Những vụ án không tìm ra thủ phạm

Thứ Ba, 12/02/2008, 15:00
Vụ cướp máy bay tống tiền (24/11/1971): Dan Cooper bước lên chiếc máy bay Boeing 747 đi Seattle báo tin hắn có mang theo... quả bom! Nhưng hắn không có ý định giết người, mà đơn giản chỉ là đòi món tiền chuộc con tin 200.000 USD cùng với 4 cái dù. Máy bay bắt đầu cất cánh sau khi Cooper được đáp ứng yêu cầu.

Vài phút sau Cooper nhảy dù ra khỏi máy bay và kể từ đó không ai còn nhìn thấy hắn lần nữa! Mãi đến năm 1980, FBI mới tìm thấy khoảng 6.000 USD tiền chuộc gần sông Colombia, nhưng lại không đề cập đến chuyện Cooper còn sống hay đã chết sau cú nhảy dù.

Lúc đầu, người ta nghi ngờ Richard McCoy – một tên không tặc vào 4 tháng sau vụ việc – chính là Cooper nhưng sau đó nghi vấn này được loại bỏ. Ngày nay cuộc điều tra vụ án vẫn giậm chân tại chỗ.

Vụ cướp nhà bảo tàng Gardner (18/3/1990)

Nhà bảo tàng cá nhân Gardner của Isabella Stewart Gardner – bắt đầu mở cửa ở Boston vào năm 1903 – nổi tiếng với những bộ sưu tập nghệ thuật cổ điển và hiện đại hết sức phong phú. Thế nên vụ cướp Nhà bảo tàng Gardner được ghi nhận là vụ án gây chú ý nhất nước Mỹ.

Bọn đạo tặc giả trang cảnh sát đột nhập nhà bảo tàng và cuỗm đi 13 tác phẩm nghệ thuật có tổng giá trị xấp xỉ 200 triệu USD – trong số đó có phác thảo của Rembrandt và một bức họa của Vermeer. Không ai bị buộc tội, nhưng cuộc điều tra năm 2005 của FBI tiết lộ nghi phạm là Carmello Merlino và David Turner – hai tên tội phạm bị tình nghi trong vụ cướp xe bọc thép năm 1999.

FBI cho rằng hai nghi phạm này tham gia vụ cướp Nhà bảo tàng Gardner trong quá khứ và sau đó đưa sang châu Âu để bán. Tuy nhiên, Turner phủ nhận lời cáo buộc, còn Merlino thì nói bóng gió rằng hắn biết tác phẩm nghệ thuật mất cắp nằm ở đâu.

Vụ án Black Dahlia (9/1/1947)

Elizabeth Short sống ở Los Angeles sau khi chồng chưa cưới, Matthew Gordon, qua đời. Vào ngày 9/1/1947, Robert Manley lái xe chở Short đến khách sạn Biltmore và vài giờ sau cô biến mất. Sau đó xác của Short được tìm thấy vào ngày 15/1.

Cảnh sát tiết lộ nhiều nghi phạm, bao gồm 60 lời thú tội giả. Phương tiện truyền thông gọi Short là “Black Dahlia” dựa theo mái tóc đen của cô cùng với sự bí ẩn của vụ án. Ngoài Manley, một trong những kẻ tình nghi hàng đầu là Mark Hansen – chủ nhân một hộp đêm, người cho Short ở trọ.

Thêm 3 nghi phạm đáng chú ý nữa là Woody Guthrie, Orson Welles và Bugsy Siegel. Một số nhà sử học chỉ đích danh bác sĩ Walter Bayley – người sống cách hiện trường tội ác một dãy phố và có con gái quen biết với chị em Short - là hung thủ.

Còn cơ quan cảnh sát điều tra tin rằng nguyên nhân gây án liên quan đến y khoa. Giả thuyết khác cho rằng người tình của Bayley luôn giữ kín bí mật vụ giết người. Trong khi đó, hung thủ vẫn không bị pháp luật trừng phạt.

Vụ cướp 300 triệu yên Nhật (10/12/1968)

Một nhóm 4 nhân viên của Nihon Shintaku Ginko chở 300 triệu yên – mục đích là trả lương cho công nhân Hãng Toshiba – bằng xe hơi và sau đó bị một cảnh sát chặn lại với lý do chiếc xe có chứa chất nổ!

Cả 4 người đều xuống xe để viên cảnh sát này kiểm tra. Hồi sau viên cảnh sát bảo có khói bốc lên và giục 4 nhân viên chở tiền chạy đi chỗ khác. Kế đó, viên cảnh sát chui vào xe rồi nhấn ga chạy một mạch cùng với số tiền khổng lồ!

Mặc dù đã thu thập được rất nhiều chứng cứ tại hiện trường, kể cả chiếc môtô của viên cảnh sát giả danh, song vụ án vẫn nằm trong bóng tối. Cơ quan điều tra lập bản danh sách những kẻ tình nghi lên đến trên 100.000 người và cuối cùng cảnh sát chú ý đến một thiếu niên 19 tuổi, con của một viên cảnh sát.

Nhưng cảnh sát điều tra vẫn không tìm thấy dấu vết số tiền bị cướp.

Vụ sát hại Bob Crane(29/6/1978)

Bob Crane, ngôi sao trong phim “Hogan's Heroes”, hạnh phúc với cuộc sống gia đình êm đềm. Nhưng sau vài năm thì cuộc hôn nhân của Crane đổ vỡ vì anh bắt đầu theo đuổi một nghề nghiệp không trong sáng cùng với một người bạn tên là John Carpenter. Người này làm việc trong ngành điện tử và hai người đàn ông bắt đầu sản xuất phim khiêu dâm. Vào ngay đêm xảy ra tranh cãi dữ dội giữa hai người, Crane đã bị giết chết. Vũ khí giết người không được tìm thấy, nhưng một số manh mối minh chứng có lẽ hung thủ không ai khác chính là Carpenter: anh ta gọi điện đến nhà Crane lúc cảnh sát đang ở đây song lại không thắc mắc gì về sự có mặt bất thường này. Dấu vết máu phát hiện trong chiếc xe hơi mà Carpenter thuê cho thấy nó thuộc về nhóm máu của Crane. Năm 1992, dấu máu được xét nghiệm ADN nhưng kết quả tiết lộ nó không phải là của Crane. Cuối cùng, Carpenter được tha bổng và qua đời năm 1998 còn hung thủ vẫn biệt tăm.

Vụ sát hại Tupac Shakur và Biggie Smalls (7/9/1996 VÀ 9/3/1997)

Tupac Shakur và Christopher Wallac (hay Biggie Smalls) là 2 ca sĩ nhạc rap lừng danh nhất của ban nhạc Suga Knight. Họ bị giết chết cách nhau chỉ 2 năm. Khi đến Las Vegas xem trận đấu quyền Anh, Tupac vừa bước xuống xe đã bị bắn chết. Tương tự, Biggie cũng bị bắn chết khi anh đến dự tiệc tại Nhà bảo tàng ôtô Peterson ở Los Angeles. Cả hai vụ án mạng đều xảy ra ngay trong những khu vực đông người, nhưng không một ai bị kết tội.

Sự mất tích của Jimmy Hoffa (30/7/1975)

Bắt đầu từ năm 1957 Jimmy Hoffa là Chủ tịch Hội Tài xế xe tải và là người cổ vũ sự đoàn kết giữa những người Mỹ trong lĩnh vực vận tải. Hoffa từng ngồi tù vì tội dính líu đến mafia và có hành vi hối lộ một thành viên trong ban hội thẩm của tòa án. Sau khi được trả tự do Hoffa mất tích trong nhà hàng Manchus Red Fox ở Michigan lúc gặp hai tội phạm mafia là Anthony Giacalone và Anthony Provenzano.

Vụ mất tích của Hoffa chỉ được điều tra bằng khoa học mới đây. Xét nghiệm ADN cho biết Hoffa đã có mặt trong chiếc xe hơi của Charles O'Brien, một đồng nghiệp trong Hội Tài xế xe tải, đúng ngày ông ta mất tích. Felon Richard Powell, Louie Milito – hai thành viên trong gia đình tội phạm mafia Gambino – và sát thủ Richard Kuklinski nằm trong số những người tuyên bố có một phần trách nhiệm trong vụ mất tích (và coi như là đã chết) của Hoffa. Giả thuyết đáng chú ý nhất nhắm đến sát thủ mafia Frank Sheeran, người đã nói với cựu công tố viên Charles Brandt, vào năm 2004, rằng hắn được lệnh lấy mạng Hoffa.

Jack - Kẻ mổ bụng (8/11/1888)

Vụ án Jack - Kẻ mổ bụng là bí ẩn không thể giải mã được – mặc dù nhiều kẻ tình nghi được nhắc đến như là diễn viên Lewis Carrol và nghệ sĩ Walter Sickert. Biệt hiệu Jack - Kẻ mổ bụng được nhắc đến trong nhiều lá thư nặc danh gửi đến Sở chỉ huy Cảnh sát London Scotland Yard. Vào thời điểm xảy ra vụ án, cảnh sát không có công  nghệ điều tra như hiện nay nên họ chỉ có thể căn cứ vào nhân chứng đường phố.

Kẻ giết người mang biệt hiệu Zodiac (1968 – 1969)

Zodiac tuyên hố hắn đã giết chết 37 mạng người, nhưng đội ngũ thám tử cảnh sát chỉ nhận định chính thức có 5 vụ liên quan đến hắn. Sau những vụ giết người trong tháng 12/1968 và tháng 7/1969, hung thủ đã gửi 3 bức thư đến báo chí San Francisco với những mật mã kỳ quặc. Mặc dù mật mã đã được giải song cảnh sát vẫn không thể nào xác định được danh tánh kẻ giết người hàng loạt. Những vụ giết người đã dừng lại vào năm 1969, nhưng những bức thư mật mã vẫn tiếp tục được gửi đến giữa thập niên 70.

Cảnh sát nghi ngờ hung thủ là Arthur Leigh Allen, một tên tội phạm cưỡng dâm bị bắt giữ cùng với con dao dính máu trong xe hơi của hắn vào cùng ngày Zodiac giết người. Tuy nhiên, Allen không bao giờ bị kết tội vì các xét nghiệm ADN, phân tích chữ viết và dấu vân tay của hắn đều không trùng khớp với Zodiac

Diên San (tổng hợp)
.
.