Hồi ký của tướng Paul Aussaresses:

Lời thú nhận muộn màng và cái chết bí ẩn của nhà toán học

Chủ Nhật, 09/02/2014, 08:25

Mới đây, tờ The Dailybeast bất ngờ công bố những đoạn trích trong cuốn hồi ký mới xuất bản của viên tướng Pháp Paul Aussaresses - người vừa qua đời cách đây ít lâu sau một cơn bạo bệnh. Đó là những lời thú tội muộn màng từ "kiến trúc sư" của những chế độ tra tấn và hành hình có hệ thống trong cuộc chiến giành độc lập đẫm máu từ tay thực dân Pháp ở Algeria. Và chính Paul đã truyền lại "bí kíp" cho lực lượng CIA (Mỹ) và Cảnh sát Chile. Tiết lộ gây sốc của tướng Paul Aussaresses đã thổi bùng lên làn sóng phẫn nộ trong đông đảo công chúng, mở màn cho giai đoạn khó khăn khi nước Pháp lật lại một trang sử không mấy vui vẻ.

Khi cuốn hồi ký được xuất bản cũng là thời điểm một nghi án khác bắt đầu. Phía sau cánh cửa căn phòng tầng 4, thuộc tòa nhà chung cư được xây dựng từ những năm 70-80 gần con sông hẹp của thành phố Bretagne, có lẽ còn ẩn chứa một trong những bí mật cuối cùng của cuộc chiến tranh Algeria. Các tài liệu cứ âm thầm được tiết lộ, hướng tới cái tên Paul Aussaresses và sự mất tích bí ẩn của một nhà toán học trẻ tuổi.

Hơn 50 năm trôi qua, nhưng người thân của nhà toán học ấy vẫn cố gắng đeo đuổi một vụ kiện, với hy vọng tìm ra sự thật. Vậy mà cuối cùng, cái chết của Paul Aussaresses đã dập tắt hoàn toàn hy vọng mỏng manh ấy.

Bậc thầy tra tấn

Paul Aussaresse tốt nghiệp Trường Sĩ quan Saint-Cyr, là một tướng tình báo quân đội, phục vụ nước Pháp trên toàn thế giới và đã gặt hái được nhiều thành tích quân sự xuất sắc khi tham chiến ở Bắc Phi trong Thế chiến thứ hai. Năm 1947, ông được bổ nhiệm làm chỉ huy Tiểu đoàn xung kích số 11, một đơn vị đặc công nằm trong biên chế của SDECE - lực lượng tình báo Pháp thời đó.

Năm 1955 Paul Aussaresses lần đầu tiên đến Algeria với vai trò một sĩ quan tình báo. Hai năm sau, Paul tham gia trận chiến Algeria, một trong những thời khắc đen tối nhất của lịch sử nước Pháp.

Cũng trong thời điểm này, ông trở thành cố vấn của Tướng Jacques Massu - người đã lãnh đạo quân Pháp tham chiến tại Algeria, đàn áp phong trào đấu tranh giành độc lập của nhân dân thuộc địa. Ông làm việc bên cạnh tướng Jacques Massu trước khi trở thành Thiếu tá Paul Aussaresses, phụ trách toàn bộ cơ quan tình báo.

Paul đã lập ra một chế độ tra tấn có hệ thống, xây dựng các mạng lưới tình báo trải khắp châu Phi nhằm chống lại quân đội kháng chiến của Algeria, và thực thi hành quyết nhanh gọn theo lệnh cấp trên bởi các nhà tù của Pháp ở Algeria "không còn đủ sức chứa tù nhân".

Paul cho biết chính cái chết của anh trai đã khiến ông quyết định kể lại toàn bộ câu chuyện bí mật thời chiến. Ông đã gửi bản thảo 1.200 trang hồi ký tới Nhà xuất bản Plon, và yêu cầu rằng chỉ phát hành rộng rãi sau khi ông qua đời. Thế nhưng, nhà xuất bản đã không tôn trọng yêu cầu của Paul vì biết cuốn sách sẽ đem lại nguồn thu khổng lồ.

Hồi ký được xuất bản với tựa đề "Nhiệm vụ đặc biệt - Algeria những năm 1955-1957", là những dòng tâm sự kể lại những hành động man rợ mà Paul cùng các quân nhân khác trong "đơn vị tử thần" đã làm đối với 24 tù nhân người Algeria. Ông cùng cả nhóm đã tra tấn, bằng nhiều ngón nghề khác nhau, cho tới chết toàn bộ số tù nhân trên. "Hiếm khi những tù nhân chúng tôi thẩm vấn trong đêm vẫn còn sống vào sáng hôm sau. Cho dù có nói gì hay không, nói chung họ đều bị hành quyết", Paul kể lại trong cuốn hồi ký.

Cuộc đời Paul Aussaresses trải đầy những nghịch lý. Ngay trước khi ông qua đời, cuốn hồi ký của ông đã gây chấn động dư luận, kéo ông và các biên tập viên của Nhà xuất bản Plon vào vòng lao lý với tội danh "che giấu tội ác chiến tranh". Những lời thú nhận kinh hoàng của Paul, thêm một lần nữa, gây một cú sốc thực sự đối với người Pháp, vốn lâu nay thường quen với việc đưa ra những bài học về nhân quyền và dân chủ cho những người khác.

Không lâu sau đó, Paul Aussaresses đã bị tước quân hàm, tước Huân chương Bắc đẩu Bội tinh và quyền được mặc quân phục, đồng thời phải bị phạt một khoản tiền lên tới 7.500 euro. Thế nhưng, trong một cuộc phỏng vấn với Báo Le Monde, Paul Aussaresses đã có những phát biểu đầy tranh cãi khi biện hộ cho những hành động tra tấn trong chiến tranh Algeria. Ông cho rằng, những hình phạt của chính quyền là đạo đức giả, và người dân nên biết cảm ơn ông vì đã tiết lộ những khoảng tối đáng sợ trong chiến tranh.

Tướng "một mắt" P. Aussaresses.

Thời kỳ đen tối mà các hình thức tra tấn của Paul Aussaresses đóng vai trò trung tâm là một tội ác bị lịch sử che giấu, một khi đã bị lộ rất có thể gây ra những làn sóng tranh cãi chính trị gay gắt. Có tin đồn rằng, một số tài liệu khác về Paul Aussaresses được bí mật lan truyền, song bị chính quyền tịch thu và tiêu hủy.

Tương tự như vậy, bộ phim nổi tiếng "Trận chiến Algeria", trong đó mô tả cách tra tấn của Tướng Paul Aussaresses, đã bị cấm chiếu trên toàn quốc vô thời hạn.

Không có gì ngăn cản sự phát tán ngày càng nhiều các tài liệu liên quan tới Paul Aussaresses. Viên tướng này đã âm thầm lan rộng phương pháp tra tấn trên toàn thế giới trong khi đang "cãi lại công chúng Pháp" để bảo vệ danh dự và quyền lợi cá nhân trên quê hương. Khi còn hoạt động trong quân đội, ông đã đi đến Fort Bragg, phía Bắc Carolina, để giảng dạy về trận chiến Algeria và việc sử dụng tra tấn, hành hình. Đó là kỹ thuật "trung lập hóa, khai tới cùng" - thẩm vấn, tra tấn, và hành quyết nhanh gọn.

Trong những năm 70-80, Paul Aussaresses đã tìm thấy "học trò mới" cho bài học về tra tấn và hành hình: chế độ độc tài Pinochet của Chile. Ông là một trong số các nhân vật tình báo Pháp đã bí mật làm việc với quân đội Chile, đích thân đào tạo lực lượng này về các phương pháp thẩm vấn và tra tấn man rợ.--PageBreak--

Mang bí ẩn xuống mồ

Phía sau cuộc chiến Algeria tàn khốc vẫn còn chôn giấu một bí mật lớn: cái chết của nhà toán học Maurice Audin khi mới 25 tuổi, bị quân nhảy dù Pháp bắt vào một buổi tối tháng 6/1957 ngay trước mặt vợ và ba đứa con. Chính Paul Aussaresses - bậc thầy tra tấn và hành hình được giới quân sự Pháp ngưỡng mộ - có liên quan tới lệnh hành quyết và sát hại nhà toán học Maurice Audin.

Theo những tiết lộ mới nhất, tên tuổi của Paul vẫn còn lưu lại trên một văn bản viết tay của Đại tá Yves Godard - một trong các quan chức cao cấp của quân đội Pháp (đã qua đời năm 1975) quyết định cho ông làm người lấy khẩu cung từ Maurice Audin.

Trước đó, Paul theo lệnh đã dẫn Maurice Audin đến Trung tâm Hỏi cung El-Biar, nằm trên đồi cao của thành phố Alger, trước khi khiến nhà toán học này biến mất vĩnh viễn. Văn bản hy hữu này được cất giữ trong kho tư liệu Godard của Trường đại học Stanford, bang California, là hồ sơ đầu tiên được ký bởi một sĩ quan quân đội Pháp, xác định nhà toán học người Algeria thực sự đã bị hành quyết bởi "một ai đó".

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người ta vẫn không biết Maurice Audin đã chết như thế nào. Sử gia Benjamin Stora nói: "Không thể tưởng tượng là sau bấy nhiêu năm, bí mật vẫn không bao giờ được sáng tỏ. Xác của Maurice Audin trở thành biểu tượng dã man của trận chiến Algeria. Quân đội Pháp vẫn lặng thinh. Mọi chiến binh có mặt tại El-Biar đều câm lặng. Paul Aussaresses vốn được thăng cấp vì những cuộc hành quyết tùy tiện, không bao giờ nói đến Audin".

Các tài liệu đều khẳng định: cái chết của Maurice Audin là khởi đầu rực rỡ của sự nghiệp tra tấn và hành hình mà Paul theo đuổi, khiến nhiều thế hệ sau này không ngần ngại miêu tả Paul bằng hai chữ "bậc thầy".

Nhà toán học trẻ tuổi là thành viên tích cực chống thực dân Pháp, đã khởi xướng một số phong trào tự phát kêu gọi giành lại độc lập thuộc địa, giải phóng Algeria. Maurice Audin đã bị thuộc hạ của Paul tra tấn dã man tại Trung tâm El-Biar - nơi chuyên hỏi cung các nghi can. Vị tướng già mang nỗi căm phẫn dân thuộc địa, đã yêu cầu Audin quỳ gối, cho lính đấm đá túi bụi để buộc anh phải khai ra toàn bộ thông tin về các tổ chức yêu nước đang âm mưu tấn công quân đội Pháp đóng tại Algeria.

Thủ đoạn tra tấn tinh vi tới mức, Paul sai lính nhảy dù hăm dọa bắt vợ và con của nghi can tới, để hành hạ ngay trước mặt Audin, buộc anh đầu hàng vô điều kiện.

Vài giờ sau khi bị bắt, nhà toán học trẻ tuổi bị trói vào tấm ván trong căn phòng có sẵn bồn rửa chén và vòi nước. Audin bị trói, chỉ còn lại một chiếc quần lót trên người, một bên tai nối với đường dây điện và bên kia nối ở bàn tay. Người anh còn mang những vết sẹo, nhất là nơi được kẹp vào dây điện, tinh thần hoàn toàn suy kiệt. Nhưng vị tướng Pháp bấy giờ vẫn bất lực, không thể moi nổi một thông tin nào từ Audin.

Nhà toán học trẻ tuổi Maurice Audin, nạn nhân của Paul và người vợ suốt bao năm đi tìm cái chết bí ẩn của chồng.

"Không thể trốn thoát" là cụm từ Paul Aussaresses nhắc lại nhiều lần khi viết về vụ án Maurice Audin. Thế nhưng, chính Paul đã tuyên bố với Josette Audin, người vợ của anh này, rằng: Audin đã tận dụng sơ hở để chạy thoát vĩnh viễn. Thực chất đó chỉ là một sự dàn cảnh tinh vi, nhưng cũng rất thô thiển.

Tác giả Pierre Vidal-Naquet, một điều tra viên bí mật theo sát các hoạt động của Paul, từng kể lại trong cuốn sách "Vụ án Audin" như sau: "Kẻ có tên là Maurice Audin, bị giam tại Trung tâm El-Biar. Khoảng 21h, phụ tá của Paul Aussaresses đi tìm hắn bằng xe Jeep. Đó là một kẻ không nguy hiểm, nên được cho ngồi ở băng ghế sau. Người tài xế phải chạy chậm lại, nên hắn đã nhảy ra khỏi xe, chạy trốn vào một công trường đang xây dựng ở phía bên trái gần đó, và biến mất".

Theo tiết lộ, tài xế lúc đó thú nhận không biết đã chở ai phía sau vì nhân vật bí ẩn này bị trùm kín đầu. Mặt khác, cách đây 4 - 5 năm, một lính Pháp từng ở Algeria đã điện thoại cho tác giả và khẳng định Paul Aussaresses đã ngụy tạo hiện trường giả để che giấu sự thật: Maurice Audin đã chết.

Cho đến nay, giả thuyết được nhắc đến nhiều nhất là Maurice Audin đã bị Paul Aussaresses và thuộc hạ tra tấn cho tới chết. Tác giả Pierre Vidal-Naquet nhận định: chính Paul đã bóp cổ Audin cho tới chết trong cơn giận dữ không thể kiểm soát được lúc hỏi cung. Ông dựa vào lời nói của viên cảnh sát Jean Builles, tại Sở Công an Alger, khi người vợ Josette Audin gửi đơn kiện lần đầu tiên.

Một số báo cáo viết tay còn sót lại ám chỉ cái tên P.A (viết tắt của Paul Aussaresses), nói rằng Maurice Audin bị hành quyết lầm và được che giấu hoàn hảo để bảo vệ danh dự những cá nhân liên quan.

Vụ án đã kéo dài hơn 50 năm, nhưng người vợ Josette Audin vẫn kiên trì nộp đơn tố cáo tội cố ý giết người của "một kẻ nào đó". Sau hàng lọat điều tra, Tòa án Algeria tuyên bố không đủ chứng cứ, và quyết định ngừng xét xử.

Tháng 7/2013, Josette Audin bị bác đơn tố cáo thêm một lần nữa, và ngay sau đó không lâu, bà viết đơn gửi lên Tổng thống Pháp, có đoạn: "Chúng ta thường nói đến danh dự của nước Pháp. Một lần nữa, xin đừng để danh dự ấy bị làm nhục vì tội che giấu cái chết đáng xấu hổ này". Nhưng tất cả những gì bà Josette Audin nhận được vẫn chỉ là sự im lặng đáng sợ.

Tác giả Pierre Vidal-Naquet kết luận: "Không còn nghi ngờ Audin đã bị giết chết. Vấn đề là với những hành vi đê tiện này, tư liệu viết tay còn tồn tại rất ít. Thông thường mệnh lệnh chỉ được ban hành qua điện thoại hay là "khẩu lệnh".

Paul Aussaresses nổi tiếng với quyển sổ tay, vào đầu cuộc chiến tranh, nhưng không chắc nó còn tồn tại sau trận chiến. Chính ông ta cũng có những mệnh lệnh mâu thuẫn trong vấn đề này. Chỉ các nhân chứng mới có thể kể lại những gì đã xảy ra". Nhưng họ đã lần lượt qua đời và mang theo điều bí ẩn, kể cả cái tên được nhắc tới nhiều nhất - Paul Aussaresses…

Trần Quân - Anh Doãn (tổng hợp)
.
.