Hồi kết của những kẻ trốn trại giam để “lấy số”

Thứ Tư, 18/01/2017, 20:45
Một số người rơi vào cảnh tù tội chỉ vì một giây nông nổi, thiếu kiềm chế dẫn đến phạm pháp. Họ chấp nhận hình phạt giam giữ để sửa mình. Tuy nhiên, có một số kẻ thuộc giới lưu manh côn đồ thích sống ngoài khuôn khổ pháp luật, muốn gây án để lấy số tù hòng ngoi lên địa vị cao hơn trong chốn giang hồ.

Nói theo ngôn ngữ chợ búa, họ là những kẻ thích "lấy số". Với bản chất bất trị, khi vào trại giam, họ vẫn nuôi dưỡng mưu toan gây án, gây rối, thậm chí nuôi dưỡng ý định vượt trại đào thoát. Tuy nhiên, mọi âm mưu xảo quyệt, dù được tính toán chi li cặn kẽ đến đâu vẫn bị lực lượng trinh sát trại giam triệt phá.

Trốn trại để xứng danh “đại ca”

Chúng tôi gặp lại Quang (một số nhân vật trong bài được đổi tên) trong bộ đồ sọc tại một trại giam thuộc khu vực Nam Trung Bộ. Khác với cái vẻ hung hăng lồng lộn như thú hoang mới sập bẫy khi bị Cảnh sát hình sự Khánh Hòa còng tay cách nay 7 năm, Quang nói năng nhỏ nhẹ như một nông dân.

Khi đó, anh ta là sát thủ của một băng nhóm côn đồ ở khu vực. Tuy không được học võ nhưng Quang có khiếu sử dụng mã tấu và có máu liều mạng trong huyết quản. Năm 15 tuổi, anh ta trốn học đi theo nhóm bạn ăn cắp vặt đồ của khách khu lịch và chơi bi a. Người cha phát hiện đã đến tận tiệm bi a toan lôi về nhà dạy dỗ. Không ngờ, anh ta rút cây mã tấu của đồng bọn luôn thủ sẵn trong người chém cha mình trọng thương. 

Lực lượng trinh sát thường xuyên tuần tra quanh khu vực trại giam.

Từ đó, anh ta lấy vỉa hè, góc phố làm chốn dung thân, lấy nghề trộm cắp làm kế sinh nhai, lấy việc chém người làm thú vui. Mỗi khi chém người, Quang thường thốt lên: "Cha, tao còn chém huống chi mày". Hầu hết những nạn nhân của anh ta đều e ngại bản chất "thú hoang" trong con người đó nên nín nhịn, không dám tố cáo.

Quang không chỉ là nỗi ám ảnh của những người dân lương thiện sinh sống ở bãi biển Nha Trang mà còn là "cơn lạnh lưng" của những đối thủ trong giới đao búa. Nhận ra đó là một "cỗ máy chém" hữu dụng nên một gã lưu manh  cộm cán ẩn trong vai doanh nhân có mưu đồ làm trùm giang hồ khu vực đã dùng tiền thu phục rồi giao cho anh ta "bảo kê" một khu phố. Khi ấy, Quang chỉ 19 tuổi.

Đi đêm lắm cũng có ngày gặp ma, băng nhóm của Quang bị lực lượng Công an Khánh Hòa lập chuyên án bắt "trọn gói". Ngay thời điểm bị bắt, Quang và một số đàn em đang dùng hung khí truy sát một nhóm người. Tại phiên tòa xét xử, ngay sau khi nghe vị Chánh án tuyên phạt 12 năm tù, Quang cười khẩy, nói với đàn em đang đứng chung trong vành móng ngựa: "Hẹn tái ngộ tụi mày trong vài nốt nhạc". Anh ta hàm ý rằng, vài tháng sau sẽ trốn trại.

 Tuần đầu tiên vào trại giam, Quang đã liên tục gây náo loạn và bị chuyển buồng liên tục. Vài tháng sau, Quang đã thu phục được một vài "đệ tử" nuôi dưỡng ý đồ vượt trại. Thế nhưng, 3 lần trốn trại, dù kế hoạch rất tinh vi, nhóm của Quang đều bị bắt lại.

Rút kinh nghiệm 3 lần bị bắt, lần thứ tư, Quang âm thầm trốn trại một mình. Lần này, anh ta vượt trại thành công.

Sau khi thoát được vòng rào bảo vệ trại giam vài cây số, Quang chui vào nhà một người dân trộm quần áo. Ở đó, anh ta gặp tổ trinh sát của trại giam đang chờ sẵn. Sau lần đó, Quang nhận ra, cách duy nhất thoát khỏi trại giam là "chung đủ án".

Sau một thời gian tuân thủ nội quy, kỷ luật và chương trình giáo dục của trại giam, Quang dần trở thành một phạm nhân có tên trong danh sách hoàn lương.

Nhớ lại thuở "bưu đầu cứng cổ", Quang thật lòng: "Hồi đó em nghĩ, nếu trốn trại thành công, số má giang hồ sẽ lên đẳng cấp cao hơn. Không ngờ... Cho tới bây giờ em vẫn không hiểu, bằng cách nào mà mấy cán bộ trinh sát nắm hết ý đồ trong đầu của em. Khó thoát lắm! Chung án cho xong, chứ trốn hoài, án chồng án".

Cuộc đào thoát ly kỳ

Trần Văn Ngọc là một thành phần bất hảo đã từng nhận 2 số tù vì tội "hiếp dâm trẻ em", "trộm cắp" nhưng luôn khoe với đám thanh niên bất hảo ở Long Xuyên là "ở tù vì làm tướng cướp" để được suy tôn vào hàng đại ca. Để xứng đáng với vị thế đại ca, tuy nhát cáy, Ngọc buộc lòng chỉ huy vài đàn em thủ vũ khí quân dụng đi cướp cạn. Ngay chuyến "ăn hàng" đầu tiên, Ngọc và đồng bọn bị bắt tại trận. Lần nhập trại này, Ngọc nhận bản án 19 năm tù giam và thụ án tại 1 trại giam khu vực Tây Nguyên.

Lần thụ án này, Ngọc vẫn cứ "nổ", đã từng trốn trại 2 lần để hai phạm nhân cùng buồng là Trần Thanh Lam và Nguyễn Đức Lành tôn mình làm đàn anh. Lam và Lành đều phạm trọng án với mức án 20 năm.

Lam và Lành thay phiên nhau cung phụng thức ăn để "đại ca" Ngọc "nở não", vạch kế hoạch vượt trại. Suốt 5 tháng hầu hạ nhưng vẫn chưa thấy Ngọc phác thảo xong kế hoạch, cả hai bắt đầu có biểu hiện khinh thường. Không thể hứa "lèo" mãi, Ngọc liều mạng tổ chức vượt trại.

Một cuộc họp triển khai công tác trinh sát.

Một đêm giữa tháng chạp âm lịch (đầu năm 2016), nhân cơ hội toàn trại tất bật việc chuẩn bị đón chào tết Việt, Ngọc quyết định đào thoát.

Suốt đêm đó, cả ba đào hầm từ nhà vệ sinh buồng giam thông ra bên ngoài rồi vượt qua tường rào bảo vệ, trốn vào rừng. Đến 3 giờ sáng, Ngọc lệnh cho Lành chui vào một chòi giữ rẫy của cư dân địa phương lấy trộm 3 bộ quần áo để thay thế quần áo phạm nhân.

Thoát được hình dạng phạm nhân nhưng cả ba không vội rời cánh rừng mà tìm nơi kín đáo chui rúc để nghỉ ngơi và cũng để nghe ngóng sự truy đuổi của lực lượng Cảnh sát Trại giam. Ban ngày, cả ba ẩn mình trong lùm bụi, ban đêm mò ra nương rẫy moi khoai ăn sống.

Đến ngày thứ tư vẫn không thấy lực lượng truy đuổi xuất hiện, cả ba mừng khấp khởi vì cuộc đào thoát thành công. Chúng chia ra mỗi người đi một hướng và hẹn 1 tháng sau sẽ hội ngộ tại TP Long Xuyên để... thống lĩnh giang hồ.

Ngọc vào một nhà dân ven rừng lấy trộm xe gắn máy đem cầm cố lấy tiền bắt xe về nhà người quen ở An Giang trú ẩn. Khi vừa đến nơi, Ngọc sững sờ vì lực lượng trinh sát trại giam và Công an địa phương đang chờ sẵn.

Phần Lam, sau khi tách nhóm đã chui vào căn chòi giữ vườn cà phê của một người dân lấy trộm điện thoại rồi đến nhà một bạn tù cũ xin tiền lộ phí rồi bắt xe đi đến nhà một người quen ở Bình Phước. Giống như đồng bọn, Lam vừa đặt chân vào nhà người quen ở Bình Phước thì tay cũng bị tra vào còng của trinh sát trại giam. Lành thì bị các trinh sát bắt giữ tại một thành phố cách trại giam non 50km khi đang trú ẩn với cái bụng lép kẹp vì đói trong một căn phòng trọ.

Cho đến ngày ra tòa nhận chồng thêm án "trốn khỏi nơi giam giữ", cả ba vẫn không hiểu vì sao các trinh sát trại giam lại có thể nắm rõ từng đường đi nước bước của chúng.

Món nợ án 26 năm

Một ngày cuối năm 2011, khi lực lượng trinh sát ập vào nhà bắt khẩn cấp thợ mộc Hoàng Việt, cư dân địa phương ở xã Trừ Văn Thố, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương đều kinh ngạc. Bởi vì, suốt hơn 20 năm lập nghiệp ở đây, ông Việt rất chăm chỉ làm ăn và hiền lành. Ông sống hạnh phúc cùng vợ và 1 đứa con gái vừa lập gia đình. Cho đến khi nghe lực lượng Công an đọc lệnh truy nã, mọi người hết sức ngỡ ngàng.

Trinh sát lấy lời khai nhanh một đối tượng vừa bị bắt lại sau khi trốn khỏi nơi giam giữ.

Thì ra, 26 năm trước, ông Việt là một phạm nhân nguy hiểm, can tội cướp có tổ chức bị kết án 7 năm tù. Khi đang thụ án tại một trại giam khu vực Nam Trung Bộ, ông ta đã đào thoát khỏi nơi giam giữ rồi thay tên đổi họ, quy tụ vài đối tượng có tiền án lập thành một băng nhóm cướp có vũ trang.

Băng cướp của y chưa kịp tạo tiếng vang đã bị lực lượng Công an tỉnh Khánh Hòa hốt trọn ổ. Trong lúc chờ ra tòa lãnh án, y lại đào thoát và mất tăm hơi.

Thời điểm này, đất nước đang trong quá trình đổi mới, hội nhập. Nhiều địa phương mới thành lập nên có một số "lỗ hổng" trong công tác quản lý tạm trú, cư trú. Phương tiện, thiết bị nghiệp vụ phục vụ cho công tác truy nã lạc hậu. Tên cướp Hoàng Việt biến mất hẳn trong sơ đồ truy nã toàn quốc.

Mãi đến đầu năm 2011, tức 26 năm sau, qua công tác rà soát hồ sơ, lực lượng trinh sát trại giam nhận thấy đã đến lúc buộc y trở về quy án.

Phối hợp nhiều biện pháp, kỹ thuật nghiệp vụ, lực lượng truy bắt phác họa lại hành tung của Hoàng Việt: Sau khi gây án lần cuối ở Khánh Hòa, tên cướp Hoàng Việt lại thay tên đổi họ, lang thang khắp những vùng dân cư tự do mới mọc ở ven rừng Tây Nguyên. Mỗi nơi, y chỉ ở 1 tháng rồi lại đi nơi khác. Trong những ngày du cư đó, y quen và yêu một cô gái có nguyên quán ở Đồng Nai. Cả hai có với nhau 1 đứa con gái. Nhờ tình yêu đó, y đã hoàn lương.

Y đã đưa cô gái về Đồng Nai cư ngụ tạm ở vài huyện khác với vài cái tên khác để xóa dấu hành tung, "cắt đuôi" sự truy tìm của lực lượng chức năng.

 Đến năm 1991, nhận thấy xã Trừ Văn Thố thuộc huyện Bàu Bàng là một địa phương vùng sâu, tập trung nhiều người dân di cư tự do, công tác quản lý hộ tịch, hộ khẩu còn lỏng lẻo, y đưa vợ con đến định cư. Lòng y đinh ninh rằng, tội ác nghiêm trọng mà y gây ra cho những nạn nhân lương thiện đã bị luật pháp bỏ quên.

Y không ngờ, suốt 26 năm lẩn trốn, hàng chục lần thay tên đổi họ, hàng chục lần thay đổi nơi cư trú qua nhiều địa phương, cuối cùng, y vẫn phải trả món nợ án cho xã hội. 

Bí quyết thành công

Có một thực tế không thể che giấu, đó là, những đối tượng có suy nghĩ "ở tù để lấy số" thì môi trường trại giam trở thành nơi chúng bí mật trao đổi kinh nghiệm, kỹ năng sống ngoài vòng pháp luật.

Tuy nhiên, thời gian gần đây, hầu hết những chiêu trò truyền khẩu đó đều lạc hậu so với những biện pháp nghiệp vụ và trang thiết bị hiện đại của lực lượng trinh sát trại giam. Đội trưởng trinh sát một trại giam khu vực Nam Trung Bộ cho biết: "Cách đây hơn 10 năm, do điều kiện yếu kém về trang thiết bị và khoa học quản lý nên những chiêu thức kiểu giang hồ còn  có thể qua mắt được lực lượng chức năng. Bây giờ thì khác rồi. Ngoài việc được trang bị nghiệp vụ tốt, lính trinh sát trại giam còn đòi hỏi lòng nhiệt huyết, đam mê phá án và linh cảm nghề nghiệp. Nếu không có yếu tố đó thì phương tiện hiện đại đến đâu cũng không ăn thua. Nói cách khác, bí quyết quan trọng nhất để công tác trinh sát thành công nằm ở trái tim".

Có những "phi vụ", phạm nhân vừa đào thoát khỏi hệ thống bảo vệ của trại, các trinh sát đã quan sát được từng động thái. Vì một số lý do nhạy cảm nên trinh sát không ra tay bắt nóng. Lý do cơ bản nhất được các cán bộ trinh sát trại giam tiết lộ là: "Quyết định bắt nóng hay không còn tùy thuộc vào đối tượng. Một số đối tượng, khi vừa trốn khỏi nơi giam giữ tâm lý rất không ổn định. Họ có thể liều mạng và nguy hiểm. Nếu ra tay lúc này, có thể gây nguy hiểm cho người dân địa phương, thậm chí gây nguy hiểm cho tính mạng đối tượng trốn trại. Vì vậy, chúng tôi phải luôn nhẫn nại chờ thời cơ".

Điều khiến các trinh sát trại giam phiền lòng là dư luận xã hội thiếu sự đồng cảm khó khăn của họ.

Rất nhiều trường hợp, trinh sát đã khép kín lưới chỉ chờ thời điểm thích hợp để bắt giữ đối tượng trốn trại, không may, thông tin lọt ra ngoài. Một số cư dân mạng vội vã loan báo khiến đối tượng chui rúc kỹ hơn gây khó khăn cho công tác trinh sát.

Nông Huyền Sơn
.
.