Dư âm phiên tòa xét xử 9 cầu thủ Ninh Bình bán độ:

Khi đồng tiền dẫn lối đôi chân cầu thủ

Thứ Tư, 10/09/2014, 23:15

Rất nhiều cung bậc cảm xúc trong phiên tòa xét xử nhóm cầu thủ bán độ, những giọt nước mắt ân hận, những lo lắng vì rồi đây sẽ không biết làm gì để kiếm sống và cả bức xúc, cuối cùng sau phiên tòa có tốc độ nhanh kỷ lục, một bản án có thể nói là không thể nhẹ hơn đã được tuyên. Nhưng, từ vụ án này, một vấn đề được đặt ra đó là màu cờ sắc áo quốc gia đã bị coi nhẹ hơn đồng tiền…

Cá độ vì đá không có thưởng

Không hiểu vì sao mà Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh Ninh Bình lại bố trí căn phòng khá chật chội làm nơi xét xử vụ án đặc biệt này, vì thế, phòng xử đã không còn một chỗ trống bởi ngoài các bị cáo, thân nhân bị cáo và lực lượng làm nhiệm vụ bảo vệ, công đường chật cứng phóng viên các báo đến tường thuật phiên tòa.

Bị truy tố tội đánh bạc quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 248 Bộ luật Hình sự có khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù. Nhưng cuối cùng chỉ có Trần Mạnh Dũng, người được xác định cầm đầu nhóm cầu thủ và Đào Đức Lợi, kẻ đã nhận cá độ phải nhận mức án 30 tháng tù. Những cầu thủ còn lại nhận từ 24 đến 27 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.

Theo cáo trạng, trước trận đấu với Câu lạc bộ (CLB) Kelantan của Malaysia, Trần Mạnh Dũng nghe cầu thủ trẻ Bùi Văn Hà gợi ý: Anh Dũng "ngố" (Nguyễn Mạnh Dũng) nói, giờ đá mà không có thưởng thì đá làm gì, tận dụng Cúp C2 (AFC Cup) mà kiếm tiền. Trần Mạnh Dũng đã sang phòng Nguyễn Mạnh Dũng hỏi: "Tình hình thế nào?". Nguyễn Mạnh Dũng nói lại nội dung trên và nói muốn chơi thì liên lạc với Đào Đức Lợi (Hải Phòng). Do có quen biết Lợi nên ngày 14/3/2014, Trần Mạnh Dũng gọi điện cho Lợi đặt vấn đề cá độ trận Kelantan - V.Ninh Bình. Lợi hẹn Trần Mạnh Dũng ở Ninh Bình.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, Lợi cùng 2 người bạn đến Ninh Bình, còn Trần Mạnh Dũng đã rủ các cầu thủ cùng đội là Phạm Xuân Phú, Hoàng Danh Ngọc, Văn Quyến, Nguyễn Mạnh Dũng đi ăn cùng Lợi. Sau khi ngồi 30 phút, Trần Mạnh Dũng và Xuân Phú rời bàn nhậu trước để về TP Nam Định. Khi đang trên đường về Nam Định, Trần Mạnh Dũng nhận được điện của Nguyễn Mạnh Dũng gọi điện nói Hoàng Danh Ngọc, Phạm Văn Quyến về trước để Nguyễn Mạnh Dũng và Lợi bàn chuyện cá độ trận Kelantan - V.Ninh Bình vào ngày 18-3 tại Malaysia. Nguyễn Mạnh Dũng và Lợi thống nhất hình thức cá độ là "tài hiệp 1". Sau khi sang Malaysia, Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng sẽ trao đổi cụ thể với Lợi sau.

Ngày 15/3 tại khách sạn The Vissai Ninh Bình, 5 cầu thủ Nguyễn Mạnh Dũng, Trần Mạnh Dũng, Quang Hùng, Văn Duyệt, Chu Ngọc Anh đã gặp nhau để bàn việc cá độ. Mạnh Dũng đưa hình thức bắt kèo là "tài hiệp 1". Sau đó, Nguyễn Mạnh Dũng và Trần Mạnh Dũng thống nhất rủ thêm một số cầu thủ khác cá độ. Trần Mạnh Dũng rủ thêm thủ môn Văn Hưng, Nguyễn Mạnh Dũng kéo thêm Gia Từ, Phan Anh Tuấn tham gia cá độ.

Ngày 17/3, tại phòng khách sạn của Trần Mạnh Dũng ở Malaysia, 2 cầu thủ cùng tên Mạnh Dũng đã cùng 6 cầu thủ Quang Hùng, Xuân Phú, Ngọc Anh, Gia Từ, Văn Hưng, Văn Duyệt họp bàn và thống nhất tham gia cá độ với hình thức bắt "tài hiệp 1", số tiền là 2 tỉ đồng, nếu thua thì chia đều số tiền trên để trả, nếu thắng thì chia đều tiền thắng. Trong khi họp bàn, Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng đã dùng điện thoại lắp sim Malaysia liên lạc với Đào Đức Lợi để đặt cá độ.

Các bị cáo trước tòa.

Tối cùng ngày, nhóm cầu thủ V.Ninh Bình tiếp tục họp bàn về việc cá độ và điện thoại về Lợi thì được Lợi thông báo ở Việt Nam đã lộ thông tin về kèo cá độ tài hiệp 1. Trần Mạnh Dũng và Nguyễn Mạnh Dũng bàn bạc và thống nhất với đồng đội tham gia cá độ nói dối là báo cho Lợi hủy kèo, không cá độ nhưng thực tế vẫn tiếp tục chơi cá độ.

Trưa 18/3, các bị cáo trên lại họp bàn để cá độ và sẽ thông báo khi trận đấu diễn ra. Trong các buổi họp trên, Phan Anh Tuấn không trực tiếp tham gia họp nhưng đều được Nguyễn Mạnh Dũng thông báo và Tuấn nhất trí tham gia.

Chiều 18/3, khi ra sân thi đấu, Trần Mạnh Dũng nhắn tin cho Lợi để đặt cá độ nhưng Lợi báo chỉ nhận kèo "tài 3 hòa cả trận". Trần Mạnh Dũng nhắn tin đồng ý và Lợi nhận cá độ với số tiền là 1,02 tỉ đồng. Nếu Lợi thua, Lợi phải trả 850 triệu đồng cho nhóm cầu thủ trên. Trường hợp Lợi thắng, Lợi nhận đủ 1,02 tỉ đồng.

Khi ngồi trên ghế dự bị Nguyễn Mạnh Dũng, Trần Mạnh Dũng đã thông báo với các cầu thủ đá chính và các cầu thủ dự bị, đồng thời rủ Phan Anh Tuấn cùng tham gia cá độ. Phan Anh Tuấn đồng ý và cầu thủ này còn được Trần Mạnh Dũng động viên: "Vào sân cố gắng ghi nhiều bàn thắng".

Đá được 15 phút, Trần Mạnh Dũng chạy khởi động và nói với thủ môn Văn Hưng về kèo tài 3 hòa. Sau đó, Quang Hùng, Gia Từ cũng được thông báo kèo. Kết quả, V.Ninh Bình đánh bại Kelantan 3-2 và nhóm cầu thủ này thắng 850 triệu đồng.

Sau khi trở về Việt Nam ngày 19/3, Trần Mạnh Dũng yêu cầu Đào Đức Lợi chuyển tiền thắng cá độ. Lợi thông báo thắng được 850 triệu đồng và báo cho Trần Mạnh Dũng nhờ người khác tại TP HCM nhận hộ tiền để tránh phát hiện. Nguyễn Mạnh Dũng trao đổi lại với Trần Mạnh Dũng và Dũng "ngố" đã nhờ bạn là Trần Công Thành nhận hộ tiền. Sau khi nhận được tiền, Nguyễn Mạnh Dũng đưa lại cho Trần Mạnh Dũng để chia cho các cầu thủ tham gia cá độ.

Cụ thể, 4 cầu thủ Lê Quang Hùng, Lê Văn Duyệt, Nguyễn Gia Từ, Nguyễn Văn Hưng được chia 85 triệu đồng/người; 5 cầu thủ Chu Ngọc Anh, Phan Anh Tuấn, Nguyễn Mạnh Dũng, Phạm Xuân Phú, Trần Mạnh Dũng được chia 75 triệu đồng/người. Trần Mạnh Dũng còn chủ động đưa cho Lê Văn Thắng 20 triệu đồng, Hoàng Danh Ngọc 50 triệu đồng. Đào Đức Lợi cũng được "lại quả" 50 triệu đồng. Khi vụ án bị phát hiện, nhóm cầu thủ V.Ninh Bình đã nộp lại số tiền thắng cá độ…

Trước tòa, Trần Mạnh Dũng nói khá nhiều về thành tích cá nhân như tham gia Đội Ninh Bình năm thứ tư mang về 2 cúp quốc gia và một siêu cup. Năm 2009, Trần Mạnh Dũng cùng Đội tuyển quốc gia giành Huy chương Bạc U23 tại SEA Games 23 ở Lào; giành huy chương Đồng Cup TP HCM mở rộng cho Đội tuyển U23 Quốc gia. Bị cáo mong được cho mức án nhẹ nhất để mau chóng trở về với xã hội.

Hội đồng xét xử cho rằng các cầu thủ đã khai báo thành khẩn, nhưng hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây hình ảnh xấu cho nền thể thao Việt Nam nên cần có hình phạt nghiêm khắc để hướng tới xây dựng một nền thể thao trong sạch. Các bị cáo có nhân thân tốt, tuổi trẻ đang thi đấu tốt, lãnh đạo CLB làm đơn xin giảm án. Đây là những tình tiết giảm nhẹ.

Tuy nhiên, ngay sau khi phiên tòa kết thúc, bà Nguyễn Thị Kim Oanh, mẹ của Trần Mạnh Dũng đã khẳng định sẽ kháng án vì bản án không công bằng.

Văn hóa "lùn" + dễ kiếm tiền = bán độ ?

Trong suốt phiên tòa, có hai thân nhân bị cáo thu hút sự quan tâm đặc biệt của báo chí, đó người vợ trẻ của Nguyễn Gia Từ và ông bố của Lê Quang Hùng. Trong khi ông Lê Quảng Ba, bố Lê Quang Hùng chỉ biết ngồi im lặng suốt từ đầu tới cuối phiên tòa, có lúc gục đầu khi nghe tiếng con trai khóc trước vành móng ngựa thì cô vợ trẻ đẹp của Nguyễn Gia Từ liên tục phải quay mặt đi tránh ống kính máy ảnh của phóng viên.

Vừa kết hôn đầu năm 2014, sau phi vụ bán độ, Nguyễn Gia Từ đã không dám về nhà. Xuất thân trong một gia đình nghèo khó ở Hà Tĩnh, mới học hết lớp 12, giờ đây khi sự nghiệp bóng đá coi như chấm dứt, dù không phải đi tù nhưng nỗi lo cơm áo đang đè nặng Gia Từ. Để kiếm sống Gia Từ và cô vợ trẻ đang mở hiệu làm tóc ở Hà Đông (Hà Nội).

Có một câu hỏi được nhiều người đặt ra ngay từ khi vụ án mới bị phát giác là "Tại sao các cầu thủ bán độ?". Thực tế, hơn 10 năm qua, từ khi có V-League, cầu thủ luôn là nhóm có thu nhập cao trong xã hội.

Theo quy chế bóng đá chuyên nghiệp mới của VFF, từ mùa giải 2013, lương cầu thủ thi đấu tại Giải Vô địch Quốc gia (V-League) tối thiểu là15triệu đồng/người/ tháng; Giải hạng Nhất Quốc gia đạt tối thiểu là 10triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, thực tế ở các đội bóng, mức lương cầu thủ luôn cao hơn nhiều lần mức này, những cầu thủ đá chính, lương dao động 30-40 triệu đồng, với những cầu thủ có tên trong Đội tuyển Quốc gia thì lương có thể tới 50 triệu đồng, thậm chí còn hơn.

Với Đội bóng Ninh Bình, dù có những lúc phải nợ lương cầu thủ, nhưng bầu Trường vẫn nổi tiếng là người dám mạnh tay chi thưởng. Như với chức vô địch cúp Quốc gia 2013, các cầu thủ được thưởng 3 tỉ đồng, chia nhau cũng được gần trăm triệu mỗi người. Nhưng, ở Ninh Bình, các cầu thủ còn một khoản thu nhập khủng, đó là tiền lót tay. Với cách tuyển dụng theo kiểu "săn đầu người", bầu Trường tỏ ra hào phóng với những khoản lót tay lên tới nhiều tỉ đồng. Vô địch về khoản lót tay là thủ môn Nguyễn Mạnh Dũng về Ninh Bình với giá 12 tỉ.

Ngoài thủ môn Mạnh Dũng, hầu hết các cầu thủ tham gia vụ bán độ đều từng khoác áo tuyển Quốc gia hoặc tuyển U.23, cái "mác" này khiến cho giá chuyển nhượng được đẩy lên mức 4-5 tỉ đồng/người, như Trần Mạnh Dũng cũng từng đã nhận 5 tỉ đồng lót tay từ bầu Trường khi bỏ Nam Định về với V.Ninh Bình.

Lê Quang Hùng bật khóc trước tòa (trái) và Trần Mạnh Dũng bị kết án 30 tháng tù giam.

Ngoài khoản lót tay tiền tỉ, các cầu thủ ở CLB V.Ninh Bình còn nhận được lương khoảng 50 triệu/tháng và tiền thưởng cho mỗi trận thắng trung bình 30-40 triệu/người/trận. Ngay như cầu thủ đến từ Hà Tĩnh Nguyễn Gia Từ,  khi tham gia thi đấu cho CLB V.Ninh Bình đã nhận mức lương 25 triệu đồng/tháng.

Vì thế, khi nghe các cầu thủ nói về mức lương của mình, vị chủ tọa phải thốt lên rằng "so với thu nhập của người dân Việt Nam, thu nhập của các anh đâu có thấp mà còn tham gia cá độ. May mà trận này Việt Nam thắng chứ nếu thua các anh làm sao khắc phục được hậu quả".

Nhưng, nếu nhìn nhận đến tận cùng thì sẽ thấy chuyện cầu thủ bán độ cũng là… bình thường bởi ngay từ khi bước chân vào bóng đá, bài học mà các cầu thủ này nhận được không phải là thi đấu vì màu cờ sắc áo mà là vì tiền bởi chính các ông bầu đã góp phần khiến họ ảo tưởng về mình khi bỗng dưng kiếm được tiền tỉ quá dễ dàng. Với nền tảng văn hóa thấp, lại kiếm tiền quá dễ nên việc tiêu tiền cũng phóng tay, và khi đã quen tiêu tiền không tiếc thì việc bị cám dỗ bởi những đồng tiền bẩn cũng là điều dễ hiểu.

Còn nhớ khi vụ án này mới xảy ra, chia sẻ với báo chí, ông  chuyên gia người Nhật Tanaka Koji được thuê làm Trưởng giải V-League đã than thở rằng các cầu thủ Ninh Bình bán độ đã làm mất đi niềm tin của bạn bè về bóng đá Việt Nam và cho rằng "việc cần làm của bóng đá Việt Nam hiện tại đó là cần phải làm trong sạch lại và tuyệt đối không thể tha thứ cho sự gian dối. Khi vụ việc được phanh phui, đây là cơ hội để mọi người làm lại, nâng tầm và làm trong sạch bóng đá Việt Nam. Việc làm ngay lúc này là cần phải đào tạo cầu thủ trẻ, giáo dục cho họ về sự công bằng và cao thượng của thể thao nói chung và bóng đá nói riêng. Chỉ có vậy thì bóng đá Việt Nam mới thật sự minh bạch"

Tân Lương
.
.