Thủ phạm giết người là con cú mèo?

Thứ Sáu, 02/01/2009, 15:15
Vào tháng 10/2003, nhà văn người Mỹ Michael Peterson đã bị tuyên án tù chung thân về tội giết vợ. Một luật sư người Mỹ và một nhà báo người Pháp đã kiên trì điều tra về vụ án và đã tìm ra chứng cứ chứng minh rằng thủ phạm giết người không phải là Peterson mà là một con cú mèo.

Vào lúc 1h30'  ngày 9/12/2001,Michael Peterson phát hiện vợ mình tên Kathleen, 48 tuổi, nằm bất tỉnh trên một vũng máu ngay bậc tam cấp lối vào phòng khách ngôi nhà rộng thênh thang của họ ở thành phố Durham, bang Bắc Caroline, Mỹ, nên liền gọi cấp cứu. Tuy nhiên, khi các nhân viên cấp cứu đến nơi thì đã quá trễ, Kathleen đã chết trên tay của chồng.

Giám định pháp y cho biết nạn nhân bị xuất huyết ở đầu do chấn thương có thể do bị té ngã trên bậc tam cấp. Tuy nhiên 3 vết thương trên đầu nạn nhân lại không làm chấn thương phần sọ. Khi qua đời, trong máu của nạn nhân có chứa 0,7 gr cồn và dược chất của loại thuốc ngủ valium.

Kiểm tra hiện trường, cảnh sát không tìm thấy bất cứ chứng cứ gì liên quan đến một vụ giết người có chủ ý, ngoài việc phát hiện ở ngoài vườn một cây gạt than lò sưởi bằng sắt. Peterson cho biết mình chưa hề sử dụng cây gạt than này bao giờ và giám định cũng không phát hiện dấu máu hay vân tay trên cây gạt than. Tuy cho rằng mình không giết vợ, nhưng Peterson vẫn bị liệt vào diện nghi can số 1 để điều tra.

Michael Peterson, sinh ngày 23/10/1943 tại thành phố Nashville, bang Tennesee, Mỹ, là một nhà văn nổi tiếng. Peterson tự mình gây thương tích ở chân để khỏi phải sang tham chiến tại Việt Nam. Peterson từng tốt nghiệp Đại học Dukes và làm biên tập cho báo The Chronicle Herald của bang Bắc Caroline. Trước khi lập gia đình với Kathleen, Peterson từng có một đời vợ. Peterson là tác giả của 3 cuốn tiểu thuyết bán chạy tại Mỹ là “The Immortal Dragon”, “A Time of War” và “A Bitter Peace”.

Trong khi đó, nạn nhân, Kathleen Atwater cũng nổi tiếng không kém gì chồng. Sinh ngày 21/2/1953 tại thành phố Greensboro, bang Bắc Caroline, Kathleen được sách “Who’s Who” xếp vào danh sách những học sinh xuất sắc nhất nước Mỹ năm 1970 và là nữ sinh viên đầu tiên của nước Mỹ theo học một ngành kỹ thuật tại Đại học Dukes vào năm 1971. Trước khi qua đời, Kathleen từng làm Giám đốc điều hành của nhiều tập đoàn kinh tế lớn như Baltimore Ai-Coil-Pritchard, Merck và Nortel Networks. Kathleen từng có một đời chồng trước khi tái hôn với Peterson vào năm 1997.

Michael Peterson và vợ, Kathleen Atwater.

Tuy không tìm thấy bất cứ chứng cứ nào khả dĩ tố cáo chính Peterson đã giết vợ nhưng do bị áp lực bởi thành tích và áp lực của dư luận nên Tòa án thành phố Durham vẫn không cho rằng Peterson vô tội. Cuối cùng các nhân viên điều tra cũng tìm thấy chứng cứ, đó là việc phát hiện Peterson mắc chứng đồng tính luyến ái. Những dữ liệu thu thập được từ máy tính cá nhân và nhiều tài liệu tìm thấy trong phòng làm việc của Peterson cho thấy ông ta là một người đồng tính.

Giả thuyết được các nhà điều tra đưa ra để buộc tội Peterson là khi phát hiện chồng mắc chứng đồng tính, Kathleen đã quyết định ly dị. Và khi không thuyết phục được vợ từ bỏ ý định ly dị, Peterson đã giết vợ vào khuya ngày 9/12/2001 bằng cách dùng cây gạt than đánh mạnh vào sau đầu nạn nhân. Xong việc, Peterson xóa mọi dấu vết, đem cây gạt than giấu ngoài sân rồi gọi cấp cứu. Tuy giả thuyết này bị Peterson và các luật sư biện hộ gạt phăng nhưng cuối cùng tòa án vẫn đưa vụ án ra xét xử vào ngày 10/10/2003, Peterson bị tuyên án tù chung thân về tội giết vợ.

Nhưng cũng từ đó, vụ án bắt đầu nóng lên với những tranh cải, tranh luận trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữa luật sư và công tố, là liệu Peterson có phải là thủ phạm giết vợ hay không. Đã hai lần, Tòa án bang Bắc Caroline bác đơn yêu cầu xem xét lại vụ án của Peterson. Vụ án đầy nghi vấn này cũng đã khiến nhà làm phim người Pháp Jean-Xavier de Lestrade lặn lội đến tận thành phố Durham để làm một cuốn phim tài liệu về vụ án Paterson. Cuốn phim này có nhan đề “Suspicions” (Nghi vấn) và được bấm máy vào tháng 10/2004, một năm sau ngày Peterson bị tuyên án tù chung thân. Bộ phim này còn nhận được sự cộng tác của một luật sư người Mỹ tên Larry Pollard và một nhà báo nữ người Pháp làm việc cho báo Le Monde tên Sophie Brunot.

Sau 4 năm đeo đuổi vụ án Peterson, cả Pollard và Brunot đều cho rằng Peterson không phạm tội giết vợ mà thủ phạm chính là một con cú mèo, vốn sinh sống rất nhiều tại các rừng cây trong và ngoài thành phố Durham. Theo điều tra của Pollard và Brunot, từ năm 1904 đến 2008, đã có 180 người trên thế giới là nạn nhân của các vụ tấn công của cú mèo, nhiều người đã bị thương nặng và tử vong mà trường hợp tử vong mới nhất xảy ra đối với một phụ nữ ở thủ đô Moskva của Nga vào tháng 5/2007. Và gần đây nhất là vào tháng 3/2008, 2 nhân viên kiểm lâm đã bị cú mèo loại Spotted Owl tấn công tại một khu rừng gần thành phố Durham khiến 1 người bị thương ở đầu.

Theo các nhà động vật hoang dã, cú mèo loại Spotted Owl là loại chim săn mồi vào ban đêm hay tấn công vào vùng đầu của con người, cả phía trước và phía sau. Những móng vuốt sắc và cứng của chúng không gây chấn thương phần sọ nhưng lại xé toạc  da đầu gây xuất huyết nặng mà nếu không được cấp cứu kịp thời sẽ khiến người bị tấn công tử vong vì mất máu. Trường hợp tử vong của Kathleen rất trùng khớp với trường hợp tấn công của cú mèo ở phía sau đầu.

Chứng cứ chứng minh cho giả thuyết của Pollard và Brunot là một chiếc lông nhỏ được tìm thấy trong tay nạn nhân và được ghi nhận trong biên bản giám định pháp y. Đây chính là lông chân của cú mèo vốn là loại động vật duy nhất có lông mọc ở các ngón chân. Ngoài ra, biên bản pháp y còn ghi nhận có đến 3 chiếc lông nhỏ dính trên 3 chiếc khăn mà Peterson sử dụng để cầm máu ở đầu của vợ trong khi đợi cấp cứu đến.

Trong biên bản kiểm tra hiện trường của cảnh sát còn ghi nhận có 4 vết máu nhỏ  từ sân vào đến tam cấp. Giám định pháp y cho biết đây là máu của nạn nhân. Pollard và Brunot nhận định rằng nạn nhân đã bị cú mèo tấn công khi từ sân bước vào nhà và té ngã ngay bậc tam cấp rồi bất tỉnh do máu ra nhiều. Trong thời gian đó, Peterson khai là mình đang ở trong phòng làm việc trên lầu.

Những chứng cứ này khi được đưa vào nội dung của cuốn phim tài liệu “Suspicions”, được trình chiếu vào tháng 6-2008, đã khiến dư luận Mỹ một lần nữa phải xôn xao với yêu cầu tòa án xem xét lại vụ án giết vợ của Peterson. Vào ngày 3/12/2008, Tòa án liên bang tại thành phố Durham đã ra quyết nghị giám đốc thẩm lại vụ án và cho phép bổ sung thêm những chứng cứ do Pollard và Brunot phát hiện được để điều tra lại vụ án từ đầu.

Nếu giám định ADN cho biết những chiếc lông nhỏ được thu giữ tại hiện trường vụ án chính là lông của loại cú mèo Spotted Owl thì chắc chắn thủ phạm chính là cú mèo chứ không phải Peterson. Và phán quyết sẽ được tòa án đưa ra vào tháng 3/2009

Văn Hòa (theo Paris Match)
.
.