Nô lệ thời hiện đại

Thứ Sáu, 03/12/2004, 13:03

Trên thế giới hiện có 27 triệu nô lệ, phần lớn là những lao động có giao kèo ở Ấn Độ, Pakistan, BangladeshNepal. Họ phải làm việc cực nhọc trong nhiều năm, thậm chí nhiều thế hệ để trả những khoản nợ không bao giờ giảm. Gian lận sổ sách là mánh khóe bóc lột của các chủ nô.

Tháng 6/2004, một người Ấn Độ giúp việc nhà ở Brookline đã thắng trong phiên tòa kiện hai vợ chồng người Oman. Cặp vợ chồng này đã giam bà trong nhà suốt hơn một năm, buộc bà phải trông nom 4 đứa trẻ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa mà không trả lương và cho ăn đầy đủ. Một người hàng xóm thương cảm cho hoàn cảnh của bà đã giúp bà trốn thoát.

Tommy Calvert, thành viên một tổ chức chống nô lệ ở Boston (Mỹ), nhận xét: “Pháp luật không phải lúc nào cũng nhận ra được nạn nhân của tình trạng nô lệ và công chúng lại càng có ít khả năng hơn”.

Bales, Chủ tịch Tổ chức Giải phóng nô lệ, hy vọng cuối năm 2004 sẽ phát hành quyển sách Các dấu hiệu nhận ra nạn nhân của tình trạng nô lệ, bao gồm danh mục các dấu hiệu hiện hữu và dấu hiệu tác động xấu đến tinh thần. Bales viết trong cuốn sách, sự chiếm hữu không còn là gợi ý hấp dẫn với chủ nô vì giá nô lệ rất rẻ. Năm 1850, một nô lệ có giá tương đương với 40 nghìn USD. Bây giờ, một chủ nô có thể mua được một nô lệ với giá 30 USD ở vùng Bờ biển Ngà.

Sở dĩ có giá rẻ như vậy vì nô lệ đang bị thừa. Điều này làm cho cuộc sống của nô lệ ngày càng bị coi thường. Phổ biến nhất là nô lệ vì nợ nần, hiện đang có 10 đến 20 triệu người bị trói buộc vào những giấy nợ mà họ không bao giờ trả dứt. Những người khác trở thành nô lệ vì bị đe dọa. Tệ nhất là tình trạng bóc lột lao động và khai thác tình dục trẻ em.

Mặc dù chiếm số lượng rất nhỏ so với thế giới, nhưng ở các quốc gia phát triển, tình trạng buôn bán nô lệ vẫn diễn ra không dễ chịu chút nào. Hằng năm, khoảng 14 nghìn đến 17 nghìn nô lệ bị bán qua Mỹ. Phần lớn bị đưa vào nhà chứa, giúp việc nhà hoặc lao động nông nghiệp. Tổng cộng có khoảng 52 nghìn đến 87 nghìn nô lệ rải rác khắp nước Mỹ.

Liên Hiệp Quốc ước tính lợi nhuận từ việc buôn người (khoảng 9,5 tỉ USD vào năm 2003) đã nằm trong ba lĩnh vực tội phạm có lợi nhuận cao nhất (cùng buôn bán ma túy và vũ khí). Trong 10 năm nữa, kinh doanh nô lệ sẽ trở thành nguồn thu nhập bất hợp pháp lớn nhất.

Tuy nhiên, nạn buôn bán nô lệ hiện vấp phải luật mới của Mỹ (hành động bảo vệ nạn nhân từ nạn buôn người vào năm 2000 đã được tái phê chuẩn và mở rộng vào tháng 12/2003). Và sự phê chuẩn nhanh chóng của công ước Liên Hiệp Quốc chống các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đề xuất năm 2000 cũng có hiệu lực từ tháng 12/2003. Ngoài ra, còn có sự chia sẻ thông tin và phối hợp giữa các quốc gia để chống nạn buôn người.

Theo Bales, buôn nô lệ là một tội ác nghiêm trọng, tương tự hành động bắt cóc trẻ em, hành hạ và giết người. Nô lệ thường bị lạm dụng thể chất, tinh thần và họ thường xuyên bị đe dọa và bóc lột tàn nhẫn. Các cô gái bị ép buộc làm gái điếm, bị đánh đập, cưỡng hiếp. Nếu họ kháng cự thì có thể bị giết chết. Làm việc 15 giờ mỗi ngày, không có ngày nghỉ, bị phân biệt đối xử và ăn uống không đầy đủ là chuyện bình thường.

Đối với những người trốn chạy, con đường dẫn đến tự do rất khó khăn. Theo Liên Hiệp Quốc, giải phóng con người dễ hơn giải phóng tư tưởng của họ. Ngay cả khi đã bị bãi bỏ, tình trạng nô lệ vẫn để lại dấu vết. Nó tồn tại rất lâu như một dấu ấn tinh thần giữa các nạn nhân và con cháu của họ.

Bales nhận xét, Mỹ là nước có hành động giải phóng nô lệ sai lầm nhất trong lịch sử nhân loại. 4 triệu người bị đẩy ra ngoài xã hội không dụng cụ sản xuất, không vốn, không giáo dục, không được chăm sóc phục hồi... Cảnh nô lệ có thể ví với cuộc sống trong tù hay dưỡng trí viện. Những người ra khỏi đó phải học cách sống trong thế giới thực. Đôi khi những nô lệ đã được giải phóng lại quay về làm việc cho chủ cũ vì họ không thể đương đầu với cuộc sống bên ngoài

Anh Vũ (theo Christian Science Monitor)
.
.