Mỹ: Triệt phá đường dây làm giấy tờ giả

Thứ Hai, 31/03/2008, 10:45
Đến nay, các viên chức ICE bắt tổng cộng 38 thành viên của tổ chức Leija Sanchez, và từ trại giam ở Mexico, Manuel hiện kháng cáo việc dẫn độ hắn sang Mỹ để xét xử lại. Đồng bọn của hắn là Castorena cũng đã bị dẫn độ từ Mexico sang Denver hồi tháng 2/2008 để xét xử về các tội danh lừa đảo, thông đồng làm giả giấy tờ và các tội danh rửa tiền.

Tuổi thơ của Suad Laija không bình thường như bạn bè cùng lứa: lớn lên tại Los Angeles và Chicago, năm 7 tuổi cô được giao phó cho một vệ sĩ và được dạy bảo rằng, không được kết bạn với bất cứ ai ở trường học, cô cũng không được phép chào cha dượng Manuel nếu như họ gặp nhau ngoài đường.

Đi học về đến nhà, cô bé phải giúp Manuel xếp tiền làm ăn cho ông ta vào phong bì từ 1.000, 2.000 cho đến 5.000 USD. Nhưng Saud không hề được hưởng một xu tiền lẻ nào cho đến một buổi sáng mùa đông năm 1995, khi 15 nhân viên FBI xông vào căn hộ tại Chicago của cô để tìm bắt Manuel.

Từ thời điểm đó trở đi, cô mới biết cha dượng của mình không phải là người bán hàng chân chính như ông từng tuyên bố. Giờ đây, Suad đang tránh mặt Manuel sau khi giúp các nhà điều tra liên bang xóa sổ đường dây làm chứng minh thư và tài liệu giả mạo tồn tại suốt hơn chục năm, và chỉ điểm chỗ ở của cha dượng và 2 người em ông ta. Cả 3 người đã bị bắt và chờ ngày ra tòa.

Suad Leija, 23 tuổi tâm sự: “Tôi cũng có cảm giác mình đang bị nguy hiểm, nhưng tôi có quyết định táo bạo như vậy là do nhận thức rõ đây là quyết định đúng đắn”.

Khi các công tố viên truy tố 22 thành viên trong tổ chức làm chứng minh thư (ID) giả mang tên Leija Sanchez tại Chicago hồi tháng 4/2007, họ quyết định đưa vụ án này ra xử thí điểm để làm gương cho các tổ chức làm giả giấy tờ khác trên toàn nước Mỹ. Suad bắt đầu cộng tác với Cơ quan hành pháp về Nhập cư và Thuế quan (ICE) từ tháng 1/2006, và cung cấp cho các nhà điều tra danh tính và địa chỉ của anh em người cha dượng - những kẻ đã bị chụp ảnh trong lúc các nhân viên liên bang đang giám sát chặt chẽ họ.

Cô tâm sự rằng khi quyết định giúp các viên chức ICE, chính cô rất lo sợ các loại giấy tờ giả do gia đình cô làm ra (thẻ xanh, giấy phép lái xe và thẻ an sinh xã hội) có thể bị bọn khủng bố sử dụng để thực hiện tiếp một cuộc tấn công kinh hoàng trên đất Mỹ.

Trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ một địa điểm không thể tiết lộ, Suad cho biết: “Cũng giống như chuyện không giúp một kẻ bụi đời bán ma túy cho trẻ con, tôi biết không thể tiếp tục làm giấy tờ giả cho bọn khủng bố, những kẻ muốn sử dụng nhân dạng giả để thâm nhập vào nước Mỹ. Nếu có một vụ khủng bố tương tự vụ 11/9 xảy ra mà tôi không làm gì để ngăn cản gia đình, thì tôi có tội nhiều lắm”.

Các viên chức cao cấp tại ICE coi việc bùng phát nạn làm giấy tờ giả là nguy cơ đích thực cho an ninh quốc gia. Kỹ nghệ làm giấy tờ giả này đạt lợi nhuận hàng năm hàng trăm triệu USD. Khách hàng của chúng không quá khó tìm, ước tính có 12 đến 20 triệu người nước ngoài sống bất hợp pháp tại Mỹ, trong đó có vô số thanh thiếu niên muốn sử dụng giấy tờ giả để vào làm chui trong các quán bar.

Trước đây, một số tên không tặc trong vụ khủng bố 11/9 có được hồ sơ thật để làm ID giả và 1 kẻ tình nghi khủng bố khác có liên quan đến mạng lưới khủng bố Al-Qaeda tên Nabil al-Marabh làm giấy ID giả ngay tại xưởng in của người cậu hắn tại Toronto trước khi xảy ra các vụ tấn công khủng bố tại New York và Washington.

Tuy giới khách hàng của đường dây Leija Sanchez ban đầu đa phần là Mỹ Latinh, nhưng theo giới công tố liên bang, các tài liệu của nó về sau được bán cho người Algeria, Arập và Pakistan. Đó là sơ hở chết người của những nhà hành pháp, bởi nếu chúng được tuồn vào tay những tên khủng bố thì chưa biết hậu quả sẽ thê thảm đến nhường nào! Một người bất kỳ có thể mua bộ hồ sơ để sống hợp pháp tại Mỹ chỉ với giá 100 USD!

Trong vụ phá thành công đường dây làm giấy tờ giả này, một phần công lao thuộc về chồng của Suad, người Mỹ, có nickname là John Doe trên website của Suad. Doe đã thâm nhập vào đường dây Leija Sanchez. Được biết, Suad và chồng cô quen nhau vào năm 2004, lúc cô đang học kiến trúc tại quê mẹ Nicaragua.

Dưới lớp vỏ bọc doanh nhân, thật ra anh chàng người Mỹ này là mật vụ chìm tự do, hiện làm việc cho một số cơ quan an ninh thuộc Chính phủ Mỹ tại Mỹ Latinh từ cuối thập niên 90 thế kỷ XX.

Lĩnh vực đối đầu của anh là những tên khủng bố, và trong năm 2003, anh đã đề ra kế hoạch giăng bẫy những tên phiến quân cực đoan muốn vào Mỹ thông qua Mỹ Latinh bằng cách thành lập một công ty kinh doanh giấy tờ giả.

Trong quá trình nghiên cứu thực hiện, John Doe phát hiện đường dây Leija Sanchez này thông qua một cộng sự kinh doanh, và biết có một phụ nữ trẻ đẹp hiện sống tại Nicaragua có quan hệ ruột thịt với gia đình này.

Tại đỉnh điểm làm ăn "phát đạt" của gia đình, đường dây Leija Sanchez kiếm được 20.000 USD/ngày từ việc bán giấy tờ giả trên đường phố của khu dân cư Latino Little Village thuộc Chicago.

Có biệt hiệu là El Jefe de los Jefes (Trùm của những ông trùm), người cha dượng Manuel Leija của Suad bắt tay vào “làm ăn” từ những năm 80 cùng với đồng nghiệp Pedro Castorena (một ông trùm khác của tổ chức làm giấy tờ giả tại Los Angeles, được các nhân viên ICE mô tả như Pablo Escobar của giấy tờ giả).

Castorena không bị buộc tội, nhưng sẽ phải ra tòa tại Denver vào cuối năm nay vì một số tội danh khác.

Cho đến nay, các viên chức ICE bắt tổng cộng 38 thành viên của tổ chức Leija Sanchez, và từ trại giam ở Mexico, Manuel hiện kháng cáo việc dẫn độ hắn sang Mỹ để xét xử lại.

Đồng bọn của hắn là Castorena cũng đã bị dẫn độ từ Mexico sang Denver hồi tháng 2/2008 để xét xử về các tội danh lừa đảo, thông đồng làm giả giấy tờ và các tội danh rửa tiền. Suad trở thành nhân chứng quan trọng được bảo vệ theo luật pháp hiện hành

Lê Minh (theo Newsweek)
.
.