Tình người bạc bẽo khi đất hoá... vàng

Thứ Tư, 23/05/2012, 05:30

Chỉ cần nhìn đã biết ngay đó là phiên tòa xét xử vụ án giết người. Phần vì những vành khăn tang trắng xóa kín hàng ghế đầu dành cho thân nhân người bị hại trong phòng xử. Phần vì tấm di ảnh, bốn góc màu đen, được con gái người bị hại, tang trắng trên đầu, ôm khư khư trước ngực.
Chỉ có điều lạ là sao cô gái ấy, gương mặt không chỉ giống y chang người cha trong di ảnh mà còn giống cả kẻ đang đứng trước vành móng ngựa kia. Giống đến kỳ lạ...

Thì ra, đó là vụ án "huynh đệ tương tàn". Hai anh em ruột, cùng cha cùng mẹ giết nhau vì 48m2 đất ở Đông Anh, một huyện tuy thuộc ngoại thành Hà Nội nhưng mấy năm gần đây, mỗi tấc đất bỗng hóa tấc vàng khi một số cây cầu bắc vào thành phố được dự kiến xây dựng…

1. Dưới những hàng ghế ken đặc người phía dưới phòng xử án, chỉ có mấy nhà báo là người lạ. Còn lại, tất thảy đều là người thân, ruột rà máu mủ trong một đại gia đình. Chị gái nạn nhân, cũng đồng thời là chị gái người bị hại, một người đàn bà luống tuổi, buồn bã kể lại bi kịch của đại gia đình mình trong nước mắt đắng cay.

Nhà có cả thảy 6 anh chị em - 3 trai 3 gái. Gia đình bao đời ở Võng La, Đông Anh. Ông bà lập nghiệp ở đấy, rồi cha mẹ sinh ra ở đấy, 6 đứa con cũng lớn lên ở đấy. Đất đai hương hỏa ông bà tổ tiên để lại, dựng nhà rồi cấy trồng kiếm miếng ăn, tất cả đều ở đấy. Kẻ đang đứng trước vành móng ngựa kia là Nguyễn Công Bính, sinh năm 1972, em trai út. Còn người chết, hình trong di ảnh kia, là em trai thứ hai Nguyễn Công Minh, sinh năm 1964. Ông anh cả tóc đã trắng trên đầu cũng có mặt ở phiên tòa xử em, ngồi tận trong góc phòng, tư lự. Người chị gái cũng ngồi đấy, kề bên cô em gái út.

Sáu chị em, lớn lên trong cùng một mái nhà, thuở bé cũng yêu thương nhau như tất cả các gia đình khác. Lớn lên rồi mỗi người đều được cha mẹ dựng vợ gả chồng, ra riêng mỗi người một cơ ngơi. 4 anh em, trong đó có Bính vẫn trụ lại ở quê Võng La. Chỉ có người chị gái thứ hai và người em trai thứ hai - anh Nguyễn Công Minh là vào Nam lập nghiệp. Chị gái mang gia đình vào Nam trước, mua đất mua nhà, tìm được việc làm ở Bình Dương.

Em trai Nguyễn Công Minh, trong thời gian ở quân ngũ, không may bị thương, xuất ngũ là thương binh về quê được xã cấp cho 2 thước đất rau xanh. Thương em trai sức khỏe yếu mà công việc làm nông vất vả, chị gái đã xin cho em một suất làm việc nhẹ nhàng ở công trường thủy điện Trị An. Vậy là anh Minh rời quê vào Bình Dương ở cùng chị gái. Mấy năm sau thì anh Minh lấy vợ, mua được đất, cất được nhà ở Thủ Đức.

Rồi 4 đứa con lần lượt ra đời và lớn lên. Cô con gái đầu, người ôm di ảnh của cha, nay cũng đã ngoài 20 tuổi. Cuộc sống trong Nam ổn định, anh Minh không nghĩ đến chuyện về sống ở quê nhà. 2 thước đất rau xanh được cấp ngày xuất ngũ trở về địa phương, anh để lại cho cha mẹ già. Rồi cách đây độ chục năm, cha mẹ già tạ thế, 2 thước đất rau xanh ấy, tưởng vẫn còn đấy. Nào ngờ, em trai Nguyễn Công Bính đã bán mất, chả thèm nói với anh trai một lời.

Tôi hỏi: "Bán được tiền tỉ  không?", người chị gái khóc ròng: "Rẻ lắm cô ơi, có đáng bao nhiêu đâu mà đổi lấy một mạng người". Người cháu trai ngồi cạnh, tiếp:" Chỉ được có 45 triệu đồng".

Anh Nguyễn Công Minh lẽ ra sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện trở về sống ở quê Võng La nếu như không có một sự cố buồn xảy ra trong đời. Ấy là sự tan vỡ của gia đình riêng. Sau những mâu thuẫn không thể hòa giải nổi, vợ chồng anh chia tay nhau. Anh về sống tạm cùng gia đình người chị gái, gom góp những đồng vốn liếng dành dụm cuối cùng được 200 triệu đồng để cất cho mình một ngôi nhà riêng. Người chị kể, Minh mua nhà mất 270 triệu đồng, phải tất tả vay ngược vay xuôi 70 triệu đồng mới đủ.

Chị thương em sống một mình cơm niêu nước lọ nên ít lâu sau khi cuộc hôn nhân đầu của em trai tan vỡ, chị đã tìm cho em người vợ thứ hai. Cô gái ấy quá lứa nhỡ thì, làm cùng chị trong xưởng sản xuất mì tôm của một doanh nghiệp tư nhân ở Bình Dương, không có nhan sắc nhưng chị biết đó là một phụ nữ nết na. Mai mối thành công, hai người nên vợ nên chồng. Anh Minh ngày ngày chạy xe ôm để đỡ đần vợ thêm đồng rau đồng cháo.

Rồi thêm một đứa con nữa ra đời, vợ phải tạm nghỉ làm ở xưởng mỳ tôm ở nhà trông con, gánh nặng áo cơm dồn hết lên đồng tiền ít ỏi kiếm được từ những cuốc xe ôm mưa nắng mỗi ngày, lại thêm món nợ mua nhà 70 triệu đồng phải trả nữa khiến cảnh nhà anh Minh trở nên túng bấn. Và, đó cũng là một trong những lý do khiến anh Minh trở về Võng La, tìm lại 2 thước đất rau xanh ngày xưa.

Con 4 tháng thì anh ngược ra Bắc mà không bao giờ nghĩ rằng, đứa con còn đỏ hỏn đang nằm trong nôi kia sẽ vĩnh viễn mất cha. Về quê, anh mới biết 2 thước đất rau xanh (quy đổi bằng 48m2) ấy đã bị đứa em trai út Nguyễn Công Bính bán mất từ lâu. Tiền tiêu hết lâu rồi, Bính cãi cùn rằng chỉ còn có quan tài để trả thôi, có lấy thì lấy. Người chị gái bảo, nhà Bính to đẹp lắm, khang trang lắm, Bính có khó khăn đâu mà tham đến thế. Anh Minh tức, lời qua tiếng lại, anh em cãi vã nhau. Đại gia đình họp 5 lần 7 lượt, khuyên can hòa giải mãi nhưng không thành, cuối cùng phải nhờ đến chính quyền.

UBND xã Võng La, huyện Đông Anh đã tổ chức giải quyết, khẳng định anh  Minh có cơ sở được hưởng một phần đất trên. Nhưng mảnh đất này, Bính đã bán từ năm 2009 nên không thể trả lại cho anh Minh được, đền bù tiền Bính cũng không chịu. Cứ thế, bên đòi bên không trả, riết mãi rồi chỉ còn những trận cãi vã, chửi bới nhau giữa "gà cùng một mẹ" mà còn tệ hơn cả người dưng nước lã.

Rồi khoảng 17h ngày 23/9/2011, khi Bính đang ngồi ăn cơm cùng cháu họ là Nguyễn Văn Thạch tại nhà thì anh Minh đi xe máy đến, cầm theo một con dao quắm. Nhìn thấy anh trai, Bính chạy vào trong nhà lấy một con dao tông để ở đầu giường chạy ra ngoài cửa. Anh Minh và Bính lao vào chém nhau. Anh Minh bị Bính chém rơi dao. Nhưng ngay cả khi anh Minh coi như đã bị tước vũ khí mà Bính vẫn  tiếp tục lao vào chém anh Minh nhiều nhát vào đầu, cổ, má và tay.

Sau này kết quả khám nghiệm tử thi của Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Tp Hà Nội cho thấy, anh Minh đã bị Bính chém 14 nhát, trong đó có vết thương ở cổ trái cắt đứt toàn bộ cơ ức đòn chùn bên trái, cắt đứt toàn bộ động, tĩnh mạch cảnh trái gây mất máu.

Nhưng dã man hơn là khi thấy anh trai bỏ chạy ra ngoài cổng thì gục xuống, Bính liền cầm chân anh kéo ra ngoài cổng nhà mình rồi bỏ mặc ở đấy, không đưa đi cấp cứu. Hội đồng xét xử hỏi tại sao, Bính không trả lời được, chỉ im lặng cúi đầu. Trong lúc đánh nhau, Bính cũng bị anh Minh chém bị thương. Sau khi giấu con dao tông vào chuồng chó nhà mình, Bính đến Bệnh viện Nam Thăng Long, huyện Từ Liêm, Hà Nội sơ cứu vết thương. Trên đường trở về, Bính đã bị công an bắt giữ.

Hội đồng xét xử thẩm vấn đến đâu thì tiếng khóc của những người thân trong gia đình của bị cáo cũng là của bị hại nức nở đến đó. Những nỗi đau chồng lấn lên nhau dường như quá sức chịu đựng của họ. Mất một mạng người đã là nỗi đau lớn, không gì bù đắp được. Đằng này, trong cuộc chiến "huynh đệ tương tàn", không chỉ thế, còn mất hết cả tình người. Trong phiên tòa, cháu ruột nhìn chú bằng ánh mắt căm phẫn kẻ đã cướp đi mạng sống của cha mình. Chị em một đằng con chú, một đằng con bác bỗng dưng chia thành hai chiến tuyến. Vợ và các con anh Minh nhất định không chịu nhận khoản tiền bồi thường 10 triệu đồng do em dâu tự nguyện đem đến trước ngày mở phiên tòa và trước Tòa đề nghị Hội đồng xét xử hãy xử lý nghiêm bị cáo theo đúng pháp luật.

Phiên tòa diễn ra đúng vào ngày nắng nóng gay gắt nhất của tháng 5/2012 nhưng cái nóng của thời tiết cũng không nóng bằng không khí phiên tòa, bằng những ánh mắt nhìn nhau hình viên đạn giữa những người cùng chung huyết thống. Bản án 20 năm tù giam mà Tòa tuyên phạt đối với Bính cuối cùng dường như cũng không làm cho không khí dịu lại. Thoáng nghe đâu đây trong phòng xử có tiếng nói, phẫn nộ và đầy quyết liệt: "Sẽ kháng cáo"…

2. Rất tiếc, vụ án Nguyễn Công Bính không phải là trường hợp hi hữu. Ngay tại phòng xử này của Tòa án Nhân dân Tp Hà Nội cũng đã từng có những phiên tòa đắng lòng như thế. Nhìn con gái anh Minh khóc ròng ôm di ảnh của cha, tôi nhớ đến phiên tòa xét xử vụ án em trai dìm chết chị ruột ở bãi sông Hồng mấy năm trước. Hà con gái chị Lan, người bị hại cũng trạc tuổi con gái anh Minh, cũng ôm di ảnh của mẹ, nức nở khóc trong phiên tòa xử người cậu ruột, kẻ đã cướp đi mạng sống của mẹ em.

Gia đình chị Lan nghèo lắm, lại ly thân với chồng, một mình phải nuôi 3 đứa con. Biết gia cảnh chị ruột túng thiếu nhưng Nguyễn Đức Thuận nhất định không chịu chia cho chị gái một phần mảnh đất thừa kế của cha mẹ ở phường Ngọc Thụy, Long Biên. Đòi mãi không được, mẹ Lan của em phải nhờ đến pháp luật phân xử.

Tòa án tuyên mẹ con chị Lan được hưởng một nửa phần đất ấy, Thuận phải chịu nhưng tức tối, phẫn uất lắm. Do hoàn cảnh quá khó khăn, mấy mẹ con định bán phần đất đó đi để mua một căn nhà nhỏ hơn, phần tiền dư ra sẽ làm kế sinh nhai nhưng Thuận phá đám bằng cách cứ có khách đến xem đất là Thuận chửi. Thậm chí, nhiều lần Thuận còn dọa sẽ giết cả mấy mẹ con.

Nguyễn Đức Thuận đã bị tuyên án tử hình.

Mà Thuận không dọa. Thuận giết thật. Buổi sáng ấy, như thường lệ, hai mẹ con chị Lan ra bãi ngô ven sông Hồng thuộc tổ 36 phường Ngọc Thụy, quận Long Biên để làm đồng thì Nguyễn Đức Thuận bỗng xuất hiện. Vẫn xung quanh chuyện bán đất, Thuận chửi bới hai  mẹ con chị Lan không tiếc lời. Uất ức chị Lan cãi lại và hai bên xảy ra xô xát.

Trong cơn điên cuồng, Thuận đã dồn đuổi chị gái ra sát mép nước sông Hồng. Do sức yếu chị Lan không thể nào thoát khỏi sự truy đuổi của Thuận và tại mép sông khi đuổi kịp chị, Thuận đã lấy hết sức đẩy chị gái ruột, một phần máu thịt của chính mình ra xa bờ khoảng hơn một mét xuống sông. Nước sông dâng lên ngập đến qua vai chị Lan và trong cơn tuyệt vọng, chị Lan vừa vùng vẫy dưới nước vừa kêu cứu. Nhưng thay vì cứu chị thì dã man đến mất hết cả tính người, Thuận đã dùng tay vít đầu và ấn thật lực vào hai bả vai chị Lan để dìm chị xuống sâu hơn. Nước ngập đầu, biết chị Lan đã nghẹt thở nhưng Thuận vẫn không chịu buông tay mà cố ghìm giữ thêm khoảng 5 phút nữa với mục đích để cho chị gái mình chết hẳn. Con gái chị Lan do không biết bơi nên không dám nhảy xuống sông cứu mẹ mà chỉ biết đứng trên bờ  khóc lóc thảm thiết để cầu xin cậu.

Hà kể lại rằng, em đã hét đến lạc cả giọng: "Cậu Thuận ơi, cứu mẹ cháu với, đừng giết mẹ cháu. Lôi mẹ cháu lên bờ đi không mẹ cháu chết mất!". Nhưng vô vọng. Thuận vờ như không nghe tiếng, quay gót bước đi, ra khỏi bãi sông về nhà, bình thản thay quần áo, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Người đàn ông ấy mang hình hài của con người nhưng có trái tim của loài cầm thú.

Chị Lan bị nước cuốn trôi. Mãi mấy ngày sau người dân quanh vùng mới vớt được xác chị.

Một câu chuyện đau lòng khác, cũng vì đất, mới xảy ra cách đây ít lâu thôi, tại Long An. Nguyễn Văn Lích do tranh chấp với mẹ về đất đai đã chích điện vào người mẹ già khiến bà bất tỉnh.

Mà thôi, kể làm gì nữa cho thêm đắng lòng những câu chuyện đánh mất tình người. Khi đất đai hóa vàng thì tình người trở nên bạc bẽo, yêu thương trở thành xa xỉ. Mong làm sao, đừng có thêm những bi kịch ấy, bi kịch cạn tình vì… đất

T.N.H.T.
.
.