Những dấu vân tay sai lầm

Thứ Hai, 19/02/2007, 11:00
Cho đến nay, nhận dạng dấu vân tay vẫn được xem là một trong những phương pháp sinh trắc tin cậy nhất. Thế nhưng thực tế phương pháp này không phải không có nhược điểm. Đã không ít lần phương pháp này khiến những người vô tội phải chịu tội “oan uổng”…!

Vào ngày 11/11/2005, tại bang Pennsylvania, Mỹ, Rick Jackson, 19 tuổi, bị cảnh sát bắt giữ vì bị cáo buộc giết chết Dennis Williamson. Chứng cứ để cáo buộc là các dấu vân tay thu giữ tại hiện trường được cho là của Jackson.

Ngay sau khi biết lý do bị bắt, Jackson nói: “Tôi thật sự cảm thấy an lòng vì biết chắc chắn đó không phải là dấu vân tay của tôi, mà có thể nó chỉ giống mà thôi. Có lẽ cảnh sát đã nhầm lẫn”.

Để bảo vệ cho Jackson, luật sư Mike Malloy quyết định nhờ đến sự giúp đỡ của một chuyên viên về dấu vân tay làm việc cho Cục Điều tra liên bang (FBI) đã về hưu tên là George Wynn.

Sau khi kiểm tra kỹ càng chứng cứ là các dấu vân tay thu giữ tại hiện trường và đối chiếu với dấu vân tay của Jackson, Wynn cho rằng đã có sự nhầm lẫn. Để chắc chắn, Wynn đã gửi chứng cứ đến một chuyên viên về dấu vân tay khác của FBI cũng đã về hưu, tên là Vernon McCloud để thẩm định. Cuối cùng, McCloud cũng đưa ra kết luận giống Wynn.

Tuy nhiên, cảnh sát và tòa án vẫn không chịu thua khi quyết định nhờ sự giúp đỡ của một chuyên viên khảo nghiệm dấu vân tay thứ ba tên Michael Gordon để xét nghiệm dấu vân tay. Sau khi kiểm tra đối chiếu, Gordon kết luận đó là dấu vân tay của Jackson. Chứng cứ rõ ràng, sau 2 lần ra tòa Jackson bị kết án tù chung thân.

Tuy nhiên, Wynn và McCloud vẫn không chịu bỏ cuộc. Giận dữ vì bản án mà họ cho là bất công, cả hai đã nhờ Tổ chức Nhận dạng quốc tế (IAI) - uy tín nhất trong lĩnh vực nhận dạng dấu vân tay - kiểm tra lại kết quả khảo nghiệm về dấu vân tay trong vụ án Rick Jackson.

Sau khi tiến hành kiểm tra, giám định và phân tích, IAI đưa ra kết luận là dấu vân tay được cho là của Jackson thu giữ tại hiện trường là của một người khác. Từ kết quả này, Rick Jackson đã được minh oan và trả tự do vào ngày 6/10/2006. Trong khi đó, chuyên viên khảo nghiệm dấu vân tay Michael Gordon bị tước bằng và mất việc.   

Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp nhiều quốc gia, người ta có thể chứng minh lỗi không phải của các chuyên viên mà là từ chính phương pháp của ngành nhận dạng vân tay, có nghĩa là đã xảy ra các vụ án sai lầm từ chứng cứ là dấu vân tay.

Vào ngày 6/5/2004, Brandon Mayfield, một luật sư người Mỹ theo đạo Hồi, 33 tuổi, hành nghề tại bang Oregon, Mỹ, bị FBI bắt giữ vì tình nghi tham gia vụ đánh bom khủng bố vào các đoàn tàu hỏa tại thủ đô Madrid của Tây Ban Nha vào ngày 11/3/2004.

Chứng cứ để bắt giữ Mayfield là dấu vân tay được cho là của anh ta, tìm thấy trên một túi xách có chứa ngòi nổ, được cho là của bọn khủng bố, để lại trong cốp một chiếc xe hơi. Cho dù Mayfield luôn miệng kêu oan là anh ta chưa hề đặt chân đến Tây Ban Nha từ 11 năm qua.

FBI vẫn khăng khăng Mayfield là một trong những thủ phạm thực hiện vụ khủng bố thông qua kết quả giám định trên Hệ thống Nhận dạng và so sánh dấu vân tay tự động (IAFIS) của FBI.

Thế nhưng chỉ hai tuần sau, FBI buộc phải trả tự do cho Mayfield khi Cục Khoa học Kỹ thuật hình sự của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha thông báo cho FBI biết là dấu vân tay được cho là của Mayfield, đã chuyển giao cho FBI trước đó, được xác định là của một kẻ khủng bố người Algérie tên Ouhmar Daoud.

Bị bắt oan, Mayfield khởi kiện FBI ra trước tòa án và đến ngày 29-11-2006, FBI buộc phải đền bù thiệt hại lên đến 2 triệu USD cho Mayfield.

Trước đó, ngày 14/4/1999, Đơn vị Cảnh sát quốc gia Scotland (SCRO) tiến hành bắt giữ Shirley McKie, một nữ thanh tra cảnh sát, khi phát hiện dấu vân tay được cho là của McKie tại hiện trường vụ giết hại một phụ nữ tên Marron Ross ở thành phố Kilmarnoch của Scotland vào ngày 8/4/1999.

Thanh tra Shirley McKie sau khi được trả tự do và minh oan.

Cho dù luôn miệng kêu oan là mình không hề có mặt tại hiện trường vụ án mạng, nhưng McKie vẫn bị buộc tội giết chết Marron Ross vì ghen tuông tình ái. McKie chỉ được trả tự do và minh oan khi các chuyên viên IAI tiến hành giám định, phân tích và kết luận dấu vân tay được cho là của McKie tại hiện trường là của một người khác.

Cuộc tranh luận giữa SCRO và IAI về dấu vân tay có phải của McKie tại hiện trường hay không, chỉ chấm dứt khi Tòa án tối cao Scotland tuyên bố McKie vô tội. Ngày 7/2/2006, SCRO phải bồi thường thiệt hại 750.000 bảng Anh cho McKie.

Trong một thời gian dài, phương pháp nhận dạng dấu vân tay hầu như không gây nghi ngờ gì cho các nhân viên điều tra, các thẩm phán, và tòa án công nhận nó như là chứng cứ cuối cùng. Tuy nhiên, thông qua sai lầm chết người từ chứng cứ  là dấu vân tay trong một số vụ án, người ta không thể phủ nhận hai tồn tại của phương pháp này:

1 - Vẫn chưa có chứng cứ xác thực 100% khẳng định vân tay trên các ngón tay con người tuyệt đối có tính cá nhân và không hề lặp lại.

2- Tại Mỹ, từ năm 1980 đã có một cơ sở dữ liệu toàn quốc, đó là Hệ thống Nhận dạng dấu vân tay tự động (IAFIS) do FBI quản lý. Đến năm 1999, hệ thống này đã được máy tính hóa hoàn toàn.

Dấu tay người được sao chụp rồi đưa vào máy tính và tự động so sánh với cơ sở dữ liệu hiện có khoảng 120 triệu dấu tay. Tuy nhiên, trong quá trình thẩm định người ta vẫn phải nhờ đến chuyên viên phân tích dấu tay dựa trên những tiêu chuẩn hiện chưa thể đưa vào chương trình máy tính.

Vì vậy, chuyên viên mới là người đưa ra phán quyết cuối cùng và đây chính là “quả mìn” của phương pháp nhận dạng dấu vân tay. Trên thế giới hiện không có phương pháp phân tích dấu vân tay thống nhất, cho nên chuẩn mực để tuyên bố hai dấu vân tay trùng khớp cũng khác nhau.

Tuy nhiên, đến nay  nhận dạng dấu vân tay vẫn được xem là một trong những phương pháp sinh trắc tin cậy nhất. Và công việc của ngành hình sự sẽ phức tạp hơn trong khi khoa học phải tìm ra những phương pháp phân biệt khác

Văn Hòa (theo Crime Magazine)
.
.