NATO thành lập lực lượng Đặc nhiệm chống chiến tranh tin học

Thứ Bảy, 31/05/2008, 15:30
NATO bắt đầu quan tâm đến chiến tranh tin học sau khi mạng máy tính của NATO bị tin tặc, được xác định xuất phát từ Nam Tư, tấn công làm tê liệt nhiều hoạt động quân sự sau sự kiện NATO tấn công tỉnh Kosovo của Nam Tư vào tháng 2/1999. Cuộc diễn tập chống chiến tranh tin học và chống khủng bố tin học đã được tổ chức nhằm thuyết phục việc phê chuẩn thành lập Lực lượng Đặc nhiệm chống chiến tranh tin học (CDTF) trực thuộc Bộ Chỉ huy Điều khiển học của khối này.

Từ ngày 4 đến 12/4/2008, chỉ cách nửa tháng trước khi diễn ra Hội nghị cấp cao của Liên minh Quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) tổ chức tại thủ đô Bucarest của Rumani từ ngày 26/4/2008, Bộ Chỉ huy Điều khiển học của NATO do tướng Georges D'Hollander chỉ huy, đã tổ chức một cuộc diễn tập chống chiến tranh tin học và chống khủng bố tin học quy mô nhắm vào các căn cứ quân sự, các cơ quan trọng yếu của NATO trên thế giới với sự tham gia của các chiến binh tin học của nhiều quốc gia thành viên NATO.

Mục đích của cuộc diễn tập này là để xác định sau mặt đất, biển cả, bầu trời thì mạng Internet sẽ trở thành bãi chiến trường tuy âm thầm, không tiếng súng, không máu đổ, không bom rơi đạn lạc, nhưng sẽ mang đến những hủy diệt tàn khốc, những hậu quả không thể đo lường khiến toàn bộ sức mạnh kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, ngoại giao... của một quốc gia, một khối liên kết các quốc gia, một khối quân sự... bị tê liệt.

Phát biểu tại thủ đô Tallinn của Estonia, nơi diễn ra cuộc diễn tập, tướng D'Hollander tuyên bố: “Trong tương lai gần, toàn bộ sức mạnh quân sự của NATO, của nhiều quốc gia thành viên NATO, có nguy cơ bị tê liệt bởi một hay nhiều cuộc tấn công âm thầm, không tiếng súng, không máu đổ. Hiện nay, quan niệm tấn công bằng súng, bằng hỏa tiễn đang dần nhường bước cho những toan tính tấn công bằng những viên đạn tin liệu, những chương trình điện toán, những virus điện toán”.

Cuộc diễn tập chống chiến tranh tin học và chống khủng bố tin học này của NATO diễn ra trước thời điểm khai mạc Hội nghị cấp cao NATO là nhằm thuyết phục việc phê chuẩn thành lập Lực lượng Đặc nhiệm chống chiến tranh tin học (CDTF) trực thuộc Bộ Chỉ huy Điều khiển học của khối này.

Thực ra, không phải mới đây, sau sự kiện nhiều quốc gia thành viên NATO là Đức, Estonia, Pháp, Anh và Mỹ bị tin tặc thâm nhập và làm gián đoạn hệ thống máy tính quan trọng của chính phủ các quốc gia này từ tháng 7 đến tháng 9/2007, mà từ năm 1999, NATO bắt đầu quan tâm đến chiến tranh tin học sau khi mạng máy tính của NATO bị tin tặc, được xác định xuất phát từ Nam Tư, tấn công làm tê liệt nhiều hoạt động quân sự sau sự kiện NATO tấn công tỉnh Kosovo của Nam Tư vào tháng 2/1999.

Để đối phó, NATO quyết định thành lập Bộ Chỉ huy Điều khiển học có trung tâm chỉ huy đặt tại trụ sở NATO ở thủ đô Brussels của Bỉ. Nhiệm vụ của cơ quan này lúc đó chỉ nhằm mục đích cảnh báo và hỗ trợ các quốc gia thành viên NATO trong trường hợp bị tin tặc tấn công, thiết lập các “hàng rào lửa” để phòng chống các cuộc thâm nhập phá hoại của tin tặc vào các cơ quan đầu não của NATO.

Diễn tập chống chiến tranh tin học và chống khủng bố tin học của NATO vào đầu tháng 4/2008.

Tuy nhiên, việc một số quốc gia thành viên NATO do đánh giá không đúng mức tầm quan trọng của một cuộc chiến tranh tin học và khủng bố tin học nên không quan tâm đến việc cộng tác với Bộ Chỉ huy Điều khiển học NATO. Hậu quả là cùng với sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001 vào nước Mỹ, mạng máy tính chủ lực của nhiều quốc gia thành viên NATO như Anh, Pháp, Italia, Đức, Mỹ đã bị tin tặc thâm nhập và phá hoại.

Các tiết lộ mới đây cho biết, chỉ từ tháng 9/2001 đến tháng 4/2002, do bị tin tặc tấn công, mạng máy tính quan trọng của Anh, Mỹ, Đức, Pháp và Italia đã mất khả năng kiểm soát và phải mất một thời gian kéo dài nhiều ngày mới tái kiểm soát được.

Để đối phó với tình hình nghiêm trọng này, Mỹ quyết định cải tiến mạng lưới phòng thủ trên các mạng máy tính của chính quyền với việc thiết lập hàng loạt mã số, mã từ trấn giữ tất cả các cửa ải trên mạng. NATO cũng quyết định tăng cường mã số an ninh bảo vệ của các cổng mạng từ 20 lên đến 40 số.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa  là bất khả xâm phạm đối với những chiến binh hay những tên khủng bố tin học chuyên nghiệp. Hậu quả là các mạng quan trọng của NATO và các quốc gia thành viên NATO liên tục bị tin tặc tấn công thâm nhập, nhất là sau khi Mỹ xua quân tấn công Iraq vào tháng 3/2003 và NATO đảm nhận các chiến dịch quân sự tại Afghanistan vào năm 2004.

Đỉnh điểm là các vụ tấn công vào mạng chính phủ các quốc gia thành viên NATO từ tháng 7 đến tháng 9/2007. Vì vậy, NATO quyết định thành lập Lực lượng Đặc nhiệm chống chiến tranh tin học (CDTF).

Về tổ chức, CDTF là một tập hợp bước đầu bởi các chuyên viên tin học của 8 quốc gia thành viên NATO là Estonia, Latvia, Lithuania, Italia, Đức, Tây Ban Nha, Slovakia và Mỹ do tướng Estonia Ilmar Tamme chỉ huy.

Sau khi được Hội nghị cấp cao NATO phê chuẩn việc thành lập vào ngày 27/4/2008, CDTF đã có buổi ra mắt chính thức vào ngày 4/5/2008 tại Sở chỉ huy ở thủ đô Tallinn của Estonia. Tại đây, vào đầu năm 2009, sẽ khánh thành đưa vào hoạt động một trung tâm huấn luyện về chiến tranh tin học của NATO. Theo dự kiến, từ nay đến cuối năm 2008, lần lượt các quốc gia thành viên NATO còn lại sẽ tham gia CDTF.

Nhiệm vụ của CDTF được quy định tại Hội nghị cấp cao NATO tổ chức tại thủ đô Bucarest của Rumani từ ngày 26/4/2008 là tham gia tích cực mạng lưới phòng thủ, chống thâm nhập và tấn công của tin tặc vào các mạng máy tính chủ yếu của NATO.

Can thiệp nhanh trong trường hợp xảy ra các vụ tấn công, thâm nhập của tin tặc vào mạng máy tính của chính phủ các quốc gia thành viên NATO và các quốc gia không phải thành viên NATO (nếu có yêu cầu). Thiết lập các vành đai bảo vệ hệ thống mã số gồm 128 số mà NATO đang sử dụng để bảo vệ các thông tin tối mật.

Tổ chức tình báo tin học và tiến hành đánh phủ đầu vào mạng máy tính của các quốc gia đối đầu với NATO nhằm phòng chống việc các quốc gia này phát động các cuộc tấn công vào mạng máy tính của NATO và cả trong trường hợp xảy ra chiến tranh tin học.

NATO xác định sẽ chi 1,2 tỉ euro cho hoạt động của CDTF cùng với việc thành lập Trung tâm huấn luyện của CDTF tại thủ đô Tallinn của Estonia

Hoàng Phú (theo Global Security)
.
.