Một phút nông nổi, cả đời hối tiếc

Thứ Năm, 13/04/2017, 15:55
Thời gian vừa qua ở một số tỉnh, thành phía Bắc đã xảy ra khá nhiều vụ án mạng đau lòng mà nguyên nhân là do những mâu thuẫn bột phát trong gia đình. Đau đớn thay, thủ phạm của vụ án thường là những “đức lang quân” vẫn hằng ngày đầu gối tay ấp. Chỉ một phút không kiểm soát nổi hành vi, họ đã gây ra nỗi đau cho chính những người mình yêu thương nhất…

1. Chúng tôi có mặt tại Đình Bảng (Từ Sơn, Bắc Ninh) vào buổi trưa ngày 10-4-2017, khi mà vụ thảm án đau lòng gây xôn xao dư luận vừa xảy ra hơn chục giờ đồng hồ. Cái nắng nóng oi bức của ngày đầu hè không khiến những người dân ở con ngõ nhỏ trên phố Đền Rồng (phường Đình Bảng) ngừng tụ tập bàn tán về hành động dã man của Vũ Xuân Điệp (34 tuổi, trú tại phố Đền Rồng). Điệp đang tâm sát hại nhiều người thân của mình trong đêm khuya.

Khi chúng tôi đến, ngôi nhà 3 tầng - nơi vợ chồng Điệp sinh sống - vẫn còn nguyên dấu vết của cuộc cuồng sát. Đồ đạc bị xáo trộn, nhiều vết máu trên sàn nhà tầng hai không khỏi khiến cho người ta kinh sợ.

Hiện trường vụ án ở Từ Sơn, Bắc Ninh.

Anh Vũ Đình T. một người hàng xóm của Điệp kể lại sự việc mà vẻ mặt còn chưa hết bàng hoàng. Rạng sáng ngày 10-4 khi anh T. và gia đình đang ngủ say thì bỗng dưng bị đánh thức bởi những tiếng cãi vã bên nhà Điệp. Rồi anh T. nghe thấy tiếng kêu cứu thất thanh của chị Giang. Biết có chuyện chẳng lành anh T. vội chạy sang. Cùng lúc anh T. hô hoán bà con hàng xóm trong khu vực tới giúp đỡ.

Khi phá cửa vào được bên trong, anh T. thấy Điệp mặt lầm lì, không nói gì, trên tay cầm con dao đi lên sân thượng tầng 2. Tại phòng ngủ của 3 mẹ con chị Giang, người dân phát hiện chị này đang bế cháu Vũ Kim Ngọc (SN 2012), trên người cháu bé có nhiều vết thương. Khi đó, chị Giang cũng bị một vết thương ở ngực. Một góc khác, bà Nguyễn Thị Mận (64 tuổi, mẹ ruột Điệp) và cháu Vũ Thanh Trúc (SN 2008) cũng bị nhiều vết thương.

Do vết thương quá nặng, cháu Vũ Kim Ngọc đã tử vong sau đó. Còn chị Giang, bà Mận và cháu Trúc được người dân đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Bà Nguyễn Thị K. - một người hàng xóm của nạn nhân kể với chúng tôi mà vẫn còn run rẩy sợ hãi. Khoảng 1 giờ 30 phút hôm đó, bà nghe thấy tiếng cãi vã rất to ở nhà bên. Liền sau đó là những tiếng kêu khóc gào thét thất thanh. Bà K. chạy ra lan can để xem chuyện gì xảy ra thì thấy cảnh tượng mấy bà cháu thương tích đầy mình đang run rẩy kêu cứu. Lúc ấy chị Giang chỉ kịp thều thào nói: “Bà ơi đưa giúp cháu Ngân đi bệnh viện” rồi gục xuống.

Bà K. vội chạy sang nhà chị Giang rồi gào ầm ĩ lên. Ít phút sau, một số người hàng xóm thấy vậy liền có mặt và đưa các nạn nhân đi cấp cứu. “Giờ nghĩ lại tôi vẫn còn thấy sợ. Vì lúc ấy thằng Điệp vẫn còn trên gác. Nhỡ nó nổi điên đâm tôi thì... Đến mẹ đẻ của nó còn không tha nữa là” - bà K. nhớ lại. Nhưng ngay sau đó, đối tượng Điệp đã nhảy từ sân thượng tầng 2 xuống đất và bị thương nặng. Đối tượng sau đó đã được đưa vào Bệnh viện Việt Đức cứu chữa.

Tầng 1 ngôi nhà xảy ra vụ án đau lòng tại Từ Sơn, Bắc Ninh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi ở địa phương, Vũ Xuân Điệp là một người đàn ông hiền lành, ít nói. Khoảng 2 năm trở lại đây, sau khi xây được căn nhà 2 tầng thì mâu thuẫn giữa hai vợ chồng bắt đầu bùng lên. Vợ chồng Điệp đều làm công nhân, thu nhập thấp. Đã vậy làm được bao nhiêu tiền Điệp đều tiêu hết, mọi chi tiêu trong gia đình chị Giang phải gánh cả.

Sự quẫn bách về kinh tế khiến cho Điệp hay rượu chè, rồi những cuộc cãi vã giữa hai vợ chồng thường xuyên xảy ra. Nhiều người cho rằng nguyên nhân của vụ án dã man kia là do những uất ức của người chồng bị kìm nén trong một thời gian dài đột nhiên bùng phát.

Có mặt tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh, chúng tôi gặp bà Nguyễn Thị Mận đang nằm điều trị với một vết thương ở cổ. Chưa hết bàng hoàng và đau xót khi bi kịch ập đến nhà mình, bà Mận phỏng đoán về nguyên nhân của sự việc. “Trước khi xảy ra sự việc 4-5 ngày, hai vợ chồng chúng nó đã xảy ra mâu thuẫn, cãi vã. Bản tính con trai tôi vốn ít nói, ưa nịnh nhưng vợ thi thoảng lớn tiếng quát chồng nên rất có thể Điệp hậm hực trong người rồi xảy ra sự việc” - bà Mận chua xót kể.

Nếu chỉ vì một phút cả giận mất khôn như vậy, thì Điệp sẽ phải hối hận cả đời.

2. Còn nhớ cuối năm 2014 chúng tôi có mặt tại Thạch Thất (Hà Nội) để tìm hiểu về vụ án mạng tại thôn Minh Nghĩa (Đại Đồng, Thạch Thất). Do mâu thuẫn vợ chồng, Khuất Duy Tuấn (SN 1977) đã dùng dao sát hại vợ mình là chị Nguyễn Thị Loan (SN 1980) rất dã man.

Theo ông Khuất Hữu Tích, bố đẻ của Khuất Duy Tuấn thì sáng ngày 13-11-2014, ông đang chặt củi ngoài sân thì nghe tiếng cãi cọ của vợ chồng Tuấn ở trong nhà. Một lát sau thì thấy im ắng lạ thường, còn Tuấn lên xe đạp đi ra ngoài ngõ. Linh cảm có việc chẳng lành, ông Tích vội chạy vào xem. Ông rụng rời chân tay khi thấy con dâu nằm sóng soài dưới đất, cổ có nhiều vết thương, máu chảy rất nhiều. Ông Tích vội chạy ra ngoài hô hoán nhờ bà con chòm xóm giúp đỡ. Chị Loan được xác định đã tử vong do vết thương quá nặng.

Được biết Loan vốn là cô gái hay lam hay làm, chịu thương chị khó. Cũng vì gia cảnh khốn khó mà đến tuổi đôi mươi, chị Loan vẫn chưa dám nghĩ đến tình riêng mà chỉ lo làm ăn đỡ đần cha mẹ, nuôi em. Giữa năm 2014 cô ruột của Tuấn thấy hai đứa đều nhiều tuổi, nên cứ "vun" vào.

Cũng theo người dân ở Đại Đồng, Tuấn dù đã có vợ con song chứng nào tật nấy không gánh vác công việc gia đình mà suốt ngày chơi bời. Cứ ăn xong là Tuấn bỏ đi chơi, đói lại mò về nhà. Chị Loan nhiều lần phải bỏ về nhà ngoại vì không chịu nổi tính vũ phu của chồng. Tuy nhiên sau khi được đôi bên gia đình khuyên giải, chị Loan đã quay về. Ngoài việc chăm lo cấy hái cho cả đôi bên nội ngoại, chị Loan còn tranh thủ đi làm may để có thêm đồng ra đồng vào. Nhưng hầu như cứ hở ra là bị Tuấn "lột" hết. Mâu thuẫn đỉnh điểm khi Tuấn lấy trộm tiền, bị vợ nói thì nổi điên lên và sát hại vợ.

Bà Nguyễn Thị Mận được chăm sóc tại bệnh viện đa khoa tỉnh Bắc Ninh.

Một vụ án khác đối tượng Nguyễn Chí Tưởng (SN 1951, trú tại thôn Thụy Trà, xã Thượng Đạt, TP Hải Dương) cũng đang tâm sát hại vợ mình là bà Đàm Thị Nh. (SN 1954, cùng trú tại địa chỉ trên). Tại cơ quan điều tra, Tưởng khai thời gian gần đây hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn trong sinh hoạt. Hai vợ chồng Tưởng đã xảy ra cãi vã gay gắt. Tích tụ uất ức trong lòng, Nguyễn Chí Tưởng đã nảy ra ý định giết vợ. Sáng ngày 24-5-2015, Tưởng đã dùng hai chiếc tuốc-nơ-vít và chích điện khiến bà Nh. tử vong.

Tại phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án Nguyễn Chí Tưởng giết vợ, bị cáo cho biết hai vợ chồng mới lấy nhau được chưa đầy hai năm thì xảy ra nhiều mâu thuẫn. Bà Nh. thường tỏ ra đành hanh, có lần chửi mắng, tát vào mặt chồng. Trong một phút không làm chủ được mình, Tưởng đã thực hiện hành vi sát hại vợ. Tại phiên tòa, bị cáo tỏ ra hối hận về việc đã làm. Qua lượng hình, HĐXX căn cứ vào một số tình tiết giảm nhẹ mà tuyên phạt Nguyễn Chí Tưởng bản án tù chung thân!

3. Theo chuyên gia tâm lý Phạm Hiền, nghiên cứu cho thấy đa số các trường hợp vợ chồng sát hại nhau đều không có động cơ từ trước, đơn giản chỉ là hành động bột phát trong lúc nóng giận, không kiềm chế được bản thân.

Và đa phần trong các vụ án mạng liên quan đến vợ chồng, nguyên cớ thường xuất phát từ lời ăn tiếng nói. Khi vợ chồng mâu thuẫn, thường xảy ra 2 trạng thái bộc lộ cảm xúc; hoặc là làm ầm ĩ lên để quát tháo, chửi mắng, hoặc là nói những lời sâu cay. Hai dạng biểu lộ cảm xúc này đều dẫn đến hậu quả không tốt, dễ dàng xúc phạm, kích động lẫn nhau dẫn đến khó kiểm soát hành vi.

Còn nguyên nhân sâu xa là do nhu cầu vật chất và tinh thần không đáp ứng đủ cho nhau. Cuộc sống hiện đại nhiều áp lực, tiền bạc vật chất có vị trí quan trọng. Nhiều trường hợp vì thiếu tiền sinh hoạt, tiêu xài mà vợ chồng dẫn đến xích mích, mâu thuẫn. Cũng có trường hợp vật chất đầy đủ nhưng vợ chồng lại thiếu quan tâm, chia sẻ dẫn đến ngoại tình, mâu thuẫn xảy ra.

Bị cáo Nguyễn Chí Tưởng tại phiên tòa.

“Thiên chức làm vợ, làm chồng ngoài biết chăm lo con cái, gia đình, còn phải biết chia sẻ, động viên lẫn nhau những niềm vui nỗi buồn. Vợ chồng mà thiếu chia sẻ sẽ dẫn dến nhàm chán, ngoại tình dẫn đến mâu thuẫn, đổ vỡ” - bà Hiền cho biết thêm.

Để hạn chế những vụ án mạng “tại gia” xảy ra ngày càng nhiều, trước hết mỗi người cần có cách cư xử chuẩn mực, kiềm chế bản thân, cư xử nhân văn. Bên cạnh đó là giáo dục của gia đình, nhà trường...

Ở một góc khác, thạc sỹ Trương Thị Thu Thủy, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam cho rằng, gia đình ngày nay có thể biến đổi mạnh mẽ về cơ cấu, chức năng, các hình thức và chuẩn mực trong mối quan hệ, nhưng vị trí, vai trò của nó đối với sự phát triển của xã hội, đặc biệt là trong phòng ngừa tội phạm thì không thể thay đổi. Thực tế cho thấy, quá trình hình thành và hoàn thiện nhân cách con người phải được xây dựng trên cơ sở tiếp nhận kiến thức từ gia đình, nhà trường và xã hội.

Giáo dục gia đình là môi trường đầu tiên để tạo nên tính cách của đứa trẻ nhưng hiện nay đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng “lệch chuẩn” trong giáo dục trẻ em. Nhiều gia đình quan niệm con ngoan đồng nghĩa với học giỏi nên cả nhà dồn sức bắt con học ngày học đêm, trường tốt, lớp tốt, chiều chuộng đủ kiểu miễn sao kết quả học tập phải tốt mà bỏ bẵng giáo dục đạo đức, giáo dục làm người khiến chúng trở nên vô cảm và ích kỷ.

Nhiều bậc cha mẹ thỏa mãn vô lối ý muốn của con khiến chúng dễ dàng phản kháng khi cá nhân không được thừa nhận. “Do đó, một trong những cách thức đơn giản nhất để phòng ngừa trọng án trong gia đình chính là tăng cường giáo dục đạo đức cho con em mình. Bên cạnh những bài học về kiến thức thì bài học làm người là điều không thể thiếu” - thạc sỹ Trương Thị Thu Thủy phân tích.

Minh Tiến
.
.