Tình trạng tự tử tại hãng Renault

Thứ Năm, 12/04/2007, 10:00
Khi giở tờ Le Monde ngày 2/2/2007, tức 3 tháng sau khi chồng tự tử, Sylvie không biết nên giận dữ hay sửng sốt. Kết luận của cuộc điều tra đã được đưa ra trước đó 2 tuần, thế mà chỉ qua báo chí bà mới được biết.

Sylvie thật khó mà tin nổi. làm thế nào cuộc điều tra lại kết thúc vì nó chưa được bắt đầu. Thật ra nhân viên điều tra của CPAM đã tìm cách liên hệ với bà. Sylvie đã kể lại tất cả bi kịch của mình với nhân viên điều tra của CPAM.

Từ ngày chồng chết, tức 20/10/2006, ngày tháng cứ trôi qua mà bà không hề được biết về lý do đã khiến chồng bà, kỹ sư Antonio 39 tuổi, phải nhảy từ cửa sổ tầng 5 trụ sở Technocentre của Hãng Renault xuống đất trước mặt các đồng nghiệp.

Nếu vụ tự tử được xem như là tai nạn lao động, hãng phải trợ cấp cho bà. Nhưng đó không phải là lý do. “Tôi quyết định không chịu bó tay chỉ vì tôi muốn con trai tôi biết được nguyên nhân đã khiến cha nó tự tử”.

Còn luật sư của bà, ông Rachel Saada, nhận xét: “Chúng tôi nhất quyết đấu tranh với kết luận điên rồ của CPAM và làm thủ tục để kiện Hãng Renault”.

Quá trình tố tụng đó chỉ là sự kéo dài cơn ác mộng của Sylvie từ khi chồng bà chết. Bức màn im lặng và sự chối bỏ thực tế bao quanh tình trạng tự tử, nhất là trong thế giới lao động, đã biến nỗi đau thành cực hình.

Lúc vụ việc xảy ra, Hãng Renault đã chần chừ thông báo với gia đình. Khi viên cảnh sát đảm trách việc điều tra đến hiện trường, ông ta có hỏi bà Sylvie đã được thông báo chưa. Người ta trả lời một cách mập mờ. Sau nhiều giờ, viên cảnh sát quyết định tự làm việc đó.

Tuần sau đó, Sylvie định lấy lại những vật dụng cá nhân của chồng gồm chìa khóa nhà và xe, các bức vẽ của con bà. Nhưng viên phụ trách xã hội của hãng lại không cho bà lấy, lấy cớ là cảnh sát đã niêm phong. Mười ngày sau, Sylvie tìm đến Sở Cảnh sát Guyancourt.

Cảnh sát khẳng định rằng, không hề niêm phong. Và viên phụ trách xã hội lại bảo: “Họ vừa gỡ niêm phong. Có một hộp đồ cho bà ở ngoài phòng tiếp tân”. Nhưng trong hộp lại thiếu nhật ký điện tử của chồng bà. Sau nhiều lần đòi hỏi, cuối cùng nhật ký cũng được trả lại cho bà, nhưng lại hoàn toàn trống rỗng.

Từ khi chồng chết, Sylvie phải chịu đựng mọi sự tắc trách của Hãng Renault.  Nhất là cách thức mà một vài viên chức trong ban giám đốc gán nguyên nhân của vụ tự tử là vấn đề cá nhân. Những lời ám chỉ thô thiển về một vụ kiện ly dị tưởng tượng.

Cách thức gạt bỏ tất cả những việc nhỏ nhặt trong đời sống thường ngày của ông Antonio tại hãng đã dẫn đến việc ông tự tử. “Nếu những sự chểnh mảng đó là có thật thì tôi rất lấy làm tiếc. Tôi sẽ cho kiểm tra lại. Dù sao đó cũng không phải là phương cách quan hệ nhân lực của chúng tôi” - Giám đốc Antoine Lepinteur của Technocentre cho biết.

Cho đến khi chết, Antonio có một công việc bình thường, chẳng có điều tiếng gì. Các đánh giá thường niên của 3 kỳ cuối cùng rất đáng ca ngợi. Nhưng tình hình bắt đầu trở nên tệ đi từ tháng 9/2006.

“Ông ấy cảm thấy bị dòm ngó thường xuyên, dường như chỉ một lỗi nhỏ cũng sẽ bị khiển trách. Công việc đối với ông ấy trở thành một nỗi ám ảnh đáng sợ. Ông ấy ngày càng đi làm về trễ hơn. Vào cuối  tuần, ông ấy thường gọi điện cho các đồng nghiệp để hỏi về một hồ sơ nào đó” - bà Sylvie cho biết.

Ít lâu sau cấp trên định phái ông đi công tác tại Roumanie trong 18 tháng. Antonio không dám từ chối, nhưng lại lo lắng khi để vợ con ở nhà. Dạo ấy, hình như mỗi đêm ông chỉ ngủ được 2 giờ và sụt mất 8kg.

Buổi sáng hôm xảy ra bi kịch, ông đã suy sụp đến mức bà Sylvie định giữ ông ở nhà để cùng đến bác sĩ. Nhưng ông không chịu, bảo rằng có một cuộc họp rất quan trọng vào lúc 8 giờ.

Nhiều nhân chứng cho biết, cuộc họp đã không mấy tốt đẹp. Ông không thể biện hộ mỗi khi bị cấp trên chỉ trích. Những lời phê bình ngày càng nhiều hơn. Đến 10 giờ, Antonio nhảy qua cửa sổ tầng 5 trước mặt hàng chục người.

Khi biết được tin, cấp trên của ông đã phải vào viện cấp cứu vì bị sốc. Kể từ đó, có thêm 2 nhân viên nữa của Technocentre đã tự tử vào ngày 22/1 và 16/2/2007.

Viện Kiểm sát đã ra lệnh xem xét lại toàn bộ hồ sơ vụ việc. Trong Hãng Renault, mọi người bắt đầu lên tiếng, mọi thái độ đã thay đổi. Nên biết rằng trong trường hợp có xảy ra tự tử tại nơi làm việc, chính ban giám đốc phải đưa ra các chứng liệu cho thấy rằng không hề có mối liên quan giữa vụ việc và môi trường lao động.       

Sau 3 vụ tự tử vừa kể trong vòng 2 năm (chưa tính 1 vụ tự tử hụt), các nghiệp đoàn cho rằng đó là hậu quả của cường độ làm việc quá mức. Ngày 16/3 vừa qua, Tổng giám đốc Carlos Ghosn yêu cầu trợ lý  soạn ra một kế hoạch hoạt động để nhằm cải thiện lại tình hình.

Kế hoạch này gồm các biện pháp cải thiện điều kiện lao động và lên kế hoạch hoạt động tốt hơn. Ngoài việc bổ nhiệm một giám đốc mới của Technocentre, kế hoạch còn dự trù tuyển thêm 110 chuyên gia về ngành ôtô sản xuất vào năm 2007 và 2008, cũng như tăng cường các chương trình đào tạo ưu tiên về tin học, quản trị kinh tế và Anh ngữ. Kế hoạch còn quy định mỗi đơn vị lao động phải có 1 buổi họp tuần và có “1 ngày của nhóm” nhằm khuyến khích cơ hội giao tiếp và hỗ trợ

Minh Luân (tổng hợp)
.
.