Số phận về chiều của tên cướp nổi tiếng nhất nước Anh

Thứ Ba, 03/09/2013, 08:45

Trong những ngày này, báo giới Vương quốc Anh lại rộ lên những thông tin xoay quanh Ronnie Biggs, tên tội phạm cuối cùng còn sống trong vụ cướp toa xe lửa chở tiền đúng 50 năm trước.

Rạng sáng ngày 8/8/1963, đúng dịp sinh nhật lần thứ 34 của mình, Ronnie cùng 14 đồng bọn khác đã tham gia cướp đoàn tàu bưu điện chạy theo tuyến từ Glasgow (Scotland) đến thủ đô London. Nhóm cướp do tên Bruce Reynolds 32 tuổi, chủ mưu cải trang bằng đồng phục nhân viên đường sắt đứng giữa đường ray ngang cây cầu Bridego, khiến lái tàu Jack Mills (đã mất năm 1970) phải dừng lại vì tưởng có sự cố...

Không sử dụng vũ khí nóng, toán cướp chỉ dùng những thanh sắt nhọn đánh J. Mills đến ngất xỉu, rồi nhanh chóng xông lên các toa xe khống chế các nhân viên bưu điện tháp tùng đoàn tàu, tìm kiếm và nẫng đi 128 bao chuyên dụng đựng tiền nằm rải rác trên các toa khác nhau, chứa số hiện kim tổng cộng lên đến hơn 26 triệu bảng Anh, tương đương 46 triệu bảng tính theo thời giá hiện nay. Chúng chuyển số "chiến lợi phẩm" nặng tới 2,5 tấn, chủ yếu là những tờ giấy bạc trị giá 1 bảng, 5 bảng, 10 bảng và tiền xu vừa cướp được bằng xe ngựa đến chiếc xe tải đã đợi sẵn, nằm cách hiện trường gần nhà ga Ledburn, thị trấn Mentmore thuộc địa hạt Buckinghamshire khoảng 800m.

Sau khi trú ẩn hơn một tháng ròng trong một ngôi nhà thuê từ trước ở địa hạt Oxfordshire, toán cướp chia tiền với mỗi tên hơn 150.000 bảng rồi đường ai nấy đi... Rốt cục sau những nỗ lực truy lùng gắt gao, cảnh sát đã bắt được 12 tên trực tiếp tham gia vụ cướp, trong đó có R. Biggs và 2 kẻ nội gián làm việc trong ngành hỏa xa đã mật báo kế hoạch chuyên chở cho B. Reynolds; đồng thời số tiền bị mất chỉ thu hồi được một phần nhỏ. Riêng 3 tên còn lại mãi mãi không tìm thấy được, bởi chúng không có danh tính cụ thể mà chỉ mang các bí danh gồm "số 1", "số 2" và "số 3", cũng như gia nhập toán cướp do tình cờ quen R. Biggs vào đêm trước khi diễn ra vụ tấn công đoàn tàu.

Phiên tòa xử "vụ cướp thế kỷ" diễn ra tại thị trấn Aylesbury, thuộc địa hạt Buckinghamshire vào cuối tháng 10/1964 đã tuyên phạt 9 bị cáo tổng cộng hơn 300 năm tù. Riêng kẻ chủ mưu B. Reynolds cùng 4 tên đồng bọn khác trốn ra nước ngoài đều lần lượt bị bắt trong những năm sau đó. Bản thân R. Biggs là một trong những tên cầm đầu "vụ cướp thế kỷ" lĩnh mức án 30 năm tù giam.

R. Biggs rời tòa với bản án 30 năm tù.

Sở dĩ R. Biggs trở nên nổi tiếng vì hắn là kẻ duy nhất trong toán cướp đào thoát khỏi nhà tù Wandsworth phía tây nam London. Vào ngày 8/7/1965, sau 18 tháng bị bắt và thụ án, R. Biggs đã dùng thang dây tự chế vượt ngục, sau đó trốn trên một chiếc tàu thủy đến Brussels (Bỉ). Từ đây hắn chuyển sang Paris (Pháp) tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ, thay hình đổi dạng cùng giấy tờ giả mang danh tính mới.

Năm 1966, R. Biggs cùng vợ con trốn sang Australia, di chuyển nhiều nơi từ Sydney, rồi Melbourne đến Adelaide và Melbourne để tránh bị phát hiện. Tháng 3/1970, khi việc trốn tránh trên đất Australia bị bại lộ, hắn liền dùng hộ chiếu giả lên tàu du lịch xuyên đại dương đến Panama rồi bay tới Rio De Janeiro (Brazil).

Năm 1974, phóng viên Colin MacKenzie của tờ Daily Express phát hành ở London tình cờ phát hiện nơi tên tội phạm khét tiếng đang ẩn náu. Nhưng cô vợ sau của R. Biggs là nữ vũ công hộp đêm Raimunda de Castro đã có thai, trong khi luật pháp nước sở tại vào thời điểm đó không cho phép cha mẹ của một đứa trẻ sắp chào đời bị dẫn độ, nên tên tướng cướp vẫn nhởn nhơ sống ngoài vòng pháp luật. Cảnh sát Rio De Janeiro chỉ cấm R. Biggs lui tới các tụ điểm giải trí và không được ra khỏi nhà sau 22h.

Vợ chồng R. Biggs kiếm thêm thu nhập bằng cách mở quán thịt nướng tại gia, lôi cuốn du khách bằng các chuyện kể của kẻ từng trực tiếp tham gia "vụ cướp thế kỷ". Thậm chí R. Biggs còn công khai xuất hiện, cùng thu âm lời hát của mình với ban nhạc Sex Pistols, khi nhóm nhạc rock nổi tiếng của Anh thực hiện chuyến lưu diễn vòng quanh Nam Mỹ năm 1978.

Đến tháng 4/1981, R. Biggs bị một nhóm người bắt cóc đưa đến quốc đảo Barbados trong quần đảo Antilles ở Trung Mỹ, hy vọng nhận được 10.000 bảng tiền thưởng cho ai giúp bắt được những tên tội phạm trong "vụ cướp thế kỷ" như giới chức Anh công bố. Nhưng ngặt một nỗi, giữa Barbados và Vương quốc Anh lúc ấy chưa ký kết Hiệp định tương trợ tư pháp và dẫn độ tội phạm, nên R. Biggs được thả lại về Brazil.

Đột nhiên sau 36 năm vượt ngục, tên tướng cướp khét tiếng thuở nào lại muốn trở về cố hương thụ án tiếp cho dù đã quá ngưỡng thất thập. Ngày 7/5/2001, khi vừa đặt chân xuống sân bay Heathrow của Anh, R. Biggs liền bị bắt giữ và tống ngay vào nhà tù Belmarsh, tiếp tục “nằm ấp” nốt 28 năm còn lại như án đã tuyên gần 4 thập niên trước.

Ngày 6/8/2009, sau quá trình thụ án tổng cộng 1/3 bản án, R.Biggs được Bộ trưởng Tư pháp Dominic Grievexét trả tự do vì lý do nhân đạo, chiếu cố tuổi tác đã quá già nên không thể tiếp tục sống trong điều kiện lao tù được nữa. Trước đó, R. Biggs liên tục trải qua những cơn đột quị trong tù, hậu quả cuối cùng là bị liệt toàn thân. Đó là số phận bi đát của tên tướng cướp nổi tiếng nhất Vương quốc Anh trong giai đoạn cuối đời

Q.Phú (tổng hợp)
.
.