Quái chiêu của cô giáo kinh doanh "game trí tuệ"

Thứ Hai, 09/11/2015, 17:00
Chiêu thức kinh doanh cái gọi là "trò chơi trí tuệ" đã đánh trúng lòng tham với những lời quảng cáo "một vốn bốn lời" của cô giáo tiểu học ở phố núi Kon Tum đã khiến nhiều người hám lợi sa bẫy lừa. Rõ ràng núp bóng kinh doanh “game trí tuệ" nhưng thực chất vẫn là trò lừa đảo huy động vốn lãi suất cao nên nhiều người đã lao vào cuộc chơi như những con thiêu thân rồi gánh lấy hậu quả tiền mất, tật mang...

Nhìn vẻ mặt bề ngoài của cô giáo Lê Thị Tân, 45 tuổi, giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, TP Kon Tum không ai nghĩ cô ta là kẻ lừa đảo. Trời phú cho cô có nước da trắng trẻo, ăn nói nhẹ nhàng nên Lê Thị Tân đã thu phục được người khác từ các mối quan hệ thân quen. Đầu tiên, Tân rao với bạn bè rằng mình mở chi nhánh kinh doanh game trí tuệ lợi nhuận rất cao? Để tạo ra sự hấp dẫn nhằm lôi kéo người khác, Tân giới thiệu mình hiện là người đại diện cho Công ty sản xuất phần mềm game trí tuệ của Phần Lan? Công ty này thông qua phần mềm Game Beautiful World phiên bản Hồng Kông đăng tải trên trang web có địa chỉ tên miền yyvv3.com...

Đối tượng Lê Thị Tân.

Bên cạnh đó, để tăng tính thuyết phục, Tân tổ chức nhiều buổi "hội thảo" về đầu tư phần mềm Game Beautiful Heros thu hút số đông người tham dự tại TP Pleiku, tỉnh Gia Lai; xã Đắkhring, huyện Đắk Hà, tỉnh Kon Tum và tại nhà ở của Tân ở số 87 - Trường Chinh, TP Kon Tum. Bằng tài diễn thuyết khá thuyết phục trước đám đông của cô giáo Tân về cách đầu tư, thu lợi nhuận khủng nên đã lôi kéo nhiều người tham gia và giao tiền cho Tân. Ngoài ra, Tân còn đưa ra chiêu thức dùng chính người được lôi kéo để đưa người thân của họ vào cuộc chơi. Với mức hoa hồng trên tổng số tiền doanh thu cao nên nhiều người tham gia đã không ngần ngại đáp ứng mọi yêu cầu của Tân.

Chị Đặng Thị V. ở phường Nguyễn Trãi, TP Kon Tum là người có mối quan hệ quen biết với Tân khá lâu nên đầu năm 2015, được Tân giới thiệu việc kinh doanh hay quá nên tìm hiểu và làm theo. Đầu tiên là mở tài khoản ngân hàng rồi nạp tiền vào chương trình sản xuất phần mềm “game trí tuệ” của công ty để phát triển kinh doanh và thu lợi nhuận? Nghĩ Tân là giáo viên, chồng cũng làm trong cơ quan nhà nước nên chị V. không một chút nghi ngờ, mà gom hết số tiền gần 1 tỉ đồng dành dụm và vay mượn của một số người khác đem giao cho Tân. Để lấy lòng tin, thời gian đầu Tân thực hiện việc chuyển trả một phần tiền khá nhanh gọi là gốc và lãi vào tài khoản cá nhân của chị V. mở tại Ngân hàng Vietcombank và Agribank. Thế nhưng sau đó, Tân không trả lãi cho chị V. nữa mà nại lý do, thị trường game tạm ngừng hoạt động giao dịch vì làm ăn khó khăn. Khi Tân đưa ra thông tin này, nhiều người đã tá hỏa như đứng trên đống lửa.

Sau khi tuyên bố ngừng trả lãi, Tân không trả lại tiền vốn cho người đầu tư và cắt đứt mọi liên lạc. Hơn 30 người ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Kiên Giang, Hưng Yên... tham gia vào cuộc chơi do cô giáo Tân chiêu dụ với số tiền hàng chục tỉ đồng có nguy cơ bị mất trắng.

Biết bị lừa, nhiều người đã đến Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (PC45), Công an tỉnh Kon Tum gửi đơn tố cáo Lê Thị Tân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Để làm rõ vụ việc, Công an tỉnh Kon Tum đã cử các điều tra viên có nhiều kinh nghiệm phối hợp cùng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao, Bộ Công an nhanh chóng vào cuộc điều tra. Từ các thông tin thu thập được, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Kon Tum đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành lệnh bắt tạm giam 4 tháng đối với Lê Thị Tân về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Bước đầu Tân khai nhận, bằng phương thức thủ đoạn đưa ra lợi nhuận cao nên đã lôi kéo nhiều người tham gia vào việc chơi game trí tuệ rồi chiếm đoạt tiền. Theo Tân, người đầu tư lần đầu tiên chỉ bỏ ra 5.400.000 đồng trong thời hạn ngắn sẽ thu lại được số tiền gấp đôi nên nhiều người tham gia vì hám lợi. Thực tế, không có lợi nhuận nào từ việc kinh doanh mà chỉ là tiền gốc của các nạn nhân nộp vào rồi Tân lấy chính tiền đó trả lãi cho người khác. Với thủ đọan tinh vi trên, tính từ tháng 1/2015 đến tháng 6/2015, có hàng chục người  tham gia đầu tư. Bằng cách đó, Tân chiếm đoạt tổng số tiền khoảng 7,5 tỉ đồng, trong đó tiền mặt trực tiếp nộp cho Tân khoảng 4,1 tỉ đồng, chuyển vào tài khoản của Tân mở tại ngân hàng 3,4 tỉ đồng.

Đáng chú ý là khi thu tiền Tân chỉ thỏa thuận miệng với một số người bị hại, không có giấy tờ gì chứng minh Tân là người đại diện của Công ty sản xuất phần mềm Game Beautiful World Phần Lan nên đến ngày 19/6/2015 họ không thể đăng nhập vào phần mềm của Game Beautiful Heros để thực hiện các thao tác nhận, bán xu như trước đây nữa.

Thời gian qua ở địa bàn Tây Nguyên liên tiếp xảy ra hàng loạt vụ vỡ nợ với số tiền lên tới hàng trăm tỉ đồng. Các hình thức lừa đảo, núp bóng ngày càng tinh vi, xảo quyệt như góp vốn đầu tư kinh doanh thuốc tân dược, thiết bị y tế cho Dương Thị Hoài Thu - Giám đốc Công ty TNHH MTV Tâm Thành Phát Gia Lai đưa ra với lãi suất cao rồi chiếm đoạt hàng trăm tỉ đồng.

Ở Kon Tum, ngoài vụ lừa đảo kinh doanh “game trí tuệ” của cô giáo Lê Thị Tân vừa bị bắt còn có một số trò chơi tương tự như "môi trường xanh", "một đồng xu", "trakoder"... dưới hình thức như bán hàng đa cấp, do đó người dân cần nêu cao cảnh giác, tránh bị lôi kéo vì phía sau những phần thưởng, khoản tiền lợi nhuận cao rất có thể là những tình huống không thể ngờ mà đã có không ít bài học tan cửa nát nhà chỉ vì lòng tham, ham muốn lợi nhuận "khủng" trong khi chẳng hề bỏ ra sức lao động chính đáng nào?

Ngọc Như
.
.