Miền Trung: Bắt nhiều đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Thứ Ba, 10/11/2015, 11:15
Chỉ trong thời gian ngắn, Công an TP Đà Nẵng và Thừa Thiên - Huế đã điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng lừa đảo để chiếm đoạt tài sản.

Ngày 23/10 vừa qua, Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế đã ra Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thanh Hoa (53 tuổi), trú tại 9B Ngô Thời Nhậm, TP Huế với tội danh "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản".

Bị cáo Nguyễn Thị Thanh Hoa trước vành móng ngựa.

Để có tiền trả nợ và tiêu xài cá nhân, Hoa đã tung chiêu lừa đảo bằng cách "nổ" với mọi người rằng, bản thân có rất nhiều mối quan hệ với lãnh đạo của các ngành Y tế, Giáo dục, Công an, Quân đội… vì vậy nên Hoa có khả năng xin việc cho những ai có nhu cầu vào làm việc tại những đơn vị thuộc các ngành này?!

Khoảng cuối năm 2013, khi Bệnh viện Quốc tế (thuộc Bệnh viện Trung ương Huế) hoàn tất và chuẩn bị đưa vào hoạt động, nắm bắt được thông tin bệnh viện này sẽ tuyển dụng 500 nhân viên ở nhiều lĩnh vực. Nguyễn Thị Thanh Hoa bắt đầu rêu rao rằng mình là vợ của một bác sĩ phó trưởng khoa nên có thể chạy việc làm ở đây. Nhắm vào đối tượng là sinh viên mới ra trường, Hoa ra giá, muốn xin vào làm ở bệnh viện phải chi phí từ 80 đến 120 triệu đồng. Khi có người đến gặp Hoa để nhờ xin việc, Hoa vẽ vời đủ thứ, rồi viết giấy nhận tiền cùng với cam kết "nếu sự việc bất thành Hoa sẽ chịu mọi trách nhiệm và hoàn trả đầy đủ số tiền đã giao". Chiêu lừa của Hoa đã làm hàng trăm người sập bẫy.

Hoa còn mở rộng địa bàn lừa đảo ra các tỉnh Quảng Trị và Quảng Bình. Ở đây Hoa cũng "nổ" là người nhà thân tín của nhiều quan chức, có thể xin việc vào ngành công an và quân đội với từ 300 đến 500 triệu đồng, xin vào ngành giáo dục với giá từ 80 đến 120 triệu đồng. Nghe lời đường mật của Hoa, có đến hơn 300 người thực sự có nhu cầu xin việc làm sập bẫy với tổng số tiền lên tới 22 tỉ đồng.

Với hành vi "lừa đảo, chiếm đoạt tài sản", trước khi bị Công an tỉnh Thừa Thiên Huế khởi tố, bắt giam, Hoa đã bị Công an tỉnh Quảng Bình và Quảng Trị khởi tố, bắt giam nhưng sau đó được cho tại ngoại.

Ngày 29/10/2015, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Bình đã đưa Nguyễn Thị Thanh Hoa ra xét xử sơ thẩm và tuyên phạt mức án 7 năm tù giam. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình thì: Đầu năm 2011, trong khi đi khám bệnh tại Trung tâm Y khoa MEDIC Huế, bà Nguyễn Thị Nhung (SN 1959), trú tại Sơn Thủy, Lệ Thủy (Quảng Bình)  đã gặp Nguyễn Thị Thanh Hoa (lúc đó là nhân viên của trung tâm). Qua tiếp xúc, Hoa đã nói với bà Nhung về việc mình có thể xin việc làm ở Quảng Bình. Sau đó, bà Nhung đã nói chuyện này cho Võ Trung Tuấn (SN 1978), trú tại xã Quảng Hưng,  Quảng Trạch (Quảng Bình).

Tin tưởng vì gia đình Hoa kinh tế ổn định, chồng con đều làm việc trong ngành y nên Tuấn đã nhờ xin việc cho hai người cháu vào làm việc tại hai ngân hàng lớn có trụ sở đóng tại Quảng Bình với giá cho hai suất là 250 triệu đồng, đưa trước mỗi người 30 triệu. Sau khi nhận tiền, Hoa đã viết giấy cam kết thời gian đi làm, nếu chậm thì sẽ trả lãi suất 1,6% một tháng.

Nguyễn Thị Thanh Hoa còn cam kết mình sẽ xin được việc làm ở Quảng Bình, nên từ tháng 8 đến tháng 12/2011, Tuấn đã gom 45 bộ hồ sơ xin việc và  hơn 2 tỉ đồng nhờ Hoa xin vào 13 cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, trong đó Hoa hứa xin cho 13 người vào Công an tỉnh. Nhận hồ sơ và tiền cọc, Hoa đã đưa 10 bộ hồ sơ đi "chạy" việc, còn lại 35 bộ cất ở nhà. Hết thời hạn nhưng không xin được việc, Tuấn yêu cầu trả lại tiền, Hoa trả lại hơn 1 tỉ, còn 995 triệu được Hoa dùng vào mục đích cá nhân. Quá trình điều tra và giải quyết đơn tố giác tội phạm, Hoa đã trả thêm cho Tuấn 570 triệu đồng, số tiền còn lại Tuấn không yêu cầu bồi thường và có đơn bãi nại dân sự.

Tại phiên xử sơ thẩm, Hội đồng xét xử  xét thấy, Nguyễn Thị Thanh Hoa là người có nhân thân tốt, mới phạm tội lần đầu,  thành khẩn khai báo, vì vậy Hoa bị tuyên xử 7 năm tù giam.

Mới đây, Công an TP Đà Nẵng đã liên tiếp ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với những đối tượng đã lợi dụng sự nhẹ dạ, cả tin của nhiều người trong việc chạy xin thuê căn hộ chung cư, bố trí đất tái định cư, xin việc làm… để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng…

Là một kẻ vô công, rỗi nghề, không có nhà cửa mà phải thuê mướn nhà để ở nhưng đi đến đâu, Nguyễn Quang Vinh (SN 1967), tạm trú tại 198/6 Quang Trung - Đà Nẵng cũng lòe thiên hạ rằng mình là một cán bộ rất có uy lực đang công tác tại "Ban bất động sản" của UBND TP Đà Nẵng. Với vị trí công tác này, cộng thêm sự quan hệ thân tín với nhiều lãnh đạo của thành phố như lời khoe khoang của Vinh thì việc xem xét hồ sơ để bố trí cho thuê căn hộ chung cư và bố trí đất tái định cư cho người dân trong vùng giải tỏa của TP Đà Nẵng là chuyện dễ như trở bàn tay.

Một đôi lần gặp Vinh ở quán cà phê, nghe Vinh "nổ" là đã xử lý bố trí đất tái định cư cho người này, người nọ. Rồi vì thương cô kia nghèo, chú nọ hoàn cảnh nên đã ưu tiên xem xét hồ sơ để bố trí cho thuê căn hộ chung cư ở vị trí thuận lợi với việc đi lại, buôn bán làm ăn. Rồi những cú điện thoại mà ở phía đầu dây bên kia chắc là… không có người! Ấy thế mà những nội dung độc thoại của Vinh đã làm cho bà Nguyễn Thị Quý (SN 1968), trú phường An Khê, quận Thanh Khê nghe rất "lọt lỗ tai". Vốn làm nghề kinh doanh bất động sản, nên chỉ sau vài lần gặp gỡ, bà Quý đã chủ động xin số điện thoại của vị "cán bộ UBND thành phố", vì biết rằng trước sau gì mình cũng có việc phải nhờ đến.

Đối tượng Nguyễn Quang Vinh nghe đọc lệnh bắt.

Theo trình bày của bà Quý tại Cơ quan điều tra: Do bản thân bà có một người họ hàng nằm trong diện hộ nghèo, gia cảnh neo đơn nên đã làm đơn xin thuê (hoặc mua) căn hộ chung cư của thành phố nhưng không nắm được quy trình làm thủ tục. Vì vậy, bà Quý đã gọi điện để nhờ Vinh giúp. Sau khi nghe bà Quý trình bày về hoàn cảnh của người thân. Vinh phán rằng: Trường hợp này nếu lưu tâm thì sẽ giúp đỡ được, tuy nhiên, để cho công việc được nhanh chóng và suôn sẻ thì phía người thân của bà Quý phải chi cho Vinh 40 triệu đồng để "lo trước cho các anh". Thống nhất với kế hoạch do Vinh vạch ra, ngay sau đó, bà Quý đã tìm đến nhà Vinh ở phường Xuân Hà, quận Thanh Khê (Đà Nẵng) để đưa trước cho Vinh 15 triệu đồng. Tại đây, Vinh đã tự tay viết cho bà Quý một giấy biên nhận và hẹn sau 2 tuần vụ xin căn hộ chung cư này sẽ có kết quả.

Tiếp đó, bà Quý có một người họ hàng khác thuộc diện giải tỏa, nhưng không thuộc diện được bố trí đất tái định cư nên bà Quý cũng đã gọi cho Vinh để nhờ giúp đỡ. Nghe bà Quý gọi điện nhờ, Vinh bảo rằng đang rất bận công việc ở "cơ quan", với lại "dạo này Thanh tra Chính phủ đang làm việc nên chiều nào cũng phải đi tiếp khách". Vì vậy, chỉ tranh thủ chút thời gian buổi sáng để gặp bà Quý tại quán cà phê để xem hồ sơ thôi. Đúng hẹn, bà Quý mang hồ sơ của người họ hàng đến gặp Vinh ở một quán cà phê sang trọng nằm trên đường Bạch Đằng, TP Đà Nẵng. Sau khi xem xét hồ sơ, Vinh nói với bà Quý là đối với trường hợp này, Vinh có thể giúp đỡ xin bố trí một lô đất thuộc diện hộ chính, nằm mặt tiền đường 7,5m ở khu tái định cư Phần Lăng 2 (quận Thanh Khê). Nhưng để chạy được suất này phía người nhà bà Quý phải chi cho Vinh 400 triệu đồng để lo lót.

Thấy "cá đã cắn câu", lần này Vinh chủ động gọi điện cho bà Quý, nói rằng trường hợp của người họ hàng bà Quý xin bố trí đất tái định cư đã được Vinh "trình bày với các anh ở ủy ban", nên hẹn gặp bà Quý để lấy hồ sơ giải tỏa. Khi gặp Vinh, bà Quý đã được Vinh đưa một bản hợp đồng về việc giúp đỡ bà Quý xin đất tái định cư, đồng thời ứng trước 100 triệu đồng để đi "quan hệ". Cầm bộ hồ sơ giải tỏa trong tay với 100 triệu đồng tiền mặt, Vinh hẹn với bà Quý sau 15 ngày sẽ cùng đi nhận đất.

Tuy nhiên, sau 15 ngày, bà Quý gọi điện để hỏi thì Vinh nói là phía ủy ban đang vướng vào nhiều dự án đền bù, giải tỏa lớn nên chưa đệ trình những trường hợp nhỏ lẻ này cho sếp ký duyệt được, rồi khuyên bà Quý phải kiên nhẫn chờ đợi. Sau đó, trong một lần tình cờ gặp bà Quý tại một quán cà phê. Vinh đã nhắc lại chuyện xin đất, bảo rằng đã rất khó khăn khi đi xin lô đất tái định cư này. Nhân đó, Vinh đã "vay tạm" của bà Quý 20 triệu đồng… Vinh bảo rằng, số tiền này chỉ vay tạm thôi, tuần sau sẽ trả. Tuy nhiên, cho đến khi tra tay vào còng thì số tiền kia vẫn chưa được trả về cho khổ chủ.

Tại Cơ quan Công an, Vinh khai nhận, vốn là thất nghiệp, gia cảnh khó khăn phải đi thuê nhà để ở. Vì túng quẫn nên đã nghĩ ra nhiều cách để lừa đảo kiếm tiền. Sau khi nhận tiền và hồ sơ, giấy tờ do bà Quý đưa, vì không phải là cán bộ như đã khoe khoang nhằm lừa bịp mọi người nên mọi vấn đề không thể giải quyết được. Tuy nhiên, để giữ lòng tin ở chỗ bà Quý, Vinh đã lục tìm trên mạng Internet những mẫu đơn xin được bố trí chung cư, rồi đưa cho bà Quý ký tên vào.

Sau đó, Vinh mang đơn này đến nộp ở Công ty Quản lý Nhà Đà Nẵng để xin được xem xét. Thế nhưng, vì đây là trường hợp không nằm trong nhóm đối tượng được xem xét nên đơn đã bị gác lại không giải quyết. Đối với trường hợp xin bố trí đất tái định cư, thì Vinh đem toàn bộ giấy tờ về nhà cất giữ. Tuy nhiên, để làm cho bà Quý tin tưởng, Vinh đã soạn ra những bản hợp đồng giả mạo để làm tin. Việc nhận tiền, Vinh không viết giấy nhận tiền thông thường như trước đây mà Vinh ra hợp đồng "dịch vụ tư vấn hỗ trợ hoàn tất thủ tục hành chính nhận quyền sử dụng đất" để đánh lừa…

Sau khi chiếm đoạt được tiền từ những trường hợp xin bố trí căn hộ chung cư và tiền chạy dịch vụ bố trí đất tái định cư, Vinh chi dùng cho mục đích cá nhân cho đến ngày bị bắt.

Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an quận Hải Châu (Đà Nẵng) cũng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra lệnh bắt tạm giam đối với Huỳnh Đức Hậu (SN 1983), trú phường Nam Dương, quận Hải Châu về hành vi "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Hậu trước đây là cán bộ tư pháp của phường Hải Châu 2 nên có rất nhiều người quen biết.

Đối tượng Huỳnh Đức Hậu khi bị bắt.

Khi còn là cán bộ tư pháp của phường, Hậu đã đến nhà anh Trần Hùng ở đường Ngô Gia Tự - Đà Nẵng để làm hợp đồng giao dịch về giấy tờ nhà đất. Sau khi nhận giấy tờ, vì có ý định chiếm đoạt tiền của vợ chồng anh Hùng, nên thay vì mang giấy tờ đến nộp ở các cơ quan hữu trách để xem xét, thì Hậu đã mang toàn bộ giấy tờ về nhà để cất giấu. Tiếp đó, Hậu đã dùng các mẫu giấy tờ về thông báo nộp thuế trước bạ của cơ quan thuế, rồi đánh máy, in ra, sau đó scan các chữ ký, con dấu của cơ quan thuế. Sau khi hoàn tất số giấy tờ giả mạo này, Hậu đã mang đến đưa cho vợ chồng anh Hùng xem, rồi nhận tiền từ gia đình anh Hùng để đi nộp thay. Qua 6 lần đến nhận tiền đi nộp thay gia đình anh Hùng về thuế trước bạ nhà đất. Hậu đã chiếm đoạt 230 triệu đồng  để sử dụng vào mục đích cá nhân.

Thấy kiếm tiền bằng cách lừa đảo quá dễ dàng, nên trong quá trình đi làm việc ở địa phương, nhắm thấy trường hợp nào có nhu cầu hợp thức thủ tục về giấy tờ nhà đất là ngay lập tức Hậu xuất hiện với vai trò là "kẻ cứu tinh". Những nạn nhân của Hậu sau này đã nói rằng: "Việc của mình thì không lớn, trong khi có chú Hậu tư pháp lo giúp thì quá tin tưởng rồi…". Vì vậy cho đến khi Cơ quan Công an ra quyết định khởi tố, bắt giam Hậu, trên địa bàn Đà Nẵng đã có trên dưới một chục người đã từng không ngần ngại rút hầu bao đưa tiền cho Hậu chạy việc. Có người vài chục triệu đồng, có người vài triệu… và tất cả số tiền ấy đã được Hậu cho vào túi mình…

Những vụ việc trên là bài học cho bất cứ ai đang nôn nóng có việc làm, thuê nhà chung cư, bố trí đất đai, hoàn tất thủ tục giấy tờ nhà đất… mà không muốn gõ cửa các cơ quan, đơn vị hữu trách một cách minh bạch, công khai…

Thục Anh
.
.