Về sự cố CĐV Hải Phòng gây rối:

Phải mạnh tay với những kẻ nhân danh "yêu bóng đá"

Thứ Bảy, 20/06/2009, 10:50
Sự cố cổ động viên (CĐV) Hải Phòng gây rối trên SVĐ Hàng Đẫy và ẩu đả với lực lượng CSCĐ làm nhiệm vụ chiều ngày 10/6 như giọt nước làm tràn ly. Sự quá khích của các CĐV đã quá rõ, nhưng đáng buồn hơn: "Quả bóng trách nhiệm" được đá hẳn sang cho lực lượng an ninh.

Bóng đá - rõ ràng không phải là của... lực lượng an ninh, bóng đá là của những người "làm" bóng đá, kiếm tiền từ bóng đá!

Chưa đá đã gây chuyện

Những ai có mặt tại khu vực SVĐ Hàng Đẫy chiều 10/6 vừa qua đều không tin nổi đây là một trận đấu bóng đá. Trận đấu nóng không chỉ ở màn loạn đả của CĐV Hải Phòng với lực lượng CSCĐ mà còn nóng cả ở trong sân.

Trước khi trận đấu bắt đầu 1 tuần, Ban tổ chức sân Hàng Đẫy đã phải toát mồ hôi hột ngồi bàn tính các phương án để sẵn sàng đón CĐV Hải Phòng lên Hà Nội. CĐV Hải Phòng vốn được tiếng là cuồng nhiệt, nhưng một số kẻ quá khích cũng đã gây không ít phiền hà cho địa phương họ đến. Nhiều địa phương từng có đội Hải Phòng đến đá hầu hết đều lắc đầu, lè lưỡi, lo sốt vó.

Trước trận đấu, CATP Hà Nội đã phải huy động đến 700 CSCĐ để phối hợp với các lực lượng khác triển khai nhiều biện pháp giữ trật tự, đảm bảo an toàn cho trận đấu.

Từ trưa ngày 10/6, CATP Hà Nội đã triển khai các lực lượng CSGT, CSCĐ rải khắp các tuyến phố từ ngoại thành để đón các CĐV Hải Phòng. Hàng nghìn CĐV đất Cảng được vào sân an toàn.

Trận đấu vừa bắt đầu, bàn thắng chưa thấy đâu đã thấy CĐV Hải Phòng mang pháo sáng ra đốt. Lực lượng Công an phải rất vất vả mới dập được trái pháo. (Pháo mà những thanh niên Hải Phòng mang lên thường là pháo dùng cho các tàu biển nên có phun nước cũng rất khó dập tắt).

Mấy phút sau, tiền đạo Leandro ghi bàn cho Hải Phòng, CĐV đội này lại biểu lộ sự vui mừng bằng cách... đốt pháo sáng. Những phút sau đó trận đấu căng thẳng với những "vật thể bay" vù vù từ nhóm CĐV này sang nhóm kia: mũ cối, dép tổ ong, chai nước...

Lực lượng CSCĐ đã phải ra tay bắt giữ một thanh niên trong nhóm CĐV Hải Phòng vì đốt pháo sáng. Chưa dừng lại ở đó, nhóm CĐV Hải Phòng còn văng tục với CĐV đội bạn và cả những người làm nhiệm vụ giữ trật tự trên sân. Xô xát hỗn loạn trên khán đài B đã buộc CSCĐ phải dùng đến hơi cay để giải tán đám đông gây hấn. Cứ mỗi lần một chiến sĩ cảnh sát lên khán đài làm nhiệm vụ vãn hồi trật tự thì hàng trăm CĐV quây lại, chen lấn xô đẩy, chửi bới.

Đến nửa cuối trận đấu, khi cầu thủ Thể Công ghi liên tiếp hai bàn thắng thì không khí trên sân Hàng Đẫy mới thực sự hỗn loạn. Lúc này, chai lọ, các vật dụng đã ném hết, các CĐV quá khích chuyển sang "tiết mục" tháo ghế nhựa trên khán đài phang nhau.

Loạn đả trên phố, ném đá cả Văn phòng Quốc hội

Những tưởng hình ảnh các CĐV Hải Phòng và CĐV Nghệ An đuổi đánh nhau cách đây vài tháng đã là những hình ảnh xấu nhất trong lịch sử bóng đá Việt Nam, chiều ngày 10/6 còn chứng kiến hình ảnh tệ chưa từng thấy: CĐV Hải Phòng gây gổ, đánh nhau cả với cảnh sát.

Cảnh tượng hỗn loạn thực sự diễn ra trên phố Nguyễn Thái Học, gần SVĐ Hàng Đẫy. Sau khi được CSCĐ hộ tống CĐV lên gần 40 xe ôtô, một số CĐV quá khích đã có lời lẽ thô tục, lăng mạ người dân ven đường và cả CSCĐ. Một số người không chịu lên xe, gây ra tình trạng ách tắc giao thông nghiêm trọng tại một loạt các tuyến phố Trịnh Hoài Đức, Nguyễn Thái Học, Cát Linh, Trần Phú, Hùng Vương...

Chứng kiến cảnh này, mấy "ông Tây bà đầm" hét toáng lên chạy vào một góc, thật chẳng còn gì hình ảnh của một thành phố hòa bình trong mắt họ.

Không biết có phải xem tivi các cuộc biểu tình ở phương Tây nhiều quá hay không mà lắm thanh niên quên mất mình đang ở đất nước vốn yên bình. Lắm người cũng bắt chước vác gạch đá ném rào rào, có lẽ là cho giống... tivi.

17h30', sự quá khích của một số CĐV lên đến đỉnh điểm. Ngã tư Nguyễn Thái Học-Hùng Vương tắc nghẽn và khung cảnh hỗn loạn nghiêm trọng. Đây là khu vực có rất nhiều cơ quan của Đảng, Chính phủ và các tổ chức quốc tế ở Việt Nam. Hàng trăm thanh niên quá khích mình cởi trần, vừa hét vừa chạy, ném đá vào cảnh sát. Thậm chí, nhiều nhóm CĐV còn ném đá nhằm vào xe taxi chờ khách trên khu vực này.

Một nhóm CĐV Hải Phòng còn dùng gạch đá ném vào cửa của Văn phòng Quốc hội khiến lực lượng bảo vệ phải tạm thời đóng cửa tránh gây thiệt hại. Tại  đây, lực lượng CSCĐ lại buộc phải dùng các biện pháp mạnh là dùi cui điện và hơi cay để trấn áp những kẻ quá khích, mất kiểm soát.

Đánh trọng thương cả CSGT

Chưa dừng lại ở đó, sau khi rời khỏi khu vực nội thành, thấy có dấu hiệu vi phạm quy định an toàn giao thông, lực lượng CSGT tại khu vực cầu Chui - Long Biên đã ra hiệu lệnh dừng xe để kiểm tra, chấn chỉnh. Nhiều kẻ quá khích đã nhảy xuống tấn công CSGT. Hậu quả là 2 chiến sĩ CSGT bị thương.

Có 2 CĐV Hải Phòng bị người dân địa phương đâm trọng thương, phải cấp cứu tại Viện 108 Hà Nội. Anh Lương Mạnh Hữu (22 tuổi) bị đâm ở mạng sườn trái suýt chạm phổi, còn Việt Anh (16 tuổi) nặng hơn, dịch tràn ruột và mất nhiều máu.

Sự việc xảy ra khi đoàn CĐV Hải Phòng đi xe máy về. Hội chia làm 2 tốp, tốp đầu có khoảng hơn 10 xe. Anh Lâm, người điều khiển xe chở Hữu, cho biết, khi vừa vượt qua khúc cua để lên cầu, đột nhiên nghe Hữu kêu đau nhói mạng sườn bên trái. Khi quay lại thì thấy một chiếc SH màu vàng không biển kiểm soát, do một thanh niên nam điều khiển đang áp sát, đằng sau là một cô gái tay cầm dao giống dao quắm.

Sau khi đâm Hữu, người điều khiển chiếc xe này tiếp tục phóng lên phía trên và đâm tiếp các xe mang biển Hải Phòng. Anh Lâm đuổi theo nhưng thấy Hữu ra nhiều máu nên phải dừng lại. Cùng lúc đó, chiếc xe máy màu trắng phía trước cũng phải dừng bên lề do người ngồi sau bị đâm chảy rất nhiều máu. Một chiếc xe của đoàn Hải Phòng đã quay lại đưa 2 người bị nạn tới Viện 108.

Trung đoàn trưởng Trung đoàn CSCĐ Thủ đô, Thượng tá Phạm Văn Hưng cho biết: Trung đoàn vừa báo cáo vụ việc chiều ngày 10/6 lên Ban giám đốc Công an TP Hà Nội. Trong vài ngày tới, Ban giám đốc sẽ chỉ đạo giải quyết các vấn đề đúng theo quy định của pháp luật.

Thiếu tướng Trần Bá Thiều - Giám đốc Công an Hải Phòng cho biết: Những ngày sắp tới, Công an Hải Phòng cũng vào cuộc để xử lý những kẻ gây rối, làm trong sạch và đảm bảo quyền lợi cho những CĐV chân chính.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hiền, Hiệu trưởng Trường trung cấp GTVT Hải Phòng, Chủ tịch Hội CĐV Hải Phòng thừa nhận việc một số CĐV Hải Phòng đã đốt pháo, vi phạm quy định của BTC sân. Nhưng ông cũng cho rằng lực lượng bảo vệ sân cần mềm mỏng hơn. Ông cho biết sau khi kết thúc trận đấu, Hội CĐV đã kêu gọi mọi người bình tĩnh nhưng sự việc đã xảy ra ngoài mong muốn.

Chiều ngày 11/6/2009, PV ANTG đã nhiều lần tìm cách liên lạc với Giám đốc ĐH CLB Xi măng Hải Phòng Đỗ Đại Dương nhưng ông Dương không nhấc máy điện thoại.

Ban tổ chức sân Hàng Đẫy một lần nữa sẽ phải đứng trước các án phạt của VFF. Ít nhất đã có 3 CĐV quá khích có hành vi chống lại lực lượng an ninh bị bắt. Cũng trong chiều ngày 11/6, Giám đốc CATP Hà Nội, Thiếu tướng Nguyễn Đức Nhanh cho biết: Công an Hà Nội đã báo cáo vụ việc lên Bộ Công an. Bản báo cáo này đề cập đến việc không tổ chức các trận đấu của đội XMHP trên địa bàn Hà Nội nếu không cam kết đảm bảo an ninh.  

“Văn hóa đổ lỗi” của những người làm bóng đá

Chuyện một số CĐV Hải Phòng quá khích thường gây mất trật tự ở nhiều địa phương đã không còn là mới. Điều này tạo nên tiếng xấu mà đa số các CĐV chân chính của Hải Phòng phải gánh chịu.

Có cảm giác như nhiều người làm bóng đá, nhiều CĐV chỉ thích "làm khó" hoặc đổ hết trách nhiệm cho lực lượng an ninh. Theo chúng tôi đã đến lúc phải có một cái nhìn rạch ròi: Tại sao Nhà nước lại phải bỏ một khoản tiền khổng lồ, huy động lực lượng quá tốn kém như vậy cho một trận bóng đá chỉ để phục vụ cho một số người?

Giả sử lực lượng an ninh không đặt ra mục tiêu cao nhất là bảo đảm an toàn cho người dân mà đặt ra một bài toán kinh tế thì có lẽ bài toán này đã được giải ngay từ phút đầu tiên: các nhà làm kinh tế từ bóng đá phải bỏ tiền tự lo công tác an ninh, công tác CĐV; lực lượng Công an sẽ hỗ trợ an ninh ở mức cần thiết.

Theo chúng tôi, những người làm bóng đá, trong trường hợp này là LĐBĐ Việt Nam, CLB Xi măng Hải Phòng phải tự tạo cho mình một khung chế tài ngăn chặn nạn hooligan sân cỏ. Cơ quan Công an sẽ hỗ trợ ở mức cần thiết chứ những người làm bóng đá không thể đổ hết lên vai lực lượng Công an được.

Đừng quên, bóng đá là của những người làm bóng đá!

H.T.
.
.