Pháp: Một bác sĩ được minh oan sau hơn 20 năm

Chủ Nhật, 16/04/2006, 08:00

Sau một trình tự tố tụng kéo dài hơn 20 năm và một sự nghiệp ngành y bị tan nát, bác sĩ Jean-Marc Hayum không tìm được từ gì khác ngoài câu: "Tôi đã sống lại" để nói đến hoàn cảnh của ông.

Ngày 2/3/2006, trước sân tòa thượng thẩm Montpellier, cuối cùng gia đình của cô Sandrine S, chào đời bị tàn tật ngày 15/8/1984, chấp nhận không truy tố vị bác sĩ sản khoa đã giúp cô ra đời.

Một cuộc giám định y khoa cuối cùng đã cho thấy cô bé S không liên quan gì đến các điều kiện sinh sản mà là do một dị dạng bẩm sinh. Phải cần đến tất cả 5 cuộc giám định mới biết được thật sự điều gì đã xảy ra với Sandrine S.

Đêm 14/8/1984, bác sĩ Hayum lúc ấy đang làm việc tại Bệnh viện Castres (Tarn) và trực một mình. Một nữ hộ sinh đến thông báo với ông rằng có một phụ nữ mang thai 36 tuần vừa được nhập viện. Bà ta bị nhau nằm thấp và bị xuất huyết. Bác sĩ yêu cầu nữ hộ sinh tiêm truyền thuốc. Suốt đêm cô ta không gọi bác sĩ nữa.

Đến sáng hôm sau, khoảng 9 giờ, sản phụ lại bị xuất huyết. Một nữ hộ sinh khác lại gọi bác sĩ, và Hayum vào bệnh viện thực hiện phẫu thuật, mổ lấy con cho sản phụ đó. Ngay từ khi chào đời, đứa bé có nhiều tổn thương thần kinh. Cha em đệ đơn kiện.

Vào tháng 3/1990, Tòa án tiểu hình Castres thừa nhận bác sĩ can tội không trợ giúp người đang gặp nguy hiểm. Ông bị kết án 4 tháng tù treo và 10.000 frăng tiền phạt. Phán quyết của quan tòa chỉ dựa vào 2 giám định y khoa cho rằng, do bác sĩ chậm thực hiện sinh mổ nên đứa bé bị thiếu oxy và đau đớn dẫn đến tổn thương. 

Vụ việc được đưa ra trước Tòa hành chính để xác định mức tổn hại. Trong thời gian đó, gia đình nạn nhân nhận được 122.000 euro tiền bồi thường ứng trước. Pháp luật đòi hỏi sự lượng định dứt khoát mức độ tổn hại chỉ được xác lập khi tình trạng sức khỏe của Sandrine S. đã ổn định, có nghĩa là đến 16 tuổi.

Vào năm 2001, 2 nhóm giám định viên thừa nhận trách nhiệm của bác sĩ Hayum, và tỉ lệ tổn thương của nạn nhân được xác định là 90%, cần phải có sự trợ giúp 24/24 giờ của một người khác. Bác sĩ được thông báo rằng, mức bồi thường dự trù không dưới 5 triệu euro. Hãng bảo hiểm nghề nghiệp có mức trần chỉ đến 762.000 euro, nên không chịu bào chữa cho ông nữa.

Lâm vào hoàn cảnh tán gia bại sản, bác sĩ Hayum nhờ đến Nghiệp đoàn Quốc gia các bác sĩ sản phụ khoa, ở đấy hướng dẫn ông gặp Giáo sư Claude Racinet, chuyên gia ở Tòa thượng thẩm Grenoble. Qua nghiên cứu, Giáo sư Claude nhận thấy rằng, các yếu tố lâm sàng cần thiết để một bào thai bị ngạt thở cấp đã không hội đủ, ngoài ra lần chụp ảnh cộng hưởng từ tại nước ngoài năm 1997 đã cho thấy Sandrine S bị dị tật bẩm sinh gọi là phình bán cầu não.

Xét theo các yếu tố đó, Tòa thượng thẩm Montpellier chỉ định một nhóm giám định viên khác. Và báo cáo của họ năm 2005 đã rõ ràng: “Chính dị tật bẩm sinh đó là nguyên nhân các rối loạn thần kinh của Sandrine; dị tật này không liên quan gì đến các điều kiện khi sinh nở; dù có phẫu thuật lấy thai vào buổi tối ngày 14/8/1984, cũng không thay đổi được gì cho tình trạng sức khỏe của thai nhi”. 

Qua kết luận của Giáo sư Claude Racinet và các xét nghiệm khác do Tòa thượng thẩm Montpellier tiến hành, bác sĩ Hayum đã được minh oan

Minh Luân (Theo Le Monde)
.
.