Loan "cá" đã lộng hành như thế nào?

Thứ Ba, 12/05/2020, 21:30
Một thời gian dài, tiểu thương buôn bán gần Khu công nghiệp Thạnh Phú (huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai) dù đắt hàng hay ế khách vẫn luôn phải đóng "hụi chết" tiền cho một nhóm dân "anh chị" ở đây. Chợ tạm, chợ tự phát nên không ai quản lý.

Thay vào đó, một nhóm bặm trợn, xăm trổ đầy mình tự xưng là người của "chị Loan", đến xua đuổi, đặt "ba lết" xí chỗ, buộc ai muốn ngồi bán thì phải trả tiền cho chúng. Ai không nộp tiền thì bị chúng đập phá hàng hóa, đồ đạc và hành hung. Bức xúc nhưng người buôn bán nhỏ không dám phản kháng hay tố cáo sợ bị liên lụy, trả thù.

Hành trình tội lỗi

"Chị Loan", chính là Lý Thị Loan, biệt danh Loan "cá", sinh năm 1981, hiện ngụ tại xã Hóa An, Biên Hòa, Đồng Nai, quê gốc ở Đồng Tháp. Năm 2002, Loan rời quê đến phường Hóa An, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai xin làm công nhân Công ty Pouchuen. Lương thấp, làm không bao lâu thì Loan bỏ việc, chuyển sang bán cá trước cổng Công ty Pouchuen và lấy chồng cùng nghề, tên là Nguyễn Quốc Tuấn, sinh năm 1977.

Cơ quan Công an tóm gọn các đối tượng đang thu tiền bảo kê của tiểu thương tại hiện trường.

Nghề khá dần lên, vợ chồng Loan có vựa cá trong chợ Hóa An, chuyên bỏ mối cho các cửa hàng bán lẻ, nhà hàng, quán nhậu... vì vậy tiểu thương gọi là Tuấn "cá" và Loan "cá".

Tuy nhiên theo Loan, việc làm này cũng chỉ là gom bạc lẻ, vậy là thị nghĩ ngay đến việc "ăn" tiền của những người cùng hội cùng phường. Loan bắt đầu thâu nạp một số đối tượng giang hồ, nghiện hút về dưới trướng rồi hàng ngày ra chợ ép tiểu thương phải nộp tiền với lý do để đảm bảo cho mọi người buôn bán mà không bị ai chèn ép…

Mở rộng thêm, Loan cho đàn em thu tiền bảo kê những người bán hàng rong trước cổng Công ty TNHH Pouchen Việt Nam, đối diện chợ Hóa An. Khách hàng của những người bán hàng rong chủ yếu là công nhân Công ty TNHH Pouchen, lên đến hàng chục ngàn, có khi gần trăm ngàn người. 

Người nào không chịu nộp tiền thì chúng dùng vũ lực đập phá hàng hóa phương tiện chở hàng. Loan thu tiền bảo kê theo từng vị trí (hàng rong hay cố định), thời gian… Ngoài ra, Loan còn tổ chức cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê. Hành vi ngạo ngược của băng nhóm này khiến nhiều người khiếp sợ.

Hành trình kiếm tiền mồ hôi, xương máu của những người lao động nghèo tại Hóa An của Loan kéo dài khoảng 10 năm. Năm 2019, Loan "cá" giao lại địa bàn chợ Hóa An cho chồng và và em gái. Còn mình, Loan "vươn vòi" tới Khu công nghiệp Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai, tạo địa bàn mới thu tiền bảo kê.

Công ty TNHH Chang Shin có nhiều cổng ra vào. Cổng trước nằm trên đường Đồng Khởi, cổng sau nằm trên đường 768. Trước hai cổng này đều có chợ tự phát phục vụ cho mấy chục ngàn công nhân của công ty. Loan "cá" bố trí phân công hơn 10 đàn em, trong đó có 2 đối tượng thân cận là Hoàng Thị Tuyết Nhung (sinh năm 1985, còn gọi là Nhung "khàn", ngụ Hố Nai, Biên Hòa) và một đối tượng tên Bảo coi sóc.

Tuấn "cá" bị Công an Đồng Nai bắt giữ.

Loan giao cho Nhung và Bảo chỉ huy đàn em thu tiền bảo kê tuần, tháng với mức trung bình tính từ 1 đến 1,5 triệu đồng/người/tháng, tùy theo vị trí và mặt hàng buôn bán. Bất kỳ ai đến buôn bán, đám tay chân cũng kéo đến dằn mặt, buộc họ phải đóng tiền chỗ.

Công nhân đông, người buôn bán nhỏ nhiều nên nguồn lợi bảo kê cũng rất lớn. Gần đây, một vài băng nhóm xã hội đen khác cũng bắt đầu kéo đến, tranh giành địa bàn, phân chia quyền lợi bảo kê. Gần Công ty Chang Shin, Loan đặt một địa điểm trông giữ xe cho công nhân.

Chiều ngày 5/5, Loan triệu tập nhóm đàn em do Loan cầm đầu đến bãi xe do Loan làm chủ để bàn chuyện đánh chiếm lãnh địa của một băng nhóm khác. Loan yêu cầu đám tay chân nhanh chóng thu tiền bảo kê của các hộ tiểu thương tại các chợ tự phát trước cổng Công ty Chang Shin.

Công an đã nắm trước mọi diễn biến có thể xảy ra. Khoảng 17 ngày 5/5, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (CSĐT TP về TTXH) Công an tỉnh Đồng Nai đã đồng loạt ra quân. Loan "cá" và đàn em đã bị Công an Đồng Nai bắt quả tang về hành vi gây rối trật tự công cộng, thu tiền bảo kê.

Tang vật thu giữ tại hiện trường gồm 10 điện thoại di động, 4 xe gắn máy, thu giữ trên người các đối tượng tổng cộng 160 triệu đồng tiền mặt. Các đối tượng Loan, Nhung, Trần Công Đại, Nguyễn Văn Tuấn, Vũ Minh Tiến, Châu Cóp, Đỗ Xuân Dũng, Lê Trung Hiếu, Nguyễn Thanh Tuân, Đặng Thái Quốc, Huỳnh Minh Tuấn bị đưa về cơ quan công an.  Khám xét nơi ở của Lý Thị Loan, công an thu giữ được nhiều cuốn sổ, giấy tờ có ghi tên và số tiền của người nộp cùng nhiều vật dụng khác như Ipad, điện thoại di động, đầu thu camera, xe môtô và hơn 60 triệu đồng.

Tay chân đắc lực nhất của Loan là Nhung "khàn" trước đó là đàn em của Trần Công Đại. Đại lấy vợ, tạm nghỉ làm cho Loan thì Nhung được Loan tin tưởng giao cho việc thu tiền bảo kê tại khu chợ tự phát trước cổng Công ty Chang Shin. Khu vực Công ty Pouchuen, Hóa An, Loan giao cho Tuấn "cá" quản lý.

Tiểu thương buôn bán trước cổng công ty Chang Shin.

Ngày 7/5, điều tra mở rộng, Cơ quan Cảnh sát điều tra tiếp tục bắt khẩn cấp và khám xét nơi ở của Nguyễn Quốc Tuấn (Tuấn "cá") và Lý Thị Phượng (1982) cùng ngụ phường Hóa An, TP Biên Hòa) để điều tra về hành vi cưỡng đoạt tài sản.

Thượng tá Bùi Văn Đại, Phó trưởng phòng phụ trách Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, kế hoạch truy quét băng tội phạm xã hội đen đã được triển khai từ tháng 10/2019. Loan từng có tiền sự về hành vi gây rối, có đầu óc tổ chức, lộng hành nhưng biết cách che giấu hành vi. Loan đã bố trí đội quân cảnh giới, cài cắm khắp khu vực để theo dõi hoạt động của cơ quan chức năng, mọi nghi vấn dù là nhỏ nhất đều được báo ngay.

Nạn nhân, hầu hết là những người bỏ quê đi làm ăn xa, một mặt muốn yên ổn làm ăn, một mặt sợ bị trả thù nên không ai chịu hợp tác mà chỉ cắn răng chịu đựng, không dám tố cáo. Loan đã nhiều lần cho đàn em đánh đập, dằn mặt người có ý đồ chống đối. Dưới trướng của Loan là những kẻ đầu xanh, tóc đỏ, một số đối tượng là người dân tộc thiểu số, có kẻ không biết chữ, dễ sai bảo. Đi tới đâu chúng cũng cố tình khoe thân hình vằn vện để "dọa" nạn nhân.

Những đồng tiền mô hôi nước mắt của tiểu thương bị băng nhóm bảo kê Loan “cá" chiếm đoạt.
Băng nhóm bảo kê do Loan "cá" cầm đầu bị bắt giữ.

Lãnh đạo Phòng CSĐT tội phạm về TTXH đã yêu cầu các trinh sát phải ngày đêm bám sát các đối tượng, kiểm soát chặt chẽ các khu vực mà chúng thực hiện thu tiền bảo kê, đặc biệt phải tìm đến từng nhà những tiểu thương làm công tác vận động, kiên trì giải thích để họ hiểu.

Khi nạn nhân nào tự nguyện hợp tác hoặc làm đơn tố cáo thì phải có biện pháp bảo vệ an toàn cho bản thân họ và những người thân trong gia đình. Với cách này, đã có trên 30 tiểu thương tố cáo hành vi thu tiền bảo kê của băng nhóm Loan "cá". Phương án đấu tranh nhanh chóng được triển khai.

"Hút máu" người nghèo

Tại Cơ quan điều tra, lúc đầu, Loan, Nhung cho rằng bản thân chỉ là tiểu thương như mọi người, không có chuyện hoạt động bảo kê thu tiền. Việc bị bắt quả tang tại hiện trường là do đám thanh niên tự ý đi xin, Loan hoàn toàn không biết. Khi cơ quan Công an đưa ra bằng chứng, Loan, Nhung đã phải cúi đầu nhận tội, nhưng viện lý do làm ăn thua lỗ quá nên làm liều…

Lời khai của Trần Công Đại thì khác. Lúc còn bán cá ở cổng khu công nghiệp Pouchuen ở xã Hóa An, TP. Biên Hòa, khi Đại vào xin phụ việc thì Loan giao cho nhiệm vụ cứ lúc gần tan chợ thì đi thu tiền của những người cùng bán trong khu vực.

Nếu là người buôn gánh, bán bưng, ngồi ở vị trí không đẹp thì thu 5.000 đồng/ca, còn người ngồi chỗ đẹp thì thu 10.000 đồng/ca. Mỗi ngày Đại thu và nộp cho Loan số tiền dao động từ 700 ngàn đến 1 triệu đồng.

Từ khi mở rộng địa bàn qua xã Thạnh Phú, huyện Vĩnh Cửu, Loan giao bớt việc thu tiền bảo kê cho Nhung và yêu cầu Nhung tăng giá thu lên thành 10.000-20.000 đồng/ca/chỗ bán hàng trong thời gian 1 giờ đồng hồ. Thuê ngày thì cứ nhân lên theo giờ.

Với Đại, dù là đệ tử ruột, Loan cũng không giảm tiền bảo kê. Từ khi lấy vợ, Đại không làm việc cho Loan mà vợ chồng Đại chuyển sang bán trái cây, Loan vẫn thu của Đại bằng giá với người khác, từ 400-600 ngàn đồng/tháng tùy theo mùa nắng hay mùa mưa...

Điều đáng nói là băng nhóm bảo kê hoạt động trong thời gian dài mà lực lượng chức năng địa phương không phát hiện và xử lý kịp thời nên không tránh khỏi sự người dân nghi ngờ. Luật pháp mà "đi vắng" sẽ có nhiều Loan "cá" lộng hành.

Văn Hào
.
.