Pháp: Xét xử Le Pen vì tội biện hộ cho phát xít Đức

Thứ Hai, 07/01/2008, 08:30
Tòa án hình sự Pháp hôm 14/12 vừa mở phiên xét xử thủ lĩnh đảng cực hữu "Mặt trận dân tộc" (FN) Jean-Marie Le Pen. Nhân vật này bị buộc tội công khai biện hộ cho những tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người từng xảy ra tại Pháp trong những năm Chiến tranh thế giới thứ hai, cũng như những cáo buộc phỉ báng và gian lận.

Trước mắt, công tố viên Anne de Fontette đã đề nghị mức án 5 năm tù cộng với khoản tiền phạt 10 ngàn euro đối với chính trị gia nổi tiếng cực đoan này.

Phiên tòa xét xử Le Pen thực ra đã bị trì hoãn tới hai lần, lần gần đây nhất là vào hè năm 2007, với lý do Le Pen phải tham gia cuộc bầu cử Quốc hội. Nguyên nhân dẫn tới phiên tòa này bắt nguồn từ những phát biểu của Le Pen trong một bài trả lời phỏng vấn tuần báo Rivarol của cánh hữu vào ngày 7/1/2005, tức là chỉ vài tháng trước thời điểm lễ kỷ niệm ngày nước Pháp thoát khỏi ách chiếm đóng của phát xít Đức cũng như việc phá bỏ các trại tập trung.

“Tại Pháp - Le Pen tuyên bố - ách chiếm đóng của quân Đức không hề mang tính vô nhân đạo, mặc dù cũng có một vài chuyện quá đáng xảy ra, nhưng đó là chuyện không thể tránh khỏi tại một đất nước có diện tích rộng tới 550.000km2”.

Cũng theo lời Le Pen, bản thân sự tồn tại của một vài trại tập trung ở Pháp đã là bằng chứng cho thấy về “chế độ chiếm đóng dễ dãi” của quân Đức. “Vì nếu như quân Đức muốn bắn giết hàng loạt người dân tại đây, họ chẳng cần xây dựng các trại tập trung” - Le Pen đã đưa ra lý lẽ như vậy để chứng minh cho luận điểm của mình.

Hơn thế nữa, Le Pen còn khẳng định rằng, chính quyền chiếm đóng của Đức, trong đó có cả Gestapo nhiều khi còn tham gia vào vai trò những người bảo vệ dân thường.

“Tôi vẫn nhớ về một vụ việc ở miền Bắc đất nước, khi một viên trung úy Đức vì tức giận do tàu bị đánh bom trật bánh khiến nhiều binh sĩ trong đơn vị bị chết, đã ra lệnh xử bắn tất cả những người dân tại ngôi làng nằm gần sát đó. Theo lệnh của anh ta, một vài thường dân đã bị giết hại, trước khi có 2 chiếc xe của Gestapo tới và ra lệnh ngừng ngay vụ tàn sát. Có thể đưa ra rất nhiều trường hợp tương tự như vậy” - Le Pen tuyên bố.

Ví dụ được Le Pen nêu ra trên thực tế chính là vụ thảm sát ngày 2/4/1944 tại thị trấn Ascq. Đêm 1 và 2/4, các tay súng của lực lượng kháng chiến Pháp đã đặt bom tấn công một đoàn tàu chở binh lính và vũ khí của Sư đoàn tăng SS số 12 được chuyển từ Bỉ tới Normandi để bảo vệ vùng bờ biển tại đây. Nắm quyền chỉ huy trên chuyến tàu này là viên Trung úy 26 tuổi Walter Hauck. Khi đoàn tàu đi ngang qua thị trấn Ascq, vụ nổ đã khiến 3 toa tàu chở xe bọc thép bị trật đường ray, nhưng không có ai bị chết. 

Ngay sau đó, người dân của thị trấn Ascq đã bị dựng dậy khỏi giường để sửa chữa nền đường sắt bị hư hại. Khi xong việc, quân Đức bắt đầu xả súng tàn sát dân thường. Những người bỏ chạy thì bị một tên xạ thủ bắn tỉa đứng trên ngôi nhà gần đó lạnh lùng tiêu diệt.

Vụ tàn sát chỉ được ngưng lại, sau khi một đơn vị cảnh sát dã chiến tại Lille được cử tới, nhờ viên chỉ huy nhà ga tại Ascq đã gọi điện báo. Nhưng khi đó đã có tổng cộng 86 người dân bị sát hại. Sau chiến tranh, thị trấn phải hứng chịu bi kịch trên đã được đổi tên thành Villeneuve d'Ascq.

Với những phát biểu kiểu trên, Le Pen đã làm cho rất nhiều người phải nổi giận, nhất là những nạn nhân của phát xít Đức từ thời bị chiếm đóng. Kết quả là ông ta bị khởi tố liên quan đến hai lời cáo buộc. Đầu tiên là theo yêu cầu của người dân Villeneuve d'Ascq kiện Le Pen vì âm mưu “minh oan” cho Gestapo - một tổ chức tội phạm đã bị Tòa án Quốc tế Nuremberg thừa nhận. Lời cáo buộc thứ hai liên quan đến tội “cố tình bác bỏ những tội ác chống lại loài người”.

Các nguyên đơn ngoài người dân Villeneuve d'Ascq còn có một loạt tổ chức xã hội khác như Liên đoàn Nhân quyền, Phong trào chống phân biệt chủng tộc vì tình hữu nghị giữa các dân tộc, Liên đoàn Quốc tế Chống chủ nghĩa phân biệt chủng tộc và bài Do Thái v.v...

Các nguyên đơn cho rằng, những tuyên bố của Le Pen chỉ nhằm giảm bớt tính nghiêm trọng về tội ác những tên phát xít trước đây đến mức có thể coi là được “hợp pháp hóa”.

Những phát biểu gây sốc của Le Pen cũng gây ra sự phản ứng ngay trong nội bộ đảng FN do ông ta đứng đầu, hiện được coi là có nhiều nỗ lực nhằm cải thiện hình ảnh của đảng trước mắt người dân.

Nhiều quan chức lãnh đạo trong FN là con cái của những cựu chiến binh, chẳng hạn như Mari-Franc Tirbua, cũng công khai bày tỏ sự phản đối của mình.

Thậm chí cả Marie Le Pen, con gái đồng thời là người rất có khả năng sẽ kế nhiệm Le Pen trên cương vị lãnh đạo FN, cũng đã có cuộc nói chuyện nghiêm túc với cha mình về chuyện này. Marie khi đó đã nói thẳng với cha rằng, những phát biểu của ông về Chiến tranh thế giới thứ hai đang gây tổn hại cho đảng, biến FN thành một mục tiêu của những đòn công kích. 

Theo đánh giá, dù Le Pen có rút lại hay không những phát biểu của mình, uy tín của ông ta cũng chẳng có cơ hội được cải thiện. Le Pen cho tới giờ là chính trị gia duy nhất tại Pháp đã phải ra tòa tới... 25 lần với một loạt tội danh như “bào chữa cho các tội ác chiến tranh” (hồi năm 1971 và 1986), “kích động hằn thù chủng tộc” (1987) và “kích động cho chủ nghĩa bài Do Thái” (1986).

Hồi năm 1991, Tòa án đã phán quyết Le Pen có tội vì “âm mưu nhìn nhận lại các tội ác chống nhân loại”, sau khi ông ta tuyên bố “phòng hơi ngạt của phát xít Đức chỉ là chuyện đơm đặt”, và không có bất cứ cam kết đạo đức nào để có thể tin vào sự tồn tại của chúng.

Dù vậy, đến năm 1997, Le Pen một lần nữa đã lặp lại những phát biểu trên và lại phải... ra tòa.

Dù có bị kết án hay không, thì những phát biểu của Le Pen biện minh cho thủ phạm từng gây ra một quá khứ đau thương cho dân tộc Pháp chắc chắn chỉ làm cho đảng của ông ta bị mất thêm sự ủng hộ của cử tri

Đinh Linh (tổng hợp)
.
.