Một phòng khám chui, hai mạng con trẻ

Thứ Năm, 05/12/2013, 07:35

Đã xảy ra được ít ngày, song câu chuyện "phòng khám ông Sơn gây chết người" vẫn xôn xao khắp huyện Thường Tín. Bắt đầu từ phố Gà, trung tâm huyện, dọc chặng đường Quốc lộ 1A cũ đến qua phố Tía, người ta vẫn không ngớt bàn tán về vụ việc. Cứ mỗi chặng nghỉ chân, vào quán nước hỏi chuyện là y như rằng bắt gặp câu chuyện về bác sĩ Sơn. Trong số những người tham gia bàn tán, không ít người đã từng đem con đến chữa tại cơ sở y tế này.

Thôi thì dư luận cũng đủ cả, chiều nào cũng có. Có người thì bảo cái ông bác sĩ này ác, "không biết gì mà lại đi làm chết con người ta…". Lại cũng có người tỏ vẻ thông cảm, rằng ông này chữa cũng tốt đấy, nhưng mà "chẳng may thế nào ấy chứ, nào ai muốn thế…".

Nguyên xã Tô Hiệu bao gồm 4 làng. Làng Định Dâu ở tận cùng phía nam. Làng An Duyên, còn gọi là làng Mui - là nơi bác sĩ Phạm Anh Sơn mở phòng khám. Làng Tử Dương hay còn gọi là làng Tía và làng An Định, trước gọi là làng Dành. Vợ chồng anh Dũng sinh sống và mở quán kinh doanh "tả-pí-lù" bao gồm cả cắt may, bán quán nước, kem và cả dịch vụ hồ sơ thi lái xe (?) ở Định Dâu đã lâu, nắm bắt khá nhiều chuyện trong xã.

Chuyện một hồi, anh Dũng mới bảo, thực ra anh cũng có họ xa với cháu Quân (cháu Nguyễn Định Quân - nạn nhân), nhưng lâu không qua lại, nên cũng chỉ biết vậy. Còn với bác sĩ Sơn, thì cũng không phải hàng xóm lắm, nhưng vì hay qua lại phía trên ấy (phố Tía), nên biết nhiều chuyện. Con nhà anh chị Dũng năm nay học lớp 7, cũng đang học một môn của vợ bác sĩ Sơn ở Trường Tô Hiệu trên thị trấn.

Theo lời anh Dũng kể, thì bác sĩ Sơn bình thường sống cũng không điều tiếng gì. Cả hai vợ chồng tuy điều kiện kinh tế có khá hơn so với xung quanh, nhưng cũng không có vẻ gì là kênh kiệu cả, với hàng xóm láng giềng xưa nay cũng rất ổn. Chỉ có điều bác sĩ Sơn có một cái tật là thích uống rượu. Uống thì chẳng nhiều đâu, nhưng mà thích uống. Đặt câu hỏi có lẽ do bác sĩ hay phải trực đêm hôm, nên về nhà muốn làm vài chén ngủ cho ngon? Anh Dũng đáp, thì cũng chẳng biết, nhưng mà thấy dân xóm dưới ấy bảo hay uống, mà gặp lúc nào thì mồm phả hơi rượu lúc ấy, biết vậy.

Thực tình mà nói, người thường có bệnh thì vái tứ phương. Thấy phòng khám thì đến khám, nào biết đâu được nó có phép hay không phép? Việc đảm bảo có phép hay không rõ ràng là của các cơ quan chức năng. Chứ dân chỉ biết ông ấy là Trưởng khoa Nhi của Bệnh viện huyện Thường Tín, lại đúng chuyên môn người ta cần, thì họ đến. Vậy là tại địa chỉ 90 phố Tía, gian bên ngoài bán sữa dạng siêu thị mini, bên trong là phòng khám. Biển hiệu cố định không có.

Lúc trước bác sĩ Sơn có kê một cái biển hộp đèn ở vỉa hè, sau khi sự việc xảy ra, đã cất đi đâu không biết. Ai đưa trẻ đến khám thì cứ đi thẳng vào trong. Thuốc cũng bán ngay bên trong, và bác sĩ thường kê đơn những loại thuốc mà phòng khám có bán luôn.

Hoạt động buôn bán của cửa hàng sữa Hương Sơn vẫn diễn ra bình thường. Tấm biển phòng khám đã được cất đi.

Chị vợ anh Dũng cũng chen vào câu chuyện, bảo nhiều người đến khám nhà Sơn rồi thì khó mà đi đâu được nữa, đặc biệt là trẻ nhỏ. Tôi ngạc nhiên hỏi tại sao? Chị mới giải thích: Bác sĩ Sơn được tiếng là chữa giỏi, chữa nhanh. Trẻ đến hôm trước hôm sau là thấy bệnh chuyển biến ngay. Nhưng phải cái nghe nhiều người nói ông này dùng thuốc liều mạnh quá. Chính vì dùng liều cao thì trẻ đỡ ngay, nhưng mà lần sau có hắt hơi sổ mũi thế, đi chỗ khác họ cho liều nhẹ hơn là không ăn thua nữa. Bệnh nhờn thuốc rồi. Cứ là phải "quay về bác Sơn" mới xong?

Chị vợ anh Dũng bảo, nghe đâu trong vụ chết người lần trước (một cháu bé bị viêm phổi tử vong hồi tháng 6/2013 vì cũng được tiêm liều giống với liều cho bé Nguyễn Định Quân), nhà Hương - Sơn phải đền cho nhà ấy những 200 triệu đồng cho yên chuyện đấy. Tôi hỏi: Có thật không? Có ai trông thấy nhận tiền không thì chị cười bảo, cũng chỉ nghe thế, nào có nhìn thấy. Nhưng việc nhà kia không làm ầm ĩ, và bác sĩ Sơn chỉ bị phạt hành chính đâu mấy chục triệu (17,5 triệu đồng tiền phạt và cấm hành nghề 6 tháng - pv) thì có thật. Còn lần này, chị cũng nghe nói bảo định đền những 300 triệu, nhưng nhà người ta (gia đình cháu Quân) không đồng ý, nên mọi chuyện mới bung ra thế này?

Một thanh niên gọi anh Dũng là chú, bước vào quán nghe ngóng một hồi rồi cũng góp chuyện: “Các chú đang nói chuyện ông Sơn "sần" đấy à? Hôm nọ cháu lên trên kia chơi, bà bán quán cổng trường Cao đẳng hỏi ông bác sĩ dưới nhà mày làm chết trẻ con à? Cháu bảo vụ đấy lâu rồi mà? Thấy bà ấy bảo, không, lại chết nữa rồi! Thì ra là vụ mới này. Ở dưới đấy người ta cũng còn biết ông bác sĩ Sơn này hay cho liều nặng lắm!”.

Sau khi sự việc xảy ra đối với cháu Nguyễn Định Quân mới 16 tháng tuổi ở thôn Quế, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, bác sĩ Phạm Anh Sơn, Trưởng khoa Nhi Bệnh viện Đa khoa Thường Tín, chủ phòng khám Hương Sơn đã có bản tường trình. Theo đó, gia đình đưa cháu Quân đến phòng khám với vài triệu chứng, được bác sĩ Phạm Anh Sơn trực tiếp khám và chẩn đoán là bị viêm phổi do thời tiết chuyển mùa và chỉ định tiêm, mua thuốc về nhà uống.

Chiều tối ngày 19/11, bác sĩ Sơn tiêm cho cháu Quân mũi thứ nhất bao gồm 2 loại thuốc: Ceftriaxon 1g x 1 lọ tiêm tĩnh mạch (đã thử phản ứng) và Solumedrol 40mg x 1/2 ống tiêm tĩnh mạch chậm. Lần tiêm này bác sĩ Sơn có tiến hành thử phản ứng cho cháu và thấy không vấn đề gì. Theo gia đình, sang sáng 20/11, tình trạng bệnh của cháu Quân có biểu hiện thuyên giảm, cháu nô đùa, ăn ngủ bình thường. Đúng hẹn của bác sĩ, chiều 20/11, mẹ cháu Quân cùng người nhà tiếp tục đưa cháu đến phòng khám của bác sĩ Sơn để tiêm mũi thứ hai, và lần này đã không thử phản ứng bởi theo bác sĩ, hôm qua đã tiêm được rồi thì hôm nay không cần thử phản ứng nữa.--PageBreak--

Sau khi tiêm xong, gia đình đưa cháu Quân về và sau đó thấy cháu có biểu hiện mệt mỏi trong người, sùi bọt mép bèn lập tức đưa lại phòng khám cho bác sĩ Sơn xử trí. Được biết tại phòng khám bác sĩ Sơn đã làm nhiều động tác để tiến hành sơ cấp cứu cho cháu. Tuy nhiên tình trạng của cháu Quân càng lúc càng xấu đi  nên gia đình đã gọi taxi đưa cháu vào Bệnh viện Nông nghiệp I để được cứu chữa nhưng đã không kịp.

Hiện bác sĩ Phạm Anh Sơn đang trong thời gian 15 ngày bị đình chỉ để điều tra.

Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, ông Nguyễn Văn Dung khẳng định, trên quan điểm của Sở này, việc một bác sĩ Trưởng khoa của một bệnh viện công hành nghề chui liên tiếp 2 lần gây hậu quả chết người là một sai phạm nghiêm trọng. Được biết từ sau vụ việc xảy ta tại Thẩm mỹ viện Cát Tường, Sở Y tế Hà Nội đã tăng cường kiểm tra trên địa bàn và theo một thống kê của sở này, chỉ riêng tại huyện Thường Tín đã có 5 phòng khám có bác sĩ công lập hành nghề ngoài giờ không phép. Quận Hà Đông có 10 phòng khám không phép.

Trách nhiệm của bác sĩ Phạm Anh Sơn đối với trường hợp tử vong của cháu Nguyễn Định Quân đến đâu phải chờ kết quả cuối cùng của Cơ quan điều tra, song thực tế không khó để thấy đang có những tồn tại rất lớn trong vấn đề hành nghề y dược tư nhân hiện nay, đặc biệt là đối với khám chữa bệnh nhi.

Chẳng cần phải đến Thường Tín, mà ngay giữa các quận trung tâm Hà Nội, các phòng khám tư chuyên về nhi cũng mọc nhan nhản. Gia đình có trẻ nhỏ nào mà chẳng được mách nhau ông bác sĩ này, bà bác sĩ nọ. Quả thực nếu nhìn vào mặt tích cực, thì những phòng khám tư này cũng giải quyết được một số lượng không nhỏ những ca trẻ mắc các chứng bệnh nhẹ có thể chỉ cần uống thuốc là khỏi như hắt hơi sổ mũi, tai mũi họng hay chứng bệnh tiêu hóa… Vừa giảm tải cho bệnh viện, vừa nhẹ nhàng cho trẻ ốm cũng như gia đình và cũng là tận dụng được phần nào chất xám của các bác sĩ giàu kinh nghiệm, nhiều năm công tác.

Thế nhưng, có đến tận nơi mới thấy sự bát nháo của nó. Nói không ngoa, tính thương mại của những phòng khám kiểu này được đặt lên hàng đầu. Mọi thứ khác đều là thứ yếu! Trong phòng khám tư của bà bác sĩ H., công tác tại khoa về các bệnh đường hô hấp của một bệnh viện lớn của Trung ương về Nhi khoa, có nguyên một quầy bán thuốc trong nhà và hễ trẻ khám xong là cái đơn thuốc được chuyển thẳng ra quầy, gia đình cứ thế mà… trả tiền.

Bệnh viện Đa khoa huyện Thường Tín, nơi bác sĩ Phạm Anh Sơn công tác với chức vụ Trưởng khoa Nhi.

Bác sĩ D., Trưởng khoa Nhi của một bệnh viện lớn của Hà Nội, cứ đến giờ mở phòng khám là hôm thì vợ, hôm thì người giúp việc ra tận cửa đứng điều phối xe, người ra người vào tấp  nập… Lại có ông bác sĩ mở phòng khám trên một con phố ngang gần Ga Hàng Cỏ, muốn đến khám phải đăng ký qua một ông hàng xóm kiêm trông xe và hễ trẻ đến khám mà không mặc bỉm là ông yêu cầu phải bế cháu ngồi bắt chéo chân vì lúc nào cũng sợ trẻ khóc, vãi tè ra người mình…

Về mặt trách nhiệm và y đức cũng có điều phải bàn đến. Cứ cho rằng họ là những người đã có nhiều kinh nghiệm, chỉ cần… nhìn là biết bệnh rồi, nhưng có một thực tế là phương pháp khám bệnh ở các phòng khám kiểu này đều rất giống nhau. Hỏi qua về tình hình, nhiều khi nói bác sĩ cũng chẳng nghe vì còn bận… nhập thông tin vào máy. Một chiếc ống nghe, nghe trước nghe sau. Một que soi họng. Thêm động tác soi tai, soi lỗ mũi là xong. Đa phần không kéo dài quá 5 phút. Một buổi từ chiều đến tối thường không dưới 30 ca, thế là bỏ túi không dưới 40 triệu đồng. Thu nhập cao như thế, nên đa phần các bác sĩ này đâu có thiết tha gì với bệnh viện. Láng tráng chỉ 4 rưỡi 5 giờ chiều là đã thấy ngồi nhà mở cửa đón bệnh nhân rồi.

Bệnh viện, hay nói cách khác chính là Nhà nước, phải tốn bao nhiêu công sức để đào tạo ra được những chất xám ấy, thì giờ đây lại trở thành tấm biển hiệu hiệu quả nhất để họ đem về nhà kiếm tiền bỏ túi riêng. Càng mang danh trưởng khoa nọ, lâu năm kia thì càng đông bệnh nhân. Càng đông bệnh nhân thì khám càng nhanh. Bệnh nhân có khỏi hay không khỏi cũng chẳng quan tâm. Lần sau đến lại như mới, đăng ký lại từ đầu.

Vài lần không đỡ, người nhà tự chuyển chỗ khám khác hoặc vào viện thì tùy. Chẳng ai bắt đền bác sĩ. Có phải ai cũng biết gì đâu mà đòi bắt đền? Hàng ti tỉ lý do, nào là uống thuốc không đúng giờ, uống không đúng cách, uống xong thì trớ ra hết, hoặc thuốc không hợp, kê đơn khác… đâu phải tại bác sĩ? Khỏi được thì nhờ bác sĩ, mà không khỏi được thì chẳng phải tội bác sĩ! Nói tóm lại là khám thì bác sĩ thu tiền, còn chữa được bệnh hay không thì bệnh nhân và người nhà ráng mà tự giải quyết lấy với nhau!

Y đức vẫn ở đâu đó xa vời quá trên kia, còn đồng tiền thì nó lại sờ sờ trước mặt, sờ thấy, ngửi thấy được ngay. Cán cân lệch này bao giờ mới cân bằng lại được? Và liệu còn phải cần đến bao nhiêu nỗi oan ức mang tên Nguyễn Định Quân nữa thì các cán bộ quản lý ngành y tế mới thấy được sự thật này?

Việt Ba
.
.