Nạn buôn bán trẻ em gia tăng ở Anh

Thứ Bảy, 14/11/2009, 17:35
Theo số liệu của Cảnh sát Anh, trong năm 2008, có trên 1.000 trẻ em nước ngoài (phần lớn từ Afghanistan và châu Phi) bị bọn buôn người đưa tới Anh, tăng 90%  so với năm 2007. Dự báo con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm 2009. Nước Anh đang đứng trước áp lực phải sớm có các luật mới để tuyên chiến với bọn buôn người.

Hàng trăm trẻ em được bán sang Anh mỗi năm đã không được hưởng các chính sách xã hội ở đây. Một bản báo cáo gần đây của Tổ chức từ thiện xã hội của trẻ em tại Anh cho thấy ngành "công nghiệp buôn người" này đã gây nên nhiều thống khổ cho trẻ em như thế nào và chính những cơ quan có trách nhiệm tại Anh cũng góp phần vào đó.

Nhiều trường hợp trẻ em trốn khỏi những nơi giam giữ đã gặp phải sự thờ ơ của các cơ quan này. Nhiều em sau khi trốn thoát khỏi những "chủ nô" đã bị đưa lại vào những nhà tù. Chính nơi đây, các em đã bị buộc phải bán thân trong các nhà chứa hoặc trở thành những nô lệ cho nhiều gia đình người Anh. Những trẻ này sau khi được tiếp xúc với bên ngoài thường rất sợ hãi, không dám tiết lộ những gì đã xảy ra với chúng.

Theo Hiệp hội trẻ em Anh, con số trẻ em bị đưa trái phép vào Anh trên thực tế có thể cao hơn nhiều so với thống kê vì nhiều trường hợp trẻ em không khai báo trường hợp của chúng. Tồi tệ hơn nữa là khi được xác định trong diện nguy cơ và được các tổ chức trông nom, các em vẫn đối mặt với khả năng bị bọn buôn người bắt cóc.

Mới đây, Cảnh sát Anh phát hiện 77 trẻ mất tích tại một nhà thiếu nhi ở gần Heathrow kể từ năm 2006. Thủ tướng Anh Gordon Brown đã ra lệnh điều tra vụ này. Nhà thiếu nhi này là nơi dành cho các trẻ em tới sân bay Heathrow một mình không có cha mẹ đi kèm. Theo điều tra ban đầu, một mạng lưới buôn người đã sử dụng nơi này làm điểm trung chuyển để đưa trẻ em Trung Quốc sang Anh làm trong các nhà thổ và buôn lậu ma túy.

Ước tính hiện trên toàn thế giới mỗi năm có 1,2 triệu trẻ em rơi vào tay bọn buôn người, đem lại cho chúng 16 tỉ bảng Anh/năm.

Những phát hiện mới về tình trạng trẻ em bị buôn bán và bị lam dụng tại Anh đã tiếp tục gây sức ép lên chính phủ nước này về việc sớm đưa ra luật về chống tình trạng nô lệ và lao động cưỡng bức. Hầu hết các trẻ em này xuất phát từ các nước như Trung QuốcBangladesh, Ấn Độ, AfghanistanNigeria...

Theo bà Lisa Nandy, cố vấn về chính sách của Hiệp hội Trẻ em Anh, "khai thác tình dục là dạng cao cấp trong hệ thống hoạt động của bọn buôn người. Phần còn lại bị khai thác bằng nhiều cách khác như lao động cưỡng bức, hoặc làm việc như nô lệ trong các hộ gia đình. Hầu hết các em đều rất dễ bị tổn thương, do đó các cơ quan chức năng cần tăng cường hợp tác mới có thể hỗ trợ cho các em thoát khỏi những hoàn cảnh đáng thương này". Hầu hết các em được đưa tới Anh bằng máy bay cùng với những người mà các em phải phó thác đời mình sau đó (thường là các thành viên của mạng lưới buôn người). Bọn buôn người đưa các em đi kèm dùng hộ chiếu của mình với tư cách là cha mẹ của các em.

Anna, 16 tuổi, được một phụ nữ đưa từ châu Phi tới Anh. Anna được bán cho một cặp vợ chồng người Anh có một con trai. Nhiệm vụ của em là hàng ngày thức dậy vào lúc 6 giờ sáng làm vệ sinh nhà cửa sau đó đánh thức con trai của chủ, làm bữa ăn sáng cho cậu và chuẩn bị bữa ăn trưa. Sau đó, em tiếp tục làm việc tới tận 12 giờ trưa và chỉ được nghỉ ngơi khi cậu chủ nhỏ đến trường. Khi cậu về nhà, Anna giúp cậu đủ thứ việc, tiếp tục nấu ăn cho cậu và làm nhiều việc vặt khác cho tới khuya.

Em cho biết, bà chủ thường gọi em làm việc ngay khi em còn ngủ. Nếu chậm trễ sẽ bị bà tạt nước lạnh vào mặt ngay trên giường. Bà ta cũng thường đưa Anna tới nhà bạn bè để giúp việc cho họ. Anna sau đó được một nhân viên xã hội giúp đỡ nhưng chính em e ngại sẽ tiếp tục bị cưỡng bức lao động hoặc tồi tệ hơn là đẩy ra đường. Thế nhưng cuối cùng cô nhân viên này đã thuyết phục em kể hết mọi chuyện và sau đó giao em cho cảnh sát

Trương Minh (tổng hợp)
.
.