Nạn bắt cóc trẻ em tại Pakistan

Thứ Ba, 20/07/2010, 21:35
Ngày hôm ấy, cũng như mọi ngày khác, trước khi đi học, chú bé Ahsan 12 tuổi đi một vòng quanh bãi để xe của khu Clifton giàu có ở Karachi - đô thị lớn nhất Pakistan. Một người đàn ông gọi em tới chùi xe trong gara của mình... Gần hai tuần, sau Ashan được tìm thấy tại một bãi cỏ ngoại ô, tay chân bị trói, người chỉ còn da bọc xương...

Trong suốt quãng thời gian bị bắt cóc Ahsan là nạn nhân của một kẻ đồng tính luyến ái, sau đó hung thủ còn nhẫn tâm làm biến dạng khuôn mặt em bằng... axít. Sau một thời gian nằm viện điều trị, Ashan được đưa tới trại cứu tế nơi em sống hiện nay. Ashan luôn xuất hiện trước đám đông với nụ cười rạng rỡ, bởi không tin rằng mình có thể vẫn còn được sống.

Ashan là một trong những bằng chứng về nạn bắt cóc trẻ em đang lộng hành ở Pakistan. Rất hiếm khi trẻ bị bắt cóc tìm lại được như trường hợp của Ashan. Cho đến giờ người ta cũng chẳng tính được có bao nhiêu đứa trẻ đã bị bắt cóc nữa. Chính vậy nên cách đây vài tháng ông Encar Berni, một nhà tranh đấu nổi tiếng cho quyền con người tại Pakistan đã lập ra văn phòng về trẻ mất tích, giúp đỡ cha mẹ các em tìm lại con cái của mình.

"Theo nguồn tin của cảnh sát và các đơn từ của các bậc phụ huynh, lượng trẻ em mất tích hàng năm vào khoảng 800 em. Tuy nhiên các gia đình nghèo và mù chữ  ít khi thông báo sự việc cho giới hữu trách, ngay cả cảnh sát cũng chẳng thèm ghi nhận các trường hợp này vì họ cho đó là những thông tin không xác thực - ông E.Berni cho biết - Thật ra trong cả nước mỗi ngày có từ 8 - 10 em bị mất tích. Cho tới giờ đã có 17.000 trẻ em Pakistan mất tích mà chưa tìm lại được. Nạn bắt cóc trẻ em ở đất nước này đã trở thành một vấn nạn đáng báo động!".

Một tay nhấn còi, một tay cầm vôlăng, anh Abdul Musharraf, tài xế xe Hồng Thập tự đang luồn lách trong dòng xe đông đúc ở Karachi. Anh chẳng "thèm" dừng ngay cả khi sắp có đèn đỏ nữa. Số điện thoại của anh là 225.225 và mọi người Karachi đều biết. Bất cứ ai thấy trẻ lạc cũng đều báo ngay cho anh.

A.Musharraf thường xuyên đưa con trẻ tới trại Koranga - một trung tâm lớn nhất về trẻ mất tích ở Pakistan. Bên ngoài là những dãy tường cao phủ dây thép gai, "để bọn tội phạm không thể lọt vào bắt cóc các trẻ em của chúng tôi đi được", ông Riazudin Kazhi, giám đốc trại cười giải thích. Có cả đàn chó dữ canh cổng nữa. Bên trong là hàng trăm đứa trẻ đang học bài.

"Đa phần chúng chạy trốn khỏi gia đình - R.Kazhi nói - Khi thấy chúng ngoài phố, bọn buôn người nhanh chóng theo dõi, bắt  cóc con trẻ làm việc cho chúng. Trẻ bị đánh đập, hãm hiếp rồi buộc phải đi kiếm tiền cho các ông chủ bằng cách cướp giật hoặc làm điếm; những đứa khác bị bán cho các hầm mỏ - những nơi chúng không có đường tháo lui".

Chiếc xe cứu thương nổi danh do anh A.Musharraf cầm lái.

Amir, cậu bé 10 tuổi trước đây vài tuần là một tên móc túi ở Lahore, mỗi ngày em phải nộp cho "sếp" 5 ngàn rupee (85 rupee = 1 USD),  số tiền lớn gấp 10 lần mức thu nhập trung bình của một công nhân lành nghề tại Pakistan. Nếu ngày nào không kiếm được, em sẽ bị ăn đòn nhừ tử. Gần một năm Amir sống trong cảnh bị đày đọa, cho đến khi cảnh sát xóa sổ băng trộm nhí đó và gửi em tới đây. Bên cạnh là Mohammed mới 8 tuổi mà đã phải làm việc trong một xí nghiệp dệt thảm, tới 10 tuổi đã nghiện xì ke, sau đó là chôm chỉa, đánh cắp xe máy và bị cảnh sát bắt.

Trước cổng trại có tấm bảng sắt ghi "Xin đừng hãm hại con trẻ! hãy đưa chúng tới đây!", có tên Abdul Sttar Edhi ký bên dưới. Nếu như có các ông tiên, thì A.S.Edhi là một trong các ông tiên đó. Đấy là một ông già với chiếc áo sơ mi sờn vá cùng vóc dáng của một nhà hiền triết Ấn Độ. Edhi sống cùng vợ và 5 đứa con trong một căn phòng rộng chừng 10m2 tại một khu phố nghèo của Karachi.

Vốn là một người cực giàu, nhưng ngay từ năm 1954 Edhi đã đưa cánh tay từ thiện  của mình ra giúp những người nghèo. Hiện Abdul Sttar Edhi là chủ của 40 trung tâm cứu trợ, 300 xe cứu thương, một máy bay trực thăng và 2.000 người tình nguyện. Cho đến giờ “tiên ông” Edhi đã giúp đưa được hơn 4.000 đứa trẻ Pakistan từng bị mất tích trở lại hòa nhập với gia đình của chúng.

Một lớp học trong trại Koranga.

"Hiện trên thị trường buôn bán trẻ em phi pháp ở Pakistan giá một bé trai 10 tuổi là 30 ngàn rupee - ông Misel Bone, một trong những chuyên gia hàng đầu về vấn đề lao động vị thành niên tại Á châu, cho biết - Chúng tôi thấy chúng ngay trên cả những công trình xây dựng lớn cấp nhà nước nữa. Còn tại các xí nghiệp nhỏ chúng bị bắt lao động cưỡng bức từ 15-20 tiếng đồng hồ mỗi ngày, luôn trong tình trạng thiếu ăn, đêm ngủ bị xích, bị đánh đập đến chết nếu có ý định chạy trốn. Nhưng cho tới giờ cảnh sát mới chỉ khám phá được duy nhất một cơ sở sử dụng lao động vị thành niên trái phép ở ngay trung tâm Lahore...

Mặc cho những nỗ lực của nhà chức trách, nạn bắt cóc và buôn bán trẻ em tại Pakistan vẫn nở rộ, một khi đem lại những mối hời kếch xù cho cả hai phía mua và bán chúng", M.Bone kết luận

Xuân Hiếu (theo The Guardian)
.
.