Tìm thấy thi thể nạn nhân "vụ án Cát Tường" qua giám định ADN

Thứ Tư, 06/08/2014, 16:50

Tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức và chiều 5/8, Thượng tá Võ Hồng Phương, Phó trưởng phòng PC45 CATP Hà Nội cho biết: Thông qua giám định ADN, Cơ quan điều tra đã xác định tử thi phát hiện tại bến đò Văn Đức, Gia Lâm, Hà Nội ngày 18/7 vừa qua là của chị Lê Thị Thanh Huyền, nạn nhân vụ án phi tang xác xảy ra tại Thẩm mỹ viện Cát Tường gây chấn động dư luận thời gian vừa qua.
>> Thêm giả thiết trong việc tìm kiếm thi thể nạn nhân "vụ Cát Tường"

Vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận bởi nhiều lý do. Thứ nhất, vụ án liên quan đến vấn đề y đức, lần đầu tiên trong "lịch sử" ngành y tế Việt Nam xảy ra việc bác sĩ mang xác bệnh nhân tử vong sau phẫu thuật đi phi tang bằng cách ném xác nạn nhân xuống sông Hồng. Hành vi phi nhân tính này của bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường đã khiến dư luận hết sức bàng hoàng, phẫn nộ.

Thứ hai, vụ việc ném nạn nhân sau khi đã tử vong xuống sông và không tìm được xác như vụ án "Cát Tường" có lẽ là một vụ hy hữu  nhất từ trước đến nay bởi trong các vụ án giết người bằng thủ đoạn ném xác xuống sông đã xảy ra thì đều tìm thấy xác nạn nhân một thời gian ngắn sau đó. Thứ ba, việc chưa tìm được xác nạn nhân đã gây ra nhiều tranh cãi trong quá trình xét xử và quy kết tội danh đối với bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường.

Với những lý do trên, thông tin tìm được thi thể nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền thông qua công tác giám định ADN được xác nhận vào ngày 4/8 một lần nữa khiến dư luận xôn xao.

Diễn biến vụ án thẩm mỹ viện Cát Tường

Theo kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan Cảnh sát điều tra hoàn thành vào cuối tháng 5/2014, Nguyễn Mạnh Tường là bác sĩ đang công tác tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Bạch Mai, mở Trung tâm Thẩm mỹ viện Cát Tường (ở số 45 đường Giải Phóng, phường Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội). Tường làm giám đốc và cũng là người trực tiếp thực hiện các ca phẫu thuật thẩm mỹ.

Ngoài ra, trung tâm thẩm mỹ còn có 24 nhân viên. Khi hoạt động, Thẩm mỹ viện Cát Tường chưa có giấy phép hoạt động của Sở Y tế Hà Nội mà chỉ có đăng ký kinh doanh do Phòng Tài chính - Kế hoạch quận Hai Bà Trưng cấp và giấy chứng nhận hành nghề cá nhân do Bộ Y tế cấp. 

Tại hiện trường người dân mô tả việc vớt thi thể nạn nhân. Ảnh: Việt Anh.

Sáng ngày 18/10/2013, chị Lê Thị Thanh Huyền đến Thẩm mỹ viện Cát Tường để thẩm mỹ hút mỡ bụng và nâng ngực với giá 50 triệu đồng. Được nhân viên trung tâm hẹn lịch là 11 giờ ngày hôm sau đến thẩm mỹ nên hôm sau chị Huyền đi xe máy Lead hiệu Honda, mang biển kiểm soát 30K2-8747 đến Thẩm mỹ viện Cát Tường. Khi đi chị Huyền mang theo chiếc túi xách, bên trong có 2 điện thoại di động (trong đó có 1 điện thoại iPhone5), 500.000 đồng và một số đồ dùng cá nhân.

Trước khi tiến hành phẫu thuật, chị Huyền được xét nghiệm HIV và các phản ứng thuốc gây mê. Tường hỏi chị Huyền có tiền sử bệnh gì không thì được biết là không. Thực hiện phẫu thuật, Tường sát trùng vùng bụng và ngực rồi tiêm thuốc gây tê (đã pha từ trước) vào hai bên hông, dùng dao mổ chích 2 bên thành bụng và tiêm 4 chai thuốc gây tê (đã pha từ trước) vào bụng để gây tê toàn bộ vùng bụng của bệnh nhân. Tường dùng xi lanh loại 50ml cắm vào thành bụng hút được 11 xi lanh mỡ. Để 5 đến 10 phút cho mỡ trong xi lanh lắng xuống, bơm bỏ nước gạn lấy mỡ, rồi bơm 11 xi lanh mỡ vào ngực. Đến khoảng 16 giờ cùng ngày thì ca thẩm mỹ hoàn tất. Tường bảo các nhân viên đưa chị Huyền ra phòng ngoài để nằm nghỉ.

Khoảng 30 phút sau, nhân viên trung tâm phát hiện chị Huyền có biểu hiện co giật, nháy mắt, sùi bọt mép nên báo cho giám đốc. Tường liền tiêm một mũi thuốc an thần cho bệnh nhân. Tiêm xong, chị Huyền trở lại bình thường, nên Tường cùng với bạn là chị Phạm Thị Hường đi lễ chùa. Đến 17 giờ 45 phút, nhân viên của trung tâm gọi điện thông báo cho Tường biết, chị Huyền có biểu hiện tím tái, mạch khó bắt, huyết áp không đo được. Tường chỉ định cho nhân viên tiêm hai ống thuốc trợ tim loại Adenalin 2ml và 2 ống thuốc dị ứng loại Dimedro 40mg, truyền dịch muối 9% và cho thở oxy.

Không an tâm, Tường gọi điện cho đồng nghiệp ở Bệnh viện Bạch Mai là bác sĩ Nguyễn Quang Thành đến trung tâm cấp cứu chị Huyền. Khi Tường về thì thấy chị Huyền rơi vào tình trạng mặt tím, không có nhịp tim. Tường đặt nội khí quản cho nạn nhân, bóp bóng và xoa bóp ngoài lồng ngực, tiêm 2 liều thuốc trợ tim, nhưng không có kết quả. Xác định chị Huyền đã tử vong nên Tường chỉ đạo cho các nhân viên thu dọn, tháo dỡ toàn bộ đồ đạc của trung tâm mang đi cất giấu. Riêng chăn ga, quần áo bệnh nhân có chữ Bệnh viện Bạch Mai, gạc bụng… được cho vào túi nilon màu đen mang đến chân cầu Vĩnh Tuy vứt.

Sau khi chị Huyền tử vong, Đào Quang Khánh, nhân viên bảo vệ đã lợi dụng lúc chị Bùi Thị Hoa - nhân viên quản lý tài sản của chị Huyền đi ra ngoài, Khánh đã lấy trộm chiếc điện thoại iPhone5 trị giá 12.000.000 đồng để trong túi xách của nạn nhân.

Đến 23 giờ 30 phút cùng ngày, Tường cùng một số nhân viên đưa thi thể chị Huyền lên xe ôtô đưa đến Bệnh viện Bưu Điện. Khánh đi xe máy và cầm túi xách của chị Huyền theo xe ôtô. Khi đến cổng Bệnh viện Bưu Điện, Tường thấy có nhiều người, nên sợ không dám vào mà dừng lại ngoài đường. Thấy vậy, Khánh nói với Tường rằng: "Không đưa xác chị Huyền vào bệnh viện nữa mà ném xác xuống sông".

Nghe nhân viên bảo vệ nói có lý nên Tường đồng ý lái xe ôtô chở xác chị Huyền đi phi tang. Khánh đi xe máy của chị Huyền chở chị Nguyễn Thị Hằng (vợ Tường) theo sau. Ba người đi theo đường Trần Khát Chân - Kim Ngưu - Lạc Trung - Minh Khai - cầu Vĩnh Tuy. Khi đến đường Cổ Linh (quận Long Biên, Hà Nội) Khánh vượt ngang xe ôtô ra hiệu cho bác sĩ Tường dừng xe. Khánh bỏ xe máy và túi xách của chị Huyền ở vỉa hè rồi cùng Hằng lên xe ôtô của Tường.

Anh Nguyễn Văn Hùng (ngoài cùng, bên phải) thuật lại việc vớt thi thể nạn nhân. Ảnh: Việt Anh.

Trên xe, Hằng can ngăn việc chồng và nhân viên của mình đang làm nhưng không có kết quả. Tường tiếp tục lái xe đi ra Quốc lộ 5 lên cầu Thanh Trì qua vị trí có nước khoảng 150m, gần cột đèn số 44 thì dừng lại. Thấy không có xe và người qua lại, Tường và Khánh nâng xác chị Huyền qua thành cầu rồi thả xuống sông Hồng.

Đối với hành vi tham gia ném xác nạn nhân của vợ Nguyễn Mạnh Tường, Cơ quan điều tra cho rằng, chị Nguyễn Thị Hằng ban đầu ngồi trên xe ôtô, biết việc Tường và Khánh mang xác chị Huyền đi để vứt xác xuống sông. Chị Hằng nhiều lần can ngăn Tường và Khánh không được vứt xác nạn nhân. Theo kết luận điều tra bổ sung, hành vi nêu trên của chị Hằng không phạm tội.

Tuy nhiên, phía gia đình chị Huyền có nhiều điểm chưa đồng tình với kết luận trên. Việc chưa tìm được xác nạn nhân trong một thời gian dài đã khiến người nhà chị Huyền hết sức đau đớn, nhưng họ vẫn nuôi hy vọng một ngày gần nhất sẽ tìm được thi thể của chị. Mỗi lần người dân báo tìm thấy xác ở khu vực Hà Nội và các tỉnh lân cận, là một lần họ phải lặn lội đến tận nơi để nhận dạng. Mỗi lần đi là một lần họ hy vọng tìm được thi thể người thân. Tuy nhiên đó lại thêm một lần khiến họ thất vọng. Chưa kể những tin đồn thất thiệt còn khiến thân nhân của chị Huyền hết sức mệt mỏi.

Thi thể chị Huyền được tìm thấy như thế nào?

Khoảng 9 giờ sáng ngày 18/7/2014, anh Nguyễn Văn Hùng trong lúc đang mò bắt tôm dọc sông Hồng tại khu vực bến đò Văn Đức, Gia Lâm (Hà Nội) phát hiện có vật lạ nổi lập lờ ven bờ. Khi lại gần, anh Hùng kinh hoàng nhận ra bên trong là một xác chết đang trong quá trình phân hủy, không có đầu. Bỏ dở việc mò tôm, anh Hùng chạy về khu vạn đò, kể lại cho mọi người nghe. Sự việc đã được trình báo Cơ quan Công an. Do một số người dân vạn chài ở khu vực này đã nhiều lần tham gia tìm vớt xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền nên thông tin nghi vấn đây là xác chị Huyền được lan truyền. Người nhà chị Huyền nhận tin báo đã có mặt để cùng cơ quan chức năng nhận diện nạn nhân.

Theo mô tả của anh Nguyễn Văn Hùng thì thi thể không đầu phát hiện là của nữ giới vì dựa vào trang phục trên người cho thấy nạn nhân mặc áo trắng ngả màu có hoa, quần màu đen. Địa điểm này nằm cách cầu Thanh Trì, nơi Nguyễn Mạnh Tường khai nhận đã ném xác nạn nhân khoảng 4km, cách bến đò Văn Đức khoảng 1km.

Theo kinh nghiệm của những người làm nghề vớt xác trên sông thì bến đò Văn Đức là địa điểm mà các xác chết trôi trên sông hay dạt vào. Ông Nguyễn Văn Hồ, một người đã tham gia vớt hàng trăm xác chết tại khu vực này cho biết, sông Hồng đoạn từ cầu Thanh Trì đến bến đò Văn Đức (Gia Lâm) dài 5 km chứng kiến nhiều cái chết đau thương về sông nước. Khu vực bến đò Văn Đức nước khá tĩnh, không có vụng quẩn nên xác những người nhảy cầu Chương Dương, cầu Thanh Trì thường trôi về đây.

Anh Nguyễn Văn Hùng chỉ nơi phát hiện thi thể nạn nhân. Ảnh: V.A.

Ngày phát hiện xác nạn nhân nữ không đầu, kém 1 ngày là tròn 9 tháng kể từ ngày chị Lê Thị Thanh Huyền mất tích (ngày 19/10/2013) và theo lời khai của Nguyễn Mạnh Tường sau này, chiều tối hôm đó anh ta đã cùng bảo vệ Đào Quang Khánh đem xác nạn nhân được bọc trong túi nilon ném từ cầu Thanh Trì xuống sông Hồng.

Trở lại với phần tử thi được phát hiện ngày 18/7 tại khu vực bến đò Văn Đức. Ngay khi nhận được tin báo, Cơ quan điều tra Công an Hà Nội đã khẩn trương phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân TP và các cơ quan chức năng tiến hành khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi. Người nhà nạn nhân gồm mẹ đẻ, chồng và em trai chị Huyền được phép có mặt tại hiện trường để phối hợp nhận dạng.

Tử thi được phát hiện đang trong tình trạng thối rữa, đã bị mất phần đầu, cổ, các phần tạng đã bị thối rữa và phân hủy hết, tứ chi đã rụng chỉ còn trơ xương. Kiểm tra các khớp không có vết chặt, cắt. Trên xương không có thương tích. Dựa vào những đặc điểm xương cho thấy nạn nhân là nữ giới, chiều cao từ 1m55 đến 1m60, thời gian chết khoảng 8-10 tháng. Điểm bất thường ở tử thi ở chỗ trên quần của nạn nhân có nhiều vữa bám rất dày và chặt.

Người nhà chị Lê Thị Thanh Huyền qua nhận diện đều không khẳng định được đó là chị Huyền. Riêng bà Nguyễn Thị Hiền, mẹ đẻ nạn nhân cho biết, linh tính mách bảo bà rằng đây là thi thể chị Huyền. Tuy nhiên bà không dám khẳng định chính xác vì khi mất tích, chị Huyền có mặc áo chấm bi. Trong khi chiếc áo này đã bị loang màu giống như áo hoa.

Mặc dù người nhà nạn nhân không nhận diện được song từ dấu hiệu bất thường ở vết vữa bám trên quần, cơ quan điều tra nhận định thi thể được phát hiện có liên quan đến vụ án. Cộng với thời gian tử vong của nạn nhân trùng khớp với khoảng thời gian chị Huyền mất tích và độ tuổi của xương cũng khớp với độ tuổi nạn nhân, không loại trừ thi thể này là nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền. Với nhận định này, việc khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi được tiến hành tỉ mỉ trong suốt buổi chiều ngày 18/7 và kết thúc vào tối muộn. Những người không liên quan không được phép đến gần khu vực khám nghiệm.

Với quan điểm thận trọng, cho dù đây có phải là nạn nhân Huyền hay không thì cũng cần làm rõ tung tích nạn nhân nên Cơ quan điều tra đã tiến hành lấy mẫu xương để gửi tới Viện Khoa học hình sự Bộ Công an trưng cầu giám định ADN. Phần xương giám định tốt nhất, có giá trị nhất trong công tác giám định ADN là phần xương đùi.

Về phía người nhà chị Huyền, việc lấy mẫu ADN được tiến hành đối với mẹ đẻ, bố đẻ chị Huyền và con ruột chị Huyền. Thông thường, việc giám định ADN  chỉ cần lấy mẫu của mẹ đẻ nhưng trong vụ việc này, cơ quan giám định đã lấy thêm mẫu của bố đẻ và con ruột, để kết quả giám định có độ chuẩn xác cao nhất.

Việc   tìm được xác nạn nhân Lê Thị Thanh Huyền qua giám định ADN có ý nghĩa quan trọng liên quan đến  đánh giá tính chất sự việc và xác định tội danh của đối tượng Nguyễn Mạnh Tường trong thời gian tới. Một vấn đề Cơ quan điều tra đang tiếp tục làm rõ, đó là vì sao trên quần của nạn nhân có nhiều mảng vữa bám như vậy?

PV
.
.