Sự thật về “gói tài chính đô la cổ”

Thứ Hai, 03/04/2017, 15:45
Lợi dụng lòng tham và sự thiếu hiểu biết của nhiều người, Nguyễn Huy Hải đã tung ra kịch bản mang tên “Gói tài chính đô la cổ” để lừa đảo, chiếm đoạt hàng tỷ đồng. Chiêu trò khai thác những kho báu đô la cổ là một trong những thủ đoạn lừa đảo tài chính tinh vi khiến không ít người mắc bẫy...

Ly kỳ hợp đồng thế chấp “gói đô la mặt xanh mặt đỏ”     

Sau một thời gian trốn truy nã, ngày 29-3 vừa qua, chủ mưu của chiêu trò lừa đảo mang tên “Gói tài chính đô la cổ” đã tới cơ quan điều tra đầu thú. Đó là Nguyễn Huy Hải (62 tuổi), Chủ tịch HĐQT Công ty CP tư vấn đầu tư Việt Nam Toàn cầu (viết tắt là công ty Toàn cầu). Trước đó, Nguyễn Huy Hải đã bị cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội ra quyết định khởi tố bị can, quyết định truy nã về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo tài liệu của cơ quan điều tra, Công ty Toàn cầu được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp lần đầu ngày 8-4-2013, có trụ sở tại số 402 lô CT1 đường Đỗ Nhuận, phường Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội, do Nguyễn Huy Hải làm Chủ tịch HĐQT - đại diện theo pháp luật, cổ đông sáng lập gồm Nguyễn Huy Hải, Phạm Thị Thành, Nguyễn Văn Hân.

Ngay sau khi thành lập công ty, đầu tháng 4-2013, Nguyễn Huy Hải triệu tập họp các cổ đông sáng lập và cán bộ của công ty gồm: Phạm Thị Thành - Tổng Giám đốc, Nguyễn Thị Mai Hoa - Trưởng Phòng tổ chức, Nguyễn Thị Hà - nhân viên phòng hành chính, Nguyễn Văn Hân - thành viên HĐQT.

Tại cuộc họp, Nguyễn Huy Hải thông báo đang cần 4 tỷ đồng để đầu tư vào “Gói tài chính đô la cổ” đang trôi nổi ngoài thị trường và đề nghị những người có mặt trong cuộc họp đi lo giúp cho Hải số tiền này. Theo lời Hải thì khi mở được gói tài chính đô la cổ sẽ có lợi nhuận rất lớn, sẽ được thưởng ngay 4 tỷ đồng và 10% giá trị gói tài chính đô la cổ.

Hợp đồng thế chấp gói tài chính đô la cổ do Nguyễn Huy Hải tự tạo dựng nhằm thực hiện hành vi lừa đảo và Quyết định truy nã Nguyễn Huy Hải.

Do tất cả những người dự họp đều không có tiền nên Nguyễn Thị Mai Hoa đưa ra phương án nhờ Nguyễn Mạnh Dũng - Giám đốc Công ty Kim khí (là chồng cũ của Hoa) giúp mua nợ thép của Công ty TNHH thương mại Đăng Đạo, sau đó bán thép lấy tiền cho Hải. Nguyễn Huy Hải và Phạm Thị Thành đã gọi điện thoại cho anh Nguyễn Mạnh Dũng đặt vấn đề nhờ Dũng đứng ra bảo lãnh cho Công ty Toàn cầu mua nợ thép của Công ty TNHH thương mại Đăng Đạo.

Ban đầu, Nguyễn Mạnh Dũng không đồng ý nhưng khoảng 2 ngày sau, Dũng trao đổi với Hải và Thành, đồng ý đứng ra bảo lãnh mua thép với điều kiện Hải và Thành phải ký hợp đồng thế chấp “Gói tài chính đô la cổ” cho Dũng. Ngày 13-4-2013, Nguyễn Huy Hải, Phạm Thị Thành đã ký hợp đồng thế chấp “Gói tài chính tiền bảo chứng vàng mệnh giá 100.000 USD mặt xanh mặt đỏ” với Nguyễn Mạnh Dũng.

Theo nội dung hợp đồng thì bên thế chấp sẽ thực hiện việc thế chấp gói tài chính tiền bảo chứng bằng vàng mệnh giá 100.000 USD series 1934 mặt xanh mặt đỏ (theo giải thích đây là loại 100 USD lưu hành trên thị trường đã hết hạn sử dụng khi đưa vào ngân hàng thu đổi thì 100.000 USD sẽ có trị giá 10 triệu USD) để được nhận vay hỗ trợ tài chính từ bên nhận thế chấp số tiền được tạm tính là 300 tấn thép tương đương 4,86 tỷ đồng.

Sau khi ký hợp đồng thế chấp trên, Nguyễn Huy Hải chỉ đạo Phạm Thị Thành đứng ra ký hợp đồng mua thép với Công ty TNHH thương mại Đăng Đạo và giao cho Nguyễn Thị Mai Hoa, Nguyễn Thị Hà tìm mối tiêu thụ thép. Ngày 15-4-2013, Công ty Toàn cầu có thông báo thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh: Phạm Thị Thành - Tổng Giám đốc là người đại diện theo pháp luật, bổ sung ngành nghề kinh doanh là buôn bán sắt thép... và thay đổi bổ sung thêm cổ đông sáng lập đối với Nguyễn Thị Mai Hoa và Nguyễn Thị Hà.

Cùng ngày, Nguyễn Mạnh Dũng đứng ra bảo lãnh cho Phạm Thị Thành - Tổng Giám đốc Công ty Toàn cầu ký kết hợp đồng mua bán thép với Công ty TNHH thương mại Đăng Đạo, được nợ 30 ngày chưa phải thanh toán ngay số tiền mua thép với số lượng thép là 338.924kg giá trị là trên 5,4 tỷ đồng.

Mặc dù thực tế không có quan hệ và ký kết bất cứ hợp đồng nào với các đối tác để cung cấp thép nhưng trong đơn đặt hàng của Công ty Toàn cầu (do Phạm Thị Thành đại diện) chuyển cho Công ty TNHH thương mại Đăng Đạo lại ghi nội dung: cung cấp thép cho công trình tại Trung tâm Thể dục thể thao Bắc Giang. Việc ghi nội dung gian dối trên nhằm mục đích để Công ty Đăng Đạo xuất thép cho Công ty Toàn cầu.

Đối tượng Nguyễn Huy Hải (ảnh do cơ quan điều tra cung cấp).

Sau đó, Nguyễn Huy Hải, Phạm Thị Thành chỉ đạo Nguyễn Thị Mai Hoa, Nguyễn Thị Hà đi nhận thép tại kho và tìm mối tiêu thụ. Hoa và Hà đã bán số thép trên, thu về hơn 3,8 tỷ đồng. Trong số tiền này, Hà giữ lại 200 triệu đồng, còn lại Hoa và Hà chuyển trên 3,6 tỷ đồng cho Nguyễn Huy Hải và Phạm Thị Thành. Số tiền này đã được Nguyễn Huy Hải cầm hết để đầu tư vào “Gói tài chính đô la cổ”.

Hải khẳng định trong vòng 10 ngày sẽ lo được tiền để trả cho Công ty Đăng Đạo. Tuy nhiên một thời gian sau, Nguyễn Huy Hải không lo được tiền trả nợ như đã hứa hẹn nên cả Hải và Thành đã bỏ trốn.

Ngày 31-3-2016, Cơ quan CSĐT Công an TP Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và ra quyết định truy nã. Ngày 10-5-2016, Phạm Thị Thành đến cơ quan điều tra đầu thú. Sau đó gia đình bị can Thành đã tự nguyện đến Công ty Đăng Đạo nộp 500 triệu đồng để khắc phục một phần hậu quả.

Quá trình điều tra, ngày 15-3-2017, Cơ quan CSĐT đã ra quyết định thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, quyết định thay đổi quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thị Thành từ tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” sang  tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; đồng thời ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Nguyễn Huy Hải, Nguyễn Thị Mai Hoa, Nguyễn Thị Hà cùng về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Theo cơ quan điều tra,  khi tới Cơ quan công an đầu thú, Nguyễn Huy Hải trình bày về “Gói tài chính đô la cổ” khá ly kỳ. Hải tự nhận rằng ông ta được bổ nhiệm làm đại diện tại Việt Nam của một tổ chức tòa án quốc tế, là người được phép quản lý, xử lý số tiền 6.666 tỷ USD là tiền của một cá nhân gửi tại một ngân hàng ở Hong Kong từ năm 1934 đến nay đã sinh lời vô kể (?!).

Trần Văn Một trước vành móng ngựa.

Những phi vụ lừa mang tên “kho báu đô la cổ”

Thực tế thì chiêu bài về kho báu “tiền đô la cổ” là một trong những thủ đoạn lừa đảo tài chính tinh vi xuất hiện tại Việt Nam trong những năm gần đây khiến không ít người mắc bẫy.

Một trong những  kẻ thêu dệt nên câu chuyện huyễn hoặc về kho báu USD cổ để lừa đảo những người nhẹ dạ, hám lợi là Trần Văn Một (45 tuổi, ở Đức Huệ, Long An). Đầu năm 2011, Trần Văn Một thành lập Công ty TNHH một thành viên Hà Nội - Hoàng Ngân (Công ty Hoàng Ngân). Thực tế công ty này không hoạt động sản xuất kinh doanh gì nhưng đã được Một khuếch trương bằng số vốn đăng ký tự khai lên tới 500 tỷ đồng.

Trong thời gian này, thông qua người quen, Trần Văn Một vay bà Vũ Thị Thuận (ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) 4,4 tỷ đồng với tiền lãi phát sinh theo thỏa thuận là 50.000 USD chỉ sau 10 ngày vay mượn. Toàn bộ số tiền này, theo Một khai đã chuyển cho đối tượng tên Nguyễn Đức Khải nhưng không rõ địa chỉ, sau đó Khải biến mất nên Một mất khả năng thanh toán với bà Thuận.

Bị thúc nợ, Trần Văn Một đã vẽ ra một kịch bản khai thác kho báu hết sức ly kỳ nhằm lừa tiền của mọi người. Để có thêm người vào các vai diễn tuyên truyền về kho báu không tưởng này, Trần Văn Một chủ động mời các ông Phạm Văn Cường (ở Phú Thọ), Phạm Viết Ngọ (ở Nghệ An) làm Phó Tổng giám đốc Công ty Hoàng Ngân, ông Hà Đình Cử (ở Bắc Giang), bà Nguyễn Thị Hà (ở Hoàng Mai, Hà Nội) làm thành viên công ty. Sau đó, Một thông báo cho các thành viên của công ty biết đang khai thác kho báu “Hoa Mai Hội” chứa toàn tiền xu USD cổ khi quy đổi sang tiền hiện hành có giá trị lên đến hàng trăm tỷ USD.

Một tiết lộ kho báu này do một vị tướng quân đội quản lý nhưng do vị tướng đang lâm bệnh hiểm nghèo nên giao cho Một quản lý và thực hiện việc đổi kho báu tiền xu đô la cổ sang tiền mặt. Một tung ra những tờ giấy in màu hình những đồng tiền xu USD cổ với ghi chú, bản đồ kho báu mang màu sắc kỳ bí rồi triệu tập một cuộc họp bàn cách khai thác kho báu.

Tại cuộc họp này, Một tự đưa ra bản thảo hợp đồng hợp tác hoán đổi tiền cổ trị giá 200 tỷ đồng giữa Công ty Hoàng Ngân và một đối tác, sau đó đề nghị các thành viên trong công ty cho vay tiền hoặc đi huy động vốn để triển khai thực hiện dự án.

Để kịch bản thêm hấp dẫn, Trần Văn Một còn kết hợp với đối tượng Tống Văn Biên (ở TP Hồ Chí Minh) và Đèo Văn Nghĩa (ở Lai Châu) mua những đồng xu được làm bằng hợp kim màu vàng hình tròn, in mệnh giá 10.000 USD được sản xuất ở nước ngoài rồi vận chuyển về Việt Nam, “vẽ” thành một kho báu trị giá 72 tỷ USD rồi úp mở cho một số người xem.

Bằng những chiêu trò ma quái này, Trần Văn Một đã huy động được tổng cộng trên 3,4 tỷ đồng của nhiều người ở các tỉnh, thành phố, hứa hẹn sẽ chia lợi nhuận cao cho họ. Tuy nhiên số tiền này đã được Một mang đi trả nợ và ăn tiêu hết. Cuối năm 2015, TAND TP Hà Nội đã đưa ra xét xử, tuyên phạt Trần Văn Một 8 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Dùng thủ đoạn bịa đặt thông tin về các kho tiền đô la Mỹ cổ trị giá hàng trăm tỷ USD đang nằm rải rác trên khắp lãnh thổ Việt Nam còn có “siêu lừa” Nguyễn Thành Chơn (ở quận 6, TP Hồ Chí Minh”. Biết ông Huỳnh Văn Chính (ở Bình Chánh) có 2 hộp Bond (hộp chứa phôi in tiền đô la Mỹ) ghi series sản xuất năm 2003 và 2006, Chơn lừa ông Chính rằng mỗi hộp Bond có giá trị gần 300 tỷ USD, nếu mang trình cho “Cục Dữ liệu liên bang Mỹ” và “Quỹ Tiền tệ Quốc tế” thì ông Chính sẽ được hưởng 0,5% từ số tiền trên.

Chơn dụ ông Chính đưa 2 hộp Bond và 600 triệu đồng làm lộ phí để Chơn đi làm thủ tục lĩnh tiền hộ. Một thời gian sau, Nguyễn Thành Chơn dẫn một người đàn ông đến gặp ông Chính, giới thiệu là người trông coi kho tiền đặt tại một hòn đảo ở tỉnh Kiên Giang. Chơn gợi ý sẽ đóng thuyền mang 2 hộp Bond ra đảo để đổi lấy tiền từ kho mang về.

Tin lời Chơn, ông Chính đưa thêm cho anh ta 1,5 tỷ đồng để đóng thuyền ra đảo chở tiền về. Một thời gian sau không thấy Chơn mang tiền về, ông Chính hỏi thì Chơn lại đưa ra lý do thuyền phải đi vòng qua đường... Campuchia để tránh bị kiểm soát (?!).

Cũng với kịch bản khai thác “kho tiền” từ 2 hộp Bond trên, Nguyễn Thành Chơn và đồng bọn còn lừa đảo một phụ nữ ở TP Hồ Chí Minh, chiếm đoạt trên 4 tỷ đồng. Sau khi nhận đơn tố cáo của người bị hại, cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ, vạch trần sự thật kho báu được thêu dệt từ 2 hộp Bond mà Nguyễn Thành Chơn tạo dựng ra là không có thật. Cùng với hành vi lừa đảo mua bán đất khác, Nguyễn Thành Chơn đã bị TAND TP Hồ Chí Minh xét xử, tuyên phạt 17 năm tù giam.

Theo cơ quan điều tra, những thông tin như  khai thác “kho báu đô la cổ”, thu mua đô la cổ trôi nổi trên thị trường... chỉ là chiêu trò lừa bịp của những ổ nhóm lừa đảo chuyên nghiệp tung ra, nhằm vào lòng tham của nạn nhân để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Thông báo

Cơ quan CSĐT đề nghị, ai là bị hại của Nguyễn Huy Hải, liên hệ điều tra viên Nguyễn Hữu Thọ - Đội 9 PC46 Công an TP Hà Nội để cung cấp thông tin và giải quyết. Địa chỉ: 40B Hàng Bài, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội. Điện thoại: 0912986986.

Hương Vũ
.
.