Ngăn chặn tội phạm – Nhìn từ trách nhiệm của gia đình

Thứ Bảy, 28/12/2013, 19:50

LTS: Gia đình là tế bào của xã hội. Giữ bình yên trong gia đình cũng là góp phần giữ bình yên cho xã hội.
Tội ác dường như không bao giờ đến một cách bất ngờ. Nó thường nảy nòi, le lói từ những mầm mống nhỏ. Để rồi, ngày qua ngày, nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời sẽ bùng phát khi có cơ hội và hậu quả để lại, sẽ vô cùng khủng khiếp.

Bởi vậy, hơn bao giờ hết, trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ trong quản lý, giáo dục con cái cần phải được đề cao, để những mầm mống tội phạm được ngăn chặn kịp thời, để hạn chế những hậu quả đáng tiếc…

Bắt đầu từ số báo này, chúng tôi sẽ đăng tải loạt bài viết: “Ngăn chặn tội phạm - Nhìn từ trách nhiệm của gia đình" để góp thêm những bàn luận trong diễn đàn “Toàn dân tham gia phòng chống tội phạm".

Bài 1: Khi gia đình tan đàn xẻ nghé

1. Cả đến khi Tạ Văn Thanh bị tuyên án tử hình thì trong phòng xử thênh thang của Tòa án nhân dân TP Hà Nội, Thanh cứ cố ngoảnh lại, ngơ ngác tìm nhưng vẫn không nhìn thấy mẹ. Giây phút này, giây phút mà từ đây, cuộc sống của Thanh chỉ còn tính bằng ngày, mẹ Thanh vẫn bặt vô âm tín. Là con trai duy nhất của cuộc hôn nhân đầu tiên của cha nhưng Thanh chẳng hề được cưng nựng, yêu chiều như những đứa trẻ trai khác ở thôn quê, nơi mà tư tưởng trọng nam vẫn còn khá nặng nề.

Cha mẹ Thanh ở cùng làng, chỉ trông vào mấy sào ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Nghe theo người làng, mẹ Thanh lên biên giới làm khuân vác thuê rồi bặt tăm từ đấy, khi Thanh mới chừng 3-4 tuổi.

Sau này, từ Trại tạm giam Hà Nội, trong những ngày chờ xét xử, Thanh đã kể lại những ký ức ít ỏi về mẹ trong nước mắt với báo chí rằng, "đến bây giờ trong những giấc ngủ chập chờn, đôi lúc em vẫn mơ được gặp mẹ nhưng không thể hình dung nổi khuôn mặt mẹ như thế nào. Em chỉ còn nhớ láng máng ngày mẹ đi em còn chạy theo ra đến cổng, cách đấy không xa em nhìn thấy bóng mẹ em mặc bộ quần áo màu đen, đội nón và đi chiếc xe đạp, em khóc, đuổi theo mẹ và bị ngã…".

Có tới 46% số người phạm tội xuất thân trong những gia đình phức tạp, có vấn đề (đa số các gia đình này có bố, mẹ hoặc anh, chị, em là những người có tiền án, tiền sự, làm những nghề phi pháp); có 18% đối tượng có hoàn cảnh gia đình bố mẹ ly hôn phải sống với anh chị, ông bà từ nhỏ; có 14% đối tượng sống trong gia đình có văn hóa ứng xử thấp (mặc dù có đầy đủ cha, mẹ; vợ chồng nhưng trình độ văn hóa của bố, mẹ; vợ hoặc chồng và các anh chị em thấp, thường xử sự thiếu tôn trọng nhau, có các xung đột, cãi vã thường xuyên xảy ra trong gia đình); 7% xuất phát trong gia đình giàu có, bố mẹ, vợ hoặc chồng có lối sống buông thả, ích kỷ, sĩ diện hão hoặc nuông chiều nhau thái quá; 11% có hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn; chỉ có 4% xuất phát từ gia đình bình thường (Theo nghiên cứu về nhân thân của tội phạm giết người do Trung tâm Nghiên cứu tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm- Học viện Cảnh sát nhân dân tiến hành năm 2011)

Sau buổi sáng nhìn thấy bóng mẹ cuối cùng ấy, mẹ Thanh mãi mãi không bao giờ trở về cái làng quê Bắc Giang nghèo khó nữa, bỏ lại chồng và đứa con trai còn quá thơ dại, non nớt. Khi vụ án của Thanh xảy ra, các nhà báo về làng, nghe người làng đồn đoán, có thể mẹ Thanh đã bị lừa bán sang Trung Quốc làm vợ người ta rồi.

3 - 4 tuổi, mẹ bỏ đi chỉ còn cha nhưng cha Thanh dù ở cùng nhà song mải mê kiếm sống nên hầu như có rất ít thời gian để chăm sóc đứa con trai bé bỏng tội nghiệp. Suốt cả tuổi thơ, Thanh hầu như chỉ sống với ông bà nội.

Rồi cha Thanh tục huyền. Ông có gia đình riêng với 2 đứa con trai với người vợ mới. Ông chỉ sống chung nhà với Thanh một thời gian thôi, sau rồi cũng chuyển sang nhà khác ở với gia đình riêng của mình. Cha Thanh sau này kể lại: "Vì nhà nội đông con nên không đủ chỗ cho vợ chồng con cái, tôi phải lên nhà vợ ở nhờ. Riêng thằng Thanh không đi với bố mà ở nhà cùng ông bà nội".

Và, bất hạnh nữa lại giáng xuống đầu Thanh. Khi Thanh còn chưa kịp trưởng thành thì bà nội ra đi mãi mãi vì bệnh tật. Cái chết của bà nội khiến Thanh như đứa trẻ mồ côi. Thanh phải tự sống một mình từ khi còn là một cậu bé.

Rồi Thanh cũng lớn. Vẫn côi cút như thế. Nhưng cuộc sống của một thanh niên mới lớn phức tạp hơn nhiều lần cuộc sống của một đứa bé, dù rằng nỗi buồn tủi và côi cút cô độc thì vẫn vậy thôi. Bởi, cám dỗ nhiều hơn nên sa ngã dễ dàng hơn.

Không có ai chăm lo, dạy bảo nên Thanh chỉ học hết lớp 4 rồi nghỉ ở nhà. Chơi dài mà khó có miếng ăn, lớn lên chút nữa, có sức lực, Thanh tìm đường lên Lạng Sơn làm cửu vạn. Rồi phiêu bạt vào tận Vũng Tàu làm thuê. Thanh đi đâu, làm gì, cha Thanh hầu như không biết.

Những lần hiếm hoi Thanh về thăm nhà, cha con cũng chả nói chuyện được nhiều với nhau. Phần vì thời gian chỉ chớp nhoáng. Phần vì cha Thanh đã bỏ con ở một mình quá lâu nên khoảng cách giữa hai người ngày càng xa vời vợi. Ngay đến thời điểm trước khi về Hà Nội cướp tiệm vàng, Thanh mang mìn về nhà thử nghiệm, ông cũng không biết nốt.

Ngày Thanh cùng Hà, đứa em trai cùng cha khác mẹ, xuống Hà Nội nổ mìn để cướp Tiệm vàng Hoàng Tín, tối ông biết tin con trai với người vợ đầu bị bắt tại Hà Nội thì đến đêm, đứa con trai với người vợ thứ hai cũng bị bắt nốt vì đồng phạm với anh.

Khi Thanh bị tuyên án tử hình, ông về Hà Nội dự tòa, mang theo bao nhiêu dằn vặt, day dứt. Ông khóc khi nói với các nhà báo rằng: "Từ khi thằng Thanh, thằng Hà bị bắt vì gây chuyện tày đình, tôi chỉ biết tự trách mình đã chỉ mải lo miếng cơm manh áo mà quên không giáo dục, dạy dỗ các con cẩn thận. Cái giá mà chúng tôi phải trả bây giờ quá đắt".--PageBreak--

2. My "sói", kẻ cầm đầu đường dây tội phạm bắt cóc, hiếp dâm khi mới 15 tuổi từng gây  chấn động Hà Nội, vẫn còn đầy đủ cả cha lẫn mẹ nhưng cũng phải sống cuộc sống như trẻ mồ côi giống như Thanh. Cha mẹ ly hôn từ khi My mới 1 tuổi. Đứa con gái bé bỏng là My khi ấy được bỏ lại cho ông bà nội. Cha có gia đình riêng, mẹ cũng có hạnh phúc mới và ai cũng chăm lo cho tổ ấm của riêng mình. My sống với ông bà nội cho đến năm 12 tuổi thì hết bà lại đến ông lần lượt về với tổ tiên. 12 tuổi, My trở thành kẻ không nhà.

Sau này, trong trại giam, My kể lại tuổi thơ cô độc với rất nhiều tủi hờn, cay đắng: "Lúc ông mất, con như người bơ vơ, không còn ai trên đời này thương con nữa. Con thấy quanh mình chỉ còn người chú ruột nghiện ngập. Bố có gia đình riêng, mẹ còn mải lo cho hạnh phúc riêng mình. Hơn nữa, anh em, bạn bè đã bỏ học, rủ con chơi bời thâu đêm, suốt sáng cho quên sự đời. Từ đó, con tự coi mình là đứa trẻ lạc loài. Phải bằng mọi cách để tự làm chủ đời mình, nhất thiết con phải "xù lông" lên thì mới tồn tại được chứ. Con nhận thấy mình hư hỏng, không bình thường... nhưng đã bước đi rồi thì không dừng lại được. Có lúc con thèm một bàn tay cứu  rỗi…".

12 tuổi, cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới, trong khi tất cả mọi đứa trẻ cần được bàn tay chăm sóc, dạy bảo của cha mẹ thì My đi hoang. Cái biệt danh "sói" dường như cũng gắn chặt vào quãng đời hoang tàn của em vì thế.

Mẹ My, một phụ nữ sành điệu với mái tóc ánh tím, có mặt tại phiên xử con gái với vai trò là người giám hộ cũng thừa nhận: "Sau khi tôi ly hôn với chồng cũ, My thường ở với bố. Tôi biết tôi không chăm sóc cháu chu đáo, tôi cũng biết việc con mình hay đi nhưng cứ nghĩ cháu về với bố".

Nhưng thực tình thì My đã ra khỏi nhà bố từ rất lâu rồi, sau một trận cãi vã với mẹ kế. Không gia đình, My trở thành con sói hoang thực sự. Đây là những dòng My viết trong entry mang tựa đề "con rối" với những lời lẽ hoang mang, tiêu cực nhưng cũng cùng cực cô đơn: "Tại sao? Tình yêu, con đường tao đi, những gì tao muốn. Tao lại mất tất cả thế này? Trắng tay, đắng cay, phắn ngay! Lúc này tao đang rất là đau khổ. Giờ đây tao muốn quay lại ngày xưa. Tao cần được bình yên, tao muốn được nâng niu, tao ghét phải khóc. Nhưng giờ đây nước mắt tao đã rơi quá nhiều. Tao... tao không thể không khóc... Tao sẽ vô cảm như một con rối. Đời rất dở nhưng vẫn phải niềm nở".

Không gia đình, My tìm thấy sự nương tựa ở những ông anh, bà chị mà theo ngôn ngữ giang hồ là "anh chị xã hội". My ăn chơi trác táng từ khi 13 tuổi, lấy đêm làm ngày, lấy khách sạn, nhà nghỉ làm nhà ở và để kiếm tiền cho những cuộc chơi thì chẳng còn con đường nào khác là phạm tội. Trở thành đại ca của một nhóm tội phạm trẻ, My và đồng bọn đã gây ra hàng loạt vụ bắt cóc, hiếp dâm với tính chất nghiêm trọng.

Không gia đình, ở tuổi vị thành niên, My “sói” đã trở thành tội phạm.

Trong phiên tòa xét xử vụ án này, phần luận tội của vị đại diện Viện Kiểm sát nhân dân TP Hà Nội đã chỉ ra phần nào nguyên nhân sâu sa khiến My "sói" và các đối tượng sa ngã, đồng thời cũng chỉ ra trách nhiệm của các gia đình trong việc quản lý con em: "Cần phải nhìn nhận vấn đề ở góc độ sâu hơn, xa hơn khi có tới 5/8 bị cáo tham gia gây án ở độ tuổi thành niên, 3 bị cáo vừa mới trưởng thành. Tất cả đều đang trong tuổi đi học nhưng đều bỏ học mà bố mẹ không hề hay biết. Nhiều bị cáo sa ngã từ hoàn cảnh bố mẹ ly hôn, bị đi tù hoặc mải mê kiếm tiền không chăm lo con cái. Đây là sự xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức xã hội và và là tiếng chuông cảnh tỉnh cho các bậc cha mẹ và các nhà quản lý giáo dục".

"Là luật sư từng bào chữa cho nhiều bị cáo phạm tội nghiêm trọng, thậm chí phải chịu mức án tử hình, tôi đã gặp, tìm hiểu hoàn cảnh sống trước khi phạm tội của họ và tôi cho rằng, gia đình có trách nhiệm rất lớn trong hành trình sa ngã của con em mình. Sự buông lỏng quản lý con em có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân từ sự nuông chiều thái quá, muốn gì được nấy dẫn đến nhầm lẫn giữa tự do và vô kỷ luật. Nguyên nhân từ việc cha mẹ ly hôn, đùn đẩy trách nhiệm nuôi dạy, quản lý con cái cho ông bà. Nguyên nhân từ việc mải mê kiếm sống, không có thời gian để mắt tới con, thảy con ra xã hội. Con giao du với ai không biết. Con có còn đến trường không hay bỏ học đã lâu cũng không hay.

Trong nhịp sống quay cuồng của đô thị, cám dỗ rất nhiều, những đứa trẻ bị đẩy ra lề đường quá sớm sẽ rất dễ sa ngã dẫn đến phạm tội. Và, vì thế mà việc ngăn chặn tội phạm từ khi nó còn là mầm mống, ở ngay trong gia đình, mới là giải quyết được từ gốc".

(Luật sư Nguyễn Anh Thơm - Trưởng văn phòng Luật sư Nguyễn Anh, Hà Nội)

Đặng Huyền
.
.