Mảnh đời giang hồ và kết cục buồn của bà mẹ 4 con

Thứ Năm, 07/08/2014, 17:35

Khám xét nơi ở của Phạm Thu Vân, Cơ quan công an thu giữ số lượng lớn ma túy đá cùng dụng cụ "đập đá" được giấu trên gác xép. Bà mẹ 4 con này khai nhận, sau khi 2 người chồng lần lượt qua đời, bà ta tìm đến ma túy để giải khuây. Sở thích kỳ quái của Vân là "đập đá" một mình và nghe nhạc vàng…

Phải khó nhọc lắm, Phạm Thu Vân mới "vẽ" xong tên của mình trên giấy. Ngoài ra thì người đàn bà 40 tuổi này không biết mặt chữ nào khác. "Mù chữ" nhưng bán ma túy không nhầm tiền bao giờ. Cộng trừ tiền thành thạo, tuy nhiên khi chuyển sang làm phép tính đơn giản thì bà ta lại lắc đầu.

Cái sự không biết chữ còn khiến Vân nhầm lẫn, tự khai có 3 người chồng nhưng khi xòe tay ra đếm và kể tên từng người thì rốt cuộc chỉ có 2 người. Bà ta cười ngượng cho sự nhầm lẫn của mình và thanh minh rằng tại cả hai người chồng đều chết cả nên chẳng nhớ chính xác.

Việc bắt giữ Phạm Thu Vân (SN 1974, ở 118 Yên Phụ, phường Nguyễn Trung Trực, quận Ba Đình, Hà Nội) là một "bài toán" đầy trăn trở đối với CBCS Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Ba Đình và Công an phường Nguyễn Trung Trực. Băn khoăn, cân nhắc, trăn trở, bởi người đàn bà này có hoàn cảnh khá đặc biệt. Chồng chết, một nách nuôi 4 con, gia đình lại thuộc diện hộ nghèo nhận được sự hỗ trợ hàng tháng của chính quyền địa phương. Để kiếm sống nuôi con, ngoài quán nước vỉa hè, gần đây bà ta còn buôn thêm ma túy "đá" và heroin. Dẫu có hoàn cảnh nhưng hành vi phạm tội của Vân cần phải được ngăn chặn và xử lý nghiêm minh trước pháp luật.

Chiều 7/7, khi bà ta đang giao ma túy cho một con nghiện ngay trên vỉa hè trước cửa nhà thì bị Đội CSĐT tội phạm về ma túy Công an quận Ba Đình bắt quả tang. Khám xét nơi ở của Phạm Thu Vân, công an phát hiện thu giữ 8 gói ma túy "đá" và 3 cục heroin được bà ta cất giấu trong chiếc hộp giấy trên gác xép cùng một bộ bình thủy tinh dùng để "đập đá". Số tiền gần chục triệu đồng người đàn bà này có được do mua bán ma túy, lẽ ra phải thu giữ nhưng đã được các điều tra viên quyết định giao lại để gia đình chăm sóc đàn con của bà ta.

Gương mặt sạm đen, khắc khổ, ngang tàng của một kẻ giang hồ, lại thêm tướng mạo đàn ông  khiến Vân trở nên già nua, khó đoán tuổi. Những năm trước, bà ta là một "bỉ vỏ" có tiếng tại khu vực chợ đầu mối Long Biên. Năm 2002, Phạm Thu Vân từng bị bắt giữ, tòa xử 6 tháng tù treo về tội trộm cắp tài sản.

Trong ký ức của người đàn bà giang hồ này, gia đình là một khái niệm lạ lẫm, xa vời. Quê gốc ở Nam Định, bố chết từ khi còn trong bụng mẹ, gia cảnh nghèo khó, năm Vân hơn 2 tuổi thì theo mẹ cùng nhà ngoại chuyển vào Lâm Đồng làm kinh tế mới. "Nhà có bà ngoại và bác", sau mấy chục năm lưu lạc, người đàn bà này chỉ nhớ có vậy.

Năm 12 tuổi, Vân lại theo mẹ phiêu bạt ra Hà Nội. Hai mẹ con thuê trọ gần chợ Long Biên. Ngày mẹ Vân bị bệnh chết ở phòng trọ, không người thân thích, chính quyền địa phương phải đứng ra lo tổ chức tang lễ, chôn cất. "Lâu rồi, chẳng nhớ mẹ được chôn ở đâu nữa. Cũng chẳng có tin tức gì về bà ngoại và bác". Cuộc sống giang hồ của Vân bắt đầu như vậy.

Mẹ chết, không nhà, không người thân, Vân được những người lao động nghèo trong khu trọ cưu mang cho ở cùng. Ngày ngày, Vân ra chợ Long Biên nhặt nhạnh hoa quả, rau dưa rơi vãi bán kiếm sống. Có biết bao hoàn cảnh giống như Vân cũng phải bám vào khu chợ đầu mối này mưu sinh. Trộm cắp vặt là con đường tất yếu của những kẻ lang thang, giang hồ giống như Vân. Tính cách ngổ ngáo, tướng mạo lại dữ dằn nên ở chợ, những người buôn bán đều "kiềng" nữ quái này.

Cuộc sống hoang dã như cây cỏ, hằng ngày chỉ lo làm sao cho no cái bụng nên Vân chẳng nhớ nổi họ tên đầy đủ của người chồng đầu tiên. Chỉ biết anh ta tên Ngọc, hơn Vân 4 tuổi, làm xe ôm, nhà ở Ngã Tư Sở. Lấy nhau được mấy tháng, phát hiện chồng nghiện ma túy nặng, Vân bỏ nhà đi khi đang mang thai 3 tháng. Một mình Vân thuê nhà trọ ở Phúc Tân, tiếp tục bám vào chợ Long Biên kiếm sống.

Đứa con gái đầu lòng tên Nguyễn Thu Hiền ra đời năm 1997 không có giấy khai sinh, cũng chẳng nhớ ngày tháng. Cô con gái được 3 tuổi, người chồng đón về nuôi để Vân "đi bước nữa". Khi con bé 4 tuổi thì anh chồng đầu lại mang con đến trả. Sau đó, người chồng nghiện này cũng qua đời khi đang thụ án tại trại giam về tội ma túy.

Bộ đồ "đập đá" và số ma túy Phạm Thu Vân giấu trên gác xép.

Cuộc hôn nhân với người chồng thứ 2 là Đỗ Khánh Trường (SN 1972) bị mọi người phản đối quyết liệt bởi Vân là gái "nạ dòng", lại giang hồ không gia đình. Thế nên khi Vân có con được 2 tuổi, gia đình nhà chồng mới chấp nhận để vợ chồng Vân về sống chung nhà. Sau những năm tháng lang bạt mưu sinh nơi đầu đường xó chợ, Vân mới cảm nhận được thế nào là mái ấm gia đình. Chồng làm xe ôm, vợ bán quán nước chè chén vỉa hè, đời sống cũng tạm ổn.

Nhưng hạnh phúc cũng chẳng được dài lâu. Năm 2010, ông Trường không may đột tử trên đường đi làm. 3 ngày sau, khi Cơ quan Công an đến nhà xác minh, Vân mới biết chồng chết. "Ngày 27-7 tới đây là giỗ lần thứ 4" - người đàn bà này thở dài. Hai đời chồng đều "chết non", người ta bảo Vân thuộc dạng cao số, sát chồng. Chồng chết, một mình xoay xở nuôi 3 đứa con gái chung và 1 cô con gái riêng với chồng đầu. Gánh nặng đè lên vai là một trong những nguyên nhân đưa đẩy Phạm Thu Vân vào con đường phạm tội. Nhưng điều đáng trách nhất chính là việc bà ta đã sa ngã vào con đường nghiện ngập.

Lý do nghiện ma túy được Vân khai nhận rằng, do mù chữ, không biết đọc sách báo nên kênh thông tin duy nhất của Vân là "hóng" chuyện từ những người khách ngồi quán nước chè chén của mình. Đám con nghiện say sưa kể về những phút đê mê khi "phê" ma túy. Máu giang hồ trỗi dậy. Vân quyết định thử ma túy để giải khuây. Sau vài lần được con nghiện cho thử, bà ta quyết định sắm cho mình bộ đồ nghề "đập đá". Mỗi ngày, Thu Vân tự "thưởng" cho mình 200.000 đồng heroin và "đá", trích từ khoản lãi buôn bán ma túy.

Vừa bán, vừa dùng nên lúc nào trong nhà cũng sẵn hàng. Ma túy được Vân giấu trên gác xép, nơi bà ta cấm các con không được bén mảng lên. Hàng ngày, khi các con đi học, Vân lại mò lên gác xép "đập đá" giải khuây. Sở thích của bà ta mỗi khi phê "đá" là nghe nhạc vàng trong điện thoại. Điều đặc biệt là bà ta chỉ nghe một mình chứ không thích tụ tập đông người. Cuộc sống của một đứa trẻ cô độc, không người thân dường như đã làm bà ta càng chai lỳ hơn.

Vân nói rằng cho đến khi có con mới thấm thía sự thiệt thòi của một người đàn bà đã giang hồ lại mù chữ. Tự ti về bản thân nên từ ngày 4 đứa con đi học, bà ta chưa một lần đến lớp dự họp phụ huynh cho các con. "Mình không biết chữ, sợ đi họp, cô giáo hỏi thì biết ăn nói thế nào. Thôi thì đi nhờ, đi thuê người khác họp hộ. Có gì người ta về nói cho mình nghe".

Đau lòng nhất là những buổi tối quây quần. Đám con nhỏ nhờ mẹ dạy chữ, giảng bài hay đọc truyện. "Mẹ không biết các con ạ", Vân thật thà thú nhận với các con nhưng mắt thì ầng ậc nước.

Chỉ đến khi nhắc đến con cái, người đàn bà nghiện ma túy này mới bật khóc. Đứa con gái lớn cũng có máu giang hồ như mẹ, 14 tuổi nó bỏ nhà đi lang thang. Rất nhiều lần tìm bắt con về, chỉ được vài ngày nó lại bỏ đi. Bà ta bị bắt hôm trước thì hôm sau, Công an quận Long Biên tìm đến nhà xác minh, thông báo cô con gái lớn phạm tội trộm cắp tài sản. Khi bỏ nhà ra đi, nó cũng trở thành một "bỉ vỏ", bản sao của người mẹ năm nào. Nước mắt lăn cùng tiếng thở dài thườn thượt, Vân nói rằng nhiều lúc giận con lắm, nhưng vẫn cất công đi tìm nó về nhà.

Những ngày tháng lang thang không nhà, bà ta quá thấm thía sự thiệt thòi và những hiểm nguy rình rập một đứa trẻ  bụi đời. "Em lo cho nó lắm. Nó làm sao đủ cứng rắn như mẹ để tồn tại trong xã hội". Hỏi chuyện 3 đứa con gái với người chồng thứ hai, Vân nói thương nhất là đứa con gái út mới được 2 tuổi thì bố qua đời. Mẹ không biết chữ nên 3 năm con bé chưa qua được lớp 1.

Phạm Thu Vân nói rằng chỉ đến khi bước vào nhà tạm giữ của Công an quận Ba Đình, trải qua mấy ngày vật vã không có ma túy, khi chỉ có một mình sau song sắt, bà ta mới tỉnh ngộ, nhận ra sai lầm nhất trong cuộc đời mình là đã làm bạn với ma túy. Ảo giác ma mị chỉ là chốc lát. Giờ đây bà ta phải đối mặt với thực tế nghiệt ngã. Ma túy đã đẩy bà lâm vào cảnh tù tội, đàn con nheo nhóc không biết sẽ sống ra sao.

"Em sai lầm quá rồi, chỉ mong các con sẽ hiểu cho mẹ chúng, mong con lớn biết chăm em trong những ngày mẹ vắng nhà. Ra tù, em nhất định sẽ bỏ ma túy để nuôi các con nên người, để các con không phải chịu thiệt thòi như em". Những giọt nước mắt thi nhau lăn dài trên gương mặt sương gió. Dù cố tỏ ra mạnh mẽ, giang hồ nhưng phút cuối cùng, khi tình mẫu tử trỗi dậy, bà ta trở lại là một người đàn bà mềm yếu

Hương Vũ
.
.