Đi kèm nạn buôn người và kinh doanh người nhập cư lậu là nạn buôn bán giấy thông hành giả. Trong lĩnh vực này, bọn tội phạm người Bangladesh được đánh giá là bậc thầy. Một hệ thống chân rết của bọn tội phạm người Bangladesh sẽ tỏa đi tìm mua lại giấy thông hành thật của những người Nam Á đã định cư hay tạm cư tại Anh hay cướp, trộm giấy thông hành rồi cho thay ảnh, chỉnh sửa lại một số yếu tố cần thiết trên giấy thông hành trước khi bán lại cho các đường dây đưa người nhập cư lậu với giá từ 3.000 đến 4.000 bảng Anh/giấy thông hành.

Chỉ riêng việc buôn bán giấy thông hành giả đã mang về cho bọn tội phạm thu nhập hàng năm từ 15 đến 20 triệu bảng Anh. Do tính chất nghiêm trọng của nạn buôn bán giấy thông hành giả đối với an ninh quốc gia nên việc triệt phá nạn buôn bán giấy thông hành giả được xác định là một mục tiêu quan trọng của chiến dịch Trident.

Chỉ trong vòng một tháng triển khai chiến dịch Trident, Cảnh sát Anh đã bắt giữ được 26 tên tội phạm, trong đó có thủ phạm đã sát hại Amarjit Ramachandran và Rajinder Singh vào chiều ngày 19/12/2007. Điểm tích cực là cộng đồng dân cư người Nam Á đã kịp thời cung cấp cho cảnh sát nhiều thông tin có giá trị liên quan đến hoạt động của các băng nhóm tội phạm người Nam Á. Họ cho rằng, nếu không giúp cảnh sát triệt phá, không sớm thì muộn họ cũng sẽ trở thành nạn nhân của bọn chúng.

Theo tiết lộ của Kênh 4 Đài Phát thanh và Truyền hình BBC, nơi thường xuyên phát đi chương trình “Chặn đứng tội ác”, là sự phối hợp thực hiện giữa BBC và Scotland Yard trong cuộc chiến chống tội phạm, chiến dịch Trident sẽ còn kéo dài đến tháng 6/2008 để triệt phá cơ bản hoạt động của các băng đảng tội phạm người châu Á tại nhiều thành phố lớn của Anh

Văn Hòa (theo The Guardian)
.
.