Làm rõ nhiều vụ lừa đảo bằng hình thức góp vốn

Thứ Ba, 26/11/2019, 12:25
Thời gian gần đây, các đơn vị nghiệp vụ thuộc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã liên tiếp điều tra làm rõ các vụ án lừa đảo bằng hình thức góp vốn hoặc vay mượn tiền bạc. Các đối tượng đã sử dụng những thủ đoạn tinh vi nhằm huy động số tiền lên đến hàng tỷ đồng của nhiều người để rồi giở trò chiếm đoạt sử dụng cho mục đích cá nhân.

Gã Việt kiều và những cú lừa bạc tỷ

Trần Văn Chấn (SN 1973) có quê quán ở thị trấn Phú Lộc, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên-Huế, vượt biên sang Mỹ từ năm 1987. Tuy nhiên, sau khi bị cảnh sát nước sở tại bắt vì tội trốn thuế, Chấn bị trục xuất về Việt Nam vào tháng 9-2018. Trở về quê hương, Chấn cùng vợ là Đào Thị Phượng (SN 1980) và con trai Trần Văn Phước (SN 2001) đến phường Phú Bài, thị xã Hương Thủy thuê nhà nghỉ để ở.

Cả hai vợ chồng Chấn và Phượng đều không có nghề nghiệp ổn định, trong khi đó Phượng lại mê đánh bạc bằng hình thức chơi tài xỉu trên mạng internet. Vì thế, để có tiền tiêu xài, trả tiền thuê nhà nghỉ và đánh bạc, Phượng bàn với Chấn lên kế hoạch lừa đảo những người quen biết, bạn bè có điều kiện kinh tế khá giả, trong đó có chị Nguyễn Thị A.L. ở huyện Phú Lộc.

Từ tháng 11-2017, Phượng tìm cách liên hệ với chị L. qua điện thoại và cho biết, được Chấn bảo lãnh nên Phượng và con trai đang làm các thủ tục để chuẩn bị xuất cảnh sang Mỹ. Vì thế Phượng ngỏ lời vay mượn chị L. một khoản tiền kèm theo lời hứa sau khi qua Mỹ sẽ gửi tiền về trả cho chị L. Tuy nhiên, sau cú lừa đầu tiên để lấy tiền, thấy chị L. nhẹ dạ, không mảy may nghi ngờ việc bị lừa đảo nên Phượng tiếp tục gọi điện thoại cho chị L. thông qua Messenger.

Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đọc lệnh khởi tố bị can, bắt giữ đối tượng Đào Thị Phượng.

Những lúc gọi điện như thế, Phượng cho biết đang ở Mỹ cùng với Chấn và cho chị L. gặp mặt nói chuyện với Chấn thông qua kết nối hình ảnh trên điện thoại. Lúc này Phượng cho biết nghề đánh bắt cá ở Mỹ thu lợi nhuận rất cao nên cần tìm người góp vốn đóng tàu đánh cá.

Vì tin tưởng những lời nói ngon ngọt, hứa hão của vợ chồng Chấn, Phượng nên chị L. đã nhiều lần chuyển số tiền hơn 5,5 tỷ đồng, trong đó có 122.000 USD thông qua đưa tiền mặt trực tiếp cho con trai Phượng là Trần Văn Phước. Sau khi nhận tiền, Phước chuyển tiền lại cho Phượng qua tài khoản do Phượng cung cấp cho Phước để phục vụ việc tiêu xài và trả nợ.

Đến tháng 8-2019, sau nhiều lần điện thoại cho vợ chồng Chấn và Phượng nhưng đều không liên lạc được, chị L. mới tìm đến căn nhà cũ của đôi vợ chồng này ở thị trấn Phú Lộc thì mới hay căn nhà đã bị siết nợ. Liên lạc với bạn bè đang ở Mỹ để hỏi các thông tin liên quan về Chấn, chị L. mới biết Chấn đã bị trục xuất về Việt Nam nên đành làm đơn tố cáo gửi đến Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Bằng thủ đoạn tương tự, vợ chồng Chấn, Phượng và con trai còn giăng bẫy lừa nhiều người dân ở địa bàn huyện Phú Lộc. Trong đó, chị Hoàng Thị H.A. (SN 1979, trú thị trấn Phú Lộc) là nạn nhân bị vợ chồng Chấn, Phượng lừa số tiền lên đến 6 tỷ đồng.

Theo chị A., cũng vì tin tưởng Phượng có chồng ở Mỹ và đang cần số tiền lớn để góp vốn đóng tàu đánh cá nên cuối năm 2018, chị A. chuyển số tiền 600 triệu đồng cho vợ chồng Phượng. Tiếp đó, do bị cặp đôi này giở trò tung nhiều thông tin giả về việc làm ăn kinh doanh ở Mỹ nên chị A. còn nhiều lần giao cho Phượng thêm 5,4 tỷ đồng.

Toàn bộ số tiền này đều được đối tượng Trần Văn Phước đứng ra nhận thay để chuyển lại cho Phượng. Phải đến khi có dư luận đồn thổi thông tin việc vợ chồng Chấn, Phượng lừa đảo, chị A. mới hay là mình đã mắc bẫy lừa nên chỉ còn cách làm đơn trình báo đến công an.

Tiếp nhận đơn thư tố cáo của các nạn nhân, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế lập tức vào cuộc tiến hành xác minh các thông tin liên quan. Bằng các biện pháp nghiệp vụ điều tra, đơn vị phát hiện, ngoài 2 trường hợp kể trên, vợ chồng Chấn, Phượng và con trai còn lừa đảo thêm 4 nạn nhân ở địa bàn huyện Phú Lộc.

Cụ thể, từ tháng 5 đến tháng 8 năm 2019, anh Huỳnh Q. (trú ở thị trấn Phú Lộc) chuyển cho Phượng vay mượn, góp vốn với số tiền 3.950.000.000 đồng; chị Huỳnh T.M. bị lừa 300 triệu đồng; Đào Thị H. (SN 1978, trú xã Lộc Trì, huyện Phú Lộc) bị lừa 550 triệu đồng; Đào T.H. (SN 1965, trú xã Vinh Hiền, huyện Phú Lộc) cũng bị lừa 800 triệu đồng. Tổng cộng, vợ chồng Chấn, Phượng và con trai đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền hơn 17,1 tỷ đồng của các nạn nhân.

Sau khi biết vụ việc lừa đảo bị bại lộ, Đào Thị Phượng rời khỏi địa phương vào TP Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa) lẩn trốn. Dưới sự chỉ đạo của Ban Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, Phòng Cảnh sát hình sự đã cử một tổ công tác vào Khánh Hòa để bắt giữ Phượng. Mới đây, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam 3 đối tượng Đào Thị Phượng; Trần Văn Chấn và Trần Văn Phước về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại khoản 4, Điều 174 Bộ luật Hình sự.

Điều đáng nói, dù chiếm đoạt số tiền lớn lên đến nhiều tỷ đồng nhưng vì đánh bạc qua mạng và tiêu xài hoang phí nên sau khi bị bắt, tài khoản của Phượng chỉ còn... 3,5 triệu đồng. Ngoài ra, các đối tượng có 1 xe máy SH và 1 xe đạp điện đã được cầm cố trước đó.

Cơ quan Công an bắt tạm giam đối tượng Trần Thị Như Ý.

Nữ quái 8X tung tin giả làm mồi nhử

Thời gian qua, Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế còn điều tra, làm rõ nhiều vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản khác thông qua hình thức góp vốn làm ăn, góp vốn kinh doanh bất động sản. Trong đó, vụ việc đối tượng Trần Thị Như Ý (SN 1985, trú số 167 Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP Huế) bị bắt vào tháng 10-2019 về hành vi lừa đảo khiến dư luận ở TP Huế không khỏi xôn xao.

Theo Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, trước đây vợ chồng Trần Thị Như Ý sinh sống tại số 144 Trần Phú, TP Huế và đối tượng này chuyên kinh doanh đồ điện tử, điện dân dụng và các mặt hàng nhỏ lẻ. Ý thường đặt mua các sản phẩm có chương trình khuyến mãi rồi tung ra thị trường bán lại kiếm lời. Vì nhiều lý do nên sau đó việc kinh doanh của Ý thua lỗ. Để có tiền lấy hàng và trả nợ, dựa trên các mối quan hệ xã hội, Ý tung tin giả là bản thân đang kinh doanh bất động sản, cần vay mượn số tiền lớn hoặc những ai có tiền góp vốn với Ý sẽ được trả lãi suất cao hơn lãi của ngân hàng.

Do kinh doanh liên tiếp thua lỗ, trong khi số tiền vay mượn ngày mỗi lớn nên Ý không có khả năng chi trả dẫn đến vỡ nợ. Tuy nhiên, để tạo lòng tin, tháng 3-2018, đối tượng Ý dùng số tiền vay mượn mua lại khu nhà đất số 167 Trần Phú, phường Phước Vĩnh, TP Huế với giá 3,7 tỷ đồng và mở cửa hàng kinh doanh tại đây. Tiếp đó, tháng 4-2018, Ý mua xe ôtô Mazda CX5 với giá hơn 1 tỷ đồng.

Thấy Ý có nhà riêng, xe ôtô xịn nên nhiều người càng tin tưởng cho Ý vay mượn tiền, góp vốn làm ăn với lãi suất cao. Bằng chiêu bài này, từ cuối năm 2017 đến giữa năm 2019, Ý đã vay mượn của nhiều người ở tỉnh Thừa Thiên-Huế với tổng số tiền hàng chục tỷ đồng.

Có được số tiền này, Ý dùng phần lớn để trả nợ cho những người đã vay mượn trước đó, còn lại dùng chi tiêu cá nhân. Đến khi không còn khả năng trả nợ, lo sợ chủ nợ tìm đến nhà nên đầu tháng 7-2019, Ý bỏ trốn khỏi điạ phương một thời gian, sau đó mới đến Cơ quan công an trình diện.

Hai cha con Trần Văn Chấn và Trần Văn Phước bị bắt về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nhận diện để phòng tránh thủ đoạn lừa đảo

Trung tá Trần Văn Sung, Phó Thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, qua công tác điều tra bước đầu, Cơ quan CSĐT đã chứng minh được Trần Thị Như Ý lừa đảo 3 người, chiếm đoạt tổng số tiền 2,5 tỷ đồng nên ngày 16-10 đã tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối tượng này.

Trong đó, bà Lê Thị T.T (47 tuổi, trú đường Bùi Thị Xuân, TP Huế) bị lừa 1,1 tỷ đồng; anh Nguyễn V.B (21 tuổi, trú đường Tăng Bạt Hổ, TP Huế) bị lừa 800 triệu đồng; chị Nguyễn T.H.N (27 tuổi, trú đường Nguyễn Trãi, TP Huế) bị lừa 600 triệu đồng)... Hiện, Cơ quan công an vẫn đang tiếp tục điều tra các đơn thư tố cáo đối tượng Ý lừa đảo.

Đại tá Phạm Văn Toàn, Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết, ngoài 2 vụ án nói trên, thời gian qua, tình hình tội phạm sử dụng công nghệ cao ở địa bàn tỉnh đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp; đặc biệt là tội phạm sử dụng mạng viễn thông, internet để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo Đại tá Toàn, các đối tượng thường sử dụng các phương thức, thủ đoạn sau để lừa đảo. Thủ đoạn thứ nhất, nhóm đối tượng giả danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án đang thụ lý điều tra một vụ án và thông báo tài khoản ngân hàng của bị hại nghi có liên quan đến vụ án này. Các đối tượng dọa có lệnh bắt, tạm giam và yêu cầu bị hại chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân do chúng chỉ định để điều tra, sau đó chiếm đoạt.

Thủ đoạn thứ hai, trên Facebook, các đối tượng giả danh người nước ngoài chủ động vào kết bạn làm quen, tán tỉnh rồi thông báo có gửi quà giá trị cao về Việt Nam. Sau đó các đối tượng tiếp tục mạo danh là cán bộ thuế, hải quan sân bay gọi điện yêu cầu bị hại gửi tiền đóng các khoản phí, thuế... để được nhận quà rồi chiếm đoạt. Thủ đoạn thứ ba, các đối tượng sau khi hack tài khoản Facebook, Zalo của người khác thì giả mạo những người này trò chuyện với bạn bè, người thân nhờ mua thẻ cào điện thoại, mượn tiền gấp, kêu gọi ủng hộ từ thiện vào các tài khoản ngân hàng cá nhân do các đối tượng chỉ định để chiếm đoạt.

Thủ đoạn thứ tư, các đối tượng sau khi hack tài khoản Facebook, Zalo của người khác thì giả mạo những người này trò chuyện với bạn bè, người thân rồi xin số điện thoại, số tài khoản của họ để nhận tiền hộ từ nước ngoài. Sau đó đối tượng gửi tin nhắn giả, website giả mạo để bị hại nhập các thông tin tài khoản ngân hàng rồi chiếm đoạt tài khoản ngân hàng online và rút toàn bộ tiền trong tài khoản để chiếm đoạt. Thủ đoạn thứ năm là các đối tượng giả danh nhân viên ngân hàng, Facebook gọi điện, nhắn tin cho bị hại thông báo trúng thưởng với số tiền và xe máy giá trị cao, yêu cầu người trúng thưởng nộp các khoản tiền làm thủ tục nhận giải để chiếm đoạt.

“Để phòng tránh bị lừa đảo, chúng tôi khuyến cáo người dân cần nâng cao tinh thần cảnh giác. Đặc biệt, không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin đăng nhập tài khoản ngân hàng, mã OTP cho bất kỳ ai, kể cả người tự xưng là nhân viên ngân hàng; không mở giúp, mở thuê tài khoản ngân hàng cho người khác sử dụng tránh tiếp tay cho tội phạm; không chuyển tiền, thẻ cào điện thoại, giao dịch tiền bạc theo yêu cầu của bất kỳ ai khi chỉ nhận được tin nhắn từ mạng xã hội Facebook, Zalo; không đăng nhập vào các đường link lạ, nghi vấn giả mạo do người khác gửi để tránh bị đánh cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng và tiền trong tài khoản; cần tỉnh táo, cảnh giác trước các đối tượng chủ động làm quen, tán tỉnh trên mạng xã hội, dụ dỗ, gửi tiền, quà từ nước ngoài về; cần gọi điện thoại xác nhận khi có người thân, bạn bè nhờ nộp tiền, thẻ cào trên mạng xã hội...

Ngoài ra, còn nhiều thủ đoạn tương tự khác mà tội phạm có thể sử dụng. Và khi có thông tin, đề nghị người dân trình báo đến Cơ quan công an gần nhất hoặc qua đường dây nóng 0234.382.6666 của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thừa Thiên-Huế, địa chỉ 27 Trần Cao Vân, phường Phú Hội, TP Huế để được tiếp nhận giải quyết theo quy định pháp luật”, Đại tá Phạm Văn Toàn khuyến cáo.

Anh Khoa
.
.