Một năm sau vụ ám sát nhà báo Sri Lanka

Thứ Bảy, 16/01/2010, 07:50
Nhà báo Lasantha Manilal Wickrematunge (5/4/1958 - 8/1/2009) là nhà báo xuất sắc của Sri Lanka, đồng thời là chính khách và nhà hoạt động nhân quyền, bị sát hại ngày 8-1-2009. Tờ Daily Mirror của Anh gọi đây là "tai họa lớn nhất" đối với giới truyền thông tự do ở Sri Lanka. Về phía mình, chính quyền Sri Lanka cũng bày tỏ sự bất ngờ trước vụ việc và cam đoan sẽ làm mọi việc để bắt giữ bọn giết người. Nhưng, bất chấp sức ép của giới truyền thông, không ai bị bắt giữ trong một năm qua

Wickrematunge bị bắn khi ông đang trên đường đến nơi làm việc lúc 10h30' sáng ngày 8/1/2009 bởi 4 tay súng đi trên 2 xe môtô. Nhà báo sau đó tức tốc được đưa đến bệnh viện gần nhất. Một nhóm chuyên gia giỏi nhất của bệnh viện gồm 20 người tiến hành cuộc phẫu thuật não cho Wickrematunge kéo dài 3 giờ, nhưng cuối cùng nhà báo đã chết do vết thương quá nặng. Vụ ám sát nhà báo ưu tú của Sri Lanka bị các nước như  Mỹ, Nhật Bản và Liên minh châu Âu phê phán kịch liệt.

Một năm sau vụ ám sát Wickrematunge của Sri Lanka, cuộc điều tra án mạng vẫn chưa đi đến đâu, cho dù vụ việc được chuyển đến Cục Điều tra hình sự (CID) của Sri Lanka, và ít nhất gần chục nhà báo khác, bao gồm cả vợ của Wickrematunge, đã phải rời Sri Lanka vì lo sợ cho tính mạng của mình.

Vụ sát hại nhà báo Wickrematunge xảy ra giữa lúc chính quyền Sri Lanka bước vào cuộc tấn công cuối cùng nhằm tiêu diệt phe ly khai Những con hổ Tamil (LTTE). Các nhà báo thuộc sắc tộc thiểu số Tamil của Sri Lanka luôn cảm thấy bị đe dọa, nhưng cái chết của Wickrematunge đã gửi đi một thông điệp rõ ràng rằng, ngay đến những nhà báo thuộc cộng đồng sắc tộc chiếm đại đa số - như Wickrematunge - cũng không hề an toàn. Đến cuối năm 2009, nhà hoạt động về quyền của giới truyền thông nổi tiếng Poddala Jayantha phải rời bỏ đất nước do liên tục nhận những lời đe dọa.

Lakshman Gunesekera, Chủ tịch chi nhánh Sri Lanka của Tổ chức Bảo vệ quyền của giới truyền thông Nam Á (SAFMA), nói: "Ở Sri Lanka, không chỉ cuộc điều tra vụ Wickrematunge không có sự tiến triển, mà tất cả những cuộc điều tra về các vụ ám sát, tấn công và đe dọa các nhà báo cũng không có được bước tiến nào cả".

Wickrematunge là thành viên của cộng đồng sắc tộc đại đa số Sinhalese, ông cũng chỉ trích chính phủ đã không tìm được giải pháp chính trị bền vững đối với cộng đồng người Tamil. Ông từng may mắn thoát chết sau nhiều vụ tấn công, bao gồm vụ đốt cháy máy in của tờ báo vào năm 2007, và liên tục nhận được những lời đe dọa tính mạng. Vào buổi sáng bị sát hại, Wickrematunge biết mình đang bị theo dõi, nhưng ông đã không hề sợ hãi.

Vào khoảng thời gian cuối cùng trước khi bị giết chết, Wickrematunge đã thực hiện cuộc gọi đến một bác sĩ để nhờ nhắn tin đến tổng thống, bạn cũ của nhà báo. Về sau vị bác sĩ này cho biết ông đã cố gọi cho tổng thống trong suốt 45 phút nhưng không được.

Trước khi bị sát hại, Wickrematunge đã có những bất đồng lớn với giới chính khách và sĩ quan quân đội Sri Lanka, trong đó bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng Gotabaya Rajapaska. Chính khách đối lập Mangala Samaraweera thẳng thắn bày tỏ sự nghi ngờ nhằm vào Bộ trưởng Quốc phòng và quân đội. "Có một bí mật mà ai cũng biết là trong Bộ Quốc phòng tồn tại một đội sát thủ", Samaraweera, người từng là Ngoại trưởng Sri Lanka cho đến năm 2006, tuyên bố.

Samaraweera, cũng như bao người khác, đặt câu hỏi: Tại sao những tên sát thủ có thể xuất hiện với súng ống trên tay rồi biến mất một cách dễ dàng trên 2 chiếc môtô giữa thành phố mà gần như mỗi góc đường đều có trạm kiểm soát của cảnh sát? Ít nhất 14 nhà báo và nhân viên trong giới truyền thông đại chúng bị giết chết ở Sri Lanka kể từ năm 2006, theo Tổ chức Ân xá quốc tế. Và thêm 20 người khác phải  ra nước ngoài vì bị đe dọa tính mạng

Diên San (tổng hợp)
.
.