Lời xin lỗi muộn màng

Thứ Sáu, 03/01/2020, 09:33
Ngày 31-12, phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) cùng 4 đồng phạm về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí" đã khép lại. Sau phiên tòa, có những vấn đề được mở ra xoay quanh vấn đề chồng chéo trong quản lý đất đai và khoảng trống trong quy định của pháp luật…

Khi được nói lời sau cùng, ông Nguyễn Hữu Tín nghẹn lời thừa nhận sai lầm trong việc giao đất cho Phan Văn Anh Vũ, ông cũng cảm thấy hối hận và cho rằng việc làm của ông không ngờ bị kẻ khác trục lợi. Theo bị cáo, tài sản lớn nhất của cuộc đời ông là niềm tin của nhân dân, nhưng "bị cáo đã đánh mất, vì vậy, bị cáo xin lỗi toàn thể nhân dân TP Hồ Chí Minh". 

Ông Tín dành 6 phút trình bày với HĐXX bằng giọng chậm rãi, rành rọt. Ông đồng ý với quan điểm của các luật sư bảo vệ mình, thừa nhận đã làm sai quy định khi cho phép Công ty Cổ phần xây dựng Bắc Nam 79 (do Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT) thuê nhà đất số 15 Thi Sách, quận 1.

Bị cáo Nguyễn Hữu Tín tại phiên xét xử.

Bên cạnh đó ông Tín cũng trình bày thêm nguyên nhân, bối cảnh pháp lý thời điểm vụ án xảy ra. Kết thúc phần tự bào chữa, bị cáo Tín cho rằng quy định pháp luật có những độ chênh, khoảng trống… đồng thời kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành quy chế, quy trình chi tiết liên quan đến vấn đề quản lý đất đai trong những tình huống tương tự mà bị cáo và đồng phạm đã gặp.

Trước đó trong phần tranh luận, bà Nguyễn Thị Huyền Trang luật sư của ông Tín cho rằng, theo văn bản của Thủ tướng, các bộ ngành được tạo điều kiện để giao đất thực hiện mục đích an ninh quốc phòng. Các văn bản, chỉ thị, nghị định này là văn bản pháp luật đặc thù. 

Ông Tín đã nhận thức rằng, việc giao khu nhà đất 15 Thi Sách, quận 1, cho công ty bình phong của Bộ Công an (Phan Văn Anh Vũ làm Chủ tịch HĐQT) là phải áp dụng luật đặc thù, chứ không phải Luật Đất đai phổ biến.

Tại tòa, ông Nguyễn Hữu Tín thừa nhận toàn bộ sai phạm và cũng được Viện kiểm sát ghi nhận. Nhưng luật sư Trần Minh Hải, cho rằng tuy ông Tín đã thừa nhận sai phạm tòa cần xét nguồn cơn của các sai phạm này. Trong phần luận tội, Đại diện VKS đề nghị mức án 7-8 năm tù đối với ông Nguyễn Hữu Tín. Luật sư Hải không đồng tình với quan điểm của Viện kiểm sát trong việc xác định hành vi của ông Tín là nguyên nhân dẫn đến thiệt hại hơn 800 tỉ đồng quyền sử dụng đất chưa thu hồi được và mức án mà Viện Kiểm sát đề nghị là quá nặng.

Trở lại phần nói lời sau cùng, ông Nguyễn Hữu Tín một lần nữa nhận trách nhiệm về hành vi sai phạm, nhiều lần khẳng định bản thân cũng như cán bộ cấp dưới không trục lợi hay có động cơ cá nhân mà làm việc hoàn toàn vì mục tiêu chung. Bị cáo Nguyễn Hữu Tín cũng không đổ lỗi cho bất kì ai, từ cơ quan cấp Trung ương hay cán bộ cấp dưới, đồng thời xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo đồng phạm.

Các bị cáo Trương Văn Út (nguyên Phó Phòng quản lý đất đai), Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Văn phòng UBND Thành phố), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng đô thị UBND Thành phố) đề nghị HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ, hoàn cảnh phạm tội để có mức hình phạt nhẹ nhất.

Trong khi đó, cựu Giám đốc Sở Tài nguyên - Môi trường Đào Anh Kiệt phản đối quan điểm của Viện kiểm sát cho là ông không thành khẩn và không đồng thuận với một số nội dung trong cáo trạng. "Bị cáo không có chức năng, thẩm quyền quản lý, xử lý tài sản công, nên thấy không thỏa mãn khi bị cáo buộc tội này cũng như phải chịu trách nhiệm về việc chuyển đổi khu đất sang thương mại dịch vụ", ông Kiệt nói và cho biết sẽ tuân thủ mọi phán xét của tòa, chỉ mong HĐXX có bản án thích hợp.

Trong suốt những ngày phiên tòa diễn ra, ông Tín lúc nào cũng trầm ngâm, lặng lẽ. Khi chủ tọa phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát hay luật sư xét hỏi, ông đều trả rời rõ ràng, rành mạch và thể hiện thái độ hợp tác, không bao biện, quanh co, không đổ lỗi… và luôn tỏ ra hối hận khi biết việc làm sai của mình để kẻ khác trục lợi, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước. 

Hơn nữa biết sai, để khắc phụ hậu quả, ông Tín tự nguyện tạm nộp, 1,5 tỉ đồng và các đồng phạm Trương Văn Út (nguyên Phó Phòng quản lý đất đai), Lê Văn Thanh (nguyên Chánh Văn phòng UBND Thành phố), Nguyễn Thanh Chương (nguyên Trưởng Phòng đô thị UBND TP) mỗi người nộp 500 triệu đồng, bị cáo Đào Anh Kiệt, nộp 400 triệu đồng khắc phục hậu quả.

Được giao phụ trách lĩnh vực xây dựng, quản lý đất đai, môi trường của TP Hồ Chí Minh (giai đoạn 2011-2016) ông Nguyễn Hữu Tín, dù nhận thức rõ nhà đất số 15 Thi Sách là tài sản thuộc sở hữu Nhà nước, giá như lúc đó ông không "qua mặt", báo cáo ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Trưởng Ban chỉ đạo 09 (Sở Tài chính) - Ban này có chức năng quản lý nhà đất thuộc Nhà nước) mà đã bút phê chỉ đạo Sở Tài nguyên - Môi trường "hướng dẫn thủ tục" để rồi sự việc đâu đến nỗi ông và các đồng phạm cấp dưới của ông phải kéo nhau ra tòa.

Phiên tòa xét xử các bị cáo nguyên là cán bộ thuộc UBND TP Hồ Chí Minh được bảo vệ, kiểm tra an ninh chặt chẽ. Phiên tòa này cũng thu hút được sự quan tâm của truyền thông và dư luận. Ngoài tính chất vụ việc,  phiên tòa còn thể hiện được sự tôn nghiêm của pháp luật "không có vùng cấm" đúng như những gì mà đại diện Viện Kiểm sát giữ quyền công tố từng nêu trong bản luận tội.

Kết thúc phiên tòa, HĐXX tuyên phạt các bị cáo: Nguyễn Hữu Tín 7 năm tù, Đào Anh Kiệt 6 năm 6 tháng tù, Trương Văn Út 5 năm tù, Nguyễn Thanh Chương 3 năm tù.

Đức Hà
.
.