Kinh tế tăng, đạo đức giảm

Thứ Ba, 05/10/2010, 16:35

Nước Anh đang chìm đắm trong cơn khủng hoảng đạo đức. Điều đã tới phải tới! Những thông tin không mấy thú vị đến ngày một nhiều, tuy những điều chứa đựng trong đó không phải là mới...

Tội ác gia tăng, sự quá tải trong các nhà tù, những khiếm khuyết trong hệ thống giáo dục và sự đào tạo nghề nghiệp từ lâu đã gây ấn tượng mạnh cho những độc giả còn chút lương tâm. Họ bị dằn vặt bởi những thông tin mới không cho thấy vấn đề tốt hơn lên, mà ngược lại - ngày càng xấu đi. Thêm vào là những số liệu đáng lo hơn nữa, đơn cử như Anh quốc đứng đầu phương Tây về nạn hành hạ và đánh đập trẻ em.

Còn số liệu thống kê chính thức cho thấy nạn tội phạm trong năm 2009 đã tăng hơn 19% so với 5 năm trước đó. Nạn trộm cắp (kể cả ngay giữa chốn công cộng) cũng tăng đáng kể. Điều này xảy ra trước hết là ở các đô thị lớn, nhưng phụ nữ và người già chốn tỉnh lẻ cũng chỉ thích "đóng kín" trong nhà mình hơn. Họ sợ gặp phải điều không hay ngoài đường phố...

Trong 27 quốc gia thành viên Liên minh Âu châu (EU), nước Anh chiếm số phạm nhân đông đảo nhất với 95,3 tù nhân trên một nghìn dân, so với Đức là 87,9/1.000. Giới quản giáo có nhiều việc hơn nên họ cũng hay lãn công hơn. Vậy nguyên nhân nào dẫn đến những điều trên đối với một đất nước thường vốn tự hào về một xã hội có kỷ cương của mình?

Trong cuộc phỏng vấn chiếm trọn cả trang đăng trên tờ The Times số ra gần đây, Tổng giám mục địa phận London  John Millar đã nêu những ý kiến của mình về vấn đề này. "Sự xuống cấp đạo đức trong tất cả mọi lĩnh vực của đời sống trong gần ba thập niên trở lại đây - đức cha J.Millar nhận định - theo tôi biểu hiện trước hết là sự thờ ơ trong việc thanh toán nợ nần, song hành với sự tự do quá trớn. Đó là một sự thật cần phải được nói ra".

Sự không tôn trọng tài sản của người khác, cuộc cách mạng tình dục cùng những quan điểm thái quá của chúng, và nhất là việc sử dụng bạo lực trong mối quan hệ giữa con người với nhau. Nguyên nhân của những thói hư tật xấu đó là gì? "Thiếu mối quan hệ láng giềng tốt, bị trói buộc bởi những tiện nghi thực dụng - linh mục J.Millar nhấn mạnh - Với hệ quả là sự thiếu tinh thần trách nhiệm cũng như lòng tôn trọng giữa các cá nhân...".

Bạo lực bùng phát.

Phe đối lập thì cho mọi sự chủ yếu là vì lý do kinh tế: nạn thất nghiệp tràn lan, số ngày công thấp kém và mức trợ cấp xã hội khiêm nhường của nhà nước. Lỗi của chính phủ hiện hữu của Thủ tướng David Cameron là không tạo ra được đủ chỗ làm cho dân chúng. Các khoản tín dụng dành cho y tế, giáo dục và bảo hiểm xã hội lại quá ít ỏi. Còn giới sử học Anh hiện thời lâm vào cảnh tượng y như các đồng nghiệp của họ về bức tranh đại khủng hoảng dạo những năm 30 thế kỷ trước. Họ khẳng định rằng khi đó nạn thất nghiệp cũng rất cao và nhà nước lúc đó tuy còn trợ cấp với số tiền ít hơn, nhưng nạn tội ác lại không leo cao hơn như ngày nay.

Vấn đề không chỉ ở những con số tội ác, còn phát sinh mối ngờ là toàn dân không được đào tạo đầy đủ. Người ta đã tiến hành hàng loạt các cuộc trắc nghiệm trong nền giáo dục của Anh nói chung, cũng như hệ thống hướng nghiệp nói riêng và liên tục so sánh với các nước công nghiệp phát triển khác.

Bức tranh thật là ảm đạm: Mọi giới ở Anh từ trẻ em, thanh thiếu niên tới các thế hệ trưởng thành tiếp nhận một tổng lượng tri thức kém cỏi hơn, cũng như việc đào tạo nghề sa sút hơn. Thanh niên Nhật Bản và Đức học giỏi hơn bởi họ có một hệ thống giáo dục tốt hơn, Pháp và Mỹ cũng vượt xa Anh trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Đó là các thông tin chính thức được đăng tải bởi các viện thăm dò xã hội có uy tín.

Số tù nhân tại Anh chiếm tỉ lệ cao nhất trong khối EU.

Thời gian trước đây, truyền hình và sau đó là báo chí đã loan đi một tin đáng lo ngại khác, như lời báo động của các nhà khoa học của Trường đại học Tổng hợp Lancaster, thì số người mù chữ và bán thất học ở Vương quốc Anh không chỉ là con số 2 triệu người, mà đã tăng lên... 7 triệu người. Điều này có nghĩa là tới 1/8 tổng số người Anh không hề biết hoặc biết đọc và viết rất kém.

Rất nhiều người trong số họ bỏ qua việc học hành cũng như sửa soạn hành trang nghề nghiệp vào đời. Họ thường thích làm những công việc không cần đến kỹ năng chuyên môn trong nền kinh tế, dạng lao động phổ thông "vai u thịt bắp" thuần túy. Hiện giờ tại những ngôi trường mới mở của nhà nước về huấn nghiệp với đa phần là những người trẻ theo học, khi đó người ta mới té ngửa ra về trình độ đọc viết của họ...

Một vài khu trong các thành phố đầy vẻ hoang tàn. Phố xá, quảng trường, cung thể thao dơ bẩn và đầy rác rưởi, cho phép du khách thập phương thể hiện khẩu ngữ mới "Filthy Britain" (Vương quốc Anh bẩn thỉu). Nhưng nhiều người bản địa lại nhún vai và nói rằng họ không quan tâm tới hiện tượng này, tuy  nhiên mọi sự thay đổi đều ảnh hưởng trực tiếp tới con người và ai cũng nhận thức được điều ấy.

Đến giờ vẫn chưa có đủ các biện pháp để làm tăng trưởng cuộc sống của mọi tầng lớp dân cư, còn cánh tả chỉ rõ rằng chính phủ thường không mấy đưa tin về nhóm dân chiếm tỉ lệ cao trong xã hội (thất nghiệp, nghèo đói, các cộng đồng thiểu số...). Các khoản chi cho trợ cấp xã hội bị cắt xén triền miên, trong khi tầng lớp giàu có lại được giảm những khoản thuế khổng lồ.

Tuy nhiên mọi điều ở Vương quốc Anh hiện nay không hẳn là xấu cả. Sự tăng trưởng của nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi. Sức sản xuất đã tăng trở lại, đà lạm phát được kiềm chế ở mức giới hạn, nạn thất nghiệp không tăng mấy nữa trong khi các chương trình hướng nghiệp đã thu hút được đông đảo thanh niên.

Nhưng cảnh phong lưu trong các dịp nghỉ cuối tuần, hay sự khéo tay thiện nghệ của lực lượng công nhân trong các nhà máy sản xuất đồ điện tử chỉ là một mặt của cuộc sống. Sự thật của mặt kia là cho tới tận lúc này trong các vùng nghèo khó tệ bạo hành chưa được loại trừ, trong các khu phố nghèo nhất nạn tội ác, giết người và đốt phá vẫn nhan nhản... Đó là một lợi thế để các chính giới đối lập luôn chỉ trích đảng Bảo thủ đương quyền trong các cương lĩnh tranh cử

Kim Dung (theo Deutsche Welle)
.
.