Pháp: Phán quyết cuối cùng trong vụ "Angolagate"

Thứ Sáu, 13/11/2009, 08:25
Tòa án phúc thẩm Paris vào ngày 27/10 vừa đưa ra phán quyết cuối cùng đối với vụ án được mệnh danh là "Angolagate" của Pháp, dính líu tới hàng chục thương gia và các quan chức cao cấp, trong đó có cả con trai của cố Tổng thống Francois Mitterrand, người phải nhận bản án 2 năm tù treo cùng một khoản tiền phạt lớn.

Hồ sơ về vụ án nổi tiếng "Angolagate" bắt đầu được mở ra từ năm 1997, khi Chính phủ Pháp để mắt tới hoạt động cung cấp vũ khí trái phép cho Angola với sự dính líu của nhiều nhân vật nổi tiếng tại Pháp. Còn thực tế, những phi vụ trên đã được triển khai từ năm 1993, khi chính phủ của Tổng thống Angola Jose Eduardo dos Santos (lúc này không còn sự trợ giúp của Liên Xô) phải tiến hành những trận đánh ác liệt với phiến quân UNITA.

Quân đội chính phủ khi đó đang rất thiếu thốn vũ khí và đạn dược, khiến Luanda phải lùng mua bằng mọi giá bằng tiền mặt, kim cương và cả dầu mỏ. Sau khi bị Chính phủ Pháp từ chối bán vũ khí, thủ lĩnh Angola đã tìm được hai đối tác quan trọng là Arkadi Gaydamark một thương gia người Israel (khi đó đang sống tại Pháp) và thương gia Pháp Pierre Falcone.

Theo văn bản cáo trạng, Công ty ZTS Osos tại Slovakia của Gaydamark đảm trách việc tìm nguồn cung cấp vũ khí thích hợp từ Nga và các nước Đông Âu, trước khi chuyển chúng tới Angola. Trong quá trình chi trả của những thương vụ này có sự dính líu của Công ty Brenco International do Falcone đứng đầu. Tính chung, các thương gia trên đã bán cho Angola tổng cộng 420 chiếc xe tăng T-62, 150 ngàn đạn pháo, 170.000 mìn chống bộ binh, 12 máy bay trực thăng và 6 tàu chiến với tổng trị giá 791 triệu USD.

Đại diện Viện Kiểm sát Pháp cho rằng, tất cả những thương vụ trên đều trái pháp luật. Bản thân các thương gia cũng nhận thức được mức độ nghiêm trọng của vi phạm trên nên đã tìm mọi cách ngăn chặn nguy cơ bị truy tố tại Pháp bằng cách mua chuộc nhiều nhân vật có ảnh hưởng. Cụ thể, công ty của Pierre Falcone đã trả tổng cộng 2,5 triệu USD cho con trai cả Jean-Christophe Mitterrand của Tổng thống Pháp khi đó là Francois Mitterrand, đang đảm nhiệm vai trò cố vấn về các vấn đề chính sách với châu Phi cho cha. Còn có một số chính khách khác như Jacques Attali (cũng là cố vấn của Tổng thống) nhận 160.000 USD, Bộ trưởng Ngoại giao khi đó là Charles Pasqua nhận 450 ngàn USD v.v... 

Sau một quá trình điều tra lâu dài, hồ sơ cáo trạng (dày tới 468 trang) đã được chính thức chuyển lên tòa án từ một năm trước với tổng cộng 42 bị cáo - tập trung vào các tội danh như buôn lậu vũ khí, tham nhũng, nhận hối lộ v.v... Quy mô lớn và mức độ nghiêm trọng của vụ án đã khiến báo chí Pháp phải mệnh danh đây là vụ "Angolagate", ý muốn so sánh với vụ bê bối Watergate tại Mỹ từng khiến Tổng thống Richard Nixon phải từ chức.

Gần như tất cả các bị cáo trong vụ án đều phủ nhận tội danh của mình. Như Arkadi Gaydamark đã nhiều lần khẳng định: ông ta chỉ là "nhà trung gian về giao dịch dầu mỏ", làm nhiệm vụ chuyển tiền cho Chính phủ Nga theo yêu cầu của Luanda. Bản thân vụ án được Gaydamark gọi là "một âm mưu chính trị" nhằm chống lại ông ta của Tổng cục An ninh đối ngoại Pháp (DGSE), cơ quan bị tố cáo là đã bí mật hậu thuẫn cho UNITA trong cuộc chiến tại Angola. Luật sư của các bị cáo cho rằng, hoạt động của các thân chủ họ không những hợp pháp mà còn "có lợi", do việc bán vũ khí cho Chính phủ Angola đã giúp chấm dứt một trong những cuộc nội chiến đẫm máu nhất tại châu Phi.

Tham gia vào cuộc chiến bào chữa cho Gaydamark cùng Falcone còn có chính quyền Angola, vốn nhờ có sự giúp đỡ của các chuyên gia trên trong những năm 90 mới có thể thanh toán được UNITA và chấm dứt nội chiến. Luanda yêu cầu loại bỏ nhiều bằng chứng buộc tội để không làm tiết lộ nhiều bí mật quốc gia của họ. Ngay trong phiên tòa vừa rồi, Falcone tuyên bố mình vẫn đang có quyền miễn tố ngoại giao do đang là "cố vấn của Chính phủ Angola" tại Tổ chức Giáo dục - Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO), dù kiến nghị trên ngay lập tức bị bác bỏ.

Tòa án cuối cùng dựa trên tất cả các bằng chứng đã có về cơ bản đã phán quyết các tội danh tương tự như bản cáo trạng. Hai nhân vật chính của vụ án - Gaydamark và Falcone - mỗi người đều phải nhận mức án 6 năm tù. Falcone bị bắt giữ ngay tại phiên tòa, còn Gaydamark tất nhiên bị xử vắng mặt do từ lâu, ông ta đã không xuất hiện tại Pháp, đồng thời cũng chưa bao giờ trình diện theo các giấy triệu tập của tòa án.

Trước đó một thời gian không lâu, nhân vật này từng tham gia tranh cử chức thị trưởng Jerusalem tại Israel nhưng chỉ nhận được vỏn vẹn 3,6% số phiếu bầu. Sau khi các cơ quan chức năng Israel bắt đầu mở cuộc điều tra đối với Gaydamark vì nghi ngờ có tham gia hoạt động rửa tiền, ông ta ngay lập tức đã trốn đến Nga.

Một bị cáo khác là cựu Bộ trưởng Charles Pasqua phải nhận mức án 3 năm tù (trong đó có 2 năm án treo) cùng khoản tiền phạt 100.000 USD vì tội danh tham nhũng. Chính ông Pasqua là người đã tác động để  Gaydamark trước đó nhận được Huân chương Chiến công của Pháp. Nhiều nhà quan sát độc lập cho rằng, Chính phủ Pháp vào thời điểm đó thật ra đã chơi trò hai mặt. Vào đầu những năm 90, Paris một mặt kêu gọi không cung cấp vũ khí cho các bên tham gia xung đột tại Angola, mặt khác lại làm ngơ (cho dù không phải là không biết) trước những hoạt động của Falcone và Gaydamark ngay trên đất Pháp.

Cần biết những bị cáo chính trong vụ Angolagate không chỉ hối lộ nhiều nhân vật có ảnh hưởng trên chính trường Pháp, mà còn cộng tác được với một loạt các ngân hàng tại Thụy Sĩ,  mua chuộc các nhân viên tại đây để làm cơ sở đảm bảo tài chính cho giao dịch buôn bán vũ khí của mình

Linh Nga (tổng hợp)
.
.