Pakistan: Cựu Tổng thống Musharraf có nguy cơ bị truy tố hình sự

Thứ Hai, 31/08/2009, 23:45
Quan tòa khu vực tại thủ đô của Pakistan là Mohammad Akmal đã chính thức nhận đăng ký đơn kiện đối với cựu Tổng thống Pervez Musharraf. Quyết định này cũng đồng nghĩa với việc cơ quan tư pháp sẽ bắt đầu điều tra vụ sa thải 60 thẩm phán, cũng như quản thúc tại gia nhiều quan tòa và luật sư của ông Musharraf trong thời gian cuộc khủng hoảng chính trị năm 2007.

Bất chấp việc 11 đơn kiện trước đó đã bị bác bỏ, nỗ lực truy tố ông Musharaf lần này có nhiều hy vọng sẽ thành công nhờ một phán quyết trước đó của Tòa án tối cao Pakistan...

"Chúng tôi đã ghi nhận đơn kiện đối với Pervez Musharraf" - đó là thông báo chính thức của đại diện Cơ quan Cảnh sát Hakim Khan. Với quyết định này, cảnh sát Pakistan trong thời gian gần nhất sẽ tham gia điều tra vụ trấn áp các thẩm phán và luật sư của chính quyền Musharraf hồi năm 2007. Nếu thống kê đầy đủ, đây là lá đơn kiện thứ 12 nhằm chống lại cựu Tổng thống Musharraf, dù những nỗ lực trong 11 lần trước đều đã bị bác bỏ. Tuy nhiên, theo ý kiến của các nhà quan sát, nỗ lực lần này nhiều khả năng sẽ thành công nhờ một phán quyết gần đây của Tòa án Tối cao Pakistan.

Cụ thể tòa án này vào ngày 31/7/2009 vừa qua đã thừa nhận,  quyết định của ông Musharraf ban hành tình trạng khẩn cấp và cách chức một loạt thẩm phán hồi năm 2007 đã vi phạm hiến pháp. 

Còn nhớ vào tháng 11/2007, Tổng thống Musharraf khi đó đã chỉ thị phải triển khai một loạt các biện pháp mạnh tay như đóng cửa một số kênh truyền hình tư nhân, triển khai quân đội để kiểm soát Islamabad cùng một số thành phố khác. Tiếp đó có gần 60 thẩm phán các cấp bị cách chức cùng một loạt những quan chức tại tòa án bị quản thúc tại gia. Đáng chú ý trong số này có cả đối thủ chính trị Iftikhar Muhammad Chaudhry của ông Musharraf, khi đó đang nắm chiếc ghế thẩm phán tối cao Pakistan.

Chính phủ khi đó lý giải nguyên nhân ban hành tình trạng khẩn cấp vào mùa thu năm 2007 là do "việc gia tăng nhanh chóng các vụ tấn công khủng bố" kể cả đánh bom cảm tử, sự liên kết của các phe nhóm cực đoan dẫn tới tình trạng bạo lực lên tới mức chưa từng có, đe dọa đến chủ quyền quốc gia. Còn việc cách chức một loạt các quan chức tòa án là do "nhiều người đã lẫn lộn các giữa các chức năng của cơ quan hành pháp và tòa án trong cuộc chiến chống khủng bố, làm suy yếu hoạt động của chính phủ trong cuộc chiến có hiệu quả chống lại những mối đe dọa". Chưa kể tình trạng can thiệp ngày càng sâu của nhiều đại diện cơ quan pháp lý vào công việc của chính phủ đã gây ảnh hưởng tai hại tới kinh tế đất nước.

Nhưng theo ý kiến của phe đối lập, quyết định quân sự hóa chính quyền khi đó của Musharraf chỉ là nỗ lực cuối cùng nhằm duy trì quyền lực trong bối cảnh tổng thống đang có chỉ số uy tín sụt giảm thảm hại. Mặt khác, việc loại bỏ hàng loạt các quan tòa là do ông Musharraf lo ngại, Iftikhar Chaudhry cùng đồng nghiệp sẽ không thừa nhận kết quả thắng cử, do Tổng thống tham gia tranh cử trong khi vẫn nắm cương vị tổng tư lệnh quân đội.

Thành phần của Tòa án tối cao mới do Musharraf bổ nhiệm đã thừa nhận tính hợp pháp trong kết quả bầu cử, trong đó đương kim tổng thống đã giành thắng lợi. Tuy nhiên, trước áp lực ngày càng tăng của người dân cùng nguy cơ bị phế truất đã khiến Pervez Musharraf đã phải từ chức vào ngày 18/8/2008. 

Sau khi từ chức một thời gian, ông Musharraf đã chuyển sang sống tại London. Một số báo chí địa phương còn cho biết, ông Musharraf đang có chuyến đi nghỉ tại châu Âu cùng với gia đình, trước khi có kế hoạch sang Mỹ tham gia một vài buổi thuyết trình theo lời mời. "Nếu ông ta quay trở lại Pakistan, chúng tôi sẽ bắt giữ và đưa ra trình diện trước tòa" - đại diện cảnh sát Hakim Khan đã tuyên bố như vậy. Còn đương kim Thủ tướng Yusuf Raza Gilani khi được hỏi về vấn đề này đã nói rằng, chính phủ của ông chỉ đưa Musharraf ra xét xử nếu như Quốc hội thống nhất được một quyết định như vậy.

Dù sao trước những nguy cơ bị truy tố tại quê hương, cựu Tổng thống Pervez Musharraf nhiều khả năng sẽ quyết định sống lưu vong suốt phần đời còn lại của mình tại nước ngoài

Đ.L. (tổng hợp)
.
.