Nhiều ổ nhóm núp bóng dịch vụ tài chính sa lưới

Thứ Hai, 21/01/2019, 15:35
Trong những ngày cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, bảo vệ Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ liên tiếp lập công, triệt phá 2 tụ điểm đánh bạc, cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, núp bóng dưới vỏ bọc của các dịch vụ tài chính.

Ngày 17-1, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố bị can đối với 3 đối tượng về tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự, 10 bị can về tội đánh bạc; trong đó có đối tượng cùng lúc bị khởi tố về 2 tội danh. 

Vỏ bọc tưởng như hoàn hảo

Đã thành thông lệ, trước thời điểm Tết Nguyên đán, hoạt động của các loại tội phạm, trong đó có tội phạm hình sự trên địa bàn cả nước lại diễn biến phức tạp. Từ trước cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm bảo đảm Tết Nguyên đán Kỷ Hợi được Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ phát động và triển khai trong toàn tỉnh, lãnh đạo Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã chỉ đạo trinh sát bám cơ sở, bám địa bàn, tập trung vào các loại tội phạm hoạt động lưu động và các băng, ổ nhóm tội phạm hình sự hoạt động trên địa bàn, có nhiều dấu hiệu nghi vấn.

Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát hỏi cung đối tượng Nguyễn Đức Việt.

Quá trình dày công trinh sát, bằng các biện pháp nghiệp vụ, đơn vị đã phát hiện 2 ổ nhóm tội phạm hình sự có biểu hiện cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản và đánh bạc. Ổ nhóm thứ nhất gồm 2 đối tượng là Lã Đức Công, 26 tuổi, trú tại khu 3, thị trấn Thanh Thủy và Nguyễn Đức Việt, 30 tuổi, trú tại xã Thạch Đồng, huyện Thanh Thủy, tỉnh Phú Thọ điều hành; ổ nhóm thứ hai do Đặng Ngọc Anh, 28 tuổi, trú tại Đường Nam, thị trấn Phong Châu, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ cầm đầu....

Dưới sự chỉ đạo của Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ, các trinh sát dày dạn kinh nghiệm được tung vào cuộc, dựng chân dung các đối tượng cầm đầu cùng các chân rết. Mặc dù hoạt động ở hai địa bàn khác nhau nhưng phương thức và thủ đoạn phạm tội của hai nhóm tội phạm này lại có nhiều điểm tương đồng. Ngoài việc ứng dụng công nghệ cao để tổ chức đánh bạc, các đối tượng còn  cho vay tiền với lãi suất cao.

Nếu như Đặng Ngọc Anh tự bổ nhiệm mình là Phó giám đốc của doanh nghiệp tư nhân Anh Tú Phú Thọ thì tại địa phương, Lã Đức Công cũng là một trong những doanh nghiệp tư nhân có nhiều đóng góp với chính quyền sở tại.

Trong thời gian từ 9-12-2017 đến ngày 3-1, Đặng Ngọc Anh đã sử dụng giấy phép kinh doanh do Sở Kế hoạch đầu tư tỉnh Phú Thọ cấp phép cho Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Xuân Lộc tại đường Hòa Phong, TP Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, làm bình phong để mở cửa hàng treo biển hiệu Công ty Cổ phần đầu tư tài chính Xuân Lộc 2, tại tổ 6, khu đường Nam, thị trấn Phong Châu, thực hiện các hợp đồng giao dịch vay nợ. Bằng thủ đoạn trên, trong một thời gian dài, Ngọc Anh và đồng bọn thực hiện hoạt động cho vay lãi nặng, thu lời bất chính số lượng tiền lớn mà không bị phát hiện.

Từ việc xác định đối tượng cầm đầu trong ổ nhóm, các tổ công tác bắt đầu dựng sơ đồ, làm rõ vai trò và các chân rết có liên quan. Chân rết trong đường dây đánh bạc của Lã Đức Công và Nguyễn Đức Việt gồm có Đặng Đình Hậu, 32 tuổi; Lương Ngọc Anh, 38 tuổi; Lê Thị Thanh Thủy, 50 tuổi; Bùi Thị Hằng, 28 tuổi và Trần Phương Hùng sinh năm 1987, cùng trú tại huyện Thanh Thủy. Ổ nhóm của Đặng Ngọc Anh có 4 đối tượng, hầu hết đều không có việc làm. Trong đó, kẻ cầm đầu Đặng Ngọc Anh từng có 2 tiền án về tội tàng trữ trái phép chất ma túy và gây rối trật tự công cộng.

Các chân rết của Ngọc Anh hầu hết là những đối tượng tóc xanh, tóc đỏ. Ngọc Anh phân chia vai trò và hoạt động của các đối tượng khá cụ thể. Đối tượng Hồ Huy Hoàng, 20 tuổi, ở thị trấn Phong Châu có nhiệm vụ xác minh lai lịch, nhân thân của những người có nhu cầu vay tiền; Kiều Quang Huy, 26 tuổi, ở Hạ Hòa, tỉnh Phú Thọ có nhiệm vụ liên lạc và gây sức ép đòi tiền các con  nợ; Hoàng Việt Hải, 30 tuổi, ở Phú Thọ và Lê Duy Thành, 23 tuổi, ở An Đào, Phù Ninh, Phú Thọ, trong đó Lê Duy Thành được giao nhiệm vụ thu tiền lãi và được trả công 5 triệu đồng/tháng.

Khi đi sâu tìm hiểu về hoàn cảnh của các con nợ, cán bộ Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ không khỏi đau xót trước cảnh ngộ của các nạn nhân. Với mức lãi suất cắt cổ mà các đối tượng đưa ra, các con nợ sẽ rơi vào cảnh cùng cực. Chính bởi điều đó, họ quyết tâm vào cuộc đến cùng, đưa các đối tượng phạm tội ra trước  ánh sáng.

Thượng tá Phạm Đình Thi, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ thông tin về một số nạn nhân điển hình như trường hợp của anh Trần Ngọc L trú tại huyện Thanh Thủy. Vì cần vốn làm ăn, anh L đã cùng với mẹ vay của nhóm Lã Đức Công nhiều lần, tổng số tiền là 570 triệu đồng với lãi suất là 5 nghìn đồng/1 triệu đồng/ngày, vay từ ngày 19-6-2018 đến nay. Mỗi tháng anh phải trả cho đối tượng là 60 triệu đồng. Như vậy, nếu vay với lãi suất như trên thì chỉ trong 6 tháng số tiền gốc và lãi nạn nhân phải trả đã gần bằng nhau. Các con nợ rơi vào cảnh ngộ trên càng vùng vẫy, càng bị siết chặt.

Song muốn chứng minh được hành vi cho vay lãi nặng của các đối tượng thì không dễ dàng. Bởi theo Điều 201 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định mức cho vay lãi suất gấp 5 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định của Bộ luật dân sự, với mức thu lợi bất chính từ 30 đến dưới 100 triệu đồng thì bị phạt tiền từ 50 đến 200 triệu đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 3 năm.

Nếu thu lời bất chính từ 100 triệu đồng trở lên thì bị phạt tiền từ 200 triệu đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm... Vì thế, việc thu thập tài liệu gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, người bị hại vì nhiều lý do, trong đó có nhận thức xã hội còn nhiều hạn chế, ít hợp tác với cơ quan điều tra trong quá trình chứng minh tội phạm...

Phá án

Sau khi cân nhắc, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ quyết định phá án bằng việc triệt phá hai điểm đánh bạc do 2 nhóm đối tượng điều hành. Từ đó, tiến hành củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Song, việc tính toán thời điểm phá án, coi đây là nút thắt để mở án không dễ dàng.

Các đối tượng trong ổ nhóm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự và đánh bạc bị Công an tỉnh Phú Thọ bắt giữ.

Bởi trong đường dây đánh bạc này, đối tượng sử dụng công nghệ cao để thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp bắt giữ, nếu để xảy ra lộ, lọt, đối tượng sẽ lập tức tẩu tán tang vật. Vì thế, yếu tố bí mật, bất ngờ là chìa khóa quan trọng để phá án thành công.

8h15’ ngày 19-12-2018, Đội Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã bắt quả tang đối tượng Nguyễn Đức Việt đang có hành vi mua bán số lô, số đề với Lã Đức Công và một số đối tượng khác. Quá trình kiểm tra đã phát hiện Việt nhận mua số lô, số đề của Đặng Đình Hậu và Lương Ngọc Anh rồi bán lại cho Lã Đức Công với số tiền là 86 triệu đồng.

Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an huyện Thanh Thủy đã tiến hành khám xét khẩn cấp chỗ ở của Việt ở khu 5, xã Thạch Đồng, là hiệu kinh doanh cơ sở cầm đồ, tạm giữ 248 triệu đồng và một số giấy tờ có liên quan... Căn cứ vào lời khai của Việt, lực lượng công an đã tiến hành khám xét khẩn cấp nơi ở của Lã Đức Công; Đặng Đình Hậu, Lương Ngọc Anh thu giữ nhiều giấy tờ liên quan đến việc cho vay và cầm đồ. Mở rộng điều tra đã tiến hành khám xét khẩn cấp nhà ở của Lê Thị Thanh Thủy; Đỗ Cửu Văn, Bùi Thị Hằng, Trần Phương Hùng và Trần Hữu Cảm (cùng trú tại tỉnh Phú Thọ).

Từ đây, cơ quan điều tra đã củng cố, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng của các nhóm đối tượng này. Quá trình điều tra xác định, hàng ngày Lã Đức Công đã nhận mua số lô, đề của nhiều người ở huyện Thanh Thủy, Cẩm Khê (Phú Thọ) và Hòa Bình rồi bán cho Trần Phương Hùng dưới hình thức thanh toán tiền trực tiếp hoặc chuyển tiền hoặc chuyển khoản. Sau đó, Công sử dụng phần mềm đã cài đặt sẵn trên máy điện thoại (phần mềm có chức năng đọc tin nhắn gửi đến, tự động cập nhật kết quả xổ số trong ngày rồi tính toán tiền thắng thu, tỉ lệ trích lại cho từng người...) để mua bán số lô, số đề với mục đích kiếm lời.

Trong ngày 19-12-2018, đối tượng đã mua số lô đề của Phương Hùng với giá tiền là 780 triệu đồng. Ngoài ra, Công còn đánh bạc dưới hình thức cá độ bóng đá với nhiều đối tượng khác như Nguyễn Hữu Lâm, ở Thanh Sơn; Khoát và Thắng ở Tam Nông, Phú Thọ. Từ tài liệu điều tra và chứng cứ thu thập được, ngày 19-12-2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự đánh bạc; khởi tố bị can và áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Việt, Hậu, Ngọc Anh và Thủy.

Ngày 8-1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ khởi tố Lê Đức Công và Nguyễn Đức Việt về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Quá trình điều tra xác định: Khoảng cuối năm 2016, Việt thiếu tiền tiêu xài nên đã nảy ý định kinh doanh cầm đồ. Đối tượng làm hồ sơ và được UBND huyện Thanh Thủy cho phép kinh doanh dịch vụ trên.

Trong quá trình này, Việt thấy nhiều người có nhu cầu vay tiền để đáo hạn ngân hàng hoặc sử dụng vào các mục đích cá nhân khác nên đã vay tiền của nhiều người trong và ngoài xã hội, huy động vốn rồi cho vay với lãi suất cao hơn, thường là 4 nghìn đồng/1 triệu đồng/1 ngày. Việt cùng với Lã Đức Công cùng nhau góp vốn đối với một số hợp đồng vay tiền. Hai bên thỏa thuận lợi nhuận chia đều theo tỷ lệ góp vốn.

Hoạt động “tín dụng đen” bằng công nghệ cao

Cùng thời điểm này, một tổ công tác khác của Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ vẫn âm thầm nắm bắt hoạt động của Đặng Ngọc Anh và các đồng phạm. Vào lúc 18h15’ ngày 3-1, tổ công tác đã kiểm tra hành chính đối với Đặng Ngọc Anh; phát hiện đối tượng đang đánh bạc bằng hình thức số lô, số đề thông qua tin nhắn điện thoại... Căn cứ vào lời khai và các tài liệu thu thập được, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Phú Thọ đã làm rõ các đối tượng đánh bạc gồm Nguyễn Xuân Dũng sinh năm 1986 và Vương Thị Hồng Hạnh sinh năm 1987 cùng trú tại Phú Thọ.

Quá trình đấu tranh Ngọc Anh khai, ngoài việc đánh bạc nêu trên, đối tượng còn cho vay lãi nặng với nhiều người từ 3.000 đồng đến 5.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày núp bóng dưới danh nghĩa thành lập "Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Xuân Lộc".

Ngày 3-1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã tiến hành khám xét khẩn cấp tại Công ty Cổ phần Đầu tư Tài chính Xuân Lộc ở thị trấn Phong Châu và Cửa hiệu Xuân Lộc 2 là nơi ở và làm việc của Ngọc Anh. Quá trình khám xét đã thu giữ được 85 giấy tờ có liên quan đến việc vay nợ.  

 Quá trình điều tra còn làm rõ, tất cả các hoạt động của đối tượng Đặng Ngọc Anh và đồng bọn được quản lý thông qua hệ thống phần mềm trên trang Web có tên "Camdo.biz" mà Ngọc Anh mua với giá 2 triệu đồng/2 năm/6 tháng. Tổng số người vay nợ của Ngọc Anh là 85 người (có trong giấy tờ sổ sách), người vay nhiều nhất là 300 triệu đồng, người vay ít nhất là 5 triệu đồng, lãi suất từ 3.000 đồng- 10.000 đồng/1 triệu đồng/1 ngày; tổng số tiền lãi suất lũy kế lên đến khoảng 1,5 tỷ đồng.

Tuy nhiên để tránh cơ quan chức năng kiểm tra, phát hiện Anh đã soạn thảo hợp đồng giao dịch vay nợ danh nghĩa Đặng Ngọc Anh là Phó giám đốc doanh nghiệp tư nhân Anh Tú Phú Thọ với người vay với lãi suất 1 %/tháng. Căn cứ vào các tài liệu thu thập được, ngày 16-1, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đã có đủ căn cứ khởi tố vụ án cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự. Ngày 17-1 đã ra quyết định khởi tố bị can đối với Đặng Ngọc Anh về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Phú Thọ đang củng cố hồ sơ, làm rõ hành vi của đối tượng Lê Duy Thành.

Việc triệt phá các tụ điểm phức tạp trên đã góp phần trả lại sự bình yên cho địa bàn, phòng ngừa các loại tội phạm và tệ nạn xã hội khác.

Xuân Mai
.
.