Lừa đảo công nghệ - Thủ đoạn cũ, nạn nhân mới

Thứ Bảy, 06/06/2020, 10:01
Từ đầu năm đến nay, Công an quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh đã liên tiếp nhận trình báo của người dân bị lừa đảo qua các trang mạng xã hội facebook, zalo với số tiền từ hàng chục triệu đến hàng tỉ đồng.

Mục tiêu cũ, thủ đoạn mới

Ngày 18-3, qua kênh chotot.vn, anh T. (ngụ quận 12). rao bán xe Chevrolet với giá 347 triệu đồng. Chiều cùng ngày, anh T. nhận được cuộc gọi Zalo từ một người có nickname Long OPIPO. Người này nói muốn mua xe của anh T. Để tạo niềm tin, người này yêu cầu anh T nhắn số tài khoản để chuyển 20 triệu đồng tiền đặt cọc.

Không do dự, anh T. nhắn số tài khoản cho đối tác thuộc một ngân hàng có chi nhánh tại Thủ Đức, đồng thời làm theo hướng dẫn của Long để kiểm tra tiền cọc đã đến chưa. Tất nhiên là không có đồng tiền cọc nào được chuyển nhưng anh lại bị trừ 95 triệu đồng trong tài khoản. Liên hệ lại với Long thì không liên lạc được. Lúc này anh T. mới biết mình đã bị lừa lấy mã OTP trong tài khoản ngân hàng.

Đó chỉ là một trong rất nhiều chiêu lừa đảo, nhằm đánh cắp thông tin cá nhân của những người nhẹ dạ, cả tin và ít hiểu biết về công nghệ thông tin. Kẻ lừa đảo gần đây còn dùng nhiều thủ đoạn tinh vi hơn. Qua các trang mạng xã hội, các đối tượng này dùng chiêu trò đánh cắp thông tin cá nhân, sau đó, giả danh công an, lực lượng chức năng gọi trực tiếp đến số điện thoại của nạn nhân, dùng những lời lẽ đe dọa trấn áp tinh thần của nạn nhân, cuối cùng tìm mọi cách để nạn nhân phải cung cấp tiền cho bọn chúng theo kiểu “chạy án”. Không ít người tưởng thật, đã chuyển tiền cho các đối tượng lừa đảo này, rồi chờ đợi “điều tra”. Chỉ đến khi gọi lại số điện thoại đó không có ai trả lời thì mới biết mình bị lừa, mất tiền.

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh trao đổi về tình trạng lừa đảo bằng sử dụng công nghệ.

Anh Đ (ngụ đường Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức) nhận được cuộc điện thoại từ mạng xã hội Zalo của một người tự xưng là Dương Minh Hùng công tác tại Công an Đà Nẵng khẳng định anh có liên quan đến đường dây mua bán trái phép chất ma túy, rửa tiền. Người này yêu cầu anh Đ. mua một sim điện thoại, đăng ký thông tin cá nhân rồi dùng sim này đăng ký tài khoản Internet banking tại ngân hàng M., đồng thời cung cấp cho anh Đ. một số điện thoại cùng với số tài khoản.

Ngày 14-4, anh Đ. đến ngân hàng sử dụng Internet banking chuyển số tiền 1,95 tỉ đồng cho Hùng. Chuyển xong, anh Đ. đợi một thời gian không thấy thông tin gì, gọi lại thì số của Hùng đã khóa. Lúc này anh mới biết mình đã bị lừa nên đến Cơ quan công an trình báo.

Rất nhiều chiêu thức thông qua công nghệ kỹ thuật số được tội phạm mạng áp dụng để lừa đảo. Đó các đường link lạ, các ứng dụng như kiểu trò chơi quay số trúng thưởng, ứng dụng thi trắc nghiệm... đến email, tin nhắn mạng xã hội, hay tin nhắn trong các ứng dụng chat trên thiết bị di động của người sử dụng. Nếu tò mò, nhấn vào các đường link này hoặc tải những trò chơi hay ứng dụng đó thì các thông tin của người sử dụng lưu trên điện thoại có thể bị sao chép trong vòng vài giây.

Đặc biệt, tội phạm mạng còn có thể sử dụng phần mềm mạo danh đầu số điện thoại của Bộ Công an, để giả danh lừa đảo hoặc đe doạ người sử dụng đang dính líu vào các vụ án nghiêm trọng, nhằm chiếm đoạt tiền.

Số điện thoại nghi vấn lừa đảo gọi đến một cựu cán bộ Công an.

Đánh vào lòng tham

Ngày 20-5, TAND TP Hồ Chí Minh đã tuyên phạt Otuonye Uchechukwu Humphrey (SN 1988, quốc tịch Nigeria) 10 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” với số tiền lên đến 1,6 tỉ đồng. Otuonye cùng đồng bọn đã dùng thủ đoạn làm quen những người Việt trên mạng, rồi hứa gửi quà... Chúng yêu cầu nạn nhân nộp phí mới được nhận tiền, quà qua tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định, sau đó chiếm đoạt.

Nạn nhân trong vụ án này là ông N.T.Q ngụ tại Gò Vấp. Các đối tượng quen ông N.T.Q trên mạng. Chúng nói sẽ gửi ông 200 ngàn USD để nhờ ông mua đất và hứa cho ông 40 ngàn USD. Tuy nhiên, chúng yêu cầu ông Q. thanh toán phí, thông qua một tài khoản do chúng chỉ định mới được nhận tiền. Tin lời, ông Q. đã chuyển hơn 1 tỉ đồng vào tài khoản cho chúng. Khi nhận được tiền, chúng nhanh chóng rút hết và biến mất.

Tương tự, vụ thứ hai, bà T.T.K.M ngụ Long An cũng khai nhận mình bị các đối tượng làm quen trên mạng, hứa sẽ gửi quà cho. Sau đó yêu cầu bà M. nộp 626 triệu đồng vào nhiều tài khoản ngân hàng do chúng chỉ định. Và rồi tiền của bà cũng một đi không trở lại. Các đối tượng người nước ngoài còn nhờ người đứng tên mở nhiều công ty với mục đích lừa đảo. Trước đó, Công an TP Hồ Chí Minh nhận được đơn trình báo của Công ty TNHH Hella Ấn Độ có trụ sở tại Ấn Độ 3 đơn hàng với số tiền 7.000 Euro.

Đối tượng Otuonye Uchechukwu Humphrey, người Nigeria, bị phạt 10 năm tù.

Tuy nhiên, Công ty TNHH Hella Việt Nam lại nhận được một email có nội dung giống hệt email của đối tác, đề nghị thanh toán và chuyển tiền vào tài khoản của Công ty TNHH Tek Seng Rice Mill trụ sở tại đường Bùi Viện, quận 1. Tưởng thật, Công ty Hella đã thanh toán nhưng sau đó vẫn nhận được thông báo đòi nợ của đối tác phía Ấn Độ. Sau khi kiểm tra, họ phát hiện bị lừa.

Vụ việc bị phát hiện khi, một cô gái, người được nhờ đứng tên công ty bị phía ngân hàng yêu cầu trả lại khoản tiền 767 triệu đồng do có nguồn gốc bất hợp pháp. Nghi ngờ việc Obiora nhờ mình mở công ty là để nhận tiền phạm tội, cô gái trên mới trình báo sự việc với Cơ quan điều tra, Công an TP Hồ Chí Minh. Chime Obiora Walter (quốc tịch Nigieria) và một đối tượng khác tên Adam Scott (không rõ lai lịch, sống ở Panama) chính là thủ phạm của vụ việc trên. Chime Obiora Walter đã bị bắt giữ.

Ngày 26-5, TAND TP Hồ Chí Minh đã xử sơ thẩm, tuyên phạt Chime Obiora Walter (quốc tịch Nigieria) 14 năm tù về tội “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Số tiền các đối tượng chiếm đoạt lên tới cả chục tỉ đồng.

Cảnh giác để tránh mất cắp tài khoản ngân hàng

Trang Facebook của một cán bộ công an đã nghỉ hưu có chia sẻ thông tin về một số điện thoại có đầu số nước ngoài gọi điện làm phiền: “Mấy tuần nay tôi liên tục bị số điện thoại này và vài số điện thoại có đầu mã quốc gia tương tự (Malta...) gọi đến thông báo tôi đang có một bưu phẩm từ nước ngoài gửi về... Mới nghe tới đó, tôi biết là bọn lừa đảo chuyên nghiệp lên ngắt điện thoại ngay và luôn. Bạn nào nhận được các cuộc gọi tương tự hãy cảnh giác, đừng nhẹ dạ, cả tin mà mất tiền của đấy”.

Để hạn chế tối đa các nguy cơ bị lừa đảo từ các đầu số điện thoại mạo danh, như +0999, +146, +255, +370, +371, +375, +381, +563... người sử dụng không nên nhận cuộc gọi cũng như tuyệt đối không gọi lại. Hạn chế cài đặt các ứng dụng được gửi tới email, không nhấn vào những đường link lạ... cũng là cách giúp người sử dụng không bị mất các thông tin quan trọng như số điện thoại, số tài khoản ngân hàng,...

Đối tượng Chime Obiora Walter (quốc tịch Nigieria).

Thượng tá Nguyễn Đăng Nam, Trưởng Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay các đối tượng lừa đảo qua mạng thường sử dụng công nghệ số để lấy số điện thoại của nạn nhân, Chúng sử dụng các phần mềm giả danh số điện thoại của cơ quan, bưu điện, thậm chí bọn chúng mã số hóa các đầu số của Bộ Công an gọi đến người dân. Lợi dụng sự nhẹ dạ, mất cảnh giác, hạn chế về pháp luật của người dân, các đối tượng có thể lấy được thông tin cá nhân và sử dụng mạng xã hội, Zalo, Viber, Facebook dùng mọi hình thức thủ đoạn để đe dọa, áp chế tinh thần của nạn nhân, sau đó các đối tượng này sẽ dùng lời dụ dỗ nạn nhân nghe theo hướng dẫn để chuyển tiền vào tài khoản của bọn chúng.

Nhiều trường hợp, tội phạm liên hệ với người bán hàng, lợi dụng sự chủ quan để đăng nhập vào tài khoản ngân hàng của người bán hàng và nhờ họ đọc mật khẩu OTP để chúng chuyển tiền. Tin tưởng đó chỉ là trao đổi thông tin để giao dịch, trao đổi mua bán, nhiều người không thể ngờ đó là mật khẩu dùng một lần giúp tội phạm mạng có thể thay đổi các thông tin trên tài khoản ngân hàng, như số điện thoại nhận mật khẩu OTP, thay đổi mật khẩu đăng nhập vào tài khoản.

Không ít người bán hàng vì luôn đăng tải đầy đủ thông tin cá nhân, như họ tên, số tài khoản ngân hàng, địa chỉ nhà riêng,... lên trên các trang bán hàng online, đã bị lấy hết tiền từ tài khoản ngân hàng vì chiêu trò lừa đảo này. Do đó, các ngân hàng luôn đề nghị khách hàng không cung cấp mã số OTP được gửi tới điện thoại di động của khách hàng cho bất kỳ ai, trong bất cứ trường hợp nào.

Khi sử dụng các ứng dụng của ngân hàng hoặc các dịch vụ Internet banking của ngân hàng, nếu không thể dùng 2 thiết bị di động khác nhau thì tốt nhất người sử dụng nên cài đặt mã PIN, hạn chế quyền truy cập vào thẻ SIM điện thoại của mình. Bởi rất nhiều ứng dụng không an toàn được cài đặt vào điện thoại thông minh có thể “nghe lén”, sao chép, đánh cắp các loại thông tin được lưu trữ trong điện thoại. Do đó, người sử dụng phải luôn nâng cao cảnh giác, không tiết lộ thông tin cá nhân quan trọng như số tài khoản ngân hàng, số chứng minh nhân dân... Nếu là người bán hàng trên các trang thương mại điện tử, các mạng xã hội thì nên sử dụng 2 tài khoản ngân hàng khác nhau.

Với sự phát triển của xã hội, công nghệ số là sự tiếp nối thông tin, kết nối tri thức cho tất cả mọi người từ thành thị đến vùng thôn quê nhưng việc sử dụng công nghệ số một cách an toàn đòi hỏi người dân cần phải có sự hiểu biết, cẩn thận, luôn đề cao cảnh giác với tội phạm công nghệ.

6 hình thức lừa đảo công nghệ phổ biến

1. Người nước ngoài gửi tiền về Việt Nam. Loại lừa đảo này rất chuyên nghiệp, thường chọn nạn nhân là phụ nữ cô đơn, giăng bẫy tâm sự, tán tỉnh suốt một thời gian dài để tạo niềm tin. Số tiền nạn nhân bị lừa thường khá lớn.

2. Quảng cáo bán số lô đề: Thường, chúng hay mào đầu bằng bài viết úp mở: “Mình có quen một anh làm bên xổ số miền Bắc...”. Đừng ảo tưởng, chúng chẳng có lý do  gì để đi chia sẻ “vận may” với người dưng. 

3. Quảng cáo mời gọi khám Đông y, thử máy điều trị miễn phí. Bệnh nhân sau đó sẽ được khám ra đủ thứ bệnh, phải bỏ cả đống tiền mua 1001 loại thuốc không miễn phí hoặc máy điều trị với giá trên trời.

4. Dụ mua xe thanh lý của hải quan, đánh vào người hám lợi, ham rẻ, chiếm đoạt tiền đặt cọc.

5. Mời xem YouTube có trả phí, tải app về theo dõi, khi báo tài khoản để tự động thanh toán và mất tiền trong tài khoản. 

6. Kinh doanh tiền ảo, cổ phiếu đa cấp ponzi, lấy tiền người sau trả người trước, lợi nhuận hằng tháng lên tơi 30-60%. Đây là loại hình lừa đảo quốc tế, có tổ chức. Những kẻ lừa có trình độ, hiểu pháp luật. Nạn nhân mất tiền vẫn không biết đã bị lừa, chỉ nghĩ do kinh doanh xui xẻo, đầu tư sai, cay cú nên bỏ tiền ra... làm lại và bị lừa tiếp.

Văn Hào - Phan Linh
.
.