Tái diễn nạn lừa đảo thẻ cào điện thoại

Thứ Tư, 10/03/2021, 08:43
Tưởng như trò lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức mua hộ (hoặc đầu tư) thẻ cào điện thoại đã rất "xưa” rồi, song thời gian gần đây nó đã tái xuất với những thủ đoạn tinh vi hơn. Đã có những người dân bị đối tượng chiếm đoạt số tiền lên đến vài trăm triệu đồng qua hình thức này.


Sập bẫy vì tin... “có chú Lại Văn Sâm đến trao giải”

Đây là một trong những chiêu trò mà kẻ lừa đảo sử dụng để nói với bị hại, nhằm tạo lòng tin cho họ. Thoạt nghe đã “thấy sai sai”, song có không ít người vẫn dính bẫy.

Chị Hoàng Thị M. (trú tại một huyện miền núi của tỉnh Thanh Hóa) kể một buổi sáng chị nhận được cuộc gọi từ một người đàn ông thông báo một tin vui bất ngờ cho chị. Đó là số điện thoại của chị đã may mắn trúng giải đặc biệt của nhà mạng V. nhân dịp kỷ niệm 25 năm thành lập. Giải thưởng gồm hiện vật là chiếc xe máy trị giá 38 triệu đồng và 200 triệu đồng tiền mặt. Đối tượng còn nhắn "chị dọn sạch sẽ nhà cửa để 5 giờ chiều nay có chú Lại Văn Sâm và 5 cán bộ công an về trao giải thưởng cho chị”.

Đối tượng chuyên hack facebook lừa thẻ cào điện thoại bị công an Hà Nội bắt giữ.

Ban đầu chị M. không tin nhưng tiếp theo đó lại có một người phụ nữ xưng là giám đốc chi nhánh ở tỉnh Thanh Hóa, khẳng định về giải thưởng, đồng thời bảo chị khẩn trương photo giấy chứng minh nhân dân để lĩnh thưởng. Nghe đến đây thì chị M. tin sái cổ và khi đối tượng nam gọi lại nhắn chị mua 10 chiếc thẻ cào điện thoại mệnh giá 500 ngàn đồng để đóng thuế, phí trao giải thì chị răm rắp nghe theo. Không có sẵn tiền, chị đã phải đi vay bạn bè mới mua đủ 10 thẻ cào rồi nhắn cho hắn. Rồi chị M. lao vào dọn dẹp nhà cửa, ăn uống cũng qua loa rồi ngồi chờ từ chiều đến đêm khuya mà không thấy bất kỳ đoàn khách nào đến. Gọi điện thoại cho cả hai đối tượng đều trong tình trạng “ò í e...”.

Tương tự như chị H., anh Phạm Văn T. (trú tại xã Xuân Nộn, huyện Đông Anh, Hà Nội) cũng bị kẻ xấu lừa hơn 25 triệu đồng bằng chiêu thức thẻ cào điện thoại di động để được nhận trúng thưởng với số tiền hơn 300 triệu đồng.

Anh T. kể, chiều một ngày cuối năm anh nhận được điện thoại từ một người đàn ông nói giọng miền Trung. Người này tự xưng là nhân viên của Tổng đài của nhà mạng thông báo, anh T. đã trúng giải thưởng với tổng trị giá 362 triệu đồng trong chương trình quay số ngẫu nhiên trúng thưởng của nhà mạng. Cơ cấu giải thưởng bao gồm một xe máy Honda SH trị giá 62 triệu đồng và 300 triệu đồng tiền mặt.

Cũng qua điện thoại, người này hướng dẫn anh T. chuẩn bị các thủ tục để nhận giải thưởng như photo giấy chứng minh nhân dân, ảnh chân dung 3x4... đồng thời, yêu cầu anh T. đi mua một thẻ điện thoại của nhà mạng mệnh giá 50 ngàn đồng và đọc 6 số bất kỳ trong series của thẻ để làm mật khẩu, mã nhận giải thưởng. Giải được thực hiện long trọng tại địa phương với sự tham gia trao giải có đại diện nhà mạng và đài truyền hình... Người này dặn anh không tiết lộ việc mình trúng thưởng cho người khác biết, nếu không giải thưởng sẽ bị hủy.

Đối tượng thường hack nick facebook rồi giả là bạn bè nhờ mua thẻ cào để lừa đảo.

Khoảng 18 giờ cùng ngày, anh T. về đến nhà thì người này tiếp tục gọi điện nói anh T. mua 3 thẻ điện thoại mệnh giá 100 ngàn đồng và đọc mã số thẻ, số series thẻ để tiếp tục được hướng dẫn. Để nhận được xe SH có biển số đẹp 99999 (5 số 9), anh T. phải mua 25 thẻ  điện thoại mệnh giá mỗi thẻ 1 triệu đồng và đọc cho họ mã số thẻ.

Tiếp đó, đối tượng lại đề nghị anh T. mua thẻ nạp thêm 15 triệu để làm thủ tục ở cấp huyện. Lúc này anh T. mới sinh nghi và hỏi ý kiến của người thân, sau đó ra Cơ quan công an trình báo.

Trái đắng “hợp tác đầu tư”

Mới đây, anh Nguyễn T.A, công tác tại một công ty năng lượng tại Hà Nội chia sẻ về trái đắng khi tham gia đầu tư thẻ cào. Đây cũng là một thủ đoạn mới của các đối tượng phạm tội.

Buổi chiều cuối tháng 2-2021 khi anh T.A chuẩn bị hết giờ làm việc thì có đồng nghiệp đã về hưu nhắn tin trên Messenger hỏi thăm sức khỏe. Trao đổi một hồi thì người bạn nói có công việc mua thẻ điện thoại chuyển sang Đức cho cô em họ, lợi nhuận 30% và rủ anh T.A tham gia. Tiếp đó, đồng nghiệp cho anh tài khoản của em họ ở Đức để T.A kết bạn và hướng dẫn cách mua thẻ và chuyển thẻ.

Tin lời bạn, trên đường về anh T.A đã vào một cửa hàng sim thẻ mua 20 triệu đồng tiền thẻ cào rồi chuyển cho đối tượng. Ít phút sau đối tượng đề nghị mua thêm 50 triệu tiền thẻ nữa rồi chuyển tiền trả một thể thì anh T.A sinh nghi nên không mua nữa. Anh tìm hiểu thì phát hiện ra Facebook của đồng nghiệp chỉ có ảnh avatar chứ không phải là chính chủ. Các đối tượng còn tinh vi lập một group để trao đổi qua lại, khuyến khích anh mua thẻ tiếp.

Ham đầu tư thẻ cào bán ra nước ngoài, nhiều người phải ngậm trái đắng.

Theo một điều tra viên Phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an TP Hà Nội, qua những thông tin anh T.A cung cấp thì có thể đoán ra chiêu lừa của đối tượng. Đó là chúng lập một trang Facebook giả của người bạn, rồi sau đó đánh vào lòng tham của bị hại khi rủ kinh doanh thẻ cào với mức lợi nhuận lớn. Ban đầu số tiền đầu tư cũng thuộc dạng "vừa vừa", sau đó sẽ tăng lên. Dĩ nhiên, bị hại sẽ chẳng nhận được một xu nào cả tiền gốc cũng như tiền lãi. Số tiền chiếm đoạt được, các đối tượng sẽ đổi sang tiền mặt thông qua một số website (có mất phí) hoặc nạp vào thẻ game rồi bán lại...

Cách đây chưa lâu Cơ quan công an cũng điều tra khám phá nhiều vụ lừa đảo thẻ cào điện thoại thông qua hình thức đầu tư lấy lãi cao. Bị hại L.M.D (trú tại phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy) nhận được tin nhắn từ tài khoản Facebook có tên “Trần Hồng”, là bạn của anh D. hiện đang làm việc tại một quốc gia ở châu Phi. Do hai người thường xuyên nhắn tin trò chuyện, trao đổi công việc nên khi tài khoản này đề nghị anh D. cùng hợp tác kinh doanh thẻ cào điện thoại, anh không nghi ngờ gì.

Tin nhắn từ tài khoản “Trần Hồng” cho biết hiện ở nơi anh ta sống có rất nhiều người Việt Nam và có nhu cầu sử dụng thẻ cào điện thoại của Việt Nam để liên lạc về nước cho rẻ. Mỗi thẻ cào điện thoại mệnh giá 500 ngàn đồng, khi chuyển sang châu Phi bán sẽ bán được 800 ngàn đồng.

Hoa mắt vì lợi nhuận hấp dẫn, anh D. đã mua hàng trăm thẻ cào và chuyển cho “Trần Hồng” qua tin nhắn Facebook, tổng số tiền 50 triệu đồng. Sau đó, đột nhiên người bạn cắt liên lạc qua tin nhắn Facebook. Anh D. tìm cách liên hệ với người bạn thì được biết tài khoản “Trần Hồng” đã bị kẻ xấu chiếm quyền sử dụng.

Hai đối tượng người Quảng Trị bị bắt vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Tiến hành điều tra, Cơ quan công an đã làm rõ thủ phạm cướp nick Facebook “Trần Hồng” để thực hiện hành vi lừa đảo anh L.M.D là Đinh Văn Linh (SN 1993, trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị). Linh khai nhận tháng do thường xuyên chơi điện tử tại các quán Internet và được một số đối tượng dạy cách lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn nhờ mua thẻ cào điện thoại.

Linh lên mạng xã hội Facebook tìm người Việt Nam đang sinh sống, làm việc tại nước ngoài, gửi cho họ một đường link có chứa mã độc. Khi người dùng Facebook nhấp chuột vào đường link đó sẽ dẫn họ sang một trang web giả mạo yêu cầu đăng nhập lại. Sau khi lấy được mật khẩu, Linh đăng nhập để đổi mật khẩu và hòm thư đăng ký tài khoản Facebook, chiếm quyền điều khiển, truy cập lịch sử các cuộc trò chuyện của chủ tài khoản để nắm được quan hệ, cách nói chuyện của họ. Từ đó Linh nhắn tin với bạn bè của chủ tài khoản để lừa đảo theo hình thức “hợp tác kinh doanh” thẻ cào điện thoại.

Khi có người chuyển mã thẻ cào, Linh nạp ngay vào tài khoản game của mình, sẽ được nhận lại một loại tiền “ảo” sử dụng trong các trò chơi. Linh dùng “tiền ảo” bán cho những người chơi game để lấy tiền mặt. Anh ta sử dụng rất nhiều tài khoản game khác nhau để nạp thẻ cào chiếm đoạt được, gây khó khăn cho Cơ quan điều tra trong quá trình xác minh.

Sau khi chiếm quyền quản trị tài khoản “Trần Hồng”, Linh đã lừa đảo được 80 triệu đồng của nhiều người trong danh sách bạn bè của bị hại, trong đó anh L.M.D bị “dính bẫy” nhiều nhất là 50 triệu đồng.

Cùng thời gian đó, Cơ quan công an cũng làm rõ và bắt giữ Nguyễn Đức Hiếu (SN 1997, trú tại thị xã Quảng Trị) có hành vi lừa đảo nạp thẻ cào điện thoại trên Facebook. Thủ đoạn của Hiếu là vào các hội nhóm người Việt Nam đang học tập, làm việc tại nước ngoài, lấy hình ảnh và thông tin trên trang cá nhân của một tài khoản bất kỳ rồi lập một tài khoản Facebook mới, tải ảnh của chủ nhân tài khoản chính lên nhằm mục đích kết bạn với người thân, người quen trong danh sách bạn bè của chủ tài khoản thật mà không bị nghi ngờ. Sau khi kết bạn thành công, Hiếu nói chuyện qua tin nhắn, nhờ người bạn mua thẻ cào điện thoại bán lấy tiền, chia đôi lãi.

Đại diện phòng An ninh mạng và Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cho biết thêm, thủ đoạn hack tài khoản mạng xã hội giả mạo người thân, bạn bè để nhờ mua hộ thẻ cào, rủ hợp tác kinh doanh thẻ cào điện thoại tuy không diễn ra quá rầm rộ song vẫn có nhiều nạn nhân mắc bẫy. Đặc biệt, thủ đoạn của các đối tượng ngày một tinh vi.

Cơ quan công an khuyến cáo người dân khi được “nhờ vả” chuyển tiền, nạp thẻ trên mạng, người dùng Facebook và các mạng xã hội khác cần tỉnh táo, tìm cách liên hệ trực tiếp với chủ tài khoản thật, tránh mất tiền oan.
M.Tiến - M.Trí
.
.