"Người cha vĩ đại" và bi kịch của tình phụ tử

Thứ Năm, 19/01/2012, 09:40

Đoạn video clip chỉ dài hơn 6 phút với tiêu đề "Nhật ký của ba", ghi lại những phút cha con gặp nhau ngắn ngủi đã gây xúc động mạnh mẽ trong cộng đồng cư dân mạng. Vì quá thương con, Trần Trung Hiếu, mới 28 tuổi đã làm ra đoạn clip này. Nhưng ngay sau khi đoạn clip được đưa lên mạng chỉ ít ngày, người cha ấy đã bị giết trong một lần cố gắng đến thăm con cho đỡ thương nhớ. Thêm một bi kịch của tình phụ tử khiến rất nhiều người đã phải rơi nước mắt.

Người không thân thuộc cũng khóc thương

Chúng tôi xin phép ông Trần Trung Hòa lên tầng trên thắp cho người bạc mệnh nén hương, nhưng ông và người con gái lớn tên là Hồng ngăn lại. "Bà ấy (bà Trần Thị Ghi - mẹ của Hiếu) sẽ ngất đi, khó tỉnh lại lắm". Nói rồi ông quay sang Hồng: "Mẹ có chịu ăn hay uống chút gì không con?".

Gia đình  Hiếu ngụ tại nhà số143/11 đường Phạm Huy Thông, phường 6 quận Gò Vấp. Trước đó, qua những người hàng xóm, chúng tôi được hiểu tại sao ba của Hiếu lại khuyên khách không nên lên phòng thờ. Cô Hằng, một người hàng xóm kể, nhiều ngày qua bà Ghi vẫn cứ phủ phục bên bàn thờ con như vậy. Bà không ăn không uống, thẫn thờ như người mất hồn mất trí, như điên như loạn. Thoáng có bóng ai đến thắp hương là bà lại vật vã kêu tên con. Mê rồi lại tỉnh. Tỉnh ra lại khóc, khóc rồi lại mê. Người nhà, khách viếng thăm dùng lời khuyên giải vỗ về nhưng cũng đành bất lực.

Hôm làm lễ tại nhà tang lễ, bà cứ thẫn thờ ôm chiếc quan tài rồi vuốt ve sờ soạng từ đầu đến cuối như người mẹ vẫn thường âu yếm vuốt ve con trẻ từ đầu đến chân. Rồi bà vừa khóc vừa nói: "Để mẹ ru con ngủ. Mẹ có lỗi nhiều với con". Người xung quanh thấy cảnh này mà trào nước mắt. Đàn ông, người già cũng phải nghẹn ngào quay đi…

Hiếm có một đám tang nào nhiều nước mắt đến vậy. Có tới  hơn  một ngàn người đã đến viếng, đưa tang. Hàng xóm của người xấu số cứ nhắc đi nhắc lại: "Thằng Hiếu nó hiền như cục đất, trong xóm nó không làm phiền tới một đứa trẻ con, mà sao ông trời không thương nó?".

Cách đây chừng 10 năm, Hiếu là sinh viên Trường đại học Văn Hiến, cùng lớp với Trần Hà Minh Nguyệt. Họ yêu nhau từ ngày còn đi học. Ra trường, Hiếu làm nhân viên ở một công ty giao dịch bất động sản, còn Nguyệt làm việc ở một ngân hàng. Tình yêu đằm thắm kết trái thành một cuộc hôn nhân trọn vẹn.

Ông Hòa, cha của Hiếu, là một người tinh tế và cả lo, e rằng mẹ chồng với nàng dâu chung nhà có thể không hợp, nên chỉ sau đám cưới con một thời gian không lâu, ông mua ngay cho đôi vợ chồng trẻ căn nhà ở đường Dương Quảng Hàm để hai con được tự do tổ chức cuộc sống gia đình. Nhưng cũng chính từ đó mà lục đục nảy sinh. Nguyệt muốn cha chồng phải sang tên chủ sở hữu căn nhà này cho vợ chồng cô. Tuy nhiên quan điểm của ông Hòa là mọi thứ còn quá mới mẻ, trong khi Hiếu còn 3 người chị, nên chưa thể làm điều này ngay. Bất mãn, vợ Hiếu quay sang trách móc chồng và trong nhà càng lúc càng nhiều những tiếng chì tiếng bấc. Sau đó Nguyệt bỏ về nhà mẹ ruột ở, tại 29 đường số 15 phường 4 quận 8.

Thương con và mong muốn vun đắp hạnh phúc cho con, người cha đã bán căn nhà trên đường Dương Quảng Hàm, mua căn nhà ở đường Phạm Thế Hiển quận 8, cũng là ở gần nhà phía cha mẹ vợ Hiếu. Ông nhập khẩu vợ chồng Hiếu về đây, giao căn nhà cho đôi vợ chồng và nói rõ khi ông mất đi, căn nhà ở Phạm Thế Hiển sẽ giao cho vợ chồng Hiếu, còn căn nhà chính ở Phạm Huy Thông có giá trị lớn hơn vẫn chia làm nhiều phần cho các chị gái Hiếu, và vẫn có một phần để Hiếu chăm lo việc thờ tự, cúng kiếng.

Từ trái qua: Hiếu, Nguyệt, mẹ vợ và bé Bim Bim ngày Nguyệt chưa có ý nghĩ về sở hữu nhà cửa đất đai.

Người cha chồng đã sắp xếp chu đáo đến vậy nhưng cô con dâu vẫn không hài lòng. Nguyệt vẫn muốn căn nhà phải được sang tên cho vợ chồng cô ngay từ đầu. Không đạt được điều này, Nguyệt ly thân và không đến ở nhà mới.

Kể từ khi Nguyệt về nhà mẹ, Hiếu vẫn thường xuyên lui tới thăm nom vợ con. Anh sang lại một quán cà phê, ban ngày làm ở công ty, tối về bán thêm, quyết tâm để có tiền mua căn nhà cho vợ. Một mình vừa làm vừa chạy, có lần băng qua đường, anh bị xe tông gãy chân, bắt vít bó bột. Dù nỗ lực như vậy nhưng cái anh nhận được là sự hắt hủi, ghẻ lạnh của vợ và gia đình phía vợ. Và chuyện trở nên căng thẳng đến mức, dù rằng Hiếu đã tìm mọi cách níu giữ gia đình, nhưng cuối cùng anh đành bất lực nhìn mọi cái vuột khỏi tầm tay.

"Nhật ký của ba" và "người cha vĩ đại

Sau khi ly hôn, bé Bim Bim (Trần Anh Khôi), đứa con trai 17 tháng tuổi ở với mẹ. Thương bé Bim Bim thiếu tình thương, sự chăm sóc và không khí đầm ấm của một gia đình, Hiếu tìm đủ mọi cách bù đắp cho con. Nhưng mỗi lần anh đến thăm con là mỗi lần bị ngăn trở, xỉ vả, lăng nhục và hành hung của vợ và gia đình vợ. Không ai khác, chính người con gái anh yêu thương ngày xưa, trong ngày thôi nôi đứa con của hai người, đã gọi cho cha chồng đe dọa bằng những lời lẽ đầy tính xã hội đen: "Nó (chỉ Hiếu) mà qua thăm, tôi không mở cửa, nó đập cửa tôi kêu công an. Công an không giải quyết thì kêu giang hồ giải quyết". Hiếu tưởng vợ cũ chân yếu tay mềm chỉ nói dọa, ai dè cô nói thật. Buổi tối hôm sau khi anh đến, có ngay mấy tay đầu trọc, xăm mình vằn vện xuất hiện. Họ văng tục chửi thề, tay cầm dao xông đến, dọa đánh giết.

Ngày 10/10/2011 khi anh đến thăm con thì bị chính vợ và mẹ vợ đánh đập tàn tệ. Họ đạp thẳng vào chân anh bị gãy vừa rút đinh còn đi tập tễnh. Tối hôm sau 1/10, dù trong người bị đau ê ẩm do trận đòn của vợ và mẹ vợ hôm qua, nhưng nỗi nhớ con cồn cào không ngăn nổi anh tìm đến căn nhà của những kẻ nhẫn tâm kia. Bà Ngô Thị Hồng, mẹ vợ anh, không cho anh đưa cu Bin đi đâu cả mà phải ngồi trước sân đầy muỗi và triều cường dâng lên ngập ngụa hôi hám.

Vô cớ đến mức khi thấy con bị muỗi cắn nhiều, anh dịch chuyển con vào trong hiên nhà thì ngay lập tức bị mẹ vợ và vợ đánh, tát liên tiếp, và sau đó rất đông người xông ra đánh hôi tán loạn. Nón bảo hiểm cứ nhè vào đầu anh mà quật bôm bốp. Họ lôi xềnh xệch anh dưới đất, từ nhà ra đường. Trong đoạn băng ghi âm bằng điện thoại có tiếng vợ chồng bà Hồng thúc giục kiểu "đánh chết mẹ nó đi", "lột quần áo nó ra"… Bác sĩ kết luận anh bị chấn thương sọ não. Anh nhập viện gần 10 ngày ở khoa Chấn thương sọ não Bệnh viện Chợ Rẫy, sau chuyển sang khoa Phục hồi chấn thương thần kinh khu điều trị công nghệ cao.

Mặc cho bị làm nhục, hành hung, tình yêu thương con vô bờ bến đã khiến anh nhẫn nhịn tất cả để đạt được một điều duy nhất là được đến chơi với con. Tuy nhiên chính vì tha thiết đó mà anh đã trả giá bằng mạng sống của mình. Tối 4/1/2012, anh đã vĩnh viễn ra đi chính tại căn nhà số 29 đường 15 phường 4 quận 8 này khi đến thăm con mình. Anh chết mà không hiểu điều gì xảy ra với mình. Người em vợ của anh là Trần Minh Việt đã đâm Hiếu một nhát dao chí mạng, dù không có chuyện gì xung đột lớn lao. Anh đã mãi mãi ra đi để lại đứa con thơ vô vàn yêu quý mà anh coi như là tài sản, là báu vật, bơ vơ trên cõi đời này.

Một cảnh trong clip của anh Hiếu.

Trong những lần được thăm con ngắn ngủi, anh đã kịp quay lại những hình ảnh cha con và dựng đoạn băng với tiêu đề là "Nhật ký của ba", đã làm xúc động hàng ngàn trái tim, hàng ngàn người rơi nước mắt. Xem đoạn băng của người đàn ông xấu số này, người ta mới hiểu được vì sao anh chết, mặc dù tất cả đều được anh dự báo trước. Chỉ vì thương con mà anh chịu đựng tất cả, kể cả hiểm nguy. Trong tình yêu thương vô bờ bến, anh viết: "Khi mẹ sinh ra con, ba mới hiểu được rằng: Trở thành bố là điều tuyệt vời nhất. Con là điều kỳ diệu mà ông Trời và cuộc đời đã ban cho ba". Và: "Thiên thần bé nhỏ của ba, con cười vui và nhiều như thế. Ba quay ngay để lưu lại khoảnh khắc này. Con còn nhỏ, con chưa hiểu, nhưng có một sự thật rằng, tiếng cười trong trẻo của con là hạnh phúc vô bờ của ba. Cảm ơn đời đã tặng con - bảo bối dành cho ba".

Đoạn băng 6 phút rưỡi có nhiều cảnh cha con vui vẻ, anh ngồi trên xe đẩy chơi cho bé vui, thì cũng là đoạn băng ghi cảnh ban đêm anh cầm chiếc đèn pin âm thầm đến thăm con. Bị cách ngăn bởi "con ở trong song sắt, cha ở ngoài song sắt", anh áp má mình vào để đứa bé 17 tháng tuổi chìa bàn tay ra ngoài rờ rẫm vào mặt cha. Một hình ảnh khác, một bàn tay nhỏ xíu non tơ đặt lên trên bàn tay to thô ráp, với lời chú thật ngắn ngủi "bàn tay to, bàn tay nhỏ", mà người xem không thể cầm lòng.

Trong đau đớn tột cùng bởi ngăn cách, anh đã viết: "Tình phụ tử thiêng liêng, không thế lực nào được quyền xâm phạm. Pháp luật không cho phép, lương tâm con người không cho phép". "Nhưng quyền được gặp cha của con phải nhường chỗ cho sự ích kỷ của người lớn". Rồi anh nói với con mà tự nhủ mình: "Nhưng không lẽ ba vì sợ đánh đập mà để con không được gặp ba?". Không, anh không chỉ bị đánh đập, mà anh đã phải chết chính vì tình thương đó. Dường như đoạn clip chính là anh đã linh cảm mình không còn được gặp con nữa. Nó vừa là tình thương, mà cũng không khác hành động của người linh cảm mình sắp sửa đi xa.

Đoạn băng đã nhanh chóng lan truyền trên hàng chục trang mạng và đã có hàng ngàn người xem, hàng ngàn lời bình. Có nhiều người xem đoạn phim  đã không thể nào cầm được nước mắt. "Lâu rồi mình không khóc nhiều như vậy. Cứ nhìn cái cảnh cha con bên song sắt là nước mắt cứ chảy… Xem xong clip mà ngồi dại đi", một thành viên trên trang web tretho.com viết. Một thành viên khác: "Tội nghiệp quá các bạn ơi. Cầu chúc anh được an nghỉ nơi thiên đường. Chúng tôi sẽ thay anh làm nốt tâm nguyện mà anh muốn được làm khi còn sống". Nhiều thành viên đã kêu gọi, hãy tặng anh danh hiệu "người cha vĩ đại".

Khi làm tất cả những gì vì con, anh không bao giờ nghĩ rằng đó là điều vĩ đại, và anh cũng không cần điều đó. Anh được sinh ra trong một gia đình có truyền thống giáo dục, biết sống nhân nghĩa, biết cư xử có tình người. Ngoài anh, chúng tôi còn phát hiện ra một "người cha vĩ đại" nữa, đó chính là ông Trần Trung Hòa, cha của anh. Từ đầu chí cuối khi ngồi với ông, chưa bao giờ nghe ông nói lên một lời hằn thù với những người đã cướp đi sinh mạng đứa con trai độc nhất của ông.

Khi nói về bà Ngô Thị Hồng, mẹ vợ Hiếu, ông vẫn một điều "chị sui tôi", hai điều "chị sui tôi". Nói về vợ của Hiếu và là người tiếp tay cho cái chết của con trai mình, ông vẫn một điều "con dâu tôi", hai điều "con dâu tôi". Trách nặng lắm thì ông chỉ nói "con dâu tôi nó dại quá". Từ lúc mới gặp cho đến khi chúng tôi chào ra về, ông dặn đi dặn lại không biết bao nhiêu lần: "Các anh viết sao cho người ta đọc người ta thấy cần phải sống tốt hơn với nhau. Đừng viết quá xấu về gia đình chị sui tôi để sau này đứa bé lớn lên nó nghĩ xấu về mẹ, về ngoại nó".

Trong cái xóm bé nhỏ này, mọi người đều lấy gia đình ông làm tấm gương mẫu mực để noi theo. Trong đêm ngồi với  ông, ông kể rằng mẹ của ông, tức bà nội của Hiếu, là một người theo nhà Phật và lúc nào cũng căn dặn con cái ăn ở có đạo với đời. Những điều răn dạy ấy ông đã truyền lại cho con và bốn đứa con lớn lên được học hành dạy dỗ tử tế, nên Hiếu trở thành một người cha như vậy cũng là lẽ đương nhiên.

Chỉ thương cho ông, thỉnh thoảng ông hỏi khách nhưng hình như hỏi vào mông lung mà cũng chính là hỏi lại cuộc đời này: "Vì sao kẻ ác gặp ác đã đành, mà người hiền lành cũng bị tai nạn?". Tôi lúng túng tảng lờ, vờ an ủi ông, bởi câu hỏi nghe có vẻ giản dị mà sao quá khó trả lời. Chợt liên tưởng đến phần kết đoạn clip của Hiếu. Phần kết của clip này, anh đặt một dấu hỏi to tướng tràn kín màn hình

Đặng Vỹ
.
.