Ông giám đốc mất tích và 50 tỷ đồng "bốc hơi"

Thứ Hai, 27/11/2017, 20:14
Việc Quỹ Tín dụng nhân dân Thái Bình (phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) mất khả năng chi trả, giám đốc quỹ ôm tiền "im thin thít lặn mất tăm" đã khiến dư luận xôn xao, người dân gửi tiền vào quỹ thì như ngồi trên đống lửa.

Cơ quan Công an xác định có khoảng hơn 80 người gửi hơn 50 tỷ đồng vào quỹ tín dụng này. Hiện Công an tỉnh Đồng Nai đã khởi tố vụ án.

Giám đốc ôm tiền bỏ trốn

Suốt tuần qua, người dân ở phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa xôn xao trước vụ việc hàng chục người dân tụ tập trước phòng giao dịch của Quỹ Tín dụng nhân dân (TDND) Thái Bình (phường Tân Hòa, TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) để trưng băng rôn với nội dung "Trả tiền tôi" và liên tục lên tiếng đòi lại tiền. Công an phường Tân Hòa cùng các cơ quan chức năng nhanh chóng có mặt tại khu vực để ổn định an ninh trật tự, sau đó mời người dân về trụ sở UBND phường Tân Hòa để ghi nhận vụ việc.

Nhiều người dân gửi tiền vào quỹ này cho biết họ đã không nhận được lãi suất và cũng không rút được tiền gốc gửi trước đó từ đầu năm 2017. Những người này cũng không thể liên hệ được với Giám đốc Quỹ TDND Thái Bình là ông Vũ Công Liêm từ nhiều tháng nay.

Giám đốc Quỹ tín dụng Thái Bình Vũ Công Liêm hiện đã bỏ trốn.

Ông Hoàng Văn Lục (70 tuổi, ngụ phường Tân Hòa) có số tiền gửi ở quỹ tín dụng này rất cao, cả gốc lẫn lãi lên tới hơn 8 tỷ đồng. Trong số này, có tiền của gia đình và của hơn chục người là bạn bè, người thân, người dân trong vùng tín nhiệm ông nhờ gửi vào quỹ để lấy lãi hàng tháng.

Trong số người đưa tiền cho ông Lục gửi vào quỹ để lấy lãi, nhiều người đã đổ bệnh, đau ốm vì không đòi được tiền, có người con cái phải nghỉ học vì thiếu tiền. Thậm chí có người già đã mất mà không lấy lại được số nợ… Gia đình ông Lục rơi vào tình cảnh cùng quẫn.

"Gia đình tôi và nhiều người quen biết có gửi vào quỹ số tiền hơn 8 tỷ đồng (tổng cộng 22 sổ), lấy lãi suất 8%/năm. Thế nhưng từ đầu năm 2017 tới nay, khi có nhu cầu lấy lại tiền, tôi đã nhiều lần đến phòng giao dịch nhưng không được giải quyết khiến chúng tôi sống dở chết dở", ông Lục bức xúc cho hay.

Ông Hoàng Văn Lục giãi bày về hoàn cảnh của mình.

Theo ông Lục thì ông là người có mối quan hệ quen biết với ông Vũ Công Liêm từ hơn chục năm trước do bố ông Liêm chính là bạn của ông Lục. Khi quyết định gửi tiền vào quỹ tín dụng này, ông Lục hoàn toàn yên tâm, tin tưởng bởi ông nghĩ ông Liêm là chỗ thân thiết, lại làm chủ quỹ tín dụng có sự giám sát của hệ thống Ngân hàng Nhà nước.

Cách đây hai tháng, nghe tin ông giám đốc quỹ này không còn ở địa phương, người dân đã kéo đến nhà ông Liêm (ở phường Tân Hòa) nhưng cửa đóng im ỉm. Ông Liêm có hai căn nhà ở khu vực này. Thời gian qua ông làm ăn thua lỗ nặng ở tỉnh Sóc Trăng. Do đó, ông Lục và những người gửi tiền khác nhận định vị giám đốc quỹ đã tìm cách rút tiền ở quỹ rồi bỏ trốn. Ông Lục và một số người khác đã làm đơn tố cáo gửi lên Công an địa phương và cơ quan chức năng.

Mọi chuyện còn tệ hại hơn khi trong lúc tiền gốc chưa lấy lại được thì ông Lục lại phải ngã ngửa khi biết mình đã bị ai đó giả chữ ký để vay hơn 1 tỷ đồng từ quỹ này.

Ông Lục đau khổ giãi bày: "Tôi chỉ gửi tiền vào Quỹ TDND Thái Bình và chưa bao giờ làm đơn vay vốn ở quỹ này. Tôi đã rất hoảng khi được cán bộ Công an đưa cho xem tờ đơn. Tôi thấy các chi tiết về tên tuổi, địa chỉ, số chứng minh nhân dân… đều trùng với thông tin cá nhân của tôi. Chữ ký cuối đơn cũng giống hệt chữ ký của tôi nhưng có phần nhỏ hơn".

Cũng theo ông Lục, một người quen của ông cũng bị ai đó viết đơn và giả mạo chữ ký để rút tiền ở Quỹ TDND Thái Bình. "Giờ tôi chỉ biết trông mong vào sự giải quyết của cơ quan chức năng", ông Lực buồn bã cho hay.

Bà Trương Thị Mỹ Dung (ngụ huyện Trảng Bom, Đồng Nai) cho biết năm 2016, bà bán khu đất của gia đình được hơn 700 triệu đồng gửi vào Quỹ TDND Thái Bình để nhận lãi suất cao hàng tháng nhằm có tiền lo cho chồng bị tai nạn nằm liệt giường nhiều năm trước.

"Thời gian đầu, họ trả lãi rất đúng hẹn và đầy đủ. Nhưng từ đầu năm 2017 đến nay, không hiểu vì lý do gì, họ né tránh và không thanh toán như thường lệ. Sau khi biết tin ông giám đốc quỹ mất tích, chúng tôi cố tìm kiếm nhưng không thấy tăm hơi của ông ta đâu. Có người nói vợ chồng ông ta đã ôm tiền bỏ trốn sang Mỹ. Nếu đúng như vậy thì những người dân như chúng tôi không biết sẽ ra sao nữa. Số tiền đó là gia tài của cả gia đình mà giờ bị mất như thế này khiến gia đình tôi như ngồi trên lửa", bà Dung nói như muốn khóc.

Giống như ý kiến của bà Dung, ông Nguyễn Văn Hùng, cũng là người gửi tiền vào Quỹ TDND Thái Bình, nói nhiều người đang phải sống trong cảnh khổ sở tột cùng khi khoản tiền tích góp suốt nhiều năm trời của họ có nguy cơ mất trắng.

Trước đó, các "bị hại" sau khi đến đòi tiền nhiều lần và cũng được hứa hẹn sẽ trả nhiều lần nhưng không có kết quả, một số người có gửi số tiền lớn đã buộc ông Vũ Công Liêm phải viết giấy cam kết trả nợ. Có người được ông Liêm viết cam kết đến ba lần hứa trả tiền nhưng vẫn không thực hiện…

Đảm bảo quyền lợi người gửi tiền

Khi nộp tiền vào Quỹ TDND Thái Bình, người gửi được hứa hẹn cho hưởng nhiều mức lãi suất khác nhau. Đa số được làm sổ tiết kiệm và hưởng mức lãi suất trong hợp đồng là 6% mỗi năm. Ngoài mức này, quỹ tín dụng còn thỏa thuận và trả thêm 4%/năm nên lãi suất tổng cộng thành 10%/năm.

Người dân đưa băng rôn đòi tiền.

Lãi suất hấp dẫn nên nhiều người dân mang những khoản tiền tích cóp cả đời gửi vào đây với hy vọng có được khoản tiền lãi để dành dụm về sau. Nhưng chẳng ai ngờ được, sau đó họ lại rơi vào tình cảnh khốn khổ cùng cực trước nguy cơ mất số tiền lớn. 

Công an tỉnh Đồng Nai hiện đang thụ lý đơn tố cáo của người dân và tiến hành điều tra làm rõ sự việc.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cũng đã có những động thái để góp phần giải quyết vụ việc. Trao đổi với báo chí, ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai, cho biết Quỹ TDND Thái Bình được thành lập vào năm 1994, hoạt động theo mô hình hợp tác xã (thành viên góp vào để quỹ cho thành viên vay lại), tự nguyện, tự chủ và chịu trách nhiệm về hoạt động. Quỹ này chịu sự kiểm tra, giám sát của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai và chịu sự quản lý hành chính trên địa bàn phường Tân Hòa.

Tuy nhiên, từ cuối tháng 4 vừa qua, phát hiện Quỹ TDND Thái Bình không còn khả năng thanh khoản, vi phạm nhiều lỗi trong hoạt động tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã chuyển hồ sơ sang cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai để khởi tố vụ án, điều tra xác minh, xử lý vụ việc theo quy định của pháp luật.

Trước đó, khi phát hiện nhiều hạn chế, yếu kém, Quỹ TDND Thái Bình cũng đã bị Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai kiểm soát đặc biệt, xem xét các hoạt động huy động tiền, tổng số tiền là bao nhiêu, mục đích sử dụng tiền làm gì, đưa đi đâu... Trên cơ sở đó sẽ có phương án xử lý.

Riêng cá nhân ông Liêm, theo tìm hiểu, trong thời gian làm Giám đốc Quỹ TDND Thái Bình từ năm 1994, ông Liêm đã nhiều lần sử dụng uy tín bản thân để thao túng quỹ. Đồng thời, ông cũng huy động, sử dụng tiền gửi của khách hàng trái quy định khi chỉ đạo nhân viên dưới quyền làm giả hồ sơ để rút tiền sử dụng cho mục đích cá nhân. Hiện ông Liêm được cho là đã bỏ trốn.

Đề cập đến hướng giải quyết vụ việc, ông Trần Quốc Tuấn khẳng định sẽ phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện các giải pháp tích cực để thu giữ và xử lý tài sản của quỹ tín dụng này, thu nợ người vay quá hạn để có các nguồn tiền trả cho người gửi tiền với tinh thần tích cực nhất, đảm bảo quyền lợi của người gửi tiền theo quy định của pháp luật.

Hiện tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai đã đề nghị kê biên tài sản của ông Liêm để có nguồn chi trả cho khách hàng gửi tiền. Cơ quan bảo hiểm cũng đang tiến hành các thủ tục chi trả với khoản bảo hiểm tiền gửi của khách hàng tại Quỹ TDND Thái Bình. Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đồng Nai cũng sẽ kiến nghị địa phương và Nhà nước hỗ trợ thêm trong trường hợp cần thiết.

Ông Tuấn cho biết thêm, hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai có 36 quỹ TDND, tính đến giữa tháng 11-2017, các quỹ này đã huy động được 2.300 tỷ đồng. Việc Quỹ TDND Thái Bình mất khả năng thanh khoản với số tiền gần 50 tỷ đồng không ảnh hưởng đến hoạt động của các tổ chức tín dụng khác. Ông Tuấn khẳng định toàn bộ hệ thống tín dụng ở Đồng Nai đang hoạt động bình thường, đảm bảo tính thanh khoản.

Vì thế, người gửi tiền tại các tổ chức tín dụng cần bình tĩnh, có cái nhìn toàn diện về vấn đề, tránh vì yếu tố tâm lý lo lắng rút tiền gửi trước hạn làm mất quyền được hưởng lãi suất có kỳ hạn.

Để ngăn chặn những sai phạm trong hoạt động của các tổ chức TDND, không lặp lại vụ việc như Quỹ TDND Thái Bình, theo ông Tuấn, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ thường xuyên thanh kiểm tra, kiểm soát hoạt động tại các tổ chức tín dụng nói chung.

Quá trình thanh kiểm tra, nếu phát hiện vi phạm, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai xử phạt hành chính, yêu cầu củng cố lại hệ thống quản trị điều hành, nâng cao chất lượng tín dụng.

Đối với quỹ TDND, từ đầu năm 2017 đến nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã thanh tra, xử phạt hành chính 10 đơn vị với số tiền gần 100 triệu đồng. Có vụ việc nghiêm trọng như Quỹ TDND Dầu Giây (huyện Thống Nhất), Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai đã cách chức giám đốc, thay toàn bộ ban điều hành.

Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chi nhánh Đồng Nai sẽ tăng cường giám sát, đẩy mạnh thanh kiểm tra các quỹ TDND. Khi phát hiện quỹ vi phạm quy định pháp luật, Ngân hàng Nhà nước sẽ lập tức xử lý, không để sự việc kéo dài.

Trên bình diện cả nước, sự hoạt động của các quỹ TDND đã đóng vai trò quan trọng trong việc cho người dân vay vốn, giúp bà con nông dân nhiều nơi duy trì, phát triển hoạt động sản xuất, bởi bản thân người dân khó có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng do không đáp ứng được điều kiện cho vay, và số tiền vay của họ thường nhỏ.

Tuy nhiên, rủi ro khi người dân gửi tiền góp vốn vào những quỹ TDND cũngkhông nhỏ bởi rất nhiều quỹ không được kiểm soát chặt chẽ, thực tế ban quản lý quỹ sử dụng tiền góp vốn từ người dân, nên cần có sự kiểm soát chặt chẽ từ các lãnh đạo quỹ, rồi việc quỹ đầu tư vốn vào đâu, dòng vốn di chuyển như thế nào…

Do đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần có biện pháp để kiểm soát các quỹ này chặt chẽ hơn, tránh trường hợp lạm dụng, phá sản, gây thiệt hại cho người dân và nền kinh tế.

Phú Lữ
.
.