Người mẹ nghèo và nghịch tử thích ăn xôi bắp

Thứ Bảy, 07/07/2012, 11:20

Không như phiên tòa xét xử năm trước, lúc nói lời sau cùng, Dương Thành Nhật xin tòa giảm án để sớm trở về với đời đặng làm người con có hiếu, chí thú làm ăn và phụng dưỡng mẹ cha, lần này lời nói sau cùng của Nhật chỉ là sự im lặng. Nói lời xin lỗi mẹ ư, gã đã nói biết bao lần nhưng rồi đâu lại vào đó. Xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng ư, những lần trước đó gã cũng đã từng nói nhưng giờ mà nói như thế, chắc hẳn HĐXX sẽ chẳng đoái hoài. Vì những lẽ ấy mà Nhật im lặng?!

Mờ sáng, bà Hồng lặng lẽ rời căn phòng trọ tăm tối, ọp ẹp đến đầu đường mua gói xôi bắp và chai sữa đậu nành cho đứa con trai duy nhất là Dương Thành Nhật. Ngồi đợi chiếc xe bít bùng chở con đến chốn công đường lộ thiên tại khu phố 5 phường 13, quận 10 để "lãnh" án tù do TAND quận 10 tuyên xử, bà Hồng đau khổ thổ lộ rằng hồi Nhật còn bé xíu đến bây giờ, đây là 2 món mà con thích nhất và đây là lần thứ 3 trong đời bà làm cái việc rời nhà thật sớm đi mua xôi, mua nước cho con. "Lần đầu tiên cách đây 14 năm và lần thứ 2 diễn ra năm ngoái. Cả 2 lần chẳng lần nào thằng nhỏ được cầm gói xôi, chai nước. Chắc lần này… thì khác" - người mẹ nghèo, tâm sự.

Đúng 8h, phiên tòa xét xử lưu động trường hợp của con trai là  Dương Thành Nhật (31 tuổi, ngụ 457/18A đường CMT8, phường 13, quận 10) mới bắt đầu nhưng vì ngủ không được, vì nhớ thương và cũng vì giận con mà từ  6h sáng, bà Hồng đã có mặt tại cái nơi mà năm ngoái, thằng Nhật con bà bị tòa tuyên án tù. Ôm  ngực ho sù sụ, người mẹ cơ hàn bó gối, ánh mắt như vô thần hướng chăm chăm  về phía trước, nơi mà chẳng bao lâu nữa sẽ xuất hiện chiếc xe bít bùng đưa đứa con chẳng bao giờ mang đến cho mẹ nụ cười, chỉ giỏi giáng họa, gây nỗi đau, lấy nước mắt của đấng sinh thành. "Vợ chồng tôi tuy nghèo khổ nhưng chưa bao giờ dạy con làm chuyện bất nghĩa bất nhân hay tham lam, trộm cướp gì của ai" - người mẹ nghèo thở dài: "Ngặt nỗi cha mẹ sanh con nhưng trời sanh tính".   

Gói xôi bắp và chai sữa đậu nành nóng hôi hổi chừng như không đủ sức để sưởi ấm nỗi lòng héo úa của người mẹ đã quá nhiều lần dự tòa, nghe tòa tuyên án vì những hành vi phạm tội của con. Sau khi bộc bạch tên mình là Đào Thị Hồng, 58 tuổi và chồng là Dương Tấn Phụng, 59 tuổi, người mẹ có đứa con "dính" vòng lao lý từ năm 11 tuổi, thổ lộ: "Hồi chuẩn bị lấy chồng, đi xem bói, ông thầy ở cầu Ông Lãnh gieo quẻ nói rằng số tôi khổ về đường con cái. Hỏi khổ vì lý do gì và khổ như thế nào thì ông thầy lắc đầu bảo thiên cơ bất khả lộ. Suy đi nghĩ lại, đoán già đoán non, rồi tôi chốt lại rằng mình con nhà nghèo đông anh em, lấy chồng cũng con nhà nghèo nên khi lập gia đình rồi, nếu có khó khổ vì đường con thì chỉ mỗi lý do duy nhất là con đông quá nuôi không nổi mà thôi. Cũng vì suy nghĩ như vậy mà vợ chồng tôi chỉ sinh mỗi thằng Nhật. Ai ngờ số phận đã định, muốn tránh nhưng tránh không được".

Người xưa có câu "sau cơn bĩ cực tới hồi thái lai". Đời người ai lại chẳng có lúc đối mặt với thác ghềnh hay sông sâu vực thẳm. Nhưng sau cơn mưa trời sẽ lại sáng, sau chuỗi tháng năm nghèo khó lận đận, rồi cuộc sống ấm êm, đủ đầy sẽ đến. Ngặt một nỗi, cái sự "thái lai", "đủ đầy" ấy lại không đến với vợ chồng bà Hồng. Tiếng là dân thành phố, có hộ khẩu thành phố nhưng bao năm qua, vợ chồng bà vẫn ở nhà thuê, vẫn phải sống chung với cám cảnh sợ bị chủ nhà báo tăng tiền phòng hay gõ cửa thu tiền thuê phòng vì quá hạn nhưng không có tiền đóng. "Ông nhà tôi trước chạy xích lô, sau tuổi cao sức yếu thì chạy xe ôm. Còn tôi thì đi làm thuê làm mướn… Nói chung cực khổ gì vợ chồng tôi cũng không ngại bởi xác định rằng đời mình chẳng thể nào bứt phá được thì dồn sức lo cho con. Chỉ tiếc là…".

Bà Hồng bỏ lửng câu nói và lại ho như muốn xé nát lồng ngực. Có lẽ bà muốn nói rằng, tiếc là chỉ học đến lớp 3 thì đứa con mà vợ chồng bà dồn bao yêu thương, kỳ vọng trở chứng đòi nghỉ học?! Hay bà muốn nói: lẽ ra hồi ấy vợ chồng bà cứng rắn, kiên quyết hơn thì chí ít đứa con trai duy nhất của vợ chồng bà cũng có chút "vốn" kiến thức để tạo dựng được một cuộc sống dẫu không đủ đầy, giàu có nhưng chí ít ra cũng là người lương thiện. "Nghĩ gì, nói gì thì cũng quá muộn rồi" - người mẹ nghèo chẳng nhớ đã bao lần đổ  lệ vì con, khẽ thở dài: "Nhật không phải là đứa trẻ ngu dốt. Thằng nhỏ rất thông minh, lanh lợi. Có điều vì quá ham chơi mà cũng vì vợ chồng tôi dốt đặc chẳng biết dạy con nên thằng nhỏ học kém, bị lưu ban, chán học nên… nghỉ học".

Bà Hồng liên tục đổ lệ vì đứa con hư đang đứng trước vành móng ngựa.

Năm con mới lên 10 nhưng đã đoạn tuyệt với phấn trắng bảng đen, vợ chồng bà Hồng nhủ với nhau rằng đợi cho con "lớn thêm tý chút rồi cho học cái nghề gì đó đặng mai này con có vốn sinh nhai", chứ không rơi vào thảm cảnh "mần thuê mần mướn" như vợ chồng mình. Ai ngờ mới 12 tuổi, Nhật "dính chàm". Theo đám bạn giang hồ lêu lổng, thằng bé "trôi giạt" xuống An Giang gây án và ngày 3/8/1992 đã bị Công an tỉnh An Giang bắt về tội trộm cắp tài sản công dân. Lớn hơn một chút nữa, Nhật gia nhập băng nhóm, từ trộm chuyển sang cướp.

Ngày 29/10/1998, Nhật đón tuổi 17 bằng bản án 3 năm tù do TAND quận 10 TP HCM tuyên xử vì tội “Cướp tài sản công dân”. "Từ sau cái lần bỏ nhà đi bụi gây án ở An Giang, thằng bé đã vuột khỏi tầm tay vợ chồng tôi rồi. Càng cố răn đe, níu kéo thì thằng bé càng xa" - người mẹ nghèo trăn trở.

Nhật ngoài 30 tuổi nhưng trong trái tim của người mẹ,  gã lúc nào cũng là đứa con bé bỏng cần được bao bọc, chở che. Thế nên mới có chuyện sáng tinh mơ bà lọ mọ đi mua nước, mua xôi, 2 món mà con thích nhất. Chỉ riêng việc ấy thôi, nếu là đứa con biết nghĩ suy và thực sự yêu thương đấng sinh thành, hẳn trước khi quyết định gây án Nhật sẽ đắn đo, sẽ nghĩ đến cái cảnh người mẹ đầu tắt mặt tối, vì khổ cực, gian nan mà chưa bao giờ có được nụ cười…

8h sáng, xe chuyên dụng của lực lượng Công an đưa “quý tử” con nhà nghèo Dương Thành Nhật đến chốn tụng đình. Thằng bé đón tuổi 17 bằng bản án 3 năm tù giam ngày nào nay đã ngoài 30 tuổi, dáng gầy, gương mặt có vẻ bất cần đời, đôi mắt ráo hoảnh khi nhìn thấy mẹ. Mới năm ngoái, cụ thể là ngày 20/9/2011 cũng tại nơi này, Nhật bị TAND quận 10 tuyên xử 1 năm tù về tội “Đánh bạc”, thời gian tù tính từ ngày 11/2/2011. Gặp lại "cố nhân", một thành viên HĐXX khẽ thở dài, giọng trăn trở: "Năm ngoái, nói lời sau cùng trước khi HĐXX vào tuyên án, bị cáo mong HĐXX cho cơ hội để sớm hòa nhập với đời. Bị cáo hứa sẽ sống tốt. Giờ thì bị cáo lại đứng ở đây với mức độ phạm tội nghiêm trọng hơn lần trước".

Lần vi phạm trước, sau tuyên xử của HĐXX, Dương Thành Nhật được di lý về Trại giam Xuyên Mộc (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) thi hành án. Sau khi ra tù chưa được 1 tháng, Nhật lại tái phạm. Cáo trạng của VKSND quận 10 ghi rõ Nhật bị bắt quả tang khi đang đánh bạc bằng hình thức chơi tài xỉu với các đối tượng gồm Nguyễn Thị Thu Hà, Mạnh Lệ Kim và Võ Văn Tâm vào lúc 0h10' ngày 29/2/2012 trước nhà số 43B/72 đường CMT8, phường 13, quận 10. "Hình thức chơi tài xỉu là đổ 3 hột xúc xắc (xí ngầu). Khi nhà cái mở ra tổng số của 3 hột xúc xắc từ 3-10 gọi là xỉu và từ 11 đến 18 gọi là tài. Con bạc đặt cửa tài hoặc xỉu nếu trúng được nhà cái chung tiền bằng với số tiền đặt trước đó. Mỗi ván con bạc đặt từ 10.000 đến 100.000 đồng". 

Nhận được tin báo của quần chúng về một ổ cờ bạc lộ thiên do Dương Thành Nhật… làm cái, Công an địa phương nhanh chóng đến hiện trường và không mấy khó khăn "hốt" trọn ổ. 

Sau khi đại diện VKSND quận 10 đọc cáo trạng. Vị chủ tọa rắn giọng khẳng định rằng, do số tiền của những người tham gia đánh bạc dưới 2.000.000 đồng chưa đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự nên Cơ quan CSĐT Công an quận 10 đã xử lý hành chính các đối tượng. Riêng Nhật do có tiền án về tội đánh bạc nên cơ quan điều tra đã khởi tố truy cứu trách nhiệm hình sự. Đến lúc này thì Nhật cúi đầu và từ đó đến khi tòa tuyên án, gã chẳng thể giở trò, đóng kịch hay… xạo sự gì cả!

Đây không phải là lần đầu tiên tham dự phiên tòa xét xử con trai mình nên bà Đào Thị Hồng không có kiểu ủy mị cho lắm như những người mẹ khác lần đầu  đáo tụng đình nghe người ta kết tội, luận tội, xử tội đứa con mà mình rứt ruột đẻ ra. Lần trước Nhật dính vòng lao lý vì tham gia đánh bạc, lần tái phạm này thì "vào vai" cầm cái nên bà Hồng bộc bạch rằng, tội lỗi của con có lấp liếm cỡ nào cũng khó thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm minh của pháp luật: "Chỉ mong phiên tòa sớm kết thúc để tôi cho nó gói xôi bắp và chai đậu nành này" - người mẹ đáng thương, tâm sự.

Trong lý lịch bị can của Dương Thành Nhật ghi rõ vợ Nhật là chị Lý Thanh Thảo, 34 tuổi và con của gã là Lý Trung Khánh, 7 tuổi. Tìm đỏ mắt nhưng không thấy bóng dáng vợ con của Nhật, chúng tôi hỏi bà Hồng và được người mẹ đã cạn khô nước mắt vì "quý tử" bật mí rằng vợ Nhật là công nhân may và "mẹ con nó hiện ở phía ngoại tại quận Bình Tân". Một số hàng xóm của Nhật tham gia phiên xét xử khẳng định rằng vì lỡ lấy phải "thằng chồng âm binh" chẳng chí thú làm ăn, chỉ ham chơi bời, ăn nhậu nên từ nhiều năm trước, chị Thảo xem mình như góa phụ và vò võ nuôi con. "Tính ra thằng bé (Lý Trung Khánh) là cháu đích tôn rất được gia đình phía nội quan tâm vun đắp. Nhưng vì chẳng may có người cha trời ơi nên thằng bé được mẹ cách ly khỏi “môi trường” phía nội, chấp nhận sống cực khổ để giáo dục con nên người chứ không hư đốn như cha nó" - một người hàng xóm tham dự phiên xét xử, trò chuyện!

Không như phiên tòa xét xử năm trước, lúc nói lời sau cùng, Dương Thành Nhật xin tòa giảm án để sớm trở về với đời đặng làm người con có hiếu, chí thú làm ăn và phụng dưỡng mẹ cha, lần này lời nói sau cùng của Nhật chỉ là sự im lặng. Nói lời xin lỗi mẹ ư, gã đã nói biết bao lần nhưng rồi đâu lại vào đó. Xin tòa giảm nhẹ hình phạt để sớm có cơ hội tái hòa nhập cộng đồng ư, những lần trước đó gã cũng đã từng nói nhưng giờ mà nói như thế, chắc hẳn HĐXX sẽ chẳng đoái hoài. Vì những lẽ ấy mà Nhật im lặng?!

Sau khi cố xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho Dương Thành Nhật nhưng không có kết quả, đến phần tuyên xử, vị chủ tọa tuyên phạt Dương Thành Nhật 1 năm 6 tháng tù giam. Tính thời gian tạm giam từ ngày 29/2/2012, ngay tại thời điểm này, Nhật còn phải "ăn cơm tù" 1 năm 3 tháng.

Khi chiếc xe chở tội phạm lao đi, người mẹ đáng thương ngồi cúi gằm mặt bên gói xôi bắp và chai nước đậu nành trong chiếc túi nilon chưa kịp chuyển cho con mà nước mắt cứ thế tuôn rơi.

Lúc xe lao đi, Dương Thành Nhật ngoái đầu nhìn về phía sau và bắt gặp bóng dáng buồn thảm của người mẹ mà gã chưa một ngày báo đáp, chỉ mang đến cho mẹ những nỗi khổ đau. Chẳng rõ khi nhìn thấy hình ảnh ấy của mẹ, Nhật có biết xót xa?! Có biết ăn năn, hối cải? Và cũng chẳng rõ, lát nữa trở về căn phòng trọ ọp ẹp, liệu người mẹ đáng thương kia có cố sức ăn gói xôi bắp, uống chai sữa đậu nành mà bà đã cất công mua từ lúc mờ sáng cho đứa con hư?

Thành Dũng
.
.