Toà án Anh xử vụ đưa hối lộ đầu tiên ở nước ngoài

Thứ Tư, 06/10/2010, 18:55
"Đây là trường hợp đầu tiên cơ quan tố tụng mở phiên tòa xét xử hoạt động phi pháp của một công ty Anh bên ngoài khuôn khổ đường biên giới quốc gia, cũng như sự vi phạm nghiêm trọng nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ", ngài Richard Oldarman, Giám đốc Cục Điều tra gian lận thương mại và lừa đảo tài chính thuộc Bộ Nội vụ Hoàng gia Anh, cho các đại diện của giới truyền thông biết trong cuộc họp báo định kỳ ngoài trời mới đây.

Theo cáo trạng của Viện Công tố London, trong giai đoạn từ đầu năm 1993 đến hết 2001 Công ty Xây dựng Mabey & Johnson đã đưa hối lộ cho các quan chức ở Ghana thuộc châu Phi và Jamaica thuộc châu Mỹ, hòng đoạt được các hợp đồng xây cất cầu cống. Kế tiếp là từ ngày 1/5/2001 đến ngày 1/11/2002 đã mua chuộc các đại diện của thể chế độc tài Saddam Hussein ở Iraq, ngõ hầu lọt vào danh sách các công ty có tên trong kế hoạch "đổi dầu lấy lương thực".

"Sự hối lộ do Mabey & Johnson thực hiện, cũng như các hoạt động mờ ám tương tự từ các hoạt động kinh doanh ở nước ngoài đã ảnh hưởng tới uy tín của nước Anh trước cộng đồng quốc tế", Chánh tòa Jeffrey Reyvlin nhận định trong phiên xử.

Cuộc điều tra chính thức được khởi sự từ đầu năm 2007 với sự hợp tác tích cực từ ban lãnh đạo mới của Mabey & Johnson. Thực ra vụ án động trời này bị phanh phui hết sức tình cờ, sau khi 5 thành viên thuộc Hội đồng quản trị cũ của Mabey & Johnson đột ngột xin từ chức, để lại "lỗ hổng kinh phí" đáng ngờ khiến ban lãnh đạo mới của công ty buộc phải cầu cứu đến Cục Điều tra gian lận thương mại và lừa đảo tài chính. Các tài liệu do công ty tự nguyện cung cấp đã bóc trần phương thức đưa hối lộ có hệ thống nhằm giành được hợp đồng làm ăn ở nước ngoài, thậm chí còn tồn tại cả dạng "quỹ hối lộ" nữa.

Tổng cộng tại Ghana, Jamaica và Iraq người của Mabey & Johnson đã đưa lót tay 1 triệu bảng Anh, đổi lại số hợp đồng trị giá 60 triệu bảng. Trong hồ sơ lưu trữ còn có bản "hoạch định chiến lược" do một giám đốc cũ soạn thảo, ghi: "Cần phải thiết lập những mối quan hệ gần gũi. Việc sử dụng tay trong nội gián là hết sức quan trọng để tạo niềm tin trước mỗi hợp đồng sắp được ký".

Do hoạt động phi pháp tiến hành bên ngoài lãnh thổ Vương quốc Anh, nên các đương sự từng liên quan không bị truy cứu trách nhiệm theo luật định. Phán quyết của Tòa án London chỉ tuyên phạt thuần túy về mặt kinh tế. Tổng cộng Công ty Mabey & Johnson phải nộp 6,6 triệu bảng gồm 3,5 triệu tiền phạt, tịch thu sung công quỹ số tài sản tiếp tay cho hoạt động phi pháp trị giá 1,1 triệu bảng; đồng thời phải chi trả số tiền bồi thường cho các chính phủ ngoại quốc bị thiệt hại liên đới, cụ thể là Ghana - 658 nghìn bảng, Jamaica - 139 nghìn bảng và Iraq - 618 nghìn bảng.

Trụ sở công ty Mabey & Johnson.

Ngoài ra, công ty cũng phải trang trải 350 nghìn bảng chi phí phục vụ công tác điều tra, cũng như 250 nghìn bảng khác cho các thanh tra viên đặc biệt - những người sẽ chuyên theo dõi mọi hoạt động của công ty trong vòng một năm kế tiếp.

"Những điều xảy ra trong quá khứ thật đáng hổ thẹn - ngài Peter Lloyd, tân Giám đốc điều hành Mabey & Johnson thừa nhận - Phán quyết ắt ảnh hưởng ít nhiều tới thực trạng tài chính hiện có. Nhưng chúng tôi quyết chí vượt qua tất cả, cố gắng ổn định lực lượng lao động nhằm thúc đẩy công ty phát triển".

Còn ngài Giám đốc Cục trưởng R.Oldarman cho biết thêm: "Căn cứ vào những tài liệu thu được tại trụ sở chính của Mabey & Johnson ở thành phố Reding, Cục Điều tra gian lận thương mại và lừa đảo tài chính đang xúc tiến bóc trần các hoạt động đưa hối lộ tại nhiều quốc gia khác. Tạm thời chỉ cho phép tôi nêu tên một vài quốc gia mà công ty này từng hoạt động như Madagascar, Angola, MozambiqueBangladesh"

T.Q.Long (tổng hợp)
.
.