Những kẻ lợi dụng đặc quyền ngoại giao để buôn người

Thứ Hai, 15/04/2013, 17:25

Theo Martina Vandeberg, người thành lập Trung tâm pháp lý vì cộng đồng chống buôn người, một số nhà ngoại giao đã lợi dụng đặc quyền miễn trừ ngoại giao làm lá chắn an toàn để buôn người và Họ được coi là "bất khả xâm phạm" nên các nhà điều tra không thể lục soát nhà cửa hay xe ôtô của họ nếu không được chấp thuận.

Ngay trước mùa Giáng sinh năm 2009, một nhà ngoại giao trong Sứ mệnh Kuwait của Liên Hiệp Quốc đã cưỡng ép một phụ nữ Philippines tên là Ramos đến Mỹ và tịch thu hộ chiếu của cô khi đến nơi. Ramos phục vụ gia đình của nhà ngoại giao này ở khu Manhattan suốt 20 giờ một ngày và 7 ngày trong tuần. Ramos bắt đầu ra nước ngoài làm giúp việc để có tiền gửi về Philippines nuôi chồng và 5 đứa con.

Ramos từng làm việc ở Đài Loan và Arập Xêút trước khi bắt đầu làm việc cho nhà ngoại giao Kuwait vào năm 2006 qua trung gian giới thiệu của một công ty tuyển lao động ở thủ đô Manila của Philippines. Ramos cùng đi với nhà ngoại giao Mỹ đến Liban trước khi bay sang Mỹ với một visa đặc biệt dành cho nhân viên các nhà ngoại giao, lãnh sự và các tổ chức quốc tế. Nhà ngoại giao dặn dò Ramos nói dối với giới chức Đại sứ quán Mỹ ở thủ đô Beirut của Liban rằng, cô là người giữ trẻ.

Ramos cũng bị buộc phải nói dối về thu nhập từ công việc - tức cao hơn con số thực đến 10 lần! Ramos bị vắt đến kiệt sức khi làm việc cho nhà ngoại giao, bị quản thúc chặt chẽ, e-mail bị kiểm tra và có người giám sát mỗi khi đi siêu thị. Làm việc cực nhọc nhưng Ramos chỉ được trả 69 xu/giờ.

Ramos chỉ thoát khỏi cảnh địa  ngục sau khi được một người đàn ông Philippines nói cho biết về Luật Lao động của Mỹ và cung cấp số điện thoại của Hiệp hội Lao động nhập cư Damayan để nhờ can thiệp. Về sau, Ramos có được thỏa thuận bồi thường một số tiền (không được tiết lộ) để không cung cấp danh tính nhà ngoại giao cho chính quyền Mỹ!

Somduth Soborun (phải) - đại sứ Mauritius ở Mỹ.

Những vụ giới chức ngoại giao sử dụng các visa A3 và G5 để đưa người trái phép vào đất Mỹ và khai thác sức lao động diễn ra khá nhiều. Một đại sứ Philippines ở Mỹ bắt một lao động làm nô dịch trong gia đình của ông ở khu đông thành phố New York, Mỹ. Hay một đại diện ngoại giao của Tanzania - Alan S. Mzengi - bắt một phụ nữ đi chân trần xúc tuyết ở Washington DC.

Theo luật, Ngoại trưởng Mỹ có trách nhiệm thu hồi các visa A3 và G5 đối với các nhà ngoại giao nước ngoài được cho là khai thác lao động trái phép trên đất Mỹ. Nhưng, trên thực tế điều đó không hề xảy ra. Khi những người Mỹ được hưởng đặc quyền miễn trừ ngoại giao ở nước ngoài mà phạm tội, họ sẽ bị triệu hồi về nước và trong nhiều trường hợp sẽ bị truy tố trước pháp luật. Song, điều đó không phải lúc nào cũng xảy ra. Ví dụ, sau khi một thẩm phán liên bang Mỹ ra lệnh cho Alan S. Mzengi trả 1 triệu USD trong một vụ án dân sự, ông ta liền bay về Tanzania và trở thành cố vấn cho tổng thống nước này mà không hề bị pháp luật sờ gáy! 

Các nhà ngoại giao cũng thổi phồng quyền lực chính trị của họ để đe dọa những người lao động mà họ mua được từ các công ty môi giới việc làm. Những ngôi biệt thự nằm biệt lập của các nhà ngoại giao cũng như rào cản ngôn ngữ góp phần làm cho nạn nhân cảm thấy không thể thoát khỏi cảnh nô dịch khổ sai.

Leah Obias ở Hiệp hội Damayan cho biết, lao động giúp việc nhà xứng đáng được hưởng những quyền lợi như những lao động khác - bao gồm chăm sóc y tế, mức lương phù hợp, làm quá giờ được trả thêm tiền và được nghỉ phép theo quy định của pháp luật. Nhưng, trên thực tế, lao động giúp việc nhà vẫn tiếp tục là nạn nhân của giới chức ngoại giao và bị khai thác sức lao động một cách triệt để

Thục Miên (tổng hợp)
.
.