Thông tin thêm về việc triệt phá băng nhóm tội phạm Toàn “cụt” ở Hà Nội

Thứ Hai, 15/12/2014, 17:20
Đã hơn chục ngày kể từ khi chuyên án triệt phá băng nhóm của Vũ Anh Toàn tức Toàn "cụt" hoạt động theo kiểu xã hội đen trên địa bàn, người dân các xã Vân Phúc, Vân Nam của huyện Phúc Thọ (Hà Nội) vẫn chưa hết bàn tán, xôn xao pha lẫn thấp thỏm. Thấp thỏm là bởi nhiều năm qua, Toàn “cụt” cùng đám đàn em đã gây ra không ít sự vụ, ngang ngược thách thức tất cả khiến cho nhiều người có lúc đã cảm thấy mất lòng tin. Cho đến giờ phút này, có người vẫn còn đang ngỡ ngàng mà rằng liệu đây đã thực sự là dấu chấm hết cho Toàn “cụt” và nhóm đàn em hay chưa, hay lại chỉ “dăm bữa nửa tháng"… Vậy Toàn “cụt” là ai mà “ghê gớm” đến thế?

Vũ Anh Toàn, là người quê gốc ngay chính tại xã Vân Nam của huyện Phúc Thọ. Cái biệt danh "cụt" của Toàn có từ bao giờ thì không ai biết, nhưng bàn tay trái của Toàn với ba ngón trỏ, giữa, ngón đeo nhẫn chỉ còn 2 đốt ngón tay thì ai cũng biết. Nghe đâu là hậu quả của một lần "hỗn chiến giang hồ" ở chỗ khác, từ khá lâu rồi. Không coi điều ấy như một khiếm khuyết, thậm chí ngược lại, nhiều lần Toàn đã giơ những ngón tay cụt ấy lên để dọa nạt, mắng chửi người dân và cả những cán bộ địa phương không chịu đứng về phe mình một cách ngông nghênh, bất chấp. Hai cánh tay xăm trổ, vàng đeo lủng liểng khắp người, Toàn "cụt" đã trở thành nỗi khiếp đảm của những người làm ăn lương thiện dọc khúc sông dài hơn 30 cây số, từ Cao Đại, Vĩnh Tường xuống đến Trung Hà, Yên Lạc. Lôi kéo một đám lâu la nghiện ngập, hút chích và cả những cán bộ tha hóa, biến chất bị sa thải, nhóm của Toàn "cụt" không "chê" bất cứ việc gì, miễn là có tiền. Từ khai thác bến, hút cát, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi cho đến cắt phế tàu phà và mua bán đất cát, theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Các hoạt động đầu tiên mang tên Vũ Anh Toàn bắt đầu vào khoảng giữa năm 2007. Lợi dụng chủ trương khai thác đồi non, bãi nổi, Toàn "cụt" đứng ra thành lập Công ty TNHH Đầu tư thương mại Biển Đông và xin thầu thuê đất với nội dung kinh doanh vật liệu xây dựng và sản xuất nông nghiệp. Theo Hợp đồng số 15/HĐ ngày 24/8/2007 với UBND xã Vân Phúc, Vũ Anh Toàn được quản lý diện tích đất từ đường 12 đến giáp đất canh tác Vân Nam, trừ khuôn viên UBND xã đã giao cho bến đò, theo hình thức khoán trắng và hàng năm phải trả tiền thầu đất là 7 triệu đồng với thời hạn 5 năm. Trong hợp đồng có ghi rõ nghiêm cấm đào bới, lấy đất, phá hủy đất đai, không được trồng cây lâu năm.
Bến phà Vân Nam do Công ty Cổ phần Vân Phúc, đứng sau lưng là Toàn "cụt" điều hành.

Cũng phải nói rằng, Toàn "cụt" là một tay có tư duy nhạy bén về kinh tế. Sau khi có đất trong tay, ngoài việc tổ chức cho thuê bến bãi tập kết khai thác cát, thấy nhiều nơi có nhu cầu đất san lấp, Toàn "cụt" lập tức cho máy xúc đến xúc đất thịt bãi bồi đem bán. Hợp đồng ràng buộc rõ ràng, nhưng bất chấp, Toàn "cụt" cho làm hẳn một con đường chạy dọc bờ sông, trồng cây lâu năm để tiện cho việc quản lý bến bãi và khai thác đất. Kết quả là dọc bờ sông trở nên nham nhở, lồi lõm. Những vạt ngô màu mỡ bị Toàn "cụt" cho máy đến xúc đất không thương tiếc. Đến bây giờ, cả dãy kè chống lở đất không còn dính đến bờ, nằm chơ lơ giữa sông. Không chỉ có thế, Toàn "cụt" còn cho san đất làm đường chạy dọc sông để tiện bề chuyên chở và giám sát bến bãi, cho trồng cây lâu năm hai bên đường và dựng nhà cột bê tông ngay bên bờ sông.

Có tiền thu được từ cho thuê bãi và bán đất, Toàn "cụt" bắt đầu tính đến việc thôn tính bến đò Vân Phúc để mở rộng các hoạt động trên sông. Tuy nhiên, lúc này bến đò đã được xã giao cho người khác thầu. Toàn "cụt" tìm đủ mọi cách, từ gạ gẫm hợp tác cho đến gây khó dễ, thậm chí đích thân kéo đàn em đến gây gổ, chém một lái đò phải đi cấp cứu tại Bệnh viện Sơn Tây, song vẫn không đạt được mục đích. Bất đắc dĩ, Toàn "cụt" buộc phải di chuyển sang địa bàn xã Vân Nam lập bến mới, cho tay chân ép người qua bến của mình, đồng thời bắt đầu tổ chức các hoạt động cắt phế tàu bè qua lại trên sông.
Bức hình vợ chồng Toàn "cụt" được coi như tấm vé thông hành để "đi đâu chìa ra thì không bị đám đàn em làm khó dễ".

Nhiều người dân ở nơi đây cho biết, chính tại bến phà này, đã xảy ra ít nhất hai vụ tai nạn chết người nhưng Toàn "cụt" đã giấu nhẹm đi được. Và chính việc chiếm dụng bến phà này đã làm "bàn đạp" cho Toàn tiến ra sông, một mảng làm ăn vô cùng béo bở mà trước đến nay ở khu vực này chưa ai "đủ trình" để đụng đến.

Lúc này, Vũ Anh Toàn đổi tên công ty thành Công ty TNHH Cứu nạn và cứu hộ Biển Đông, và sau đó là Công ty Cổ phần Vân Phúc, bắt đầu các hoạt động "cắt phế" đối với mọi tàu bè đi qua khúc sông này. Mỗi tàu phải nộp một khoản cố định hàng tháng, và được phát một quyển gọi là vé. Tàu nào không nộp thì phải mua vé tại chỗ nếu không thì sẽ bị gây khó dễ. Đối với các tàu đã mua vé tháng, nếu phạm luồng lạch, mắc cạn hoặc trục trặc trên khúc sông sẽ được Toàn "cụt" cho tàu kéo ra miễn phí. Còn với các tàu không chịu mua vé, nếu mắc cạn, tiền thuê dịch vụ kéo ra có khi mất đến cả chục triệu đồng. Để kiểm soát triệt để, Toàn "cụt" cho tay chân lập trạm theo dõi hai đầu, cứ có tàu bè qua là báo về bến để cho người đi canô ra "xé vé". Ban đầu "cuộc chơi" này cũng khá sòng phẳng.

Tuy nhiên, chẳng mấy chốc, khi đã thao túng được toàn bộ mặt sông và tổ chức cho tàu cuốc khai thác cát trái phép dày đặc thì Toàn "cụt" bắt đầu lệnh cho đàn em thu phí tất cả các tàu bè đi qua, không chừa một trường hợp nào. Thậm chí chúng còn ép buộc các chủ tàu phải lấy hàng của mình hoặc sử dụng bãi tập kết trong phạm vi mình quản lý. Đỉnh cao là thời điểm cuối năm 2013, người dân trong khu vực cho biết cùng lúc có tới gần 30 tàu cuốc cùng rút cát trên một khúc sông. Được cái cát ở khúc sông Vân Phúc, Vân Nam rất đẹp, đều, gần như cát vàng nên rất được giá. Tiền bán cát, trừ chi phí xăng dầu, lương thợ, còn lại chủ tàu cuốc và Toàn "cụt" chia nhau theo tỷ lệ 4 - 6. Việc của băng nhóm Toàn "cụt" là bảo kê toàn bộ bến bãi và xua đuổi tàu lạ. Để đảm bảo cho hoạt động này, Toàn "cụt" rải tai mắt dọc 30km đường sông. Theo nhiều người dân, chính vì bố trí mạng lưới này mà nhiều lần các lực lượng thanh tra, kiểm tra đường thủy mới chỉ xuất hiện ở Phùng thì ở phía trên Toàn "cụt" đã biết và chỉ đạo sơ tán tàu hút cát.
Khu vực lưu giữ các phương tiện hút trộm cát trái phép gần bến Vân Phúc.

Kết quả điều tra cho thấy, chỉ tính riêng từ tháng 9/2014 đến khi vụ án được triệt phá (8/11/2014), Vũ Anh Toàn và người anh em đồng hao Nguyễn Văn Hiểu đã chỉ đạo 19 tàu khai thác và bán được khoảng 243.382m3 cát, thu về số tiền hơn 12 tỉ đồng. Trừ số tiền phải chi phí cho các chủ tàu, nhóm của Toàn "cụt" bỏ túi khoảng 6 đến 8 tỉ đồng tiền khai thác cát trái phép.

Không chỉ ngoài sông, Toàn "cụt" được cho là đã chỉ đạo đàn em thường xuyên hoạt động gây rối, cho vay nặng lãi, đòi nợ thuê gây náo loạn khu dân cư. Để làm được việc này, Toàn "cụt" cho người dụ dỗ, lôi kéo một số thanh niên vô công rỗi nghề, thậm chí là đưa vào con đường nghiện hút để dễ bề sai khiến. Không những thế, Toàn "cụt" còn sẵn sàng bỏ tiền để mua chuộc, phân hóa đội ngũ cán bộ địa phương. Bí thư chi bộ cụm dân cư, cán bộ xã, thậm chí cả chủ tịch xã cũng bị Toàn "cụt" mua chuộc, biến chất, sau khi bị kỷ luật, cách chức đã quay ra làm việc cho Công ty Cổ phần Vân Phúc, làm tay chân cho Toàn "cụt". Có người Toàn "cụt" mua bằng tiền. Có người Toàn "cụt" dúi cho tấm ảnh của chính hai vợ chồng mình và dặn rằng đi đến đâu, nếu bị gây khó dễ thì cứ chìa tấm ảnh này ra và bảo là "bạn của Toàn" là đảm bảo sẽ không bị ai cản trở (?). Đối với những người không ủng hộ, Toàn "cụt" sẵn sàng tỏ thái độ lăng mạ, chửi bới, gọi điện thoại thách thức và thậm chí cho đàn em đến ngồi lì trước cửa phòng làm việc để đe dọa.

Thanh niên thì tìm cách dụ dỗ. Cán bộ thì mua chuộc. Người tử tế không dám dây, không thể đứng ra tố cáo. Toàn "cụt" cùng đám đàn em lúc nào cũng dương dương tự đắc, tưởng như không ai có thể đụng đến mình. Một trong những câu đe dọa "nổi tiếng" của Toàn "cụt" đối với một cán bộ xã, đó là "Tao sẽ làm cho mày về hưu không còn đến quần lót mà mặc!".

Anh Nguyễn Thanh Giản, công chức văn hóa xã hội xã Xuân Phú là một trong số những người khẳng định mình là nạn nhân của một vụ cho vay nặng lãi và đòi nợ thuê do Toàn "cụt" chỉ đạo. Cuối năm 2011, anh Giản vay nóng của một người phụ nữ gốc Vọng Xuyên, lấy chồng ở Cẩm Đình số tiền 30 triệu đồng với lãi vay 5.000 đồng/ngày. Anh Giản không có tiền trả, quá hạn dồn lãi thành gốc, tổng nợ lên thành 60 triệu đồng. Tháng 12/2012, một đám người hung hăng kéo đến nhà anh Giản đòi bắt nợ, tháo sập gụ, khiêng bộ bàn ghế Đồng Kỵ trong nhà anh trị giá khoảng 25 triệu đồng ra xe ôtô tải định mang đi… Đám người này chỉ dừng lại khi anh Giản có phản ứng quyết liệt và Toàn "cụt" ra lệnh rút lui. Sự việc diễn ra trước sự chứng kiến của nhiều người trong làng, gây ra việc lộn xộn trong xóm suốt mấy ngày hôm sau. Theo lời anh Giản, sau đó anh còn nhiều lần bị những kẻ đòi nợ chặn đường, đòi giữ xe máy…

"Bão" đã qua đi, bình yên dần trở lại nơi bến Vân Phúc. Hai bên triền đê, lúa ngô lại đang vào vụ mới, xanh mướt một màu.


Ngày 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án “Vi phạm các quy định về nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên” tại huyện Phúc Thọ, Hà Nội, khởi tố 6 bị can. Các bị can bị khởi tố gồm:

- Vũ Anh Toàn (tức Toàn “cụt”, 41 tuổi, trú tại Thanh Xuân, Hà Nội).

- Nguyễn Ngọc Lâm (27 tuổi, trú tại Sơn Tây, Hà Nội).

- Đặng Văn Thành (22 tuổi, trú tại Phúc Thọ, Hà Nội).

- Đoàn Hồng Sơn (22 tuổi, trú tại Phúc Thọ).

- Trần Việt Anh (26 tuổi, trú tại Bắc Từ Liêm, Hà Nội).

- Nguyễn Văn Hiểu (27 tuổi, trú tại Phúc Thọ).

Cơ quan điều tra cũng ra lệnh bắt tạm giam đối với các đối tượng trên. Hiện tại Vũ Anh Toàn và Nguyễn Văn Hiểu đã bỏ trốn nên Cơ quan điều tra đang khẩn trương truy bắt.

Nhóm PV
.
.