Những điều không bình thường trong "kỳ án" nhà 36 - Nguyễn Thị Diệu (Q3, TP HCM)

Thứ Hai, 23/02/2009, 09:15
Đầu tháng 2/2009, bà Nguyễn Thị Thanh Tao, nguyên đơn trong vụ kiện nhà 36 - Nguyễn Thị Diệu (NTD) nhận được Thông báo số 1964/THA ngày 3/2/2009, yêu cầu bà Tao trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận thông báo này có trách nhiệm tự nguyện giao diện tích căn nhà 36 NTD cho Cơ quan THA để nơi này giao lại cho người trúng đấu giá là ông Hoàng Ngọc Tài, anh em cột chèo với ông Lê Hồng Phương.

Thông báo này do chấp hành viên Nguyễn Thị Thanh Hồng (thuộc Cơ quan Thi hành án (THA) dân sự TP HCM) ký.

Thông báo này dựa trên Công văn số 622/CV-TPT ngày 30/12/2008 giải thích bản án dân sự phúc thẩm số 409/DSPT do chủ tọa phiên tòa xét xử nhà 36 NTD - thẩm phán Phạm Hùng Việt soạn thảo mà trên số báo ra ngày 7/1/2009, Chuyên đề ANTG đã phân tích rất rõ công văn này hoàn toàn thiếu tính khách quan, sai lệch với bản án mà chính thẩm phán Việt đã tuyên.

Phải chăng đây lại là một kịch bản mà những người thực thi pháp luật đã “công phu dàn dựng” với mục đích cuối cùng là giao bằng được căn nhà 36 NTD cho ông Tài, mà những người lưu tâm đến vụ án này ai cũng biết đây chính là “màn kịch” do ông Lê Hồng Phương cùng “ê kíp” của ông dàn dựng, đạo diễn. 

Không ai có quyền tước bỏ sự thật của bản án dân sự phúc thẩm 409/DSPT

Bản án dân sự phúc thẩm lần 2 số  409/2007/DSPT ngày 12/12/2007 đã tuyên: “Hủy bỏ các hợp đồng mua bán (HĐMB) nhà ngày 2/9/1990 và ngày 15/9/1999 về việc mua bán nhà 36-NTD giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tao với bà Dương Thị Bạch Diệp; Hủy bỏ HĐMB ngày 27/8/2000 về việc mua bán căn nhà 36-NTD giữa bà Nguyễn Thị Thanh Tao với vợ chồng ông Lê Hồng Phương, bà Nguyễn Thị Thanh và tờ thỏa thuận ngày 27/8/2000 giữa bà Dương Thị Bạch Diệp với ông Lê Hồng Phương; Bác yêu cầu của bà Dương Thị Bạch Diệp, bà Nguyễn Thị Châu Hà, ông Lê Hồng Phương và bà Nguyễn Thị Thanh xin mua căn nhà 36-NTD; Ông Phương được tạm giữ các giấy tờ bản chính có liên quan đến thủ tục hóa giá căn nhà 36 - NTD đến khi thi hành xong bản án và cuối cùng là bà Nguyễn Thị Thanh Tao phải đền bù cho ông Lê Hồng Phương, bà Nguyễn Thị Thanh 2.096,32 lượng vàng SJC”.

Vì bản án đã có hiệu lực pháp luật nên ngay sau khi cầm bản án trên tay, bà Nguyễn Thị Thanh Tao đã làm đơn xin tự nguyện THA, tức đền bù cho ông Phương, bà Thanh 2.096,32 lượng vàng. Lẽ thường tình, Cơ quan THA phải “mừng” vì hiếm có một vụ án dân sự nào mà người THA với số tiền lớn như  thế lại tự nguyện THA mà không đợi đến người được THA phải làm đơn yêu cầu. Thế nhưng, vì đây là một “kỳ án” nên THA dân sự TP HCM chẳng những không thèm để ý đến sự tự nguyện chính đáng của bà Tao mà còn làm công văn yêu cầu Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM “giải thích bản án...” dù bản án tuyên rõ từng câu, từng chữ, từng con số.

Thế nhưng mắc mứu ở chỗ, trước khi bản án dân sự phúc thẩm lần 2 được tuyên thì vụ án đã có bản án phúc thẩm lần 1 số 161/DSPT ngày 20/5/2005 của Tòa phúc thẩm TAND tối cao tại TP HCM. Bản án này tuyên buộc bà Tao phải đền bù cho ông Phương, bà Thanh 3.273 lượng vàng nhưng vì bản án có nhiều điều khuất tất nên bà Tao không đồng ý và tiếp tục khiếu nại theo thủ tục giám đốc thẩm. Trong thời gian chờ đợi xem xét, dù lúc này đã có ý kiến của nhiều cơ quan cấp Trung ương và hàng chục cơ quan, báo đài lên tiếng yêu cầu xem xét lại bản án phúc thẩm lần 1 do thiếu tính khách quan, trung thực nhưng THA dân sự TP HCM bỏ hết ngoài tai, sốt sắng một cách bất thường, bằng mọi cách phải THA cho bằng được.

Kết quả, do bà Tao không tự nguyện THA đã bị Cơ quan THA đem bán đấu giá căn  nhà 36 NTD để trả cho ông Phương 3.273 lượng vàng. Và người trúng đấu giá không ai khác mà chính là ông Hoàng Ngọc Tài, anh em cột chèo với ông Lê Hồng Phương.

Bản án dân sự phúc thẩm lần 1 (số 161/DSPT) đã bị tuyên huỷ

Sau cuộc bán đấu giá này, TAND tối cao đã có kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án 161/DSPT ngày 20/5/2005 và Quyết định giám đốc thẩm đã tuyên hủy bản án 161/DSPT, giao lại cho Tòa dân sự TAND tối cao tại TP HCM xét xử lại theo thủ tục phúc thẩm. Án đã hủy, cũng có nghĩa là việc THA cũng phải bị hủy theo là chuyện đương nhiên, được pháp luật quy định rõ ràng. Và như vậy, khi bà Tao THA theo bản án phúc thẩm lần 2 xong thì đương nhiên bà Tao giữ lại được căn nhà 36-NTD. Còn nếu có tranh chấp quyền sở hữu căn nhà này giữa ông Tài, bà Tao thì phải được giải quyết bằng một vụ kiện khác.

Nếu vụ việc này được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, hợp lý hợp tình như thế thì có lẽ chẳng có gì để nói. Đằng này, thẩm phán Phạm Hùng Việt, chính là chủ tọa phiên tòa dân sự phúc thẩm, người hiểu rõ hơn ai hết về vụ án này, sau một thời gian “nằm im nghe ngóng” đến gần một năm sau mới tìm cách giải thích bản án gửi cho Cơ quan THA theo cái kiểu “lỡ rồi thì thôi”, đó là:  “Ông Tài được quyền sở hữu căn nhà 36 NTD, ông Phương thì trả lại cho bà Tao số vàng mà mình đã nhận dư (3.273-2.096,32 lượng vàng) giữa bản án phúc thẩm lần 1 và lần 2 còn bà Tao thì... mất nhà!”. Một nghịch lý đến khó tin ấy vậy mà nó vẫn ngang nhiên tồn tại...

Quyết định giao nhà cho ông Tài là vi phạm pháp luật

Theo quy định của Bộ Luật tố tụng dân sự thì người THA, người phải THA, người có nghĩa vụ liên quan đến việc THA, quyết định của Tòa án và Cơ quan THA có quyền yêu cầu bằng văn bản đối với tòa án đã ra bản án, quyết định giải thích những điểm chưa rõ trong bản án, quyết định để thi hành. Tất nhiên, việc giải thích bản án phải tuân thủ theo quy định của pháp luật và giới hạn trong phạm vi HĐXX vụ án đó. Trở lại bản án 409/DSST, chúng tôi đọc đi đọc lại và đưa cho nhiều người khác, thì ai cũng hiểu được nội dung bản án mà tòa đã tuyên. Vậy thì Cơ quan THA không rõ ở chỗ nào mà phải nhờ đến giải thích?

Nhưng để cố tình THA bằng được bản án này nhằm giao nhà cho ông Tài, Cơ quan THA đã dùng biện pháp “nhờ” thẩm phán Phạm Hùng Việt giải thích. Nhưng việc giải thích này hoàn toàn sai lệch với bản án đã tuyên vì nội dung tuyên án của bản án số 409/DSST hoàn toàn không có một câu chữ nào nói rằng căn nhà 36-NTD thuộc sở hữu của ông Hoàng  Ngọc Tài và ông Lê Hồng Phương phải trả lại số vàng dư đã nhận.

Qua vụ việc này, chúng tôi rất đồng tình với quan điểm của luật sư Trần Công Ly Tao (Đoàn Luật sư TP HCM) khi trả lời phỏng vấn trên Báo Pháp luật TP HCM cho rằng: “Việc tòa giải thích bản án không khác nào “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Tại sao trước khi ra phán quyết, HĐXX không làm rõ ràng hết mọi chuyện đi mà phải chờ sau khi có phán quyết rồi mới giải thích? Sự giải thích lúc này nói gì thì nói cũng sẽ không khách quan, ít nhiều có lợi cho phía người giải thích hơn là cho những đối tượng khác.

Trong thực tế, chúng ta có thể chấp nhận việc tòa đính chính sai sót khi tính toán số liệu, cộng trừ nhưng giải thích về quy định, nội dung bản án hay giải thích luật phải do cơ quan ban hành luật giải thích thì phù hợp hơn”. Thực tế, qua công văn giải thích của thẩm phán Phạm Hùng Việt đã dễ dàng “kết liễu” quyền lợi của bà Tao, nó giống như một bản án hoàn toàn khác với bản án 409/DSPT do chính ông thẩm phán này tuyên. Đáng trách là khi được công văn giải thích sai lệch với bản án đã tuyên, Cơ quan THA đã không thể hiện chức trách của mình là phải kiến nghị người có thẩm quyền xem xét  giám đốc thẩm mà lại “nhắm mắt làm ngơ” rồi ra thông báo... sẽ thi hành!!!

Thời gian vừa qua, Chuyên đề ANTG - Báo CAND đã có nhiều bài viết vạch trần những hành vi sai trái, những uẩn khúc, bất thường của nhiều cá nhân là người có trách nhiệm trong việc xét xử, THA vụ án  nhà 36-NTD nhưng cho đến nay chưa có một cơ quan thẩm quyền nào quan tâm xem xét, làm rõ đã gây bất bình trong dư luận, tạo sự hoài  nghi về tính nghiêm minh của pháp luật. Nghiêm trọng hơn là thẩm phán Phạm Hùng Việt ngang nhiên ban hành những văn bản sai phạm nghiêm trọng liên quan đến bản án do chính ông đã tuyên trước đó...

Rất tiếc rằng cơ quan chủ quản của ông Việt vẫn không ai có bất cứ động thái nào. Để làm rõ và giải quyết dứt điểm vụ án này, dư luận trông mong các cấp có thẩm quyền của ngành tòa án sớm điều tra và có kết luận

Nhóm PVĐT
.
.