Sai phạm trong đấu giá thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương:

Những ưu ái vượt qua luật pháp

Thứ Bảy, 05/09/2020, 11:38
Bằng thủ đoạn gian dối, Đinh Ngọc Hệ đã làm giả hồ sơ, số liệu để nâng giá trị của công ty, tham gia đấu giá thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Được sự “ưu ái” một cách khó hiểu của ông Đinh La Thăng - cựu Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT), cựu Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường, Đinh Ngọc Hệ đã trúng thầu. Lúc này Đinh Ngọc Hệ lộ rõ bản chất, làm ăn gian dối, xâm nhập phần mềm được cấp phép, nhằm chiếm đoạt 725 tỉ đồng của Nhà nước.

Những “ưu ái” bất ngờ của lãnh đạo Bộ GTVT

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an vừa hoàn tất kết luận điều tra vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, gây thất thoát, lãng phí; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi xảy ra tại Công ty CP Tập đoàn Yên Khánh, Tổng Công ty Cửu Long, Công ty Licogi 13 và các đơn vị liên quan.

Theo kết luận điều tra, hành vi phạm tội của các bị can liên quan đến việc mua, bán quyền thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (giai đoạn 1), trong đó có nội dung vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí trong quá trình lập, hoàn thiện đề án; Tổ chức bán đấu giá; quản lý hợp đồng bán quyền thu phí đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương gây thất thoát 725,3 tỉ đồng.

Cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương. Ảnh: Báo Giao thông.

Dự án đường cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương (giai đoạn I) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2004, giao Bộ GTVT làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Cửu Long đại diện chủ đầu tư, trực tiếp quản lý dự án, nguồn vốn. Tổng mức đầu tư của dự án là 9.884,51 tỉ đồng. Thông xe kỹ thuật vào ngày 31-12-2009, thu phí từ ngày 25-2-2012. Ngày 8-11-2011, bị can Đinh La Thăng (sau 3 tháng nhận chức Bộ trưởng Bộ GTVT) có văn bản kiến nghị gửi Thủ tướng Chính phủ, nội dung tiếp nhận quyền thu phí, tìm đối tác trong và ngoài nước để đàm phán chuyển giao quyền thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương.

Nội dung kết luận điều tra cũng xác định, Đinh Ngọc Hệ đã lợi dụng chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng là công ty có 51% vốn Nhà nước để yêu cầu Công ty Licogi 13 bán rẻ căn biệt thự BT01 cho cá nhân Hệ. Đổi lại, Hệ hứa cho Công ty Licogi 13 được tham gia thi công dự án không qua đấu thầu. Đinh Ngọc Hệ đã hưởng lợi cá nhân 3,45 tỉ đồng.

Sau khi được các cơ quan chức năng chấp thuận, tổng hợp ý kiến của các vụ nghiệp vụ, chuyên môn, ngày 18-9-2013, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường ký văn bản gửi Bộ Tài chính, trong đó có nội dung xác định giá khởi điểm Bộ GTVT xây dựng là 1.949,5 tỉ đồng không bao gồm 10% thuế. Văn bản cũng đưa ra quy định về hội đồng bán đấu giá, quy chế bán đấu giá. Tuy nhiên, ngày 1-10-2013 Dương Tuấn Minh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cửu Long có tờ trình gửi Bộ GTVT đề xuất phê duyệt đề án đấu giá bán quyền thu thí dự án cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương trong đó đề cập tới thời hạn thu phí, quy định, thời hạn, tiến độ thanh toán, với giá khởi điểm là 2.004 tỉ đồng, hình thức đấu giá công khai. Sau đó, ông Đinh La Thăng đã ký quyết định thành lập Hội đồng Bán đấu giá gồm 7 thành viên, do ông Nguyễn Hồng Trường làm Chủ tịch Hội đồng.

Sau khi những thông tin về việc tổ chức bán đấu giá quyền thu phí, ký kết hợp đồng bán quyền thu phí được niêm yết thông tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, có 6 đơn vị quan tâm nghiên cứu hồ sơ tài sản đấu giá. Tuy nhiên, do quy định tại Quy chế bán đấu giá về điều kiện thanh toán 3 đợt trong vòng 10 tháng với số tiền 2004 tỉ đồng, mức phạt trả chậm cao thì chỉ có 2 đơn vị nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá là Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An của Đinh Ngọc Hệ.

Mặc dù không tổ chức họp để đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá của Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An, tổ thường trực giúp việc do Dương Thị Trâm Anh làm Tổ trưởng vẫn lập biên bản thống nhất hai công ty này đủ điều kiện tham gia đấu giá. Bên cạnh đó, Nguyễn Hồng Trường, Chủ tịch Hội đồng đã không họp Hội đồng Bán đấu giá để đánh giá hồ sơ tham dự đấu giá nhưng vẫn thông báo 2 công ty của Út “trọc” đủ điều kiện. Đặc biệt, mặc dù 2 công ty trên chưa nộp khoản tiền đặt cọc trước để đảm bảo có căn cứ tổ chức buổi đấu giá, Nguyễn Hồng Trường vẫn ký ủy quyền cho Dương Tuấn Minh triển khai phiên đấu giá.

Bất ngờ, ngày 15-11-2013, buổi đấu giá được tiến hành tại Văn phòng Tổng Công ty Cửu Long với duy nhất 1 người tham gia đấu giá là Công ty Yên Khánh do Phạm Văn Diệt đại diện theo ủy quyền. Mãi cho tới thời điểm 15h cùng ngày, Công ty Yên Khánh mới xuất trình được khoản tiền đặt trước bằng bảo lãnh của Ngân hàng BIDV chi nhánh Thành Đô với số tiền 21 tỉ đồng. Rõ ràng, quá trình bán đấu giá, thẩm định đánh giá hồ sơ tham gia đấu giá không đúng quy định, đến phút cuối chỉ có Công ty Yên Khánh tham gia đấu giá với giá trúng thầu là 2.004,153 tỉ đồng, được phê duyệt kết quả bán đấu giá khi chỉ 1 người tham gia đấu giá tài sản nhà nước là sai nhưng vẫn được phê duyệt kết quả đấu giá.

Bị can Nguyễn Hồng Trường biết rõ toàn bộ quá trình diễn biến buổi đấu giá, biết rõ việc bán chỉ định cho Công ty Yên Khánh tại buổi đấu giá là trái với quy định của pháp luật nhưng vẫn phê duyệt kết quả Công ty Yên Khánh trúng đấu giá với số tiền 2.004 tỉ đồng.

Bị can Đinh La Thăng và Nguyễn Hồng Trường.

“Tay không” trúng dự án nghìn tỷ

Theo hợp đồng, Công ty Yên Khánh phải thanh toán 2.004 tỉ đồng trong 3 đợt diễn ra trước tháng 11-2014. Theo đó, Công ty Yên Khánh phải nộp 801,6 tỉ đồng trước ngày 30-12-2013. Tuy nhiên, phải sau 15 đợt và đến 31-3-2017, phía Yên Khánh mới hoàn tất việc thanh toán. Quá trình quản lý việc thanh toán tiền trúng đấu giá, ngay khi Công ty Yên Khánh không thanh toán đúng hạn hợp đồng, Tổng Công ty Cửu Long đã có 12 văn bản báo cáo Bộ GTVT, Bộ GTVT có 12 văn bản chỉ đạo nhưng đều không đề nghị chấm dứt trước thời hạn hợp đồng theo quy định. Về nội dung này, theo lời khai của Dương Tuấn Minh, Minh đã bị Đinh La Thăng mắng tại trụ sở Bộ GTVT, nội dung: Anh làm việc quan liêu lắm, 800 tỉ chứ không phải nhỏ. Nhà đầu tư họ cũng khó khăn nên để họ từ từ đóng.

Tuy nhiên, theo lời khai của Đinh Ngọc Hệ, thực tế trong các năm 2011, 2012, Công ty Yên Khánh và Công ty Khánh An kinh doanh thua lỗ, không đủ điều kiện tham gia đấu giá, không đủ năng lực tài chính để thanh toán tiền trúng đấu giá. Vì vậy, Hệ đã yêu cầu cấp dưới sửa chữa số liệu báo cáo tài chính của 2 công ty trên, làm giả 4 bản báo cáo kiểm toán, báo cáo tài chính của 3 công ty kiểm toán, sau đó đem sao y, chứng thực hòng qua mặt hội đồng đấu giá.

Sau khi ký được hợp đồng mua quyền thu phí cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương, Đinh Ngọc Hệ đã liên hệ Ngân hàng BIDV Chi nhánh Thành Đô phát hành chứng thư bảo lãnh số tiền trên 100 tỉ đồng để đảm bảo cho việc ký kết và thực hiện hợp đồng. Sau đó, Hệ dùng chính hợp đồng mua quyền thu phí và những tài sản của bên thứ ba để thế chấp tại BIDV Chi nhánh Thành Đô vay 1.703,5 tỉ đồng trả cho Tổng công ty Cửu Long, đồng thời lấy 300 tỉ đồng từ nguồn thu phí để hoàn tất số tiền phải nộp.

Kết luận điều tra xác định, xuyên suốt quá trình thực hiện hành vi từ khi lập hồ sơ, tham gia đấu giá, thanh toán tiền trúng đấu giá đến khi thực hiện thu phí, báo cáo doanh thu thu phí, Đinh Ngọc Hệ và đồng phạm đã liên tiếp có các hành vi gian dối trong việc làm giả hồ sơ năng lực để trúng đấu giá.

Đinh Ngọc Hệ trong phiên tòa xét xử một vụ án khác.

Sử dụng phần mềm chiếm đoạt 725 tỉ đồng

Việc thu phí trên tuyến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương được quản lý thông qua phần mềm thu phí iTOLL của Công ty Công nghệ Tiên Phong đã được Nhà nước cấp phép, do Bộ GTVT mua, thuê cài tại các trạm thu phí trên cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Trung Lương. Số tiền thu phí được ấn định theo loại xe, quãng đường di chuyển thông qua thẻ từ phát cho các xe và hình ảnh lưu giữ khi xe qua vào trạm.

Tuy nhiên, trong năm 2014, Công ty Yên Khánh chỉ sử dụng phần mềm do Bộ GTVT cài sẵn và nhặt lại vé của tài xế, xóa seri vé đã nhặt, in lại vé mới cùng seri. Mục đích để giảm doanh thu, chiếm đoạt tiền thu phí. Năm 2015 nhận thấy việc giảm doanh thu bằng phương pháp thủ công không hiệu quả, Hệ đã chỉ đạo phải có biện pháp “giảm” doanh thu báo cáo trong dữ liệu. Vì vậy Công ty Yên Khánh đặt hàng Nguyễn Xuân Hiền (Giám đốc Công ty Xuân Phi) viết phần mềm xâm nhập vào phần mềm của Bộ GTVT để giảm doanh thu. Sau khi Công ty Xuân Phi viết xong phần mềm, Công ty Yên Khánh đã tập huấn cho nhân viên thu phí thực hiện các thao tác để “ẩn” doanh thu thực tế.

Đầu năm 2018, do chuẩn bị hết thời hạn thu phí, Công ty Yên Khánh yêu cầu Công ty Xuân Phi xóa hết các dữ liệu trên hệ thống máy chủ lưu trữ dữ liệu về việc thu phí thực tế của Công ty Yên Khánh. Qua khám xét, Cơ quan điều tra đã thu giữ các thiết bị sao lưu tại các trạm thu phí. Theo đó, doanh thu thực tế là 3.266,6 tỉ đồng, doanh thu bị điều chỉnh còn 2.541,3 tỉ đồng. Bằng hình thức này, các bị can đã chiếm đoạt 725,3 tỉ đồng.

Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đề nghị VKSND Tối cao truy tố 20 bị can, trong đó, nhóm bị can bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí” gồm: Đinh La Thăng, cựu Bộ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Hồng Trường, cựu Thứ trưởng Bộ GTVT; Nguyễn Chí Thành, cựu quyền Vụ trưởng Vụ Tài chính, Bộ GTVT; Lê Trung Cường, Vụ Tài chính, Bộ GTVT.

Các bị can công tác tại Tổng Công ty Đầu tư, phát triển và quản lý dự án hạ tầng giao thông Cửu Long gồm: Dương Tuấn Minh (sinh năm 1957), cựu Tổng Giám đốc; Dương Thị Trâm Anh, cựu Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Thu Trang, cựu Phó phòng Đầu tư và quản lý đấu thầu cũng bị đề nghị truy tố về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.

Các bị can bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự gồm: Đinh Ngọc Hệ (sinh năm 1971), cựu Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Thái Sơn, Bộ Quốc phòng; Phạm Văn Diệt, cựu Tổng Giám đốc điều hành Công ty Đức Bình; Lê Thị Những, nhân viên hành chính nhân sự Công ty Cổ phần tập đoàn Đức Bình; Nguyễn Xuân Hiền, Giám đốc Công ty Xuân Phi); Hoàng Tô Hạnh Vân, Phó Giám đốc Công ty Xuân Phi.

Các bị can làm việc tại Công ty Yên Khánh: Tô Phước Hùng, Kế toán trường Cty Yên Khánh; Vũ Thị Hoan, Giám đốc; Phạm Tấn Hoàng, Phó phòng Kế toán Công ty Yên Khánh; Nguyễn Thị Kim Huệ, kế toán; Đinh Thị Chung, kế toán Công ty Yên Khánh; Tạ Đức Minh, thủ quỹ; Ngô Bá Thắng, Giám đốc Công ty Yên Khánh chi nhánh Long An; Trần Văn Miền, Phó Giám đốc Công ty Yên Khánh, Chi nhánh Long An) cũng bị đề nghị truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Trần Tâm
.
.