PA 25 CA Hà Nội: Bóc gỡ một đường dây làm giả văn bằng, chứng chỉ

Thứ Năm, 17/07/2008, 17:30
Đúng khi bận rộn với công tác bảo vệ an ninh cho mùa tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay, Đội An ninh Giáo dục thuộc Phòng Bảo vệ An ninh – Văn hóa tư tưởng, Công an Hà Nội (PA25) lại phá vỡ được một đường dây chuyên làm giả văn bằng, chứng chỉ, đặc biệt là bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy. Đây là một vụ án phức tạp, với nhiều thủ đoạn tinh vi mà để triệt phá được nó, các chiến sĩ PA25 đã phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ đặc biệt.

Theo nguồn tin trinh sát, trên địa bàn Hà Nội có một đường dây  chuyên làm giả các văn bằng, chứng chỉ, nhất là bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy thuộc khối các trường kinh tế. 

Đường dây này lại “tung” tin quảng cáo những văn bằng, chứng chỉ... mà họ cung cấp cho khách hàng bảo đảm 100% là bằng “xịn”. “Xịn” ở đây như họ định nghĩa văn bằng ấy có nguồn gốc của trường ĐH hẳn hoi, lại có cả bảng điểm “gốc”.

Không những thế người mua bằng còn có hồ sơ lưu tại trường như sinh viên thực thụ. Để có được tấm bằng như vậy, người mua phải trả giá 25 triệu đồng kèm theo nộp bản sao một số giấy tờ để “hợp thức hóa” vai trò của người mua bằng. Từ nguồn tin trên, các chiến sĩ Đội Giáo dục đã đi thẩm định và xác minh thông tin quảng cáo trên là có thật.

Sau khi điều tra và thâm nhập thực tế, các chiến sĩ Đội An ninh Giáo dục đã phát hiện ra đối tượng Lê Hữu Cường, sinh viên Grường ĐH Bách Khoa chính là người quảng cáo những thông tin “hấp dẫn” đối với khách hàng có nhu cầu làm bằng giả.

Tham gia cùng với Cường, Cơ quan Công an còn phát hiện: Nguyễn Thị Huyền, ở 159 Nguyễn Trãi và Nguyễn Văn Huy, sinh viên Trường ĐH Kinh tế quốc dân. Đây là hai chị em ruột, quê ở xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên.

Một khách hàng của Cường đã khai báo trước Cơ quan Công an: sau khi đặt cọc 3 triệu đồng cho Cường để mua một bằng tốt nghiệp ĐH hệ chính quy chuyên ngành Tài chính ngân hàng của Trường ĐH Kinh tế quốc dân Hà Nội, Cường hẹn khoảng một tháng nữa sẽ nhận được bằng theo  hình thức “tiền trao cháo múc”.

Ngoài ra, Cường còn giao hẹn việc giao bằng sẽ thực hiện trên một xe ôtô được giữ bí mật về lộ trình. Cường chỉ nói: “Lúc giao hàng, khách hàng sẽ thực hiện theo hướng dẫn của Cường qua điện thoại”. Để khách hàng thêm tin tưởng, Cường còn đưa giấy tờ, bằng lái xe gắn máy của Cường cho khách hàng để  “làm tin”.

Theo kế hoạch, khoảng một tháng sau, người khách nói trên nhận được điện thoại của Cường theo yêu cầu phải gọi một chiếc taxi và đón Cường tại điểm quy định. Khi đã lên xe, Cường không giao bằng ngay cũng không nói đi đâu mà chỉ yêu cầu chiếc xe chạy lòng vòng trong thành phố.

Làm vậy, theo Cường khai báo với Cơ quan Công an sau này là để kiểm tra có “đuôi” bám theo xe không. Khi thấy không có “đuôi”, Cường yêu cầu khách hàng cho xe chạy thẳng xuống xã Bãi Sậy, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Đến đây, Cường dẫn khách vào nhà Nguyễn Khải Hoàn, một người bị bán thân bất toại, 49 tuổi ở thôn Đào Quạt.

Hoàn là cha đẻ của Huyền, Huy, và cũng chính là đầu mối và là nhân vật quan trọng nhất trong đường dây làm giả và mua bán văn bằng ĐH giả. Tại nhà Hoàn, cuộc mua bán giữa Hoàn và người khách do Cường môi giới đã không thành chỉ vì người khách ấy đã không “chồng” đủ tiền.

Hoàn rất cảnh giác với những cái “bẫy” của những kẻ cạnh tranh đồng thời sợ bị Cơ quan Công an giăng lưới bắt. Do sự cảnh giác này của Hoàn mà nhiều khách hàng đã phải tay không trở về. Người khách do Cường dẫn đến cũng vậy.

Phải đến lần gặp thứ hai, người khách nói trên mới có cơ hội nhận bằng, dù tiền vẫn chưa đủ. Nhưng để bù đủ số tiền đó để trả cho Hoàn, Cường phải chịu đặt lại xe máy cho Hoàn và viết một cái giấy coi như bán chiếc xe ấy.

Lần giao dịch thứ 2 cũng được thực hiện lòng vòng và đầy thủ đoạn. Sau khi đã nhận đủ tiền, Hoàn chỉ đạo hai “tay chân” khác là Uy, Dinh cùng với Cường đưa khách ra ngã ba ở quốc lộ 5 để “xem” bằng.

Có một người khác đợi sẵn ở ngã ba đường “trưng” bằng ra cho khách xem. Người đó tên là Hoàng Văn Tuấn, là cán bộ Đoàn của một trường trung học cơ sở ở Hưng Yên(!). Tại đây, khi đã xem bằng xong - đúng nghĩa chỉ “xem”, Hoàn chỉ đạo không giao bằng ở Hưng Yên mà về Hà Nội mới giao!

Vậy là hoàn toàn chủ động, Cường hẹn khách hàng ngày 1/7/2008, tức là mấy ngày sau kể từ ngày xem “hàng” khách đến nhận bằng. Nhận ở đâu, chỗ nào... Cường chỉ thông tin vỏn vẹn cho khách hàng: “16h ra chờ ở cổng Khoa Tại chức Trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Cứ đến đó như thế nào sẽ báo tiếp”.

Sau khi thực hiện đúng lời hẹn của Cường, khách hàng được Cường gọi điện chỉ đạo tiếp: lên tầng 2 giảng đường X10. Đây là giảng đường chỉ có một cổng duy nhất và chỉ có một con đường dẫn lên.

Từ đây, có thể quan sát toàn bộ người ra vào khoa. Đó cũng chính là lý do để Cường chọn địa điểm này giao hàng nhằm tránh sự tò mò của người ngoài đồng thời để đề phòng bị bắt quả tang về hành vi trái pháp luật.

Tấm bằng giả được để vào ngăn của một chiếc bàn trong giảng đường rồi Cường chỉ cho khách đến tự lấy. Hay cả giấy viết tay bàn giao tiền giữa Hoàn và Cường, Cường cũng nhét luôn vào khe của chiếc bàn khác để cảnh giác trường hợp bị bắt, chỉ Cường chịu bị xử lý chứ không có chứng cứ để buộc tội những kẻ đồng lõa khác như Hoàn, Huyền, Huy...

Tuy nhiên, mọi mưu mô, thủ đoạn của Cường, Hoàn cùng đường dây làm giả và bán văn bằng tốt nghiệp ĐH “rởm” đã bị Đội An ninh Giáo dục phá vỡ.

Ngày 3/7/2008, tại Hà Nội và Hưng Yên, cùng lúc 2 mũi lực lượng trinh sát khám nhà Nguyễn Thị Huyền ở 159 Nguyễn Trãi và khám nhà Nguyễn Khải Hoàn ở Bãi Sậy, Ân Thi, Hưng Yên đã thu được nhiều bằng tốt nghiệp ĐH giả, bằng tốt nghiệp ĐH thật nhưng đã bị cắt dán ở phần nội dung để phôtô rồi làm giả bằng ĐH cho người khác, phôi, mẫu văn bằng THPT, ĐH, giấy biên nhận tiền của Hoàn...

Hiện nay, Nguyễn Khải Hoàn, Lê Hữu Cường đang chờ ngày cơ quan chức năng đưa ra xử lý trước pháp luật

T.Anh
.
.