Italia: Thủ tướng Berlusconi trước nguy cơ bị khởi tố

Thứ Bảy, 06/02/2010, 08:35

Chính trường Italia thời gian gần đây ghi nhận nhiều vụ đình đám liên quan tới đương kim Thủ tướng Silvio Berlusconi, từ chuyện bồ bịch, chuyện bổ nhiệm người đẹp vào nội các và Nghị viện châu Âu, chuyện ông bị tước bỏ quyền miễn tố, tới chuyện ông bị đánh dập mũi. Nhưng nay ông Berlusconi lại đang phải đối mặt với một vụ bê bối mới, liên quan tới công việc làm ăn của ông trong lĩnh vực truyền thông.

Báo chí Italia những ngày này đưa tin dày đặc về khả năng Thủ tướng Berlusconi có thể phải ra tòa do liên quan đến vụ tham nhũng trong việc mua bán bản quyền truyền hình. Cuối tuần trước, Tòa án thành phố Milano đã tuyên bố kết thúc các cuộc điều tra sơ thẩm, kéo dài từ năm 2005, và quyết định khởi tố vụ án Mediatrade trong đó đương kim Thủ tướng Italia, Silvio Berlusconi, bị tình nghi có dính líu đến đường dây mua bán bản quyền các phim ảnh trên thị trường điện ảnh Mỹ để trình chiếu trên các kênh truyền hình Mediaset thuộc quyền sở hữu của ông Berlusconi và gia đình.

Theo nội dung bản nghị cáo, Tập đoàn Truyền thông Mediaset của ông Berlusconi đã mua bản quyền các phim của Mỹ với giá rất cao, cao hơn nhiều so với giá thị trường và cũng không phải mua thẳng từ các nhà sản xuất điện ảnh Mỹ mà thông qua Mediatrade, hãng môi giới ở Hongkong.

Tòa án Milano nghi ngờ rằng những khoản tiền lời kếch sù mà cơ sở môi giới được hưởng qua việc đội giá khi bán bản quyền phim ảnh cho Mediaset, sau đó, theo những đường dây chằng chịt của ngân hàng lại được đưa về một quỹ đen riêng của gia đình thủ tướng ở ngoài Italia. Làm như thế, Tập đoàn Mediaset  trốn được thuế (vì những khoản tiền lời kếch sù của môi giới chính thức vẫn nằm ở hải ngoại và không phải thuộc quyền sở hữu của Mediaset).

Song song việc làm đó, Tập đoàn Mediaset, vốn hiện diện trên thị trường chứng khoán Italia, cũng đã "ăn gian" các cổ đông có trong tay cổ phần của Mediaset, bởi vì số tiền lời khổng lồ qua môi giới mua bán phim ảnh không được đem vào sổ sách chính thức của Mediaset, và do đó đến cuối các quý, các cổ đông cũng không nhận được phần chia lãi trên khoản mua bán phim ảnh Mỹ. Theo báo chí Italia thì con số tiền gian lận này lên đến 34 triệu USD.

Tập đoàn truyền thông Mediaset thuộc quyền sở hữu của ông Berlusconi và gia đình.

Hiện nay, danh sách nghi phạm trong vụ này của Tòa án Milano có đến 12 người, ngoài Thủ tướng Silvio Berlusconi, còn có con trai của ông, Chủ tịch Tập đoàn Mediaset, một vài chủ ngân hàng và những tay môi giới mua bán phim ảnh, trong đó có hai người là dân cư của Hongkong.

Quyết định khởi tố này của Tòa án Milano đã lập tức được ông Silvio Berlusconi và toàn bộ phe đa số của Chính phủ Italia chính trị hóa. Theo ông Berlusconi, quyết định của Tòa án Milano vào thời điểm này hoàn toàn là có ý đồ chính trị. Đến cuối tháng 3/2010, Italia sẽ diễn ra cuộc bầu cử hội đồng vùng, và đây chỉ là một trong những "thủ thuật" chính trị của các tòa án nhằm tìm cách giới hạn ảnh hưởng chính trị của phe chính phủ trong thời gian tranh cử hiện nay.

Kể từ khi Thủ tướng Berlusconi bị tước quyền miễn tố, các tòa án Italia hiện bắt đầu mở lại các hoạt động công lý có dính dáng trực tiếp hay gián tiếp đến Thủ tướng Italia. Nhưng phía chính phủ, vốn đang kiểm soát được đa số ở Quốc hội đang dồn dập đưa ra những dự luật nhằm "chạy tội" cho ông Berlusconi.

Mới đây, Thượng viện Italia đã thông qua dự luật "vụ án ngắn hạn", theo đó, các vụ án xét xử ở Italia tối đa là 5 năm, kể luôn cả chống án, phải kết thúc, nếu không thì tất cả coi như "xù". Luật này cũng sẽ được áp dụng với những vụ án đang xảy ra, tức là với những vụ án của ông Berlusconi. Đồng thời, Chính phủ Italia cũng đang tìm cách đưa ra dự luật gọi là "bị cản trở một cách chính đáng", theo luật này thì Thủ tướng có quyền đưa ra lý do do công việc của chính phủ quá bận rộn nên Thủ tướng "bị cản trở một cách chính đáng" và có quyền không ra trình diện trước tòa, và như thế là các phiên tòa sẽ bị tạm gián đoạn cho đến 5 năm.

Với những luật trên, Thủ tướng Berlusconi vẫn chưa thấy yên tâm. Quốc hội đang tìm cách đưa trở lại quyền "bất khả xâm phạm" dành cho các đại biểu Quốc hội. Quyền này vốn đã có trong luật pháp Italia, nhưng cao trào chống tham nhũng của Italia vào thập niên 90 thế kỷ trước đã làm tiêu tan hết toàn bộ nền Đệ nhất Cộng hòa Italia với hàng loạt chính trị gia, đại biểu Quốc hội, bộ trưởng, thậm chí đến Thủ tướng Italia thời đó, ông Bettino Craxi, cũng bị kết án vì tham nhũng, do vậy luật "bất khả xâm phạm" bị hủy bỏ.

Các lực lượng cánh tả đối lập đã cực lực lên án những luận điệu của chính phủ, và nhất là của ông Berlusconi, khi ông đã chính trị hóa quyết định khởi tố của Tòa án Milano. Nhưng thực ra, theo các nhà phân tích, hiện nay trên sân khấu chính trị, các đảng phái đang dồn hết nỗ lực vào cuộc tranh cử bầu hội đồng vùng vào cuối tháng 3/2010. Và rất tiếc là chính các lực lượng chính trị cánh tả ở một số vùng cũng đang bị dính vào những vụ án tham nhũng hối lộ.

Sau gần 15 năm ra sức chống Berlusconi, mà thậm chí, những cao trào chống hay tố cáo bản thân ông Berlusconi về chính trị cũng như về những vụ bê bối trong đời tư, đã không hề làm suy yếu vị trí của Thủ tướng Berlusconi. Và rất có thể trong mùa tranh cử lần này, quyết định khởi tố của Tòa án Milano lại là cái cớ để Thủ tướng Berlusconi giương cao hình ảnh "nạn nhân chính trị" của ông và kêu gọi cử tri bỏ phiếu cho ông vì công lý

Đan Kô (tổng hợp)
.
.