Những miếng phô-mai... miễn phí!

Thứ Ba, 29/12/2020, 11:32
"Miếng pho mát miễn phí chỉ có trong bẫy chuột", tuy nhiên ít người hiểu được chuyện này… Trong 6 tháng các nhóm đối tượng, trong đó có cả các đối tượng người nước ngoài đã thức hiện thành công hàng trăm vụ lừa đảo, khiến hàng trăm nạn nhân lao đao. Số tiền bị các đối tượng chiếm đoạt gần 400 tỷ đồng.

Các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an phối hợp với Công an tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phá một chuyên án trong đường dây lừa đảo mà trong đó đa phần các đối tượng là người TP Hồ Chí Minh, Long An và các đối tượng người Nigeria. Một trong các đối tượng người Việt Nam trong đường dây này bị bắt là Lê Thành Nhân (sinh năm 1989, ngụ Cần Đước, Long An).

Nhân khai các đối tượng trong đường dây này có cả chục người. Thông qua các trang mạng xã hội như Whatsapp, facebook…các đối tượng giả danh quân nhân, bác sĩ nước ngoài, chuyên viên kinh tế để tiếp cận những nạn nhân, trong đó đa phần là những phụ nữ đứng tuổi, có tài sản. 

Sau khi kết bạn, với cái mác người nước ngoài làm trong các lĩnh vực khá bộn tiền, tài sản cá nhân lớn, các đối tượng trò chuyện lấy tình cảm rồi ngỏ lời yêu đương, hứa hẹn đi đến hôn nhân. Một trong những thủ đoạn mà các đối tượng đưa ra khi con mồi "cắn câu" là được ra định cư ở nước ngoài. Sau khi biết chắc "con mồi" đã rơi vào bẫy, các đối tượng bày tỏ muốn tặng những món quà có giá trị để "đối tác" tin tưởng.

Các hình thức lừa đảo bằng công nghệ cao đang được các đối tượng áp dụng.

Khi nhận thấy "con mồi" nổi lòng tham, các đối tượng cứ lần lượt yêu cầu "con mồi" gửi tiền để thực hiện hóa việc nhận món hàng ảo mà các đối tượng này tung ra. Khi có được thông tin bị hại, một nhóm đối tượng sẽ khai ở Campuchia sẽ khai thác thông tin, tài khoản của nạn nhân và cung cấp ngược lại cho Nhân. Nhân sắm vai "người vận chuyển" giả dạng nhân viên quản lý và giao hàng ở Sân bay Tân Sơn Nhất, liên hệ với các nạn nhân để "giao hàng" và nhận các khoản phí. Khi các nạn nhân chuyển tiền, số tiền này nhân gởi về đường dây lừa đảo của mình.

Ngoài mức lương cố định là 12 triệu/tháng, Nhân còn hưởng được 10% tổng số tiền mỗi phi vụ lừa đảo được. Những đường dây lừa đảo này liên tục được khám phá, bắt giữ hàng loạt đối tượng, tuy nhiên chỉ vì những lời hứa hẹn, chỉ vì những hình ảnh hào nhoáng và những kiện hàng ảo trị giá triệu đô mà nhiều nạn nhân vì lòng tham tức thời mà trở thành "con mồi".

Đối tượng Nhân tiếp tay cho nhóm người Nigeria lừa đảo hàng trăm nạn nhân với số tiền lên đến 400 tỷ đồng.

Không phải vì tham lam nhưng nôn nóng muốn người nhà bị bắt vì liên quan đến một vụ đánh bạc, muốn người thân thoát cảnh tù tội để về sum họp đón tết cùng gia đình mà nhiều người bị các đối tượng giả danh lừa đảo. Trường hợp của ông L.V.T. (sinh năm 1980, ngụ Bình Chánh) là một điển hình. 

Cả ngày làm việc quần quật để lo cho vợ con nhưng vợ ở nhà lại tham gia một nhóm bài bạc và bị Công an huyện Bình Chánh bắt. Đang đau đầu về việc vợ có thể lãnh án, phải rơi vào vòng lao lý thì Thái Thanh Hùng (sinh năm 1972, ngụ Vĩnh Lộc B, Bình Chánh) tiếp cận ông T. nói mình quen biết nhiều với Công an Bình Chánh, có khả năng "chạy" để vợ ông T thoát cảnh tù tội. Hùng ra giá lo cho vợ T thoát cảnh lao lý với giá 130 triệu đồng. 

Nhận thấy tết nhất sắp đến, để vợ bị cảnh tù tội, ông T. không can tâm, ngoài ra việc vợ T. đi tù bị phát hiện, ông T. sẽ không còn mặt mũi nào nhìn bà con, hàng xóm, nên T. đồng ý. T. hẹn Hùng đến nhà mình và giao số tiền 130 triệu đồng, tuy nhiên nhiều ngày trôi qua, tiền đã giao nhưng vợ T vẫn phải ở trong nhà tạm giam, nôn nóng T gọi điện liên tục cho Hùng nhưng Hùng khóa máy. Biết mình bị lừa nên T đã báo với Công an. Trong trường hợp này T có chút may mắn vì Công an đã nhanh chóng bắt giữ Hùng và thu hồi lại được số tiền.

Từng mua điện thoại trả góp nên mọi thông tin cá nhân của chị T. (nhà ở Thủ Đức) được công ty bán sản phẩm lưu lại. Mới đây chị H. nhận được cuộc điện thoại từ một nhân viên xưng đang làm việc tại một công ty tài chính, thông báo chị T. là khách hàng may mắn được công ty tri ân, được tặng một món quà gồm bộ mỹ phẩm cao cấp và phiếu mua hàng trị giá 2 triệu đồng. Đang bán tín bán nghi thì nhân viên này đã đọc chính xác thông tin cá nhân của chị T. nên chị T. mừng thầm vì mình may mắn. Sau khi xác định thông tin, nhân viên cho chị T. hay, sản phẩm trên từ nước ngoài chuyển về nên chị T. phải chịu thuế là 10%. Chị T. đồng ý.

Sau cuộc gọi này, đến buổi chiều một "nhân viên" nữ gọi điện cho chị T., có chút lo lắng nên chị T. yêu cầu nhân viên mở hàng chụp hình gửi cho chị, nhân viên này cho hay mình không có chức năng đồng kiểm nên yêu cầu chị T. qua Bưu điện quận 5 nhận hàng. Từ Thủ Đức chạy qua quận 5 xem hàng là một đoạn đường dài nên nhân viên trên ngụ ý sẽ gởi trực tiếp hàng tặng về nhà chị, chị T. đồng ý. 

Khi người giao hàng đem gói hàng đến, kiểm tra mã vạch trên gói hàng thấy đúng, chị T. đã đóng 10% thuế. Khi mở gói hàng ra thì sản phẩm bên trong là giả, phiếu mua hàng trị giá 2 triệu cũng không thể sử dụng được. Gọi điện lại các số điện thoại đã liên lạc với mình, chị T. chỉ nghe tiếng tuýt dài.

Cuối năm, hình thức lừa đảo trúng thưởng, giả danh ưu đãi, tri ân... đem lại cho nạn nhân những món hời ảo, hay đơn giản là đặt mua hàng rồi hẹn người giao hàng đến nhà hàng khách sạn giao hàng,  sau đó viện lý do lên lấy tiền và bỏ trốn đều có xu hướng gia tăng mạnh.  Công an TP Hồ Chí Minh đã khám phá nhiều vụ.

Đối tượng Khanh tự xưng là Phó Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh làm giả giấy tờ lừa đảo nhiều người với số tiền hàng tỷ đồng.

Tốn khá nhiều tiền để làm thủ tục hợp thức hóa đất nông nghiệp thành đất thổ cư nhưng không thành, 3 người đàn ông ở quận 10, TP Hồ Chí Minh quen được Mai Tuấn Khanh (SN 1972, ngụ quận 1). Khanh "nổ" mình là Phó Chánh văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh, có quen biết rộng với nhiều quan chức, có thể chạy chọt để làm giấy tờ đất và hứa sẽ giúp 3 người lên thổ các mảnh đất nông nghiệp. 

Tin lời Khanh, 3 nạn nhân đã chủ động gặp Khanh cung cấp thông tin, hồ sơ giấy tờ ở các huyện ngoại thành. Người ít nhất cũng vài trăm mét vuông, trong đó anh H nhờ hợp thức hóa 16.000m2 đất nông nghiệp. Sau nhiều lần gặp mặt, cả 3 nạn nhân đã chuyển cho Khanh số tiền 2,1 tỷ đồng. Sau khi có thông tin từ 3 người này, Khanh đã sử dụng con dấu giả, làm giả giấy tờ và đưa cho 3 nạn nhân. Sau khi nhận sổ, Khanh muốn tiếp tục vòi tiền của 3 nạn nhân, tuy nhiên khi kiểm tra biết giấy tờ trên là giả, cả 3 tố cáo Khanh với Công an quận 1. Khi Khanh chuẩn bị nhận thêm tiền của 3 nạn nhân tại một quán cà phê thì bị các tổ Cảnh sát hình sự bắt giữ.

Phan Duy Tính (sinh năm 1998, quê An Giang) thì nghĩ ra cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người chạy xe ôm công nghệ. Thủ đoạn của Tính là đặt xe sau đó kêu tài xế chở đến những trung tâm sang trọng ở TP Hồ Chí Minh sau đó giả bộ vào lấy hàng thiếu tiền và hỏi mượn tài xế. Khi tài xế tin tưởng đưa tiền thì Tính chuồn thẳng. 

Chiều 24-11, anh N.N.T. (tài xế xe ôm công nghệ) nhận được cuốc xe chở Tính đến chung cư Vinhome Landmark (số 208 đường Nguyễn Hữu Cảnh, phường 22, quận Bình Thạnh). Khi đến chung cư Vinhome Landmark, Tính tiếp tục yêu cầu anh N.N.T. chở đến Trung tâm thương mại SaiGon Center (số 65 đường Lê Lợi, phường Bến Nghé, Quận 1). Trên đường đi Tính nói đi lấy hàng còn thiếu 2,5 triệu nên hỏi mượn anh T.. Vì nghĩ tính đặt xe qua app, số điện thoại, thông tin của Tính đã có nên khi đến nơi anh N. yên tâm cho Tính mượn. 

Đối tượng Tính sử dụng chiêu lừa các tài xế xe ôm công nghệ.

Sau khi vào bên trong trung tâm thương mại, Tính nhanh chóng đi ra hướng cửa khác để tẩu thoát. May mắn cho anh T., trước đó bảo vệ của trung tâm thương mại nhận được thông báo từ Công an phường Bến Nghé về hành vi lừa đảo của Tính nên khi Tính xuất hiện thì tổ bảo vệ đã khống chế Tính giao Công an. Nhận được tiền, anh T. mừng phát khóc.

Theo Đại tá Nguyễn Đăng Nam - Trưởng Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TP Hồ Chí Minh, các hình thức lừa đảo bằng công nghệ cao như gọi điện xưng là Công an đang điều tra vụ án, nạn nhân có liên quan đến vụ án cần phải chuyển tài sản để chứng minh đã được cảnh báo khá nhiều nhưng các nạn nhân vẫn sập bẫy. 

Đối với hình thức lừa đảo này, nạn nhân dứt khoát từ chối làm việc qua điện thoại, yêu cầu họ gửi giấy triệu tập hợp lệ, tuyệt đối không làm theo hướng dẫn, không cung cấp số tài khoản thẻ tín dụng, thông tin cá nhân và chuyển tiền với bất cứ hình thức nào. Nạn nhân trong các vụ lừa đảo này đa số là người lớn tuổi, vì vậy khi nhận được thông tin trên cần báo với những người thân trong gia đình hoặc báo với Công an địa phương. 

Các chiêu trò lừa đảo bằng cách nhận quà khuyến mãi, tuy nhiên sau khi nộp tiền cho các đối tượng, quà nhận được chỉ là đồ giả.

Đối với hành vi lừa đảo bằng hình thức "bẫy tình" trên mạng xã hội, nhất là các đối tượng người nước ngoài giàu có, muốn tặng quà để "minh chứng" cho tình yêu, người dân phải nên tỉnh táo, không tin tưởng, liên lạc và giao tiếp với người lạ trên mạng xã hội, không làm theo yêu cầu của các đối tượng và tuyệt đối không chuyển tiền cho các đối tượng. 

Đối với tội phạm lừa đảo bằng thủ đoạn hack nick email, facebook, zalo…những nạn nhân thường bị hack là các doanh nghiệp quan hệ mua bán, giao dịch qua các hộp thư điện tử, các đối tượng thường sử dụng những email giả giống 90% email thật sau đó yêu cầu đối tác thanh toán tiền hàng. Với thủ đoạn này các doanh nghiệp cần tỉnh táo, gọi điện trực tiếp với đối tác để xác định, tránh bị mất tiền oan.

Các nạn nhân đa số là người nhẹ dạ, ít theo dõi thông tin cảnh báo các thủ đoạn trên các báo đài, một số ít vì lòng tham mà tự biến thành nạn nhân của các đối tượng. Người dân nên rút ra cho mình một bài học để nhận diện được hành vi của các đối tượng lừa đảo. Không có gì mà không có giá của nó. Người dân cần báo ngay với cơ quan chức năng khi nghi ngờ một hành vi nào đó của các đối tượng lừa đảo để cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn kịp thời.

Phương Tuyền
.
.